Giấc mai hoa

Thứ tư - 02/02/2011 20:00 2.598 0

Giấc mai hoa

Giấc của Lữ Thị Mai là một giấc mơ ẩm ướt sương hoa. Đêm cứ bao trùm, cứ lởn vởn mọi trang thơ, ngay cả khi nó là thơ chiều hay thơ sớm. Đó là không - thời gian của những miền sâu, miền khuất trong hồn người, của những cơn mơ. Những cơn mơ dậy lên từ hoa cỏ và ướp mình trong hoa cỏ, còn hoa cỏ thì đầm sương mưa.

Giấc mơ yêu dè dặt nhu nhú, đẫmcỏ cây, tràn chăn gối, như hơi thở của đêm hương phấn của ngày. Tan mơ, còn lại ưu phiền, trong ưu phiền vẫn nhụy nhụy đơm mong, lại dè dặt gửi mình vào cơn mơ mới, lại ngập ngừng giấc mơ bí mật. Bởi thế mà hoa thật nhiều, nhiều như muốn biến cả tập thơ thành một hoa viên, một vườn thúy. Này là sen trắng, sen hồng, này là xoan tím cùng bằng lăng tím, rồi mẫu đơn, hồng leo, rồi dã quỳ… mà nổi sắc hương hơn cả vẫn là những cúc họa my, xuyến chi, đặc biệt là bồ công anh ẩn bóng tình yêu - Tình yêu là đóa bồ công anh bung mở nhiều vụng dại, và quỳnh e ấp những khát khao thầm kín dè dặt nở trong đêm, dè dặt tỏa trong đêm, chậm rãi khép xiêm y trinh bạch. Hoa đánh thức ở người thơ bao nhiêu mơ mộng và người thơ cũng gửi vào hoa những giấc mơ yêu mãnh liệt mà se xót của mình. Hoa giúp thơ giấu nồng nàn vào trong e lệ, dìm bao khát khao vào mỗi nỗi ưu phiền. Cứ thế, nhiều đêm rất sâu/ người thức như hoa chập chờn hơi thở, cứ thế cái tôi thi sĩ hiện dần ra trong dáng một nữ nhân vừa kiêu sa vừa quyến rũ, như tiễn đưa lại như nhung nhớ, ngỡ buông bỏ mà rồi lại kiếm tìm những niềm mơ trinh bạch đêm xưa.

Tâm sự của Giấc là tâm sự của đóa quỳnh sau đêm khai hoa nhớ tiếc thời phong nhụy. Lúc còn đương nụ, quỳnh khao khát được trao gửi hiến dâng. Người quỳnh chờ trông là người đến từ cõi khác. Nhưng người quỳnh trót gửi trao lại ở cõi dương gian này. Người ấy cũng khiến bao đức tin ngây thơ tan trong lời nói dối, cũng xông tình yêu trong khói thuốc,  cũng nửa chừng làm em đau và cô độc, cũng lạm phát những lời khuyên giá rẻ làm nhàu lòng người mộng, làm xước lòng người mơ: ai lần mở cúc áo đông/ ta cứ thế chạm vào tan vỡ… Kẻ ấy là một tình nhân trong dương gian, là chính dương gian, chả xứng đáng với niềm ước trinh nguyên thuở mười sáu tuổi. Nghĩa là hiện thân của một hiện thực tầm thường khác xa với lí tưởng. Nhưng không sụp đổ, không đớn đau, không oán hận, không kì vọng… chỉ ưu phiền. Ưu phiền như mối trầm cảm với thực tại phai nhàu. Đến nỗi, giờ đây, trước trắng trong, niềm u uẩn khiến lòng ngại ngùng nào dám mở lời. Tha thiết với tinh khôi, nguyên vẹn, trinh nguyên. Đi tìm kiếm những tinh khôi ngày cũ, tìm đóa nguyên sơ, tìm bông cúc vẹn nguyên, gặp mưa thanh tân, gặp nước thanh tân… song chỉ là ảo ảnh. Cuối cùng, chỉ còn nước mắt vẹn nguyên. Vì thế, suốt cả tập thơ, thấy ẩn hiện những dấu chân kiếm tìm đang nhòe dần thành cuộc kiếm tìm những dấu chân. Suốt cả tập thơ, luôn thấy một chú chuồn kim dường kiếm tìm những mong manh trong thực tại bất an, với đôi cánh gió mưa làm ướt sũng, muốn bay mà chẳng thể bay, và chẳng thể nào tiễn biệt được giông gió. Từ tình yêu nhưng đâu chỉ chuyện yêu. Từ cá nhân nhưng không bó trong một cá nhân. Từ thời nay nhưng không chỉ thời này. Là tiếng lòng của người nữ, của nhiều người nữ, của hiện tại và của nhân gian. Ấy là cuộc kiếm tìm một tinh khôi đã mất.

Nhân gian ngõ tối đứng chờ nhau

ta trút bỏ tinh khôi trống vắng

trả lại mùa thu vòng hoa niên bí mật…

Khi chán chường mà chưa thể ra khỏi nó, người ta tìm vào mơ. Mơ để giải thoát vào cõi ảo, mơ để được ru mình bằng mộng mị. Nhưng chán chường nào có thôi đeo bám, thế là người ta lại đem nó vào luôn cả cõi mơ. Mọi chốn do vậy đều nhuốm ưu phiền u uẩn. Thơ như giọt lệ rớt trong đêm, như tiếng thở dài nén lại lúc rạng ngày. Chẳng phải đó là Giấc sao?

Đó đây cũng có những bóng dáng những cuộc lo toan bận rộn thị thành: chiếc xe đạp chở nỗi buồn của cánh đồng đi rao bán, những quán nước vỉa hè… bóng dáng cả những clip phát tán trên mạng về phiền tạp đời sống, về bạo hành nhức nhối của cuộc nhân sinh… Nhưng mờ nhạt. Trước sau, Giấc chỉ là cõi riêng, cõi thầm của Mai. Ta có thể thấy đây là một nỗi u uẩn thật mảnh, nhưng thật sâu; một bận tâm không rộng lớn, nhưng chân thành; một hơi rung chưa vang rền nhưng liền một giọng. Thế giới của một cá thể cách vời, một bản thể lặng lẽ. Ấy là nguồn thơ của Mai vậy. Một nguồn thơ cũng khá tiêu biểu cho thơ trẻ hiện thời.

*

Tôi nhớ hôm đến trường Nguyễn Du dịp kỉ niệm 30 năm thành lập trường. Học viên các khóa nô nức giao lưu gặp gỡ. Khắp sân treo la liệt những poster lớn in các thi phẩm của lứa đang học. Dừng trước một tấm có trưng bài Ngón của Lữ Thị Mai, một cái tên hãy còn lạ lẫm, tôi đã thu thú với câu mở: trên những khoảng muốt mềm. Cái chữ muốt mềm cứ đeo bám tôi. Có cái gì thật tân kì, điệu đàng, nhưng rõ ràng, ẩn trong nó là một cảm giác sắc dục rất mới, rất con gái. Toàn bộ bài thì như đã tan nhanh, còn lại với tôi dường chỉ một chữ muốt mềm. Kinh nghiệm đọc lúc bấy mách tôi đó là nhãn tự của riêng bài ấy. Nhưng giờ đọc hết cả tập Giấc, tôi thấy nó không còn là nhãn tự của riêng một bài mà là của cả tập đầu tay này rồi. Giấc của Mai là những khoảng muốt mềm. Ấy là một nhục cảm mê muốt tràn khắp đó đây:

Này rất nõn nà

này thì ắng lặng ngón tìm ngó

ngón vu vơ miết cổ áo anh dò tìm vết dị thường

ngón khơi mở lần tìm

ngón thành tâm chiếm đoạt

di mười đầu ngón tay

víu vầng trăng dậy thì; sớm đẫm lời ca môi ướt

tình yêu lịm và sâu

gió qua thềm tựa cột thoát y

thêm đôi lần cởi thắt lưng ban mai

lả lơi váy áo…

Thơ yêu làm sao thiếu được nhục cảm. Nhưng nhục cảm trong Giấc khá tinh và tiết chế. Cảm giác da thịt thế này chỉ là những hóa thân tươi tốt của những cảm xúc bí mật trong cõi lòng u uẩn một nữ nhân:

phập phồng đêm nhàn nhạt em ngằn ngặt khói thuốc

em muốn người khác anh

biến hóa gối chăn mà không ai tìm ra hơi ấm

nhú lên thức tỉnh dị thường

Đó là tạng của Mai chăng ?

Thơ Mai cũng được dệt bằng thứ ngôn ngữ muốt mềm. Ngôn ngữ ấy đã biếnGiấc thành một thứ lụa mềm mượt. Có lẽ bởi một giọng điệu ưu phiền chậm rãi, một nhạc điệu êm ái trầm khoan, và chữ nghĩa vê vuốt kĩ chỉ để lời thơ phô ra những muốt mềm. Đọc Giấc thoáng một cảm giác như đang bước vào cõi Liêu trai. Với không gian đêm, với gam màu lạnh, với toàn những mộng mị của giấc mơ yêu còn rớt lệ trên gối cũ, chập chờn những hình nét uể oải của người và của hoa bên những chăn gối không còn trinh nguyên, hoen những vệt đêm tàn lạnh… Không phải gam nóng rực rỡ sắc màu, không phải lối thêu nổi, vẽ nổi, in nổi trên mặt lụa. Trái lại, Giấc là mảnh lụa đêm mà hình sắc thi ca được dệt chìm trong thớ lụa theo cách tạo vân sa. Tất cả đều muốn thành sợi. Mong manh mộng thực. Sợi hình, sợi nền dệt khuất trong nhau:

Nhiều đêm rất sâu

người thức như hoa chập chờn hơi thở

phác lên tường lơ thơ sợi lửa

hồn cây biết lối tìm về… một ngày

em nhận ra còn có thể vẽ lửa bằng đôi môi

trên tầm lưng xám xanh

nóng cũng bốc hơi lạnh cũng bốc hơi

lửa chẳng có nơi nào kí thác…

Ấy là cách chữ của Mai. Cách này có thể học từ Siêu thực, gần hơn, mượn từ Hoàng Cầm. Nhưng, một nữ tính với những trải nghiệm mỹ cảm riêng đã biến tất cả những gì hấp thu thành những khoảng muốt mềm dường của riêng Giấc này vậy.

Là một tập thơ mỏng, nhưng Giấc không muốn trình làng kiểu gom góp nhặt nhạnh như một tập hợp mờ và nghèo hay gặp. Với bốn mảng thơ theo những tiêu đề khá xác định, Giấc cũng không muốn hiện ra như bộ tranh tứ bình thi ca theo lối xưa. Có lẽ Giấc muốn là dòng suối của một tâm tư nhất quán liền mạch với bốn khúc lượn tạo nên một thủy trình đang lặng lẽ trôi xuôi hơn. Với cách tổ chức tập tạo ấn tượng như thế, Giấc đã là thi phẩm đầu tay của một tay bút sớm có nghề.

Nhà văn Chu Văn Sơn
Theo Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây