Với thiên tiểu thuyết có dung lượng một truyện vừa này, tác giả đã cố gắng khơi sâu được một vài khía cạnh mới về đề tài giáo dục, đồng thời thể hiện chúng bằng một bút pháp, kĩ thuật khá phù hợp và hiệu quả.
2.1. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm toát ra từ một khoảng cách không gian, thời gian đầy ám ảnh trong tác phẩm: khoảng cách từ “giảng đường yêu dấu” đến “bình minh” nơi “vỉa hè”.
Chàng thanh niên xưng “tôi” trong tiểu thuyết từng nếm trải một tuổi thơ đơn côi heo hắt chốn làng quê, hơn ai hết, khi có được những ngày tháng tươi sáng, ấm áp nơi “giảng đường”, thì nâng niu, “yêu dấu”, cứ khư khư ôm níu, không chịu buông rời. Thời ấy thật đẹp, mọi kỉ niệm đều đáng nâng niu. Thời ấy, sinh viên đói ăn, thiếu mặc triền miên – một nồi mì ăn liền nấu với rau tươi, chia nhau ăn đỡ đói, thấy ngon như sâm, như quế – nhưng, đó là thời trẻ trai hăm hở, tình bạn tốt đẹp cảm động vô cùng. Người ta sẵn sàng âm thầm bán máu trong cơ thể mình để lấy tiền giúp nhau khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Làm sao có thể không nâng niu “yêu dấu”?
Nhân vật “tôi”, trước khi giã từ thuở “yêu dấu” của mình, từng băn khoăn: “… ngày mai đã ra trường rồi, sông suối đổ về đâu, sắc xanh của đời có tím ngắt hay không?”[3].
Đúng là không thể nào hình dung hết được những gì đang đón chờ phía “ngày mai”. Nhưng dẫu có thế nào thì vẫn phải dấn thân để tự khẳng định mình, vượt lên chính mình. Những người trai trẻ tự trọng không bao giờ bằng lòng bị che khuất, hay để cho ai cao lớn đổ bóng lên hình hài thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần mình. Họ có ý thức giữ gìn bản thể và không muốn là bản sao của bất kì ai.
Một thái độ sống dấn thân như thế thật đáng được tác giả cuốn tiểu thuyết này khích lệ đồng tình, và xem như một thái độ chung của cả một thế hệ sinh viên.
Cũng như bạn bè mình, nhân vật “tôi” náo nức nghĩ về tương lai, song, “ngày mai” không phải bao giờ cũng “xanh” mà nhiều khi “tím ngắt”.
Giảng đường đại học dù đáng được “yêu dấu”, vẫn không phải là nơi họ học được nhiều, thật nhiều và tất cả. Thậm chí còn là nơi phải học không ít điều to tát, kinh viện, giáo điều và vô bổ. Những gì chưa học được họ phải học ở trường đời. Trường đời là một loại “giảng đường” khác, kém “yêu dấu” hơn, song là cần thiết; vả chăng, đã lựa chọn hay được xã hội phân công thì người ta không thể quay lưng, rủn gối mà phải dấn thân, thậm chí liều lĩnh bước vào.
“Tôi” và những người bạn của “tôi” đã vào đời như thế. Hoài – chàng sinh viên có biệt danh “tiến sĩ”, dự định viết những cuốn sách để đời bàn về môn phái triết học nào sẽ thịnh trong thế kỉ XXI – đã không “bay” được vào chân trời mơ ước của mình, đành ngậm ngùi ngồi vỉa hè bán trà đá và xem số tử vi. Hưng, chàng sinh viên một thời từng dạy kèm kiếm sống, ngán ngẩm cái cảnh làm gia sư cho con em các ông bà lớn, đã “bay” theo đường những kẻ buôn chuyến, “lên Lạng Sơn tham gia đội quân xe máy luồn lách rừng núi làm mấy chuyến hàng”. Dấn Sư Giao – chàng sinh viên “mang trong mình dòng máu lưu dân” Nam Bộ – vào Miền
Cái “vỉa hè” trà đá, tử vi của Hoài, nhà nghiên cứu triết học chưa gặp thời, trong trường hợp này, như một biểu tượng, mang thêm một ý niệm chua chát, hoài thương. Cả nhóm bạn thời sinh viên ấy, kể cả người đắc chí lẫn kẻ chưa đắc chí, hình như đều chỉ mới bước được một quãng ngắn từ không gian “giảng đường yêu dấu” ra tới “vỉa hè” nắng gió, lầm than, nghiệt ngã của đời. Phải bước tiếp hay dừng lại đây?
Không thể hiện thái độ cô đơn phá phách cực đoan của con người cá nhân trong lớp trẻ, không hướng tới mục đích phê phán hiện trạng giáo điều, bất cập của nền giáo dục nước nhà – dù rằng đây đó, tác phẩm có gợi nhắc hiện trạngnhư một lời cảnh báo, buộc người đọc không thể không suy nghĩ – cuốn tiểu thuyết này thể hiện một khát vọng thiết tha, gắn liền với một thái độ sống tích cực, đúng đắn: muốn cho cái thời “tuổi hai mươi” nơi “giảng đường yêu dấu” đẹp mãi, gần gũi thân thiết mãi, thì phải làm sao cho cái “ngày mai” “sau tuổi hai mươi” ấy cũng tươi sáng, ấm áp tương xứng với nó.
2.2. Đọc tác phẩm, độc giả cũng dễ dàng nhận thấy việc lồng “phim” vào tiểu thuyết là một thể nghiệm táo bạo và khá chắc tay của tác giả tiểu thuyết này.
“Giảng đường yêu dấu” được kết cấu theo lối truyện lồng trong truyện, hay đúng hơn, “phim” lồng trong tiểu thuyết. Ở đây, kí ức của nhân vật tiểu thuyết được dùng làm chất liệu chính để tạo nên số phận, sức sống của nhân vật phim. Nói khác đi, đây là một tác phẩm “kép”. Nhân vật của kịch bản phim và của tiểu thuyết, về cơ bản là hai hệ thống nhân vật chồng lên nhau; nhân vật tiểu thuyết thành mẫu hoặc nguyên mẫu của nhân vật phim. Tên gọi và số phận, tính cách của hai hệ thống nhân vật này, có trường hợp trùng khớp hoàn toàn, có trường hợp được thay đổi, cải biên, có trường hợp là sự hòa đúc. Hành động sự kiện và khung cảnh trong tiểu thuyết, ít nhiều, đều hắt bóng hoặc đậm, hoặc mờ của chúng vào kịch bản phim.
Nhưng kí ức, nếu không làm chủ được thì, đúng như lời của nhân vật “tôi”, luôn luôn là một thách thức, thách đố với cả nhà văn và người đọc, người kể lẫn người nghe: “Kí ức” thường“nhảy vọt, bẻ ghi liên tục”. Thách thức cần phải vượt qua ở đây là: phải nghệ thuật hóa cái kí ức ấy, biến nó thành tiểu thuyết. Kí ức, dù đứt đoạn hay mạch lạc, khi đưa vào tác phẩm đều phải có tính nghệ thuật[4].
Đặc điểm “kép” về thể loại (phim trong tiểu thuyết) của Giảng đường yêu dấu, trong sự tương chiếu giữa thế giới nghệ thuật của phim và thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết, trên thực tế cũng làm toát lên một ý tưởng nghệ thuật sâu sắc.
Có lần, trong một trạng thái hưng phấn về ý thức thẩm mĩ của người làm phim, nhân vật Phan, nhà đạo diễn tài năng đã nói với “tôi”, người biên kịch rằng, bộ phim của họ phải là một “sự pha tạp thể loại”. Đây cũng chính là phương châm sáng tạo của tác giả tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu. Tiếu thuyết này là một sự “pha tạp” – đúng hơn, phải nói là có sự tương tác theo hình thức tổng hợp thể loại – khá ngoạn mục: không chỉ “pha tạp” giữa tiểu thuyết và phim, giữa tự truyện và nhật kí, mà còn là “pha tạp” “giữa hư cấu và tư liệu”. Yếu tố “tư liệu” đã được tổng hợp và truyền tải vào văn bản tiểu thuyết bằng một “kênh” khá lạ lẫm đối với văn hư cấu quốc ngữ xưa nay – kênh “cước chú”. Đây là một “kênh” thông tin bổ sung rất đắc dụng, được khai thác rộng rãi trong các loại văn bản khảo cứu, học thuật. Các “tư liệu” được đưa vào hệ thống “cước chú” trong tiểu thuyết này, cũng đã ít nhiều phát huy được tác dụng của nó[5].
Thể loại “pha tạp”, tất nhiên ngôn ngữ của tác phẩm cũng “pha tạp”. “Giảng đường yêu dấu” là kết quả của sự hòa trộn nhiều phong cách, sắc điệu ngôn từ, nhiều sắc thái giọng điệu. Phong phú, thú vị hơn cả là ngôn ngữ phỏng, nhại: nhại ngôn ngữ điện ảnh, sân khấu, nhại ngôn ngữ của ca kịch cải lương, ngôn ngữ của truyện chưởng, ngôn ngữ nhật kí, hồi kí, ngôn ngữ thơ trữ tình, ngôn ngữ người “nhà quê”, ngôn ngữ chú giải, ngôn ngữ chính luận, ngôn ngữ triết học, ca từ, ngôn ngữ văn chương mạng, ngôn ngữ game online,… Trên bình diện ngôn từ tác phẩm, cái tục và yếu tố sex, khi cần, tùy theo dụng ý nghệ thuật, cũng được sử dụng khá linh hoạt, tinh và khéo, với nhiều thủ pháp, cự li, góc độ: viễn cảnh, cận cảnh; hiện thực, siêu thực; trực chỉ, ám chỉ; khi trực tiếp, lúc gián tiếp,…
Những biểu hiện của sự “pha tạp” ngôn từ như vậy đúng là ít nhiều có tạo được không khí thời hiện đại và sự phong phú về sắc thái giọng điệu cho tác phẩm. Tuy cũng còn đôi ba chỗ non tay[6], nhưng nhìn chung đây là tác phẩm thành công. Tác giả đã duy trì được cái chất tươi tắn, trẻ trung của một thiên tiểu thuyết cho “tuổi hai mươi”; nhiều trang buồn cạnh những trang vui và, có không ít những trang, những dòng sâu lắng cảm động. Văn phong của tiểu thuyết là lối văn hàm súc, thuần thục, tự nhiên mà khá lôi cuốn, hấp dẫn và ít nhiều có dư âm, có sức ám ảnh khá mạnh mẽ.
3. Khép lại tác phẩm, cái dư âm ngân vọng mãi trong lòng người đọc hóa ra, lại chính là dư âm của mấy chữ tưởng như đã quen thuộc, thậm chí, mòn cũ – “Giảng đường yêu dấu”. Kí ức không phai lạt bao giờ về “ngày xưa”, bỗng trở thành hoài vọng thăm thẳm về một “ngày mai” với bình minh chói lòa. Và, con người biết trân trọng quá khứ, nâng niu kỉ niệm trong trường hợp này, nhìn từ một phía nào đó, cũng chính là con người biết hướng về tương lai mà dấn bước.
TP Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 201
Nguyễn Thành Thi
Nguồn: vietvan.vn
______________________
[1]: Tiểu thuyết đạt Giải Ba, Văn học tuổi hai mươi, lần thứ IV của Mai Anh Tuấn, NXB Trẻ TP HCM, 2010.
[2]: "Một nghệ thuật viểt táo bạo" - lời giới thiệu Giảng đường yêu dấu, NXB Trẻ, 2010 - là bản rút gọn của bài viết này.
[3]: Giảng đường yêu dấu - Mai Anh Tuấn, Sđd, tr.49.
[4]: Kí ức trong tiểu thuyết này tuy hỗn độn nhưng không phải không có mạch lạc riêng của nó. Chẳng hạn, khi "tôi" nói đến bộ cánh "thiếu cà vạt" của mình hồi sinh viên, lập tức hồi ức về những chiếc cà vạt đủ màu (mười bốn màu?) của giáo sư Dân - ông thầy dạy văn chương học thuật đầy cá tính - hiện về; rồi theo đó, kí ức về một thời "giảng đường yêu dấu" gắn với hình ảnh ông thầy này lũ lượt hiện lên: nào chuyện về bức tranh "đánh ghen" và tâm lý phụ nữ, nào những cuốn sách của giáo sư Dân và cuộc khám phá của "tôi" về tâm lý, tính cách của ông,... Tương tự như vậy, khi "tôi" nghĩ về sự "nhạy cảm" nghề nghiệp của mình trong tư cách người biên kịch, kí ức về cô bạn gái vốn ác cảm và thường hoài nghi sự "nhạy cảm" hiện về. Theo sau đó là kỉ niệm về mối tình đầu, nỗi hoang mang đi tìm người yêu; rồi chuyện biên kịch, sửa chữa, chuyện tác nghiệp của đạo diễn và chuyện tạo tác những nhân vật, tình tiết trong phim,...
[5]: Ý đồ của tác giả là tạo thêm những liên tưởng mang tính "liên văn bản"; tạo một sắc thái phỏng nhại, hí hước hoặc châm biếm nhẹ nhàng, làm cho giọng văn vui, tếu ở một số thời điểm thích hợp; tạo một hiệu quả lạ hóa hình thức trình bày sự kiện, nhân vật trong tiểu thuyết.
[6]: Tỉểu thuyết vẫn còn một vài trang, đoạn chưa thật thuyết phục đối với độc giả, có lẽ do thiếu hụt về vốn sống; vẫn còn những chỗ rối trong dịch chuyển điểm nhìn và trong lối hành văn; một số trang, đoạn nghe vang vang mà thiếu chiều sâu; một số chú thích chưa đắt, thậm chí hơi dễ dãi, tếu táo; cách chia văn bản tác phẩm thành bốn phần ghi kí hiệu bằng chữ cái in hoa (A,B,C,D) thực ra, không mang lại được hiệu quả gì khác so với cách chia phần đánh số Ả Rập hay La Mã thông thường; cách gọi tên nhân vật nữ (T) trùng lặp ở tiểu thuyết và kịch bản phim, lại trùng với tên nam nhân vật chính (cũng là T) trong phim tuy có dụng ý song chưa phải là cách xử lí hữu hiệu, thậm chí, như thế tác giả đã tự làm khó cho mình...
Ý kiến bạn đọc