(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)
Nhân có đoàn khách tỉnh Bình Thuận vào thăm, chúng tôi cùng khách ra tham quan vùng ven biển Bạc Liêu. Bờ biển Bạc Liêu chỉ cách nội ô thành phố khoảng 6 - 7 cây số. Nhưng bờ biển Bạc Liêu có gì và có gì khác bờ biển Bình Thuận? Chúng tôi nói với các anh em trong đoàn đi cùng là có khác, có khác mới giới thiệu với khách chứ!
Bờ biển Bình Thuận dài gần 200 cây số gấp 4 lần Bạc Liêu, trải đầy cát vàng mịn màng và tắm mình trong màu nước biển xanh biếc. Còn bờ biển Bạc Liêu đầy bùn sình, đi lún tới nửa đầu gối, ra xa khoảng vài trăm mét có cát nhưng là cát đen nếu khai thác cũng chỉ để dùng san lấp nền; nước biển nâu đen đục ngầu phù sa; không ai ra biển Bạc Liêu tắm trừ khi muốn nghịch nước. Nhưng bờ biển Bạc Liêu trong những năm gần đây, đã có nhiều người đến và hứa hẹn sẽ càng có nhiều người đến nữa. Trước hết đó là những người hành hương, đến chiêm bái Phật Bà Quan Âm Nam Hải. Sừng sững đứng ở ven biển cao hơn mươi mét và nhìn ra biển Đông, tượng Phật Bà Quan Âm Nam Hải không chỉ như ngọn hải đăng tỏa ánh hào quang soi sáng bến bờ Bạc Liêu mà như nhiều người tin tưởng, Bà còn là từ mẫu dang rộng vòng tay che chở cho đất và người Bạc Liêu khỏi những cơn sóng dữ trong nhiều năm qua. Bão tố nổi lên ở biển Đông nhiều khi cũng đã nhắm hướng đến Bạc Liêu nhưng gần tới bờ biển Bạc Liêu bỗng trở nên ngoan hiền như cậu đồng tử bảy tuổi chấp tay quỳ trước mặt mẹ Quan âm. Cơn bão số 5 năm 1997 từng được dự báo sớm là trực chỉ vào ĐBSCL nhưng khi vừa chạm bờ biển Bạc Liêu, làm hư hại một số nhà cửa, cây cối, bão bỗng kịp gài số de, không chạy rấn sâu vào đất liền nữa mà đổi hướng chạy dọc bờ biển Cà Mau. Kể từ khi ấy đến nay, người ta chuyền tai nhau đất Bạc Liêu có “Bà đỡ” và người về chiêm bái Phật Bà ngày càng đông.
Nhưng người Bạc Liêu còn tự hào thêm nữa khi ở bên Phật Bà còn có Thần Gió. Thần Gió từ biển khơi vào đã không còn hung dữ như bão tố từng tung hoành ngoài biển cả mà đã trở thành người bạn thân thiết của người Bạc Liêu. Thần không hào phóng như Công tử Bạc Liêu nổi tiếng từng đốt giấy con công bạc trăm đi tìm một đồng bạc cắc mà hoang phí nguồn năng lượng thừa thãi của mình. Khi vào đất Bạc Liêu, nguồn năng lượng dồi dào của thần đã biến thành điện năng và hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Trong nguồn tư liệu của tôi có tin của nhà báo Cao Thăng, Phân xã trưởng TTXVN tại Bạc Liêu: “Ban Quản lý nhà máy Điện gió Bạc Liêu cho biết, sau gần 3 tháng hòa vào lưới điện quốc gia (từ ngày 29/5/2013), 10 tua bin gió của Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã cung cấp cho lưới điện quốc gia được 3 triệu kwh, đạt yêu cầu kế hoạch đề ra; các trụ tua bin vận hành bình thường”.
Đứng từ xa nhìn, chúng tôi thấy nhóm trụ 10 tua bin (turbine) điện gió trải dọc bờ biển (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông) khá thưa thớt. Một vị khách buột miệng hỏi: “Chỉ có bao nhiêu đó thôi sao?”. “Đâu có, còn nhiều chớ” - tôi vội trả lời. Còn nhiều là vì sau khi hòa mạng điện từ 10 trụ tua bin này, 52 trụ nữa tiếp tục được thi công, phấn đấu hoàn tất vào cuối năm 2014. Ở Quan âm Phật đài đang xây 32 tượng ứng thân của Quan âm, mỗi tượng một vẻ khác nhau tạo thành một vườn tượng độc đáo vừa giới thiệu nét kiến trúc độc đáo vừa có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Còn ở đây, Thần Gió như phân thân ra từ nắm lông của Tề thiên đại thánh hóa thân thành 10 rồi thành 62 “thần tướng” cao lớn giống hệt nhau đứng chắn biển Đông hút lấy gió trời, biến gió thành điện năng. Mỗi vị “thần tướng” cao trên 80 mét, bề hoành 4 mét; quạt gắn trên đỉnh trụ có 3 cánh, mỗi cánh dài bằng nửa chiều cao của trụ.
Các vị khách Bình Thuận rất ngạc nhiên khi thấy các trụ tua bin điện gió đều mọc lên từ mặt nước, trụ gần nhất cũng cách bờ biển khoảng 300 mét. Ở Bình Thuận (nhà máy điện gió Tuy Phong I), các trụ tua bin điện gió được lắp đặt trên đất liền, trên các sườn đồi. Tại sao Bạc Liêu không dựng các trụ tua bin trên bờ? Có nhiều lý do. Trước hết là ở đó tốc độ gió cao hơn; kế đến là không vướng vào việc giải tỏa, bồi thường mặt bằng. Nhưng được mặt này thì mất mặt kia. Đây là công trình điện gió trên biển đầu tiên ở Việt Nam và dĩ nhiên, khó khăn trước tiên là về kỹ thuật. Việc thi công hoàn toàn thực hiện trên sà lan, không thể đợi nước ròng nước lớn và dù nước ròng, cũng không lòi bãi để thi công như trên cạn. Chỉ riêng việc chuyên chở vật tư, thiết bị ra các trụ tua bin đã … mệt!
Ở Bình Thuận, tuy các trụ tua bin đặt trên đất liền nhưng người ta thường không thể đi liền một mạch từ trụ này đến trụ kia vì phải vượt qua nhiều đồi cát có nhiều cây bụi mọc hoang, không thể chạy xe huống gì đi bộ. Ngược lại, ở Bạc Liêu, tuy bốn bề là nước nhưng từ trụ tua bin này đến trụ kia gần đó được nối với nhau bằng những nhịp cầu dẫn đúc xi măng, có tay vịn chắc chắn, chiều ngang chỉ hơn một mét, xe hơi không qua được nhưng xe máy và người đi bộ tới lui thoải mái. Trụ tua bin phát điện ở giữa bốn bề là nước nhưng dây dẫn điện dẫn vào đất liền không đặt ngầm dưới đáy biển mà được treo phía mặt dưới cầu dẫn vừa không bị nước biển ăn mòn mà còn tránh được mưa gió.
Tôi đã từng vài lần ra đây cùng với anh em nhiếp ảnh khi công trình giai đoạn 1 chưa hoàn thành. Lúc ấy, nhìn khối lượng công việc cần làm và không khí tất bật ở công trường mới thấy thời gian ở đây quý như vàng. Công việc được tiến hành xuyên suốt đêm ngày và rất kén thợ. Trước hết, thợ phải có sức khỏe bởi phải dải nắng dầm mưa. Thợ phải có tay nghề cao dù chỉ là thợ hồ. Kỹ sư, thợ điện đều từ Hà Nội, TP.HCM vào. Nhân công tại chỗ chỉ làm việc thủ công nhưng việc trộn hồ cũng không vì đã có máy trộn sẵn. Đặc biệt là trong thi công không được cắt xén khối lượng sắt thép, thay đổi chất lượng, giảm tỷ lệ xi măng khi đổ bê tông móng trụ bởi móng trụ luôn ngâm mình trong nước biển.
Ai đó thốt lên: “ Có quạt không quay, bộ hư rồi sao?”. Hỏi ra mới biết trong vài ngày qua, một số cánh quạt thay nhau ngừng quay để cho đoàn kỹ thuật từ Hà Nội vào kiểm tra tua bin. Kìa, một chiếc ca nô đang chạy băng băng trên sóng nước từ trụ tua bin này sang trụ tua bin khác. Thì ra đó là ca nô chở đoàn kiểm tra kỹ thuật. Họ không đi bộ trên đường dẫn như chúng tôi do còn chở thêm máy móc, thiết bị chuyên dùng lỉnh kỉnh.
Trong đoàn khách có vài phụ nữ thoáng qua chân yếu tay mềm nhưng ai cũng hăm hở đi ra đường dẫn cao hơn mặt nước biển vài mét. Mọi người sảng khoái hít thở khí trời trong lành, ngắm nhìn mây nước, chụp ảnh lưu niệm. Dân nhiếp ảnh cho biết công trình điện gió rất hấp dẫn nhưng rất khó chụp ảnh cho đẹp. Phải đứng xa để chụp toàn cảnh nhiều trụ tua bin nhưng như thế lại đơn điệu, thiếu sức sống. Muốn chụp cận cảnh mỗi trụ hoặc chỉ riêng tua bin trên đỉnh trụ lại không có chỗ đứng thuận tiện.
Trong đoàn chúng tôi có NSNA Lê Thanh Liêm. Anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ (chưa quá bốn mươi tuổi) nhưng đã sớm thành danh. Vừa qua, anh đã đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL năm 2012 với bức ảnh thể hiện công trình điện gió này với tiêu đề là “Vươn cao đón gió”. Anh thố lộ rằng đã theo đuổi hằng mấy tháng trời, bất kể nắng nôi, gió máy, mưa bão, ngay từ khi mới làm lễ khởi công cho đến khi tập kết vật tư rồi xây dựng. Bộ phóng sự ảnh của anh về quá trình xây dựng này đã đoạt giải Nhất thể loại ảnh phóng sự báo chí của tỉnh. Đến khi anh chụp ảnh dự thi Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL thì ảnh của anh còn nhiều hơn, toàn diện hơn, phong phú hơn với hằng trăm bức ảnh ở nhiều góc độ, thời gian khác nhau. Nhưng anh chỉ chọn bức ảnh ưng ý nhất để dự thi và may mắn đã đoạt giải thưởng. Một vị giám khảo cho biết nguyên nhân vì sao bức ảnh đó đoạt giải cao. Bức ảnh ấy có nhiều “lớp” và mang tính khái quát cao. Đề tài của ảnh là việc chuẩn bị lắp ráp rô to (rotor) gồm cánh quạt và tua bin lên đỉnh trụ. Cận cảnh là một cánh quạt sơn màu trắng toát bằng vật liệu nhựa đặc biệt như cánh máy bay, nhìn thoáng qua tưởng như một con tàu đang vươn mũi vượt sóng gió, phía sau là bóng dáng hai cánh quạt còn lại. “Lớp” thứ hai là một tua bin rất to đường kính hơn 4 mét trông như một cái bồn nước lớn, có 2 công nhân mặc áo đỏ đội mũ bảo hiểm bắc thang trèo lên nóc ráp nối gì đó. “Lớp” thứ ba là trụ điện đã được dựng lên và đang đứng chờ để được lắp ráp rô to vào. “Lớp” thứ tư là một dàn cần cẩu cao to đang chìa mũi cẩu ra đợi nâng rô to lên gắn vào đỉnh trụ. “Lớp” cuối cùng là một tua bin hoàn chỉnh có đủ cánh quạt hàm ý cho biết trụ tua bin mới cũng sẽ được dựng lên như thế như thế! Tất cả các lớp ấy nằm trên một nền (background) màu xanh dương của bầu trời. Chỉ riêng tiêu đề ảnh đã lấy được điểm của giám khảo do cách nói ngắn gọn, khái quát nhưng rất hình tượng.
Tôi quen anh Tô Hoài Dân - chủ đầu tư dự án không lâu, cách đây hơn 2 năm nhân dịp lễ thông xe cầu Cần Thơ. Lúc ấy, tôi đi cùng xe với anh. Anh nói từ Cà Mau lên đây dự lễ để tìm cảm giác trước một công trình cầu kỳ vĩ của ĐBSCL. Dự án điện gió của anh cũng sẽ có dịp “khai trương” một cách hoành tráng như thế. Tôi mở cửa xe để chụp ảnh. Gió lùa vào. “Gió mạnh quá! Không thua gì gió biển Bạc Liêu!” - anh Hoài Dân đã buột miệng nói theo tư duy của một người chuẩn bị thực hiện một dự án điện gió lớn ở Bạc Liêu. Tuy mới quen tôi nhưng anh cũng đã tâm sự về hoài bão của anh. Anh thú nhận từng ra trước tượng Phật Bà và vái cho mình thực hiện thành công dự án này bởi dự án này lớn quá, có khi anh làm không nổi. Nhưng có vẻ như Phật Bà đã chứng cho tấm lòng thành của anh. Anh được nhiều quới nhân giúp đỡ từ tỉnh đến trung ương. Anh Hoài Dân là người Cà Mau và Công ty của anh cũng đặt tại Cà Mau nhưng anh đã được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tin tưởng và tạo cơ hội cho anh thực hiện hoài bão này. Nhiều người ở Trung ương anh chưa từng quen biết nhưng sau khi làm việc với anh đều phấn khởi và hứa giúp đỡ nhiệt tình từ khâu làm thủ tục đến khâu chuyển vốn vay, mua thiết bị … cho đến khâu ký hợp đồng bán điện dù công trình đang thực hiện dở dang, chưa có thành phẩm. Khác với nhiều loại hình sản xuất khác, trước hết phải có sản phẩm rồi mới tính đường tiêu thụ; còn đối với điện, việc sớm ký hợp đồng bán điện là một quy định bắt buộc của Nhà nước trong việc phê duyệt xây dựng một dự án sản xuất điện.
Để dựng lên một trụ tua bin, phải làm móng sâu 14 mét. Chỉ việc xây các móng trụ đã tốn biết bao công của. Thân trụ được làm bằng thép đặc biệt không gỉ nhưng móng trụ cũng phải chống được nước biển ăn mòn. Cánh quạt nhập từ Mỹ có tính năng đặc biệt là tự xếp lại khi gặp thời tiết xấu, gió bão lớn. Mỗi rô to (rotor) gồm tua bin và cánh quạt nặng khoảng 210 tấn, chỉ có thể được nâng lên bằng cần cẩu 600 tấn. Cần cẩu siêu trọng này được thuê và chở từ Singapore sang chớ ở Việt Nam không có. Mội trụ tua bin có công suất 1,6MW; nhân với 62 trụ; tổng công suất gần 100MW, gần bằng điện gió Tuy Phong 1 ở Bình Thuận (120MW). Tổng vốn đầu tư của dự án trên 5 ngàn tỷ đồng, gần bằng 5 năm thu ngân sách của tỉnh.
Nhưng điện gió Bạc Liêu trong tương lai không phải chỉ có 62 trụ tua bin mà sẽ có trên 300 trụ trải dài trên 500ha ven biển với tổng công suất 50MW, tương đương với công suất của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Với số lượng trụ tua bin nhiều hàng năm như thế, điện gió Bạc Liêu sẽ trở thành một kỳ quan hiện đại có một không hai của cả nước. Đây không chỉ đơn thuần là một công trình kinh tế mà còn có sức lan tỏa, trở thành một điểm du lịch lạ mắt, hấp dẫn khách du lịch gần xa, gắn với điểm hành hương Quan âm Phật đài, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Nhà Mát tạo thành một cụm du lịch nổi bật của Bạc Liêu, thuận tiện cho du khách đi lại, ăn nghỉ.
Chúng tôi đưa khách Bình Thuận qua một đỗi trên đê Biên Phòng rồi vòng về đường dẫn về khu văn phòng dự án và nhà máy điện. Đường tuy hẹp chỉ khoảng 3 mét nhưng đều được tráng nhựa phẳng phiu, so với lộ Cây Bàng ngày xưa (tên gọi đường Cao Văn Lầu trước đây) tốt chán. Hơn 15 năm trước, khi chưa tái lập tỉnh Bạc Liêu, con lộ ấy chỉ trải đá nhưng đá cũng đã mất gần hết, vào tháng nắng, xe 2 bánh chạy len lõi trên con đường mòn ven 2 bên lộ làm bụi bay mù mịt; thi thoảng có vài chiếc xe bốn bánh mò mẫm bò trên mặt đường đá lô nhô; vào tháng mưa, con đường này hầu như chỉ dành cho người đi bộ, đa số là dành cho dân rẫy ở Giồng Giữa gánh rau, củ hoặc dân kinh tế mới Hà Nam Ninh ở nông trường Đông Hải gánh cá về chợ Bạc Liêu bán. Nhưng sau khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, con đường này đã được khẩn trương sửa chữa bởi đây là con đường huyết mạch dẫn từ nội ô ra vùng đất ven biển. Rồi lộ Cây Bàng được đổi tên thành đường Cao Văn Lầu - tên một nhạc sĩ tài hoa gắn liền với đất Bạc Liêu, với sân khấu cải lương. Sau khi khánh thành con đường này, đã có bài báo ca ngợi và đặt cái tựa rất kêu là “Đường ra biển lớn” cho dù phía biển lúc ấy hoang vắng, chưa có gì cả. Nhưng quả thật đó là bài báo có tầm nhìn xa thể hiện rõ cách nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh. Chưa có nhưng sẽ có. Và chỉ mươi, mười lăm năm sau đã ứng nghiệm.
Cặp theo bờ biển, rừng phòng hộ với các loại cây mắm 5 - 7 tuổi đã lên xanh, che chắn tầm nhìn ra biển Đông. Đây là con đê mang tính chiến lược như tên gọi của nó nhưng còn ý nghĩa về mặt kinh tế, là con đê hạn chế ảnh hưởng của nước biển dâng. Ven theo đê Biên Phòng, cây tra mọc hoang, nhiều vô kể. Cây tra có tán lá rộng trông như cây bàng. Lá tra non dùng để ăn với bánh xèo rất ngon vì có vị chát, nhưng trái tra không ăn được, thân cây tra chỉ dùng làm củi. Trong chiến tranh trước đây, rừng tra là nhà che chở cho cán bộ bám trụ vùng ven Bạc Liêu. Trước đây, nhiều tù chính trị Côn Đảo đã được tái sinh khi vượt đảo trở về đất liền. Họ lênh đênh giữa biển nhiều ngày đêm chẳng biết chết sống ra sao trên cái bè nứa mỏng manh như những chiếc thuyền giấy chực chờ hòa tan vào lòng biển. Nhưng sóng cùng gió biển Đông đã đưa họ về bờ biển Bạc Liêu. Rừng mắm, rừng tra ở đây đã che dấu và nuôi sống họ trước khi họ liên lạc được với chiến khu. Bây giờ, cây tra cùng với cây mắm, cây bần gia cố cho bờ đê thêm vững. Bờ biển Bạc Liêu không có sóng lớn nhưng do nền đất đê biển yếu, những con sóng nhỏ vẫn đủ sức gậm nhấm dần đẩy trôi đất trả về biển cả. Đê biển ở đoạn đồn Biên Phòng dẫn đến nhà hàng Hương Biển là một ví dụ về sức tàn phá của sóng biển. Nhưng khi biển có sóng nghĩa là có gió và nhờ thế mới có công trình điện gió ở đây.
Phía bên trong đê Biên Phòng, xung quanh Khu văn phòng và Trạm điện cao thế của Nhà máy điện gió Bạc Liêu, vuông tôm san sát. Không thấy có đất bỏ hoang. Những cánh quạt của các xa quạt nước xanh xanh đỏ đỏ đặt trong vuông tôm quay vun vút, bắn nước trắng xóa tạo thêm dưỡng khí cho tôm. Chúng như quay đua với những cánh quạt điện gió khổng lồ phía biển. Những cánh quay làm cho bờ biển Bạc Liêu sống động hẳn lên. Người nuôi tôm bộn bề với bao công việc trong vuông tôm cũng vui lây với gió biển hào sảng, với những người bạn mới là những trụ tua bin đang gọi gió về.
Đã có nhiều chủ vuông tôm khá lên, giàu lên nhờ nuôi tôm nhưng dân cư ở đây xem ra vẫn còn nghèo, đa số là người dân tộc Khmer. Sống trên đống vàng nhưng họ bất lực trước thiên nhiên một phần do thiếu vốn, một phần do làm ăn không căn cơ, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không biết tích lũy. Anh Hoài Dân tuy là người xứ khác, không phải thuộc người dư dã gì nhưng đã biết huy động vốn biến vùng đất đầy tiềm năng để ra tiền. Hy vọng khi dự án điện gió được hoàn thiện, đời sống bà con ở đây có công ăn việc làm nhiều hơn, đời sống sẽ đỡ vất vã hơn.
Tiễn khách Bình Thuận, chúng tôi tặng đoàn một món quà lưu niệm là chiếc đờn cò thu nhỏ làm bằng gỗ bởi hiện nay khi nhắc đến Bạc Liêu là người ta nhắc đến bác Sáu Lầu, đến Đờn ca tài tử, đến cải lương. Có lẽ khi khách Bình Thuận đến Bạc Liêu lần nữa, chúng tôi sẽ tặng khách biểu tượng trụ điện gió bởi lúc ấy, nguồn thu từ điện gió đã chiếm một tỷ trọng đáng kể trong nguồn thu của tỉnh. Bạc Liêu sẽ phát triển bằng điện gió cho dù bên cạnh đó vẫn có con tôm và cây lúa …
Trong chữ Hán, có nhiều chữ “phong” với nhiều nghĩa khác nhau, nghĩa thông dụng nhất là “gió”. Nhưng có một nghĩa khác cũng khá phổ biến là “trù phú” (ví dụ như trong từ: phong nhiêu, phong phú, phong điền …). “Điện phong” với nguồn năng lượng dồi dào, vô tận đã và đang góp phần và sẽ góp phần không nhỏ làm cho Bạc Liêu thêm trù phú trong những năm sắp tới …
Điện gió Bạc Liêu tuy chỉ vừa xong giai đoạn 1 nhưng cũng đã tạo ra một cú hích liên hoàn đối với một số tỉnh lân cận ở ĐBSCL. Nghe nói tỉnh Sóc Trăng đang nghiên cứu để thành lập dự án điện gió gần với khu vực điện gió Bạc Liêu. Tỉnh Trà Vinh nhanh chân hơn, đã và đang đầu tư thực hiện dự án điện gió tại huyện Duyên Hải với 20 tua bin tổng công suất 30MW.
Thực ra việc làm của Bình Thuận, Bạc Liêu và một số địa phương khác trong việc sản xuất điện gió rất khiêm tốn, còn đang ở dạng như “muối bỏ biển”. Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, nguồn điện gió sẽ có khoảng 1.000MW, chiếm 0,7%; đến năm 2030 sẽ nâng lên 6.200MW, chiếm tỷ trọng 2,4% sản lượng điện toàn quốc. Vấn đề ở đây không chỉ là tính về sản lượng điện tạo ra được mà còn có ý nghĩa về mặt sinh học. Điện gió chính là một dạng năng lượng điện sạch, sạch nhất, đang nằm trong xu thế phát triển chung của thế giới nhằm bảo vệ môi trường trong lành, tránh việc khai thác tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ đến kiệt quệ dẫn đến những tác hại khôn lường cho cả địa cầu.
Ông cha ta đã rất sâu sắc khi đặt địa danh Bình Thuận với ý nghĩa mong sao cho vùng đất này bình yên, hòa thuận. Bạc Liêu sinh sau nhưng gần đây được nhiều người gọi là đất Phật vì cũng là vùng đất bình yên, ít thiên tai, con người sống có thủy có chung, hào hiệp, nghĩa tình. Và phải chăng vì thế mà người Bạc Liêu được ơn trên đền đáp? Xin cảm ơn đất trời đã cho Bạc Liêu thêm một nguồn sinh lực mới để làm giàu cho quê hương. Xin cảm ơn Phật Bà! Xin cảm ơn Thần Gió! Bạc Liêu như con tàu căng cánh buồm no gió đang thẳng tiến ra khơi!…
Ý kiến bạn đọc