Châu thổ rực rỡ cầu vồng

Thứ hai - 21/02/2011 03:07 3.027 0

Bìa tập thơ Châu thổ - Ảnh: TH.H.

Bìa tập thơ Châu thổ - Ảnh: TH.H.
(Đọc Châu thổ - thơ tuyển lần thứ nhất của Nguyễn Quang Thiều - NXB Hội Nhà Văn)
Không phải Nguyễn Quang Thiều khoác cho những bình minh và những cơn mưa ở làng Chùa quê anh những sắc cầu vồng rực rỡ. Vì thật ra làng Chùa toàn màu nâu - màu đất, màu rơm rạ hoai mục, màu da người ăn nắng; còn những cơn mưa rơi xuống làng Chùa, rơi xuống thị xã châu thổ thì cứ tầm tã, dai dẳng, ồn ào và cuốn đi tất cả, từ giấc mơ đến tuổi già, từ rác rưởi đến tình yêu.

Những sắc màu lộng lẫy ấy tự đến trong người đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, từ thuở anh còn mộng mơ trong Ngôi nhà tuổi 17 làm thơ lục bát, đến khi anh đã dằn vặt cùng Nhịp điệu châu thổ mới, cùng Những bầy chim đêm, những nỗi dằn vặt của một người đàn ông “tri thiên mệnh”.

Tập “Thơ tuyển lần thứ nhất” của Nguyễn Quang Thiều do anh tự tuyển, từ 10 tập thơ đã in từ năm 1990 đến nay, với tên chung Châu thổ mang đến cho người yêu thơ anh một chân dung nhà thơ bùn đất và rơm rạ, trần, mộc, thô nhưng từng khoảnh khắc lại ánh lên những hào quang của người không bao giờ hết mơ ước.

Đọc lại những bài thơ tưởng chừng rất cũ của Nguyễn Quang Thiều, những bài thơ được coi là “quá Tây” đầu những năm 1990, đã bị cảnh báo là sẽ nhanh chóng trở nên lạc mốt và rơi vào quên lãng khi thơ VN thật sự ra với thế giới, mới thấy nó vẫn mới nguyên, tươi rói và hóa ra chẳng “Tây” chút nào. Nó vẫn đậm màu làng Chùa, mùi làng Chùa - địa danh mà nhờ thơ đã trở nên thân thuộc gần như Lim, Đông Hồ, hay Bưởi, Diễn...

Sông Đáy chảy vào đời tôi

Như mẹ tôi gánh nặng vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả

Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm...

...Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được thấy

Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ

nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông.

(Sông Đáy)

Và đây nữa, những “nàng thơ” trở đi trở lại của Nguyễn Quang Thiều:

Những người đàn bà vác giậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ...

Họ lặng lẽ đi như đội quân thất trận

Cán giậm chúi xuống mặt đường - Những nòng súng hết đạn

Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng giậm như cờ việc làng ngày rã đám

Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương.

(Trên đại lộ)

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người kêu khó thuộc lòng dù chỉ hai câu thơ Nguyễn Quang Thiều, nhưng cũng không ngẫu nhiên nhiều người bị thơ anh ám ảnh.

Người đọc dễ bị cuốn vào những hình tượng thơ của anh, những không gian thơ mà ở đó cái hồn thơ vạm vỡ, dư thừa cá tính, năng lượng, cái tôi và sự ương ngạnh của anh tỏa ra, lấp đầy. Tiếng chó sủa đêm mất ngủ, một tiếng cá quẫy trong đêm trăng sông Đáy, một bông hoa cô đơn tỏa hương thầm, một cơn mê trong cơn sốt, một thị xã ven đô mất điện trong đêm, một cái lưỡi nhớp nháp bò trong một cái miệng xấu xa, và những cành cây, những chiếc lá vật vã trong cơn mưa dài bất tận mùa lụt...

Chỉ có thế thôi, quá nhỏ, quá vụn, nhưng cũng quá đủ để nói lên đầy đủ những dự cảm của một trái tim đa sự, một đầu óc tỉnh táo và tinh tường về những vẻ đẹp trong trẻo đang mất dần, về một không gian thuần khiết đang bị xâm lấn và thu hẹp, về một ngôi làng có tên cụ thể nhưng cũng rất mơ hồ đang chìm vào ký ức, và về một châu thổ nồng nàn ấm áp đang cứng lạnh dần dưới bêtông.

Có phải vì thế mà dù chẳng mấy ai thuộc nổi hai câu, thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn có thể ám ảnh? Vì thế mà đang chìm lấp dần dưới bêtông của nhà cao tầng và đại lộ vẫn có một châu thổ âm thầm đợi dịp bừng sáng lên như cầu vồng?

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây