Năm 2007, Ngô Phan Lưu đoạt giải nhất cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ cho hai truyện ngắn Cơm chiều và Buổi sáng biến mất. Mặc dù là người thành công muộn trên con đường văn chương nhưng Ngô Phan Lưu không biến mất như một số trường hợp khác. Những sáng tác đều đặn không ồn ào náo động nhưng không bị chìm giữa biển văn chương.
Con lươn chép miệng là tập truyện ngắn mới xuất bản của Ngô Phan Lưu. Ông bắt đầu những truyện ngắn của mình bằng những cái tên nghe chừng đơn giản như: Con lươn chép miệng; Ngọn đèn đường; Trà xanh đường phèn; Chiếc ngạnh cá; Quyển sách… nhưng đằng sau nó là nhân tình thế thái chỉ có thể nói, chỉ có thể bàn mà chẳng thể lý giải cho gọn gẽ, giải quyết cho thỏa đáng.
Trong văn của Ngô Phan Lưu có những khái niệm nghe là lạ nhưng vô cùng thú vị: “Rượu là nước mắt con người”, đây tuyệt nhiên không phải là câu biện hộ của kẻ say xỉn mà đó là triết lý cuộc đời, bởi khi con người hạnh phúc cần nước mắt và đau khổ cũng cần nước mắt. Con người tự cho mình là cao quý ở ngôi cao có quyền sai bảo, giam bắt những giống loài khác nhưng qua con mắt ông Nam trong Thăm thẳm trưa thì chính con người đang bị các loài vật khác mắng mỏ là: “Cái giống người khốn kiếp!”, cái buổi trưa ông Nam dẫn các cháu đi chơi Thảo cầm viên xem động vật quý hiếm đã trở thành một buổi trưa làm người lớn phải hốc hác đi. Kể cả trẻ con cũng đăm chiêu, lưỡng lự. Một buổi trưa… Thăm thẳm trưa…
Nhân vật của Ngô Phan Lưu trong Con lươn chép miệng không bị phù hoa phố xá làm mất đi con người “nhà quê”. Sống giữa thành thị bận rộn suốt ngày nhưng giây phút nghỉ ngơi họ vẫn tìm đến hồn quê với bát nước trà xanh đường phèn; tìm lại giấc ngủ mất tiền mua, giấc ngủ vụng trộm hay đúng hơn là giấc ngủ của thủa nghèo khó.
Đọc Ngô Phan Lưu vừa dễ vừa khó. Dễ khi bạn hời hợt đọc, khó khi để tâm đọc. Cái Ngô Phan Lưu muốn viết không chỉ bó gọn trong câu chữ mà là cái bạn sẽ nghĩ sau khi đọc. Sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2010.
Tác giả: G.T
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc