Ngôi đình gồm 3 tòa là: Tiền Đình, Trung Đình và Hậu Cung. Mặt trước đình nhìn ra hướng Tây Bắc. Gian trung tâm có nhiều bức đại tự lớn chạm trổ hoa lá long quần. Tòa hai có các hàng cửa võng chạm rồng phượng lộng lẫy cùng bức đại tự “Thánh cung vạn tuế”. Các bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, khảm trai được treo ở các cột và trước ban thờ ca ngợi công đức của ba vị thần thờ ở Hậu Cung là: Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân Công chúa. Đặc biệt, đến nay, đình Đa Ngưu còn giữ được 100 cây cột lim chạm trổ tinh xảo. Trước và sau đình có hai giếng Ngọc trồng sen. Những ngày hè hương sen tỏa thơm ngát. Vào ngày hội làng hằng năm (10 đến 12-2 âm lịch), các vị bô lão thường làm lễ tắm rửa cho các ngai trong điện thờ ở hai giếng Ngọc. Phía đông đình là nhà tiên lão-nơi thờ cúng những người có công với nước, phía tây là Khánh Vân Tự.
Không chỉ là một danh lam, đình Đa Ngưu còn là chứng nhân của những sự kiện lịch sử. Phó Đức Chính – một trong những lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng đã đem tổ chức của mình về đây gây dựng cơ sở chuẩn bị chống Pháp. Năm 1929 – 1930, đình Đa Ngưu là nơi diễn ra các cuộc họp để nghe cán bộ Việt Minh tuyên truyền về Cách mạng Tháng Mười Nga… Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa và kiến trúc, đình Đa Ngưu đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1995. Trải qua bao dâu bể của thời gian, ngôi đình Đa Ngưu ngót 500 tuổi vẫn đứng vững như muốn “thi gan cùng tuế nguyệt” và là một điểm đến của nhiều du khách khi đặt chân đến mảnh đất Hưng Yên.
Nguồn tin: QĐND
Ý kiến bạn đọc