Tuấn Kiệt - Lãng du cùng năm tháng...

Thứ tư - 30/01/2013 04:56 3.756 0
(Đọc tập thơ “Lãng du” của Tuấn Kiệt, NXB Thanh Niên 2013,
thành viên Diễn đàn Văn học trẻ - www.thotre.com)


Tôi biết anh và đã đọc thơ anh từ những năm phong trào blog cá nhân nở rộ. Rất nhiều người, nhất là những người yêu thơ văn mượn nơi này làm nơi giao lưu, giới thiệu những “đứa con tinh thần” của mình với bạn bè gần xa. Vậy mà hôm nay, tôi không khỏi xúc động khi đối diện với bản thảo tập thơ “Lãng du” mà anh dự định đưa đi xuất bản.
Bìa tập thơ "Lãng du" của Tuấn Kiệt
Bìa tập thơ "Lãng du" của Tuấn Kiệt
“Lãng du” tập hợp 89 bài thơ được anh chọn lọc từ gần hai trăm bài thơ còn lưu giữ được. Đó quả là một sự chắt lọc đáng quý. Anh chắt lọc những cảm xúc của mình suốt những năm tháng “lãng du” dọc dài khắp mọi miền đất nước và cả những nước láng giềng…

Quê hương anh ở nơi đâu?
Cớ sao lại ở gầm cầu âm u?
Sáng - Chiều sương lạnh giăng mù
Đêm nghe tiếng suối hát ru nao lòng.
...............
Biên cương - một dải thân yêu
Rừng xanh, xanh ngắt, mây chiều mênh mang.
Đường quanh co vắt qua ngàn
Truân chuyên bao nỗi, gian nan khôn lường
                                                                                      (Gầm cầu Na-Mèo)

Anh như chim thiên di, nhưng loài chim thiên di để tìm nơi khí hậu ấm áp thích hợp với chúng, còn anh, anh lại thiên di tới những vùng xa, vùng sâu, những nơi đèo heo hút gió để làm đẹp cho đời… Và đến khi những công trình giao thông được khánh thành đưa vào sử dụng thì anh lại thiên di đến một vùng đất khác, còn khó khăn hơn… Chính cuộc đời và nghề nghiệp của anh đã là một bài thơ đáng để chúng ta cùng đọc và chia sẻ.

Không là một nhà thơ chuyên nghiệp, không sống bằng thơ nhưng anh luôn sống với thơ. Thơ gắn với anh như bóng với hình.

Cái làm nên tính cách thơ anh chính là không gian cuộc sống bao quanh tác giả. Anh đi nhiều, “sống” nhiều, và nhìn sự vật, con người quanh mình bằng con mắt và tấm lòng của một nhà thơ. Chính những con người và mảnh đất anh qua đã nuôi dưỡng, hun đúc tâm hồn anh.

Anh đã thú nhận:

Tôi đã viết thật nhiều bài thơ
Những tình tự quê hương sông dài biển rộng
Giọt sương sớm mai, hạt mưa chiều còn đọng
Cũng bật lên bao thi hứng dạt dào…
                                                                   (Tạ lỗi quê nhà)

Thơ Tuấn Kiệt phản ánh con người thật của anh: Chân tình và mộc mạc. Đọc thơ Tuấn Kiệt, ta thấy anh không dùng những từ ngữ ẩn dụ khó hiểu, mà câu chữ trong thơ anh rất gần gũi, rất đời thường, có lẽ vì vậy mà thơ anh dễ đi vào lòng người đọc.

Xin được dẫn ra vài trích đoạn mà tôi thấy thật quý giá. Một cảm xúc đầy nhân bản trước một hoàn cảnh thương tâm:

Có mất mát nào lớn hơn không
Con sớm mất cha, mẹ mất chồng
Thui thủi đời con nay mất mẹ
Giữa tuổi thiếu niên, tuổi mơ hồng.
 
Tiếng nấc nghẹn ngào buổi chiều đông
Bên mái nhà tranh giáp cánh đồng
Như mũi dao đâm từng khúc ruột
Thế thái nhân tình kiếp long đong.
                                                                                        (Nỗi đau con trẻ)

Hay một bài lục bát chứa đựng tâm tư của người chồng trước lúc tạm biệt vợ, tạm biệt quê nhà lên đường công tác, tiếp tục “lãng du” theo những cung đường:

...Ngày mai nơi ấy xa quê
Sẽ không có những đêm khuya thức cùng
Em ơi anh đã mắc mùng
Ngủ ngoan em nhé, hãy đừng quên anh…
                                                  (Ru em)

Ta bắt gặp đâu đó trong thơ Tuấn Kiệt một nỗi cô đơn, nỗi băn khoăn trăn trở của chính bản thân mình:

Tôi mải miết kiếm tìm trong tĩnh lặng
Bỗng nhỏ nhoi trước hối hả dòng đời
Bước lang thang gặm nhắm nỗi đơn côi
Mà khắc khoải nuối thương về dĩ vãng
                                                                                         (Lãng du)

Cô đơn! Vâng, cô đơn là cảm giác mà hình như không người làm thơ nào không trải qua, không sống cùng. Tôi thiết nghĩ, nếu không mang trong lòng cảm giác cô đơn, cảm giác day dứt về một điều gì đó thì cảm xúc khó mà bật thành thơ!

Cái kiếm tìm chập chờn như bong bóng
Lửng lơ bay như đùa cợt vô tình.
Kiếm tìm hoài...  tìm kiếm mãi...lặng thinh...
Trong vô thức bỗng thấy mình nhỏ bé
Tôi vẫn đi trong âm thầm lặng lẽ
Khoác đơn côi trùm kín mảnh thân gầy
Bồi hồi ư?  Phảng phất đâu đây?
Quá khứ còn đâu? Sao nỗi lòng trắc ẩn?
Cái kiếm tìm xa vời vô tận
Dáng cô liêu lang thang mãi đi tìm...
                                                                                 (Lãng du)

Tuấn Kiệt đã lãng du qua từng năm tháng, qua những con đường, những cây cầu, kè đá mà anh và đồng nghiệp miệt mài xây đắp.
Đi cùng với nỗi cô đơn là tình yêu, điều dĩ nhiên của bất kỳ một tâm hồn thơ nào.

Tình yêu trong anh có lúc khắc khoải, nuối tiếc…

Đã bắc bao nhiêu những nhịp cầu
Có dòng sông cạn có sông sâu
Có một dòng sông, anh hờ hững?
Để bờ đôi phía: ngóng trông nhau
 
Có một dòng sông anh đến sau
Ngậm ngùi mà chẳng thể bắc cầu
Đành để đôi bờ xa cách mãi
Nào phải lòng anh hững hờ đâu!
                                                                                         (Nhịp cầu không bắc)
 
Hồn ta ta trói lại rồi
Tim ta buộc chặt giữa đời bão giông
Ta tìm đến cõi hư không
Cho vơi nhẹ bớt nỗi lòng đa đoan
Có ai biết cõi niết bàn?
Chỉ cho ta đến, ta san sẻ cùng
                                                                                                   (Vô đề)
Có lúc e dè ngần ngại:
Tình cờ trong một chuyến đi
Để về trồng một cây si thẫn thờ
Tình cờ vẫn chỉ... tình cờ
Vần thơ viết sợ lòng thơ thẩn lòng…
                                                                                             (Tình cờ)
Lúc say đắm nồng nàn:
Mơ hồng đến cõi mênh mang
Bỏ qua trăm thứ lo toan đời thường
Quên đi vất vả công trường
Về bên em với yêu thương không lời
Ngủ ngon đi nhé em ơi
Bờ vai anh đỡ em rồi đêm nay.
                                                                                          (Mơ hồng)
Lúc ưu tư trầm lắng:
Mai mốt này...
                         trong mái lá thôn quê
Cảnh điền viên
                         Một ông già trầm lắng
Ôn lại quãng đời phong ba mưa nắng
Ký ức bồi hồi ...                      
                  tưởng nhớ một người xưa.
                                                                                         (Mai mốt này…)

Là một người lính từng tham gia kháng chiến, đối diện với đạn bom, anh trân trọng biết mấy cảnh thanh bình của làng quê yêu dấu:

Nắng rơi từng  hạt qua giàn
Gió gieo thành mảnh ru hàng liễu cong
Mướt xanh mỡ lá trầu không
Vàng tươi hoa mướp gọi ong bướm về
Lục bình che đám cá trê
Cỏ non kết thảm bờ đê ven làng
Bồng bềnh mây trắng lang thang
Ngẩn ngơ con nghé gọi vang tìm bầy
                                                                                         (Bức tranh quê)

Tình yêu quê hương, gia đình cứ man mác trong thơ anh:

Tôi về vội vã thăm cha
Vẫn con đường cũ căn nhà cổ xưa
Đường quê rợp mát bóng dừa
Lao xao mành trúc gió đưa ngoài thềm
Cha nằm trên chiếc nệm êm
Nhìn con nhòa lệ lăn trên má gầy
                                                                                       (Phút cuối bên cha)

Thế đấy, tôi chỉ trích dẫn mấy dòng thơ mà sao thấy tâm đắc quá! Tôi không chuyên viết phê bình văn học, tôi chỉ viết lên đây những cảm xúc, những rung động của bản thân khi đọc thơ anh.

Anh đã yên lặng sống với nghề nghiệp của mình, bằng lòng với cuộc sống vật chất hiện tại, nhưng biết tự thăng hoa trong vườn tao đàn thi ca để nâng cao chất lượng sống cho mình và chia sẻ cùng bè bạn. Điều đó thật đáng trân trọng biết mấy!

89 bài thơ là 89 cung bậc cảm xúc của hơn nửa đời người. Hy vọng, tập thơ “Lãng du” sẽ là một món quà quý giá anh dành tặng cho đời, cho người thân và bạn bè nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của mình.

Và tôi tin, sau “Lãng du” anh vẫn đang và sẽ còn làm thơ, và thơ anh, tiếng hát của con tim anh sẽ còn sâu lắng và bay bổng hơn nữa…

Tác giả: Nguyễn Thị Mộng Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 7 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây