Nhà thơ Lê Quang Trang làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM

Thứ tư - 23/06/2010 10:20 1.903 0

Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khóa V, chúc mừng tân Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang (phải)

Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khóa V, chúc mừng tân Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang (phải)
Đại hội Nhà văn TPHCM, diễn ra từ ngày 22 đến 23-6 tại Nhà hát Bến Thành, đã kết thúc bằng việc bầu ra ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM khóa VI (nhiệm kỳ 2010 - 2015).

Hội Nhà văn TP.HCM quy tụ các nhà văn nhà thơ nhiều thế hệ, nhiều vùng miền và đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sáng tác thơ, văn xuôi, kịch bản, lý luận phê bình, nghiên cứu và dịch thuật, trở thành hội văn học địa phương đông nhất nước với 355 hội viên - bao gồm 150 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong số đó, có 153 hội viên đến dự phiên đầu tiên vào sáng 22.6, đến chiều chỉ còn... hơn 70 người. Tuy vậy, việc bầu cử ban chấp hành nhiệm kỳ mới (2010 - 2015) vẫn tiến hành với kết quả: Lê Quang Trang (chủ tịch), Trần Văn Tuấn - Phạm Sỹ Sáu (phó chủ tịch), và 5 ủy viên: Trương Nam Hương, Bích Ngân, Phan Hoàng, Hoàng Đình Quang, Huỳnh Dũng Nhân. Trước giờ Ban chấp hành mới ra mắt nhận nhiệm vụ, Ban chấp hành cũ do nhà văn Lê Văn Thảo làm chủ tịch và nhà thơ Chim Trắng làm phó chủ tịch, đã phổ biến bản kiểm điểm nhắc đến nhiệm vụ trọng tâm của hội là thúc đẩy sáng tác, tập trung lo cho hội viên có điều kiện sáng tác và in tác phẩm của mình. Nhưng trở ngại và “đau đầu” nhất trong sáng tác hiện nay là chưa có tác phẩm hay đúng với yêu cầu mới và lo lắng vì “số lượng bản in sút giảm... cần phải đổi mới cách viết, viết hấp dẫn hơn, gần gũi hiện đại hơn”. Cuối cùng bản kiểm điểm quay về chuyện khốn khó tiền nong, nguyên văn: “Do kinh phí eo hẹp, nên việc chăm sóc hội viên hiện nay chỉ trong phạm vi thăm hỏi khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời, mừng tuổi khi lên lão 80 vào dịp họp mặt tổng kết hằng năm...”.

Rất nhiều nhà văn nhà thơ mong muốn Ban chấp hành nhiệm kỳ mới cần “xã hội hóa” việc gây quỹ độc lập để làm nền cho các hoạt động văn học sắp tới, nghĩa là Ban chấp hành mới không phải là “phiên bản” của Ban chấp hành cũ, mà sẽ vượt qua “đường xưa lối cũ”, để đột phá tìm ra hướng đi khởi sắc cho sinh hoạt văn học ở một thành phố có nhiều báo, tạp chí nhất nước này...

Nguồn tin: Thanh Niên - NLĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây