Dư Thị Hoàn - Người khát tìm sự thật và sáng tạo

Thứ tư - 02/12/2009 22:01 3.385 0

Nhà thơ Dư Thị Hoàn

Nhà thơ Dư Thị Hoàn
Năm 1988, khi cao trào đổi mới của văn học Việt Nam sau 1975 đang diễn ra mạnh mẽ, “Lối nhỏ” ra đời. Dòng chảy ồ ạt của văn xuôi với nhiều hiện tượng như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… tưởng như lấn át thơ, Dư Thị Hoàn vẫn gây ấn tượng bởi bước chân nhẹ nhàng mà đầy dấu ấn trên “Lối nhỏ” vào thơ.
Với “Lối nhỏ”, nhà thơ Dư Thị Hoàn đánh dấu bước chuyển của thơ Việt đổi mới cùng nhiều hiện tượng thơ nữ khác như Giáng Vân, Lâm Thị Mĩ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thị Mây, Phạm Thị Ngọc Liên… Chị đại diện cho “lối thơ” trở về với cá nhân. Không phải là một hiện tượng tầm cỡ, cũng không tiên đoán về sự tầm cỡ nhưng Dư Thị Hoàn là một dấu mốc, một bước ngoặt, hay là một cái gì đúng lẽ nằm trong sự vận động có tính quy luật của một tiến trình văn học.

Trên thực tế, “Lối nhỏ” đã gây ấn tượng mạnh với công chúng yêu thơ đương thời. Bài “Lối nhỏ” mở đầu tập thơ là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn thơ chưa rõ ràng song hết sức quyết liệt. Người phụ nữ ấy chấp nhận tất cả những “lối nhỏ”: lối đi chán chường, lối đi gập ghềnh sỏi đá, lối đi rung động xốn xang… với niềm tin mãnh liệt: “Chính lối này đưa em đến anh”. “Anh” là hiện thân cho lí tưởng sống, lí tưởng nghệ thuật người phụ nữ ấy đeo đuổi. Một bài thơ nhỏ tiết lộ một thái độ sống, thái độ nghệ thuật hết sức thành khẩn mà điều đó được hiện thực hóa bằng toàn bộ tập thơ. Khước từ quan niệm nghệ thuật, quan niệm thi ca truyền thống, đối thoại với thời kì các nhà thơ cố gắng đi vào đại lộ của thơ ca cách mạng, Dư Thị Hoàn lặng lẽ đi vào “lối nhỏ” thơ ca: trên hành trình đó, chị được hoài nghi, từ khước, tìm kiếm và tự vấn. Cái mới của chị là tinh thần hoài nghi (về lịch sử, quá khứ, hiện tại, dân tộc, văn hóa, thơ ca…), là nhu cầu mạnh mẽ khẳng định bản sắc cái tôi và niềm tin cá nhân.

Lối nhỏ vào đời - một khát tìm sự thật

Bước vào “Lối nhỏ”, người ta bất ngờ khi gặp diện mạo một cái tôi trữ tình khiêm nhường mà cá tính: chối bỏ đám đông, sự ồn ào, những đại ngôn, để nói tiếng nói của mình. Thế giới “lối nhỏ” thật giản dị: là thế giới của “em” - cái tôi trữ tình nhập thân, và của “tôi” - cái tôi trữ tình tự bộc lộ. So với Thơ mới (1930-1945), tiếng nói của cá nhân thành thực này không tân kì. Nhưng so với quãng im lặng của cá nhân trong bản hùng ca thơ cách mạng 1945-1975, tiếng thơ Dư Thị Hoàn đã trở thành những tiếng gọi cá-nhân-đã-mất, là sự thật đã bị vùi giấu đòi lộ hiện. Vì thế, cái tôi trữ tình trong tập thơ luôn tự vấn, luôn đi tìm sự thật, bản chất của nhân sinh, cuộc sống, tình yêu…

Cái tôi Dư Thị Hoàn luôn khát tìm chân lý cuộc sống, vì thế luôn có xu hướng đối thoại. Nhà thơ đặt câu hỏi: đâu là sự thật trong cuộc sống này? Chị nhận thức lại những vấn đề từ lớn lao đến nhỏ bé, từ cuộc sống chung đến con người cá thể. Cái tôi của chị đối diện với tổ quốc để đối thoại về giá trị của nó:
Tôi quỳ sụp trước hai tiếng hư vô
Người là ai?
Uy nghiêm trên ngai vàng tín ngưỡng
Có giây phút nào người ái ngại
Đất đai đóng khung vì người
Tình yêu chật hẹp vì người
...
Đường viền của người thắt quặn trái tim tôi

                                                  (Tổ quốc)
Chị nhận thức lại về lịch sử dân tộc từ điểm nhìn của con người mang dòng máu Trung Hoa nhưng gắn bó với mảnh đất Việt: “Dải đất này chao đảo/ Chẳng riêng mình chị cơi đốm lửa nhọc nhằn/…/ Nếu bài thơ được viết/ Từ ngôn ngữ của một dân tộc đau khổ” (Bức thư người Hoa). Chị cảm nhận được nỗi nhọc nhằn trong sự sống thường nhật của mỗi cá thể qua một chuyến tàu: “Mỗi ngày ngần ấy chuyến/ Đoàn tàu chở bao nhiêu nỗi lo âu lên dốc” (Qua đèo Hải Vân). Và chị dường như mắc nợ những tiếng kêu thương muôn kiếp từ cuộc đời: “Khối óc tôi tàn tật/ Bởi tiếng kêu cứu dai dẳng/ Từ những số phận đang thoi thóp sống/ Từ những số phận đang đợi chờ” (Trước ban thờ). Chị còn đạt đến cảnh giới giác ngộ về lẽ đời với tinh thần an nhiên trước đau khổ (Đi lễ chùa).

Nhận thức lại về những vấn đề của cuộc sống, Dư Thị Hoàn đi thêm một bước xa hơn là nhận thức lại về con người trên phương diện cá thể, tất nhiên trong đó có nhận thức về bản thân mình. Cái tôi đó khát tìm mình - một gương mặt không lẫn với những-kẻ-khác. Nó trở trăn với câu hỏi: đâu là chân diện của mình? Và nó tự xác định bằng điểm nhìn. Điểm nhìn cá thể thể hiện ở các tư thế, tâm thế rất nổi bật của nhân vật trữ tình: “Khi em đứng tựa lan can ngắm buổi chiều tàn/ Khi em ngồi cùng cây đèn hết dầu chìm trong yên ắng/ Cả khi viên thuốc ngủ đặt em nằm oặt trên ghế băng/ Em chỉ mong có một tiếng gõ cửa” (Bước chân chậm). Rồi tiếp tục cái tôi tự xác định bằng nhận thức. Đó là nhận thức của người phụ nữ về nghịch cảnh, ngang trái trong cuộc chiến tình yêu - cũng chính là cuộc chiến của mỗi người với chính bản thân mình: “Khi tình yêu bị đẩy vào trận/ Chỉ còn cách/ Mượn họng súng để ngắm nhau” (Không đề); về chính mình qua các tình huống yêu: khi gồng mình lên “Nụ cười em lãnh đạm/ Đôi mắt em lơ đãng/ Đâu phải cho anh/ Mà để tự hành hình” (Tình lặng), khi thu mình lại như muốn biến mất: “Lẽ ra trên thế gian này/ Đừng nên có em” (Chị ấy); về những quy luật của tình yêu: sự viên mãn chính là điểm kết thúc, điểm chệch nhau trong tình yêu: “Nếu anh cũng như em/ Đòi nhau sự viên mãn/ Thì điểm gặp nhau của chúng ta/ Còn thảm hại hơn hai hòn bi” (Viên mãn).

Tinh thần khát tìm bản thể ở Dư Thị Hoàn luôn mạnh mẽ, trở thành nỗi tự vấn đau đáu. Ta gặp nhiều trong thơ chị hình ảnh người phụ nữ tự ngắm, tìm khuôn mặt mình: “Nắng và lọ hoa ngắm nhau qua khe cửa/ Gạt bèo em ngắm mình trên mặt ao” (Đừng giận em); cái tôi luôn tự họa những khả thể chân dung của mình: “Tôi sợ một người thôi/ Bắt gặp lúc này, khuôn mặt tôi trở nên quái gở” (Gửi một nhà thơ mặc áo lính), “Tôi đội mũ phớt - một đàn bà đẹp/ Khi chít khăn - hệt gã đàn ông/ Có phải không nhỉ?” (Hãy nói với tôi). Cái tôi mất ngủ trong đêm tự gặm nhấm mình: “Đêm mất ngủ ngọt ngào/ Báo tử từng tế bào vỏ não” (Đêm trắng). Ta cũng gặp rất nhiều cuộc đối thoại giữa anh và em, những đối thoại ngầm đầy khẩn thiết để người này qua người kia có thể hiểu mình, biết được khuôn mặt thật của mình: “Hãy buông xuống/ Đừng giơ bàn tay che ngọn đèn dầu/ Đừng khám phá em/ Bằng đôi mắt nấp sau bóng đêm” (Ánh lửa), “Nếu không có giọt men nồng cháy/ Chừng nào/ Anh mới thật là anh?” (Anh đấy ư?). Sự thật đó có lúc ẩn trong ánh trăng với câu hỏi tha thiết: “Trăng ở đâu?/ Em ở đâu?” (Tự khúc dưới trăng). Chân lí đó còn là “anh”, người duy nhất hiểu và thương “em” (Tâm sự quả bóng đá). Nỗi khát tìm, khám phá bản thể ở Dư Thị Hoàn là vô bờ.

Tinh thần tự vấn, tự nhận thức mạnh mẽ đó đã dẫn đến những tứ thơ bộc lộ rõ ý hướng đối thoại ở những bài thơ mượn lời sự vật, nói với sự vật, từ đó ngụ ý về sự nhận thức giá trị của cá thể. Đó là “Lời giẻ lau”: “Thân tôi bẩn cho các người sạch sẽ”,  là “Giàn hoa giấy thở than”: “Ôi!/ Giá như không có bàn tay xuẩn ngốc kia/ Trên giàn cao/ Quấn quýt bên màu xanh tình tứ/ Ta lộng lẫy mà dịu dàng biết bao nhiêu”, trò chuyện với hoa bằng lăng: “Bằng lăng ơi/ Đừng nhạo báng ta/ Dáng đi mê mải đến dại khờ/ Còn dại khờ hơn ta/ Có ngàn vạn cánh hoa/ Mê mải nở/ Giữa ồn ào phố xá”… Và câu trả lời cho giá trị của cái tôi ấy là gì? Tình thương? Sự cao quý? Sự kiêu ngạo?... Không, Dư Thị Hoàn có phần táo bạo, có phần ngông nghênh thật đấy nhưng đó chỉ là tư thế bên ngoài. Giá trị của chị thật giản dị, thật hồn nhiên: đó là một bầu không, một tầng cao mà sẽ chẳng còn mấy ai lên gõ cửa, đó là một điều gì chân chất như nhành hoa dại của sự thấu hiểu và yêu thương… Giá trị của chị là được sống như mình có, được thành thật với chính mình, song điều đó dường như là cao giá so với thời chị sống, để rồi chị bị giam hãm trong nỗi cô độc của kẻ-biết-mình.

Lối nhỏ vào thơ - một khát tìm sáng tạo

Qua “Lối nhỏ”, Dư Thị Hoàn còn đi tìm chân diện của mình trong vai trò một nghệ sĩ. Chị táo bạo thể hiện những quan niệm riêng về nghệ thuật.

Trước tiên đó là quan niệm mới về đối tượng của nghệ thuật: không còn sự kiện, lịch sử mà là con người cá thể với sự phức tạp khó lường của nó: “Nếu tôi được quyền/ Chọn em làm mẫu vẽ/ Cho tất cả những cây bút đến thi thố/ Tôi sẽ sung sướng vì kiêu ngạo/ Đề tài này khiến các danh họa sụp đổ/…/ Uy lực của em/ Một vẻ đẹp không luật lệ” (Mai), “Lẽ nào lại là em/ Hình mẫu cho nét bút diệu vợi/ Lẽ nào lại là em/ Bức chân dung sẽ hiện lên sáng chói” (Bức tranh chưa vẽ).  Thái độ tôn vinh con người cá nhân đã nói lên tuyên ngôn nghệ thuật của Dư Thị Hoàn: nghệ thuật phải hướng tới khám phá con người ở bề sâu, bề xa của nó. Chị ví đối tượng của thứ nghệ thuật cao xa, nghệ thuật có thiên hướng lãng mạn hay sử thi giống như những ngôi sao rơi, người ta mê mải từ bỏ tất cả đi nhặt nó nhưng đến gần nó chỉ là “hòn đá nguội lạnh” không có hơi ấm trong cuộc đời. Chị muốn nghệ thuật trở về “đầm lầy nước mắt”, với những gì bình dị, thân quen với con người. Quan niệm này thể hiện qua mong muốn của chị trong tư cách nghệ sĩ: “Tôi mong được làm điểm tựa/ Chống chọi sức đèn nén/ Cho đòn bẩy nhấc bổng cuộc đời/ Những người xấu số” (Khi cầm bút). Vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ mà chị đặt ra cũng giống như là sự thức nhận của Nguyễn Du, của Nam Cao, của Nguyễn Minh Châu... Niềm vui của người sáng tạo trong chị là “niềm vui hoang thai”. Chị khước từ đám đông để tan vỡ ra và gặp thi ca đích thực của mình: “Tôi như một đứa trẻ/ Bị hất hàm đuổi ra khỏi đám đông”. Chị giống như người nghệ sĩ tì bà: “Ngón đàn em trăn trở/ Vần thơ em buông lửng lơ/…/ Tiếng tì bà nức nở/ Tiếng tì bà đòi nợ…”. Dư Thị Hoàn đã đem thơ trở về với lối nhỏ riêng tư, nhưng không lạc đường bởi đó cũng là lối nhỏ nhân tình.

“Lối nhỏ” là một bước chuyển của tinh thần thơ Việt Nam nhưng chưa thật mạnh mẽ để sức kéo thơ Dư Thị Hoàn đến những bến bờ xa xôi hơn của hình thức. Bởi thế, sự im ắng của nó khi đã có một độ lùi thời gian là điều không tránh khỏi. Tập thơ đến giờ chỉ còn được nhắc đến như một sự kiện văn học sử. Nhưng hình như điều đó chưa thật công bằng, với thơ ca, và với chính lịch sử: “Lối nhỏ” đã có những “khát tìm” đáng kể làm bật lên “chân lí”, “chân diện” cho thơ và cái tôi trữ tình trong thơ Việt hiện đại. Một “làn sóng” thơ nữ thời kì 1986-1991, và nối tiếp sau đó, thế hệ “thơ nữ @” ồn ào hơn, là một diễn trình đáng tìm hiểu kĩ lưỡng cả trong những vấn đề văn chương và văn hóa - xã hội. Trong đó, Dư Thị Hoàn, với “Lối nhỏ”, chính là một trong những kẻ-khai-phá và lên tiếng cho một hệ giá trị mới, bằng tiếng nói một người nữ vừa kiêu hãnh, vừa cô độc.

Tác giả: Mãng Nguyên

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây