Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương khẳng định: Vấn đề hiện đại và truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Xung quanh vấn đề này còn tồn tại những ý kiến khác nhau, trong đó không phải không còn những nhận thức chưa đồng nhất về tính dân tộc và tính hiện đại trong bối cảnh mới, nhất là về mối quan hệ giữa hai thành tố đó. Do đó, chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc định hướng và triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả để kết hợp hài hoà giữa tính dân tộc và hiện đại, nhất là đối với một số lĩnh vực, một số loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống. Sự lúng túng đó ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng giá trị và thị hiếu của công chúng văn nghệ. Thực tiễn đó đòi hỏi những nhận thức mới, sâu sắc hơn, phù hợp với những yêu cầu mới của đời sống văn học nghệ thuật trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến văn hoá ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Thông qua hội thảo, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương mong muốn tạo được một định hướng chung để mỗi văn nghệ sĩ soát xét lại những sáng tạo của mình nhằm đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ dân tộc. Mục tiêu cuối cùng của Hội thảo là thông qua việc xác định khái niệm, làm rõ mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại của văn học, nghệ thuật nước ta; trên cơ sở đó đề xuất với Đảng, Nhà nước những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp khả thi những công việc trọng tâm phải làm để góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội thảo đã nhận được 48 tham luận của các tác giả là những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuât; các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ và các nhà quản lý từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các Hội chuyên ngành, các cơ quan quản lý văn học nghệ thuật ở trung ương và địa phương trong cả nước, thuộc tất cả các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Diễn ra trong hai ngày 4,5/8, gần 150 đại biểu tham dự hội thảo sẽ tập trung trí tuệ làm rõ một số vấn đề lớn: Từ điểm nhìn của hội nhập và phát triển, cần hoàn thiện và bổ sung lý luận về mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật hiện nay như thế nào? Thích ứng với tình hình mới, văn học nghệ thuật cần làm gì và đổi mới ra sao? Cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề gì đảm bảo cho văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển mạnh mẽ và theo định hướng hài hoà, “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Ban Bí thư đồng tình cao với sự lựa chọn chủ đề của Hội thảo, một vấn đề rất căn bản, đã, đang và sẽ tiếp tục tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, không chỉ hiện nay, những năm sắp tới mà còn rất lâu dài; tán thành những vấn đề được đặt ra cho hội thảo đó là tiếp cận về mặt lý luận và nghiên cứu, xử lý những vấn đề cơ bản của tính dân tộc và tính hiện đại và quan hệ biện chứng giữa chúng trong bối cảnh giao lưu và hội nhập, đồng thời chỉ ra cái được, cái chưa được, những nguyên nhân và những giải pháp khắc phục, đề xuất những vấn đề cần thiết tư vấn cho Đảng và Nhà nước chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Nguồn tin: CPV
Ý kiến bạn đọc