Tên sách: Cuồng vọng phi nhân tính
Tác giả: Lôi Mễ
Dịch giả: Lưu Quang Thuyết - Hương Ly
NXB Văn học
Lôi Mễ vào làng văn trinh thám hình sự hơi muộn so với nguyện vọng của mình. Ngay từ thuở thiếu thời anh đã tập tành viết sách nhưng phải đến năm 2006, anh mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên mang tên "Độc giả thứ 7" và ngay sau đó là liên tiếp 3 tác phẩm nữa: Đề thi đẫm máu, Cuồng vọng vô nhân tính, Sông ngầm. Dù số lượng chưa nhiều, chỉ với những tác phẩm trên, Lôi Mễ đã được xếp hạng trong số những nhà văn trinh thám hình sự nổi tiếng của Trung Quốc.
Nếu như phần lớn tác giả trinh thám trên thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng đều là dân ngoại đạo, không phải là người trong ngành an ninh thì Lôi Mễ là một trong những trường hợp hiếm hoi ngược lại. Anh chẳng những có thâm niên trong công tác điều tra hình sự mà còn tham gia giảng dạy chuyên ngành này trong một trường cảnh sát. Chính vì thế, ngay từ tác phẩm đầu tay của mình, Lôi Mễ đã chứng tỏ khả năng vượt trội so với những tác giả viết truyện trinh thám hình sự khác. Đọc Lôi Mễ, người ta không tìm thấy sự rùng rợn, ly kỳ mang bóng dáng của ma quỷ nhưng lại bắt gặp hình ảnh của những tội phạm còn ghê tởm rùng rợn hơn.
Mở đầu Cuồng vọng vô nhân tính là một vụ án mạng hai người chết. Thủ phạm bị bắt ngay sau đó. Cảnh sát trẻ Phương Mộc chỉ phải trổ tài có một lần trong một cuộc thẩm vấn ngắn để buộc thủ phạm cúi đầu nhận tội và chỉ ra địa điểm giấu xác hai nạn nhân. Phiên tòa kết thúc với mức án cao nhất dành cho kẻ giết người: Tử hình ngay. Câu chuyện tưởng chừng quá đơn giản. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu.
Trang bìa cuốn sách. |
Vụ vượt ngục có một không hai trong lịch sử thành phố C khiến cơ quan công an phải huy động hàng trăm nhân viên, tạo thành nhiều vòng vây, vòng trong nối vòng ngoài. Mọi địa điểm công cộng nhà ga, bến tàu, sân bay… đều bị phong tỏa mà vẫn không tìm ra thủ phạm cùng. Hàng loạt những vụ án mạng tiếp ngay sau đó đã khiến cho Sở Công an thành phố C choáng váng. Khác hẳn những vụ án khác. Thủ phạm chẳng những không tìm cách che giấu nạn nhân để gây khó khăn cho cơ quan điều tra mà còn đem nạn nhân ra phơi bày trước thanh thiên bạch nhật giữa những nơi tấp nập người qua lại. Nạn nhân nào cũng bị đánh đập tra tấn dã man trước khi chết. Không những thế, thủ phạm còn cố tình tạo ra những tình huống giống như tiến hành một nghi thức tôn giáo: Nhét người chết vào trong con gấu bông treo lên tường, cho nạn nhân ngồi trong tình trạng đang chuẩn bị giao hợp với Manơcanh…
Trong Cuồng vọng vô nhân tính, đồng thời với việc đưa ra những tình tiết đầy hấp dẫn, ly kỳ lôi cuốn người đọc từ trang này đến trang khác, Lôi Mễ vẫn không quên chủ đề chính của cuốn sách: Lột tả tham vọng đến tột cùng của những con quỷ đội lốt người và cái giá phải trả. Đằng sau những kẻ độc ác mất hết tính người đã trực tiếp gây nên những tội ác trên là những kẻ chủ mưu đầy học thức và tham vọng. Để đạt được mục đích, chúng đã không từ một thủ đoạn nào.
Với kinh nghiệm dày dặn của một cảnh sát, với khả năng truyền thụ vốn có của một người thầy, với trí tưởng tượng phong phú của một nhà văn và vốn hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người, Lôi Mễ như muốn truyền cho độc giả niềm đam mê, sự hứng thú cũng như những gian nan vất vả mà những người chiến sĩ cảnh sát hình sự đã trải qua. Anh từng bước hóa thân mỗi độc giả thành một trinh sát hình sự, được tham gia phá án trên từng khâu của quá trình điều tra. Được tham gia khám nghiệm hiện trường, được hỏi cung, được phân tích tâm lý tội phạm ngay cả khi chưa được nhìn thấy mặt chúng.
Bản tiếng Việt của cuốn sách sẽ ra mắt vào 1/1/2013.
Tác giả: Nguyệt Cổ
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc