Đã có nhiều tư liệu quý về lý luận, phê bình văn học nửa đầu thế kỉ XX được ông quan tâm, tập hợp; tỉ mỉ khảo cứu, chỉ dẫn và chú giải, giúp cho những người đến sau, và ít có điều kiện theo dõi một vùng tri thức tương đối rộng có thêm một chỗ dựa tin cậy, từ đó dám bỏ đi những hiểu biết có tính cách ngôn truyền, và quan trọng hơn là sửa soạn cho những khám phá mới, cho một cái nhìn khách quan, thực sự tập trung về một vài vụ án văn học tiêu biểu, một số hiện tượng văn học nổi bật có dịp hiển lộ. Sưu tầm, khảo thích các văn bản xuất hiện trong một giai đoạn lịch sử có nhiều chuyển đổi quan trọng, đối với PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện và một số người cùng chí hướng với ông, như là một cách bộc lộ sự trân trọng di sản quá khứ, truyền bá những giá trị khoa học đích thưc, đồng thời cũng là một cách soát xét đặt lại vấn đề, một sự nhận thức lại nghiêm túc các hiện tượng văn học còn nhiều tranh cãi, nhằm bác bỏ những diễn giải sai lầm, ngộ nhận, những đánh giá giáo điều phiến diện, những định kiến, hẹp hòi trong khoa nghiên cứu bấy lâu. Đóng góp quan trọng cho khoa văn bản học khoảng 20 năm trở lại đây, chủ yếu ở mảng văn bản lý luận phê bình, cùng với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, có lẽ phải kể đến tâm huyết biên soạn của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện cầm bút từ đầu những năm 70. Những lúc hồi tưởng ngày đầu cầm bút - chuyện trò gần gũi với đồng nghiệp về công việc hiện tại, ông thường bảo rằng con đường nghiên cứu văn học của mình do Hoài Thanh mở lối, chính nhà phê bình Hoài Thanh, chứ không phải ai khác, đã dẫn dắt ông vào nghề. Thế nhưng, đến đây, chúng ta cũng nên hiểu ông theo một nhẽ khác. Nguyễn Ngọc Thiện đọc nhiều thơ, sưu tầm được cả hàng thước thơ yêu thích, nhưng ông lại không có sở trường phê bình thơ. Cái chỗ đứng thực sự của ông hoàn toàn không phải ở đất thơ. Hầu hết những bài phê bình thơ của ông giai đoạn đầu, kể cả những cuốn sưu tầm, giới thiệu mà ông tham gia cộng tác cũng chưa thực sự có đóng góp nào đáng kể. Cho nên, nếu đâu đó, chúng ta nghe thấy ông nhắc nhở đến sự “chi phối, ảnh hưởng khá nặng” của tác giả Thi nhân Việt Nam, với một giọng điệu cho dù hồn nhiên chân thành và đầy ngưỡng vọng đến thế nào đi nữa, thì cứ nên ngầm hiểu là ông đang hào hứng nói về sự noi theo một tấm gương học thuật, nói đến sự tu chỉnh cái nết cẩn thận, tỉ mỉ, nghiêm túc trong công việc như nhà phê bình Hoài Thanh vậy. Tất nhiên, ông thừa hiểu rằng, người ta có thể học được cách đọc, kinh nghiệm đọc của Hoài Thanh - đọc kĩ, đọc trực tiếp các văn bản, đọc đi đọc lại, đọc một cách tĩnh tâm, đọc thành thực với người, với mình…. chứ chẳng ai học được những thiên bẩm. Đó là cái trời cho những người nặng nợ với chữ nghĩa văn chương làm vốn, chính cái đó - những thiên bẩm - trở thành tạng của mỗi cây bút. Ở đâu cũng vậy cả thôi, sự tinh tế, nhạy cảm của một người viết bất kỳ nào trước vẻ đẹp của văn học, cái chất văn thấm đẫm tự nhiên trong câu chữ, cách tư duy là điều không phải học được từ người khác. Có thể từ những công trình của Hoài Thanh, Nguyễn Ngọc Thiện được bồi đắp thêm ý tưởng, cảm hứng nghiên cứu dồi dào; từ tấm gương lao động Hoài Thanh ông nghiêm khắc hơn, kĩ lưỡng hơn trong đặt câu dùng chữ. Nhưng không phải nhờ là “học trò của Hoài Thanh”, mà ông đã thành công trong khoa học. Nguyễn Ngọc Thiện là một nhà nghiên cứu biên khảo văn học giàu tâm huyết, và trách nhiệm. Qua những công trình đồ sộ của mình, ông đã bộc lộ được tấm lòng thiết tha đối với những giá trị học thuật nửa đầu thế kỉ; ở các trang văn sắc sảo của Nguyễn Ngọc Thiện, quan điểm mỹ học Mác - Lênin và đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng luôn trở thành một hệ quy chiếu, đánh giá có hiệu lực. Nhiều công trình sưu tầm biên khảo của tác giả góp phần thúc đẩy, gợi ý cho những người làm khoa học cùng thời hoặc kế cận tìm tòi mới nhằm vượt qua các chướng ngại nhận thức của hiện tại, thêm nữa để có thể cấu trúc lại hệ thống hiểu biết văn học sử của họ. Những tuyển tập của Nguyễn Ngọc Thiện, xới lại bao vấn đề, có đóng góp nhất định trong việc giúp cho độc giả rộng rãi nhận diện được tư duy lý luận - phê bình văn học thế kỉ XX .
Đến nay, không kể những cuốn in chung, ông đã chủ biên 19 công trình có giá trị, trong số đó có: Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939, Tuyển tập Phê bình - nghiên cứu văn học Việt Nam 1900-1945 (5 tập), Tao đàn 1939- sưu tập trọn bộ (2 tập), Tranh luận văn nghệ thế kỉ XX (2 tập), Lý luận - phê bình nửa đầu thế kỉ (5 tập), Lý luận - phê bình 1945-1975 (5 tập)… Ông cũng đã in riêng 4 chuyên luận và tiểu luận - phê bình: Văn chương và tác giả, Tài năng và bản lĩnh, Phong cách và đời văn, Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh. Những công trình vừa kể được nhiều người nhắc đến, trích dẫn; đã đủ định hình tên tuổi và đóng góp khoa học của Nguyễn Ngọc Thiện. Gần đây, ông cho công bố thêm cuốn Lý luận - phê bình và đời sống văn chương, chủ yếu tập hợp những bài viết trong vòng năm năm trở lại, một phần đã được đưa in ở phần đầu giới thiệu một số công trình do tác giả chủ biên biên soạn, phần khác đã công bố trên các báo chí văn nghệ ở trung ương, địa phương.
Cuốn Lý luận - phê bình và đời sống văn chương thể hiện sự kế thừa, nhất quán về quan điểm, cách nhìn nhận của tác giả suốt quá trình nghiên cứu, song lại có vẻ tản mạn hơn các công trình trước đó, cũng của chính tác giả này. Điều đó được thể hiện ở mấy điểm sau: ngoài phần phác họa diện mạo lý luận, phê bình văn học Việt Nam qua mấy chặng đường phát triển, là dăm bài lẻ về tác giả, tác phẩm nổi tiếng một thời, “một ít kỉ niệm về đồng nghiệp bậc thầy, đàn anh” đan xen với “vài ý kiến ngắn về báo chí văn nghệ rút từ hoạt động thực tiễn”, cuối cùng thêm 127 trang lược khảo 34 tác giả lý luận phê bình văn học Việt Nam thế kỉ XX, “những tác giả đã để lại dấu ấn nổi trội về tư duy học thuật cùng bút pháp, giọng điệu độc đáo”. Cũng dễ thấy, mảng lí luận, phê bình văn học trước 1975 được người viết đánh giá theo từng phiến đoạn thời gian và sự kiện quen thuộc, điểm vài ý kiến, quan niệm, phương pháp luận… có lí giải ngắn, thuyết phục và rõ ràng; nhưng nội dung nhận định về đời sống văn chương đương đại còn mờ, làm giới hạn đối tượng quan tâm thường xuyên của người viết.
Ở phần đầu, ba bài: Lý luận, phê bình văn học 1930-1945; Lý luận, phê bình văn học 1945-1954; Diện mạo mới của sự phát triển lí luận, phê bình văn học Việt Nam 1945-1975 cho thấy tác giả làm chủ một khối lượng tư liệu phong phú, phác ra được những nét lớn của lí luận - phê bình Việt Nam hiện đại. Các bài: Đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc trau dồi tri thức lý luận, kĩ năng chuyên nghiệp, tạo nguồn cho tài năng phát triển; Qua ý kiến đồng chí Lê Duẩn về công tác văn hóa, văn nghệ; Về việc biên soạn giáo trình lý luận văn học bậc đại học ở ta 50 năm qua… một mặt làm sáng tỏ những quan điểm đã bộc lộ trong cụm 3 bài mà chúng tôi vừa nói đến, mặt khác càng cho thấy rõ hơn thiên hướng tư duy, cùng nhãn quan mỹ học - lí luận văn chương của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Riêng bài Về việc biên soạn giáo trình lý luận văn học bậc đại học ở ta 50 năm qua phần nào hé mở ý hướng đổi mới tư duy và kiến văn lí luận của tác giả. Tuy thế, xét tinh thần chung của toàn bài lại có đôi điều đáng suy ngẫm, ví dụ những “kiến thức nền để biên soạn”, những đề xuất - đòi hỏi về việc cần thiết phải biên soạn một bộ giáo trình lí luận chuẩn quốc gia, về “con đường chuẩn hóa kiến thức lí luận văn học” của Nhà nước. Tiểu luận Thăng trầm trong thức nhận văn nghiệp của một học giả, Thử nhìn lại quan niệm văn học của Phan Khôi qua một bài báo, Lan Khai và Tao đàn 1939… mở ra những hướng quan tâm đáng kể cho người đi sau, một lần nữa đặt lại những vấn đề có ý nghĩa thiết yếu đối với sự sáng tạo và văn hóa tranh luận, những vấn đề thuộc về trách nhiệm, thiên chức của báo chí văn nghệ, và khẳng định được bản lĩnh, sự khách quan, công bằng, đúng mực trong đánh giá khoa học của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện. Loạt bài Ma Văn Kháng và cuốn hồi kí - tự truyện mới, Sống và yêu ở xứ người, Cây bút truyện ngắn miền ‘gió Lào, cát trắng”… toát lên sự hứng khởi và tinh thần nhập cuộc đời sống văn chương đương đại của tác giả công trình, phần diễn giải về Ma Văn Kháng, có thể nói Nguyễn Ngọc Thiện là một độc giả tri âm. Những bài như Báo chí văn nghệ khối Liên hiệp - một chặng đường qua và việc quản lí lãnh đạo trong thời kì mới,Nâng cao chất lượng tác phẩm trên báo chí văn nghệ, Cần đầu tư thích đáng cho báo chí văn nghệ hoạt động tốt, Cần đảm bảo đầu tư kinh phí đủ cho hoạt động hiệu quả của cơ quan báo chí Hội văn nghệ... được viết từ vị trí của người làm báo, mặc dù có ý nghĩa thời sự, thực tiễn, nhưng thiển nghĩ, nếu chúng tách ra khỏi cuốn sách này thì phần 1 của công trình sẽ tạo ấn tượng rõ nét hơn nữa, còn gộp chung vào sách có phần làm giảm đi tính chuyên nghiệp của người làm nghiên cứu phê bình, soạn sách. Cần nói thêm rằng, phần tập trung lược khảo hơn 30 tác giả lí luận phê bình của tác giả là những đánh giá gọn, công phu, cho thấy độ tinh tế, sâu sắc mà nhiều cuốn từ điển trước nay, ở chỗ này hay chỗ khác, vẫn chưa thể hiện được. Nhìn chung, tư duy của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện thiên về tổng kết, đúc rút những quy luật đặc thù, những đặc điểm bản thể và các xu hướng vận động chủ yếu; trên đại thể sự tổng kết, khái quát của ông đáng tin cậy, điềm tĩnh, có giá trị khoa học đối với việc nhìn nhận một mảng văn chương, một giai đoạn, mấy hiện tượng văn học.
Tựu trung, Lý luận - phê bình đời sống văn chương, trước hết là một công trình tổng kết, nhìn lại của chính tác giả về những gì đã làm được, quan sát được, từ góc độ của nhà khoa học, quản lí và làm báo chuyên nghiệp. Theo nghĩa đó, Lý luận - phê bình đời sống văn chương như là một sự nối dài thêm những tiếng nói, những bước đi trước đó của tác giả. Đó là âm hưởng của những công trình đã công bố từ nửa cuối những năm 90, đầu năm 2000. Và nếu nhìn rộng ra, còn là dịp bày tỏ mong mỏi sau hết của một người mấy chục năm miệt mài cầm bút, như phần cuối của công trình này đã tập hợp - những lời tri âm của bạn viết, bạn văn. Chẳng phải, trong một đời văn, đời sống chúng ta vẫn mong gặp được bạn tri âm, trân trọng những tấc lòng tri kỉ của nhau sao?
Tác giả: Minh Thương
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc