"Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" nhưng trần trụi

Thứ ba - 19/02/2013 22:26 3.205 0
"Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" như thể một tấm gương lớn phản chiếu những góc tối trong xã hội; mỉa mai nhưng không khuếch trương - buộc chúng hiển lộ một cách hoàn toàn, trần trụi, không hề được làm dịu hay tô sáng. 
Phan An và cuốn sách thứ hai "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt"
Phan An và cuốn sách thứ hai "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt"
Người ta nói về trách nhiệm xã hội của nhà văn, về ý thức sáng tác trong thực tế, nhưng dường như không ai đau đáu với cái thực tế đó bằng Phan An. 28 tuổi, viết cuốn sách đầu tay năm 2011 với nhan đề "Quẩn quanh trong tổ", đến tác phẩm thứ hai, Phan An vẫn trung thành với đề tài phản tỉnh xã hội và bóc trần sự suy thoái của nhân tính.

Khác với "Quẩn quanh trong tổ" - tác giả đồng thời là nhân vật trung tâm, soi tỏ hiện thực qua nỗi đau mà cá nhân anh ta cảm thấy - trong "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" (2012), An đã lùi lại, nhường chỗ cho những nhân vật của mình ra phía trước. Trong bối cảnh chính là trường đại học, những người thầy như thầy Hợi trưởng khoa, thầy Tượng, thầy Tôn, thầy Bành, những học trò như Cu Đen, Thu Đạm, dân phòng Tư Bề... được mô tả với những đặc điểm hết sức đặc trưng, quen thuộc; nhưng lại khiến độc giả rùng mình. Bởi dường như những nhân vật của hiện thực ấy đều đã xa rời con người khởi sinh và biến thành một cái gì đó méo mó bởi dục vọng và vật chất.
 
Để kể một câu chuyện "tôi đã bỏ học như thế nào", Phan An vẽ ra một sơ đồ giải thích có thể nói là "rối nùi câu chữ" chưa từng có. Mỗi lúc tưởng như nút thắt đã gỡ, thì lại có một câu chuyện mới, một nhân vật mới xuất hiện với hành xử kì quặc và ảnh hưởng không thể chối cãi từ hệ thống và sự suy thoái cá nhân - những thứ mà phần đông vẫn đang chấp nhận hay sống chung trong một "hiện thực bình thường". 
 
Nhà phê bình Lã Nguyên từng cho rằng lối viết giễu nhại là cách diễn ngôn của thời kì thứ 3 sau năm 1975 (sau thời kì của chủ thể chiến thắng và chấn thương). Giễu nhại cũng được xem là một cách diễn ngôn đặc biệt thường chỉ xuất hiện ở những cá nhân đã trải qua những chấn thương tinh thần sâu sắc và sau này, phản ứng với đối tượng gây bất bình bằng một bước thứ hai, khác hơn cách giận dữ thông thường - đó là bình tĩnh và dùng chính nó để đối nhại lại nó. 
 
Ở tuổi còn rất trẻ, Phan An đã sử dụng nhuần nhuyễn lối viết này trong các tác phẩm của mình và sẵn sàng đẩy nó đến tận cùng bằng vốn từ và khả năng tư duy phong phú. Không giống như đa số, thường phải nhìn về phia những điều tốt đẹp như một sự cứu giải để bước tiếp, sức chịu đựng và tỉnh táo của Phan An còn nhiều hơn những sự thật anh phơi bày trong sách. Như một người khai khoáng, tác giả đã bước chân vào vùng của sự thật trần trụi và phơi bày nó dưới ánh sáng mặt trời.
 
Hãy quên những độc giả ưa nhúng mình vào những dòng chữ bọc đường hay thích thú một cái kết có hậu để có thể tiếp tục mộng mơ. Sách của Phan An hẳn nhiên không chiều lòng bất cứ ai như thế. Nhưng tác phẩm đủ sức thuyết phục để tồn tại độc lập - như là câu chữ của một con người đang bộc lộ bản thân mình, với tất cả quan sát và ngẫm ngợi. 
 
Và thật khó thể phê bình thái độ của nhà văn chưa đủ chín vì đã không lạc quan, bao dung hay chấp nhận. Chỉ là, anh ta có quyền - theo cách riêng của anh ta, nghĩ về những con người tốt đẹp triệt để khi đứng giữa vùng lầy. Đó là một cái quyền xứng đáng. 

Tác giả: Hồ Hương Giang

Nguồn tin: VietNamNet

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây