Nhà văn Cao Duy Sơn: Bất ngờ với giải thưởng văn học

Thứ sáu - 07/08/2009 13:21 2.572 0

Nhà văn Cao Duy Sơn với tác phẩm được đề cử nhận "Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2009"

Nhà văn Cao Duy Sơn với tác phẩm được đề cử nhận "Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2009"
Hội Nhà văn Việt Nam vừa quyết định đề cử tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” của nhà văn Cao Duy Sơn tham dự giải thưởng văn học Đông Nam Á. Nhân dịp này phóng viên báo điện tử Tổ quốc đã cuộc trò chuyện với tác giả.

PV: Được biết tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” của ông năm trước được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, và vừa mới đây lại được Hội Nhà văn đề cử tham dự giải thưởng văn học Asean, ông có bất ngờ không?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Quả thật là rất bất ngờ, cả hai trường hợp đều đến với tôi bất ngờ. Bởi thực ra khi viết tôi viết cũng không để ý đến giải thưởng, đến khi được giải của Hội Nhà văn tôi cũng không nghĩ tập truyện sẽ tiếp tục được đề cử thêm giải thưởng nữa - giải hàng năm của hoàng gia Thái Lan. Hơn nữa, cùng nhận giải với tôi năm ngoái còn có những nhà văn tên tuổi khác. Các nhà văn Việt Nam đã từng nhận giải thưởng văn học Asean đều là những người nổi tiếng và xứng đáng (Tố Hữu, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Kiên, Bằng Việt, Đỗ Chu, Inrasara, Lê Văn Thảo, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Tư - PV). Tuy nhiên từ đề cử đến lúc nhận giải là vấn đề nữa nên tôi cũng lại phải chờ thêm một sự bất ngờ khác.

PV: Trước khi “Ngôi nhà xưa bên suối” được đề cử giải thưởng văn học Asean thì tác phẩm này đã được giải thưởng của Hội Nhà văn. Một số nhà văn của ta những năm trước cũng vậy, như Nguyễn Ngọc Tư - giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn, Trần Văn Tuấn - giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn, Lê Văn Thảo giải B của Hội Nhà văn… Theo ông thì giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có phải là một trong những đảm bảo để tác phẩm tham dự giải thưởng văn học Asean không?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi cho rằng đó cũng là một trong những điều kiện. Tuy nhiên nó cũng không hẳn là tất cả, bởi vì một số những tác phẩm cũng có thể rất hay nhưng nhiều người chưa được đọc, cũng có thể tác giả không gửi tham dự giải của Hội Nhà văn. Và biết đâu có những cuốn trong số sách ấy xứng đáng. Nhưng đấy là có thể có và cũng có thể không, mà nếu có chắc dư luận sẽ lên tiếng.

PV: Nhà văn có quan tâm đến giải thưởng văn học Asean không? Ông nhìn nhận thế nào về giải thưởng này?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi có theo dõi và có biết nhưng chưa thật sự biết tường tận, đây là giải thưởng mỗi năm được trao một lần của hoàng gia Thái Lan. Tôi cho rằng mỗi nhà văn Việt Nam được giải đều là vinh dự, mặc dù tôi cũng không biết chính xác giá trị vật chất của giải thưởng này là bao nhiêu nhưng tôi cho rằng giá trị đó chỉ mang tính ước lệ thôi. Cái chính là nó mang vinh dự đến cho cá nhân nhà văn cũng như đất nước.

PV: Nếu đề cử “Ngôi nhà xưa bên suối” của nhà văn thành công - nghĩa là thêm một giải thưởng nữa cho tác phẩm này thì nó có ý nghĩa thế nào với bản thân nhà văn?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi sẽ thấy cần phải thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn, có trách nhiệm trước những trang viết. Biết sàng lọc với chính bản thân mình, hay nói cách khác là tự thẩm định chính bản thân mình.

PV: Vậy nếu không được giải thì phải chăng sự thận trọng hay sàng lọc đó cũng bị giảm bớt?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Không bao giờ có chuyện như thế, chỉ có trách nhiệm được đẩy cao lên thôi. Bất kỳ người viết nào cũng không có chuyện vô trách nhiệm trước tác phẩm của mình. Thậm chí trách nhiệm ấy còn có mặt thường xuyên. Ngay cả bản thân tôi khi cầm bút viết không bao giờ nghĩ tác phẩm của mình viết ra được giải thưởng hoặc viết cuốn sách này ra để trở thành người nổi tiếng. Thường người ta viết ra giống như một sự giải tỏa, như được đối thoại với chính bản thân mình. Khi tác phẩm ra đời và được in ấn thì những điều mình viết ra được truyền tải bằng ngôn ngữ mà ngôn ngữ ấy là của mình thì cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

PV: Ông có nghĩ đề tài văn học dân tộc thiểu số của Việt Nam nhận được sự đồng cảm, đón nhận của nhà văn cũng như độc giả trong khu vực?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Theo tôi, từ Văn học các dân tộc thiểu số chỉ là cách gọi nhưng để sáng tác và lạ hoá nó đi là không nên. Còn nếu gọi là đề tài Văn học các dân tộc thiểu số cũng là chưa chuẩn lắm vì nhiều người chỉ gọi theo thói quen. Đã là văn học thì trước tiên nó phải là một tác phẩm hoàn chỉnh, còn bất cứ một đề tài gì cần đòi hỏi nỗ lực của người viết, cách viết. Nó phụ thuộc vào khả năng của nhà văn mang đến cho người đọc. Chứ đề tài mà không hay thì sẽ không có độc giả.

Tôi không biết các cuốn sách viết về đề tài văn học dân tộc thiểu số có nhận được sự hưởng ứng của các nước khác không nhưng theo tôi cái quan trọng nhất của văn học là phải hướng tới con người. Và con người nó phải mang tính đặc trưng văn hoá của đất nước đó mới là quan trọng. Đối tượng của văn học chính là xã hội và con người. Xã hội và con người phải mang được nét đặc trưng của vùng đất đó, của dân tộc đó, của đất nước đó là điều văn học cần đề cập đến chứ không giới hạn nó ở phạm vi hẹp như trong cái gọi là đề tài Văn học dân tộc thiểu số.

PV: Nhà văn có thể tiết lộ về tác phẩm mới nhất của mình cho độc giả biết?

Nhà văn Cao Duy Sơn: Chắc trong tháng này, hoặc lâu nhất là tháng sau tôi sẽ cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết mới mang tên “Chòm ba nhà”. Thực ra đây là cuốn tiểu thuyết tôi viết trong 3 năm cùng thời gian với “Ngôi nhà xưa bên suối”.

Xin cảm ơn nhà văn.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Tổ Quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây