Doãn Dũng bị văn chương ám ảnh từ bé

Thứ tư - 25/04/2012 05:57 4.553 0

Tác giả Doãn Dũng.

Tác giả Doãn Dũng.
Công việc kinh doanh bận rộn nhưng thi thoảng vẫn thấy ông chủ hãng thời trang nổi tiếng tham gia các trại sáng tác văn học. Tháng 4/2012 một mình Doãn Dũng lái ôtô từ Hà Nội vào Phú Yên để… viết văn.

Anh cũng là một trong những trại viên chấp hành nội quy của trại tốt nhất, cặm cụi viết và lưu lại trại viết 100% thời gian. Doãn Dũng đánh giá cao một người thành công hơn là một người thành đạt, bởi theo anh, thành công bao gồm nhiều giá trị khác nhau của con người.

Thời trang là nghề, văn chương là nghiệp

- Anh có rất nhiều nickname khác nhau, từ Doãn Dũng của văn chương, Vũ Anh của thời trang đến Cao Sơn của phượt… có phải đó là một cách phân vùng các “không gian sống” khác nhau?

- Đúng thế. Đấy là nghệ thuật sống, nghệ thuật giấu mình. (cười)

- Tại sao lại phải giấu mình, khi mà cuối cùng thì người ta vẫn biết đấy là anh?

- Giấu mình đối với bản thân thôi (cười). Mình nghĩ mình là ai thì sẽ có thái độ, cách cư xử tương ứng với cộng đồng. Viết văn, tôi là Doãn Dũng nghe nhiều nói ít. Kinh doanh, tôi là Nguyễn Vũ Anh quyết liệt và mưu mẹo. Phượt, tôi là Cao Sơn cả đời rong ruổi như chạy trốn đời. Nhầm lẫn các vai là lố ngay. Như các cụ bảo đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Mấy cái danh xưng kia chỉ là cái áo, mà áo thì phải thay đổi chứ!

- Như vậy trong cách tổ chức cuộc sống của anh, yếu tố rạch ròi là tiên quyết?

- Rạch ròi trong cuộc sống quá cũng không tốt, như thế đôi khi mình không thông cảm được cho người khác và ngược lại. Biết vậy nhưng tính tôi thế rồi nên có điều chỉnh cũng chỉ được tí ti.

- Trong thời “loạn chuẩn” này rất khó để chọn một thái độ sống, anh đã chọn thái độ nào?

May mắn là tôi xác định được thái độ sống khi còn trẻ. Điều này ít bạn trẻ xác định được. Nhiều người đến già mới ngộ ra thì quá muộn, một số tặc lưỡi chấp nhận sống nốt, số khác vội vã thay đổi nhiều khi thành mất nết.

Năm 1990, khi ấy tôi mới 19, đã xác định rõ cho mình 2 nhiệm vụ ngắn hạn phải hoàn thành trong giai đoạn phục vụ quân đội: 1 là phải tập đánh máy chữ (ngày ấy chưa có computer); 2 là phải biết lái ôtô. Cả trung đoàn có một chiếc máy chữ của phòng bảo mật, cứ đến chủ nhật, ngày nghỉ tôi xin cậu nhân viên bảo mật dạy tôi gõ. Về nguyên tắc là không được, nhưng trung đoàn trưởng biết chuyện cũng thông cảm, tạo điều kiện và dặn dò cẩn thận để khỏi vi phạm. Song song với việc học máy chữ, tôi hay xin đi theo cánh hậu cần, kỹ thuật để học hỏi cách lái xe.

Đấy chính là thái độ sống đấy. Lên kế hoạch và quyết liệt thực hiện. Những năm về sau tôi có kế hoạch chi tiết hơn, cho từng giai đoạn, từ làm việc kiếm sống đến chơi bời hưởng thụ. Tóm lại là sống cho ra sống.

- Thế kế hoạch hiện tại của anh là gì?

- Năm nay tôi mới xây dựng xong kế hoạch sống của mình cho giai đoạn từ 50 tuổi đến 60. Còn bây giờ đang thực hiện kế hoạch 40 đến 50 mà tôi lên nhiều năm trước. Không khác nhiều so với tuổi 30. Vẫn là làm việc, gia đình và các trò tiêu khiển cá nhân.

Đến giai đoạn 50 tuổi tôi sẽ làm ít hơn và dành nốt thời gian còn lại với một chiếc du thuyền và các cháu. Và giờ chuẩn bị cho việc đó tôi đã mua nhà ở miền trung, miền nam đều có bến thuyền rồi. Nghỉ hè tôi muốn tự mình lái thuyền đưa các cháu xuôi nam ngược bắc, kể chuyện cho các cháu về những vùng đất lạ. Tôi nghĩ là các cháu sẽ ngưỡng mộ ông lắm, và tôi thích thế.

- Cách hiểu của riêng anh về khái niệm “người đàn ông thành đạt”?

Đàn ông thành đạt là một khái niệm đơn giản, nó thuần túy chỉ một người đàn ông có vị trí xã hội, trong lĩnh vực công việc. Cũng có đôi lần tôi trả lời phỏng vấn rằng tôi không đánh giá cao sự thành đạt. Tôi đặt khái niệm thành công cao hơn, nó bao gồm cả cuộc sống của mình với nhiều giá trị khác nhau.

- Người ta biết đến một Doãn Dũng của Ivy và một Doãn Dũng của "Me Tây", anh đến với thứ nào trước, thời trang hay văn chương?

Thời trang là nghề, văn chương có lẽ là nghiệp. Nghề chắc chắn hình thành sau nghiệp rồi. Từ bé tôi đã bị ám ảnh là sau này sẽ viết văn, tôi thích viết.

- Có một lý do riêng tư nào để anh đến với văn chương?

- Không, tôi không thấy mình buộc phải có sứ mệnh gì đấy trong văn chương. Như trên tôi đã nói, văn chương chỉ là một kênh chia sẻ thôi, và có lúc tôi chọn kênh chia sẻ khác chứ không cứ phải văn chương.

- Thời trang và văn chương, nhìn một cách đơn giản thì một thứ là chăm chút cho vẻ bề ngoài còn một thứ là chăm chút cho những cái bên trong, có phải anh viết văn để tìm cho mình một trạng thái cân bằng?

Điều ấy là chắc chắn rồi. Nó như một sự chia sẻ với người đọc. Ai cũng có nhu cầu chia sẻ, vấn đề là họ chọn nội dung và phương pháp gì để chia sẻ.

- Nghe nói có những người từ chỗ hâm mộ những gì anh viết trở thành khách hàng thời trang của anh?

- Nói đúng hơn viết là một kênh giao lưu với khách hàng. Một cách vô thức, khách hàng đã xác lập mối quan tâm tới con người đứng đằng sau sản phẩm mà họ sử dụng. Tôi nghĩ đấy là hạnh phúc, sự thành công nhất định của người làm kinh doanh.

Tận cùng của văn là võ

- Một số bạn văn tỏ ra ngạc nhiên khi thấy anh kiếm tiền tốt mà vẫn giữ được phong thái nhàn tản, không có vẻ tất bật như nhiều doanh nhân khác?

- Tôi ăn rất nhanh. Người ăn nhanh không bao giờ là người nhàn tản cả. Nếu anh gặp tôi khi tôi là con người của văn chương thì có thể sẽ có cảm giác đó. Còn gặp tôi trong môi trường kinh doanh sẽ khác.

- Anh thu nạp được gì từ những trại viết?

- Nhiều thứ. Biết thêm các bạn văn và học hỏi lẫn nhau.

- Dấn sâu vào giới văn chương anh có nhận ra điều gì thú vị hoặc… vô vị?

- Võ sư Ngô Xuân Bính có nói: Tận cùng của võ là văn. Tôi lại nghĩ: Tận cùng của văn là võ. Dùng võ của văn thế nào thì tùy mỗi người thôi.

- Đọc những truyện ngắn khá nghiêm ngắn của anh gần đây, nhiều người ngạc nhiên khi biết người viết ra chúng là tác giả “Me Tây” với những trang viết đầy ắp hài hước?

- Vì tôi coi viết là sự chia sẻ, nên những thứ kém tính văn chương cũng là sự chia sẻ. Mục đích vẫn thế, phương tiện khác nhau thôi nên không có gì phải ngạc nhiên đâu.

Anh đã có ý định in cuốn sách tiếp theo sau “Me Tây”?

- Sau Me Tây còn có cuốn Bốn Đờ, nhưng nói thật với anh là tôi để đấy 3 năm rồi chưa in mặc dù nhà xuất bản giục ời ời. Tôi đợi thêm hai ba cuốn nữa rồi in một thể cho xôm.

- Anh muốn tạo thành hiện tượng?

- Không. Không có ý định đó. Việc chia sẻ các bài viết, truyện ngắn thì đã làm rồi, trên báo hay các trang mạng. Vấn đề còn lại chỉ là tập hợp in thành tập, dành cho những độc giả mới thôi mà. Tôi đợi để làm một thể cho đỡ lích kích thôi.

- Trong sự thành công của anh có một gia đình hạnh phúc, bí quyết riêng của anh để duy trì tổ ấm?

- Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Thành bại là ở người vợ, mình chỉ hỗ trợ thôi. Đừng phá cũng là một sự đóng góp rồi.

- Nếu bị vợ phát hiện ra “ngoại tình”, anh sẽ xử sự thế nào?

- Phụ nữ thông minh là người không bao giờ đuổi cùng giết tận. Vợ tôi thông minh hơn tôi ấy chứ. (cười)

- Một sự nghiệp vững vàng, một gia đình yên ấm, bên cạnh đó là rất nhiều đam mê cá nhân, có vẻ như anh đang xây dựng một hình mẫu “Mr Hoàn hảo”?

- Tôi thích là người đàn ông thành công hơn.

Doãn Dũng tên thật là Nguyễn Vũ Anh sinh năm 1971 tại Hà Nội. Cử nhân luật. Chủ thương hiệu thời trang Ivy Moda. Ngoài kinh doanh thời trang, anh còn là một blogger nổi tiếng. Năm 2008, anh đã tập hợp các bài viết trên blog để xuất bản tập truyện ngắn và tạp bút có tên “Me Tây” được bạn đọc yêu thích bởi tính hài hước và góc nhìn độc đáo từ những kỷ niệm riêng tư đến những vấn đề xã hội. Doãn Dũng cũng đã có truyện in trên Văn NghệVăn Nghệ Quân Đội.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây