Đọc “Bao Công làng” của Phan Quế

Thứ tư - 02/03/2011 10:43 2.396 0

Đọc “Bao Công làng” của Phan Quế

Không kể những sáng tác thơ, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết đã được in ở nhiều nơi, riêng NXB Công an Nhân dân đã cho ra mắt bạn đọc tới bốn cuốn tiểu thuyết của nhà văn Phan Quế: Hội Cô Hồn, Ổ quỷ (1991), Gió bụi (1995), Chuyện tình sông Sỏi (2006)... Và tiếp đến lần này là tiểu thuyết Bao Công làng...

Trên thực tế, nói đến thể loại tiểu thuyết là nói đến tính cách, số phận và hệ thống nhân vật. Trong tiểu thuyết Bao Công làng, nhân vật chính là ông Công Mái từng một thời được coi như "Bao Công làng" nhưng rút cuộc lại trở thành người đơn giản và tốt tính đến không tưởng. Gắn với cuộc đời từng trải của ông Công Mái là bà vợ tần tảo: "Bà Công Mái cũng từng có thời mặc áo thanh niên xung phong, đi gỡ bom, đi tải đạn, hòa bình chuyển ngành sang bán rau quốc doanh rồi sau xin về một cục, chuyên tâm chăm chồng chăm con"... Bên cạnh đó là ông bà Tống Thệp từng góp tiền xây nhà thờ tổ, sửa đường làng, từng được coi là "đệ nhất công đức của dân kẻ Phẩm", "tên tuổi ông Tống Thệp nổi lên như một hiện tượng" nhưng rồi sau đó lại hóa thành kẻ biến chất, tham nhũng. Đan xen vào câu chuyện giữa vùng thôn quê đang trong cơn lốc đổi thay cả về lối sống, phong tục, tập quán... là các mối quan hệ của những mối tình giữa cô Ling Ling với anh Mãnh; những cô Tư Diệc, Mi Viên ở vùng thôn quê đã trở thành loại gái thập thành... Tất cả vẽ lên hình ảnh xã hội nông thôn thu nhỏ đang quay cuồng, có cả những mặt tốt và biết bao điều hệ lụy.

Trong Bao Công làng, tác giả cho thấy một thế giới người nhốn nháo, một trật tự chưa được vãn hồi, đang đổi thay và phát triển. Cả thế giới nhân vật vừa xưa cũ vừa quái đản, xa lạ, ngỡ như người từ hồi đầu thế kỷ lạc về với những cái tên kỳ quặc như Công Mái, Tống Thệp, La Văn Liếng (Liếm), Ling Ling, Mãnh, Tư Diệc, Mi Viên, Cảu Sộ, Băm, Thẽo... Tất cả các nhân vật không hoàn toàn tốt nhưng cũng không hoàn toàn xấu, không xác định được tiêu chí nào là lẽ phải duy nhất đúng. Có thể nói đây là định hướng cho phép mở rộng dung lượng hiện thực, cố gắng soi nhìn đúng đắn hơn về làng Phẩm muôn năm xưa đang trên đường biến động, chuyển hóa, xoay chiều. Thiên tiểu thuyết đưa đến cho người đọc cách đánh giá về thôn quê nhiều chiều, nhiều góc cạnh với những thế giới nội tâm nhân vật đa dạng, phong phú, không thuần túy tuân theo một bảng màu nhất định. Trong chiều hướng chung, tiểu thuyết gợi mở những suy tư mới, những cách ứng xử mới mẻ, đặc biệt chú trọng vào bản lĩnh và nhân cách mỗi con người trước áp lực giữa thời đổi thay, biến động. Con người đã trở lại đúng hình ảnh "con người", không cần tô vẽ, đánh bóng theo bất cứ một kiểu thức nào. Có thể nói đó cũng là cách mở rộng tầm nhận thức về con người, góp phần tái hiện một cách chân thực con người thời đại với tất cả những đặc điểm tham - sân - si - ái - ố - hỷ - nộ đang tồn tại trong mọi con người, mọi kiếp người và mọi cuộc đời.

Về kết cấu, thiên tiểu thuyết được xây dựng theo nhiều tuyến nhân vật, nhiều biến cố, sự kiện. Nhiều chương, nhiều đoạn tưởng như không ăn nhập với nhau, phân hóa theo từng tuyến và hợp lực tạo nên không khí chung về thời cuộc. Điều này thể hiện rõ khi xuất hiện từng khối nhân vật, từng khối sự kiện, từng khối cốt truyện bao quát dung lượng của từng chương đoạn và đan xen lẫn nhau. Trên cơ sở đó có thể nhận thấy kết cấu thiên tiểu thuyết được phân hóa thành từng tuyến: vợ chồng ông Công Mái, vợ chồng ông bà Tống Thệp, chuyện tình cô Lời, cô Tư Diệc... Có những đoạn hầu như chỉ có chuyện mà không có cốt truyện, chẳng hạn việc miêu tả nhân vật ông Công Mái với thú hút thuốc lào, chuyện cô Bệp - Ling Ling (con ông bà Tống Thệp) đi lễ hội... Cách viết này góp phần khắc phục hình thức cấu trúc theo lối phân tích nội dung, xây dựng nhân vật và sự kiện theo tuyến tính mà hướng đến cách viết đa dạng, biến hóa, nhiều tuyến, nhiều chiều hơn.

Về phong cách, có thể nhận thấy tác giả triệt để sử dụng bút pháp giễu nhại, trào phúng, bắt đầu từ việc đặt tên nhân vật, cách tạo dựng không khí và các mối quan hệ thân sơ "nửa nạc, nửa mỡ". Tác phẩm đan xen nhiều đoạn trữ tình ngoại đề, nhiều lời biện thuyết in đậm dấu ấn luận đề, bình giải, dẫn giải, chỉ cho người đọc hiểu rõ thêm tính cách nhân vật và thái độ tác giả. Đó là việc tác giả gọi tên nhân vật La Văn Liếng thành La Văn "Liếm" và Liếng "ký giả"... Tuy nhiên, lối viết luận đề dễ khiến tính hấp dẫn và ý nghĩa khách quan của hình tượng nhân vật bị giản lược đáng kể. Thêm nữa, việc xuất hiện những đoạn thư, những bài thơ, ca dao, ca vọng cổ... góp phần gia tăng tính chất hỗn dung thể loại, đan xen giữa lời văn xuôi và thơ trữ tình song hiệu quả chưa cao vì bản thân những bài thơ này thiên về ý nghĩa phụ họa cho giọng điệu giễu nhại mà chưa cho thấy tính tất yếu của việc xuất hiện lời thơ. Hơn nữa, bản thân những lời "thơ" này quả có sát hợp với tính cách nhân vật nhưng lại khá thiếu tính nghệ thuật.

Trong cách dẫn chuyện, tác giả thường sử dụng nhiều cách chuyển đoạn bất ngờ, thậm chí quá linh động, không theo một chuẩn mực ngữ pháp và cách thức diễn đạt, miêu tả thông thường. Có thể bắt gặp rất nhiều những đoạn văn, câu văn, lối miêu tả kiểu như:

"Không ai cãi được bà về cái khoản công đức mà gia đình Tống Thệp đã bỏ ra cho làng làm cái ngõ đẹp như phố này. Chả nhẽ việc đó là không công, việc đó là thối tha tham nhũng.

Họ có thấy ngượng, thấy xấu hổ khi muốn bêu xấu chồng bà?

Cho nên...

Bà Tống Thệp cứ giữa đường mà đi, mà nói.

Đi một bước bà nói tới hai ba bước.

Người làng hai bên đường nhìn ngó bà.

Người rõ chuyện thì nguýt dài. Người chưa biết thì ngơ ngác hỏi thăm.

Bọn trẻ vô tư nhất.

Ai cũng có thể là sự quan tâm của chúng.

Sự quan tâm tò mò mang tính con trẻ.

Thấy bà đi chúng cũng đi theo"...

Có khá nhiều những đoạn văn, những câu văn được ngắt ý, ngắt dòng như thế. Câu chữ cuốn đi. Lời văn kể sự nối dài. Người đọc chấp nhận một lối văn mới mà không phải ai cũng thấy thông thuận.

*

Tiểu thuyết Bao Công làng của tác giả Phan Quế hướng đến phản ánh con người và cuộc sống làng Phẩm những năm đầu thế kỷ XXI. Bức tranh hiện thực được phác họa theo phong cách biếm họa và nhấn mạnh quá trình phát triển trong sự đan xen, giằng xé, nhốn nháo của làng quê thời mở cửa. Tác phẩm có ý nghĩa dự báo, cảnh tỉnh và thức tỉnh lương tri con người trước cuộc sống đang ngày càng trở nên đa dạng, đa diện và phức tạp hơn. Điều đó góp phần tạo nên ý nghĩa thanh lọc, cảnh báo và khơi gợi thái độ trách nhiệm của mỗi cá nhân trước thực tại xã hội nông thôn trong giai đoạn mới, trước biết bao gương mặt con người tưởng như thân thuộc mà vẫn tiềm ẩn những bất trắc, đổi thay, biến ảo...

Tác giả: La Sơn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây