Tạm biệt Trung Lương

Thứ sáu - 14/12/2012 01:24 4.943 0
1. Cần phải nói ngay rằng Trung Lương là một địa danh. Nó nằm trên Quốc lộ 1, nơi mà một nhánh thì rẽ đi miệt Cần Thơ, Sóc Trăng còn một nhánh thì chạy thẳng về Mỹ Tho, Gò Công. Nhà tôi ở ngay ngã ba ấy.
Cha tôi mở quán bán hủ tiếu Nam Vang. Quán nhà tôi luôn đông khách hơn những quán khác, có lẽ vì cha tôi có bí quyết nấu nước lèo ngon hơn người ta. Ông học được nghề này từ khi còn là một thằng bé đầu để gáo dừa làm mướn theo ghe hàng lênh đênh khắp miền sông nước. Thuở nhỏ rất nhiều lần tôi hỏi quê mình ở đâu hở cha? Cha không trả lời, ông chỉ lắc đầu, vấn điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái, rít những hơi dài mù mịt khói. Thảng hoặc ông mới nói rằng mày hỏi cha, cha biết hỏi ai? Ngày xưa cha cũng từng hỏi ông nội cái câu hỏi ấy, và cha chỉ nhận được cái lắc đầu. Cái lắc đầu hoài nghi và chua xót của những người không biết được quê cha đất tổ ở đâu. Chỉ biết rằng khi có trí khôn đã phải lăn lóc cầm chèo sống cùng sông nước. Tôi nghĩ tổ tiên mình ắt hẳn có dây mơ rễ má với những người tá điền thời Pháp thuộc. Suốt đời còng lưng đạp mưa đội nắng mà không mua nổi một thửa ruộng để cày cấy, đành sống kiếp ngựa trâu bị chủ điền hà hiếp nên phải bỏ xứ ra đi. Cứ lang bạt kỳ hồ mà đến đời ông tôi, rồi đến cha tôi.

Thời của cha tôi, cuối những năm năm mươi, ông quyết tâm bám trụ ở trên bờ, định an cư lạc nghiệp. Nhưng ông nhanh chóng bị bắt đi quân dịch. Thoát chết trong một trận đánh, ông ôm đôi chân khập khiễng trở về. Không nhà không cửa, không người thân, ông phiêu dạt vài nơi miệt Bến Tre rồi cuối cùng đậu lại ở Trung Lương. Lúc đó khung cảnh nơi này còn hoang tàn khốc liệt. Dựa vào thế mạnh ở cái chân bị thương vì đã từng "phục vụ cho quân đội quốc gia", ông mở một quán rượu lèo tèo dành cho những thằng lính ít tiền. Khắp nơi vang rền tiếng súng. Người ở quê hốt hoảng bỏ vườn bỏ ruộng bồng bế nau lên thành tránh đạn, trở thành những người làm thuê bất kể giờ giấc hầu kiếm được miếng ăn. Nhờ thế mà người đàn ông thương tật chủ quán rượu nghèo mới kiếm được vợ trong số đó.

Năm tôi lên ba, khi đang chập chững chơi với mấy cái vỏ bia "con cọp" ai đó uống xong vứt bừa bãi ngoài gốc cây trứng cá, bỗng nghe một tiếng "đoàng". Hàng xóm hốt hoảng chạy đi, lát sau khiêng xác mẹ tôi về, máu me đầm đìa trên ngực. Nước mắt cha tôi ngơ ngác dừng giữa má, uất cả lòng khi nghe thằng sĩ quan súng ống dềnh dàng chỉ thẳng vào mặt: "Đ. má! Con vợ mày nay cả gan dám giấu truyền đơn cho Việt cộng, tao trừng trị để làm gương cho kẻ khác". Nói xong chĩa súng lên trời bắn một tràng dài đe dọa. Tôi ôm chặt ống quần anh Hai, gục đi trong giấc ngủ hãi hùng tràn trề màu máu đỏ. Khi tôi lớn lên một chút, cha tôi lại vào tù ra khám liên miên vì người anh bỏ nhà đi du kích. Nhưng họ cũng không làm được gì. Vì cha tôi què quặt. Vết thương ngày cũ cứ trái gió trở trời là đau nhức. Hòa bình lập lại, ông mới dành dụm được ít tiền đi mổ lấy mảnh đạn ra khỏi đùi. Nhưng đấy là chuyện về sau. Chứ vào thời điểm ấy, cha tôi và tôi, đã lặng người nhìn anh tôi trở về trên đôi nạn gỗ. Thuở ấy anh tôi chưa qua tuổi mười lăm. Trên đời có những người không cần qua hết tuổi thiếu niên, không cần chạm đến đàn bà cũng đã trở thành đàn ông thực thụ. Tôi tự hào về anh tôi!

Minh họa: Lê Hồng Thái
2. Tôi lớn lên ở ngã ba Trung Lương này cùng cái quán hủ tiếu Nam Vang của cha. Quán rộng hăm mấy mét vuông, kê những chiếc bàn gỗ long chân nhưng mặt bàn thì đen bóng nước sơn. Những năm đổi mới, cha tôi thay chúng thành những chiếc bàn nhựa có hoa văn xanh đỏ lòe loẹt, tuy sạch sẽ hơn nhưng sao tôi cứ thấy chướng mắt. Dù thế, quán vẫn cứ đông.
Chiều chiều đi học về, tôi thường phụ cha dọn bàn, bê hủ tiếu cho khách. Anh tôi thì tính tiền, kiêm việc bán những hàng nông sản, trái cây, bánh phồng, kẹo dừa, bánh tét, nem… Về khuya, khi những chuyến xe đò ngược xuôi bắt đầu thưa vắng, trong lúc tôi buồn ngủ díp cả mắt thì cha vẫn gắp than cho vào lò hâm nóng thùng nước lèo, còn anh Hai thì lau dọn bàn ghế nhưng quán không hề đóng cửa. Cha nói cha đợi những chuyến xe đêm.

Những chuyến xe đêm, vào khoảng một hai giờ sáng, cái quán rộng cửa đón năm ba vị khách lèo tèo ngồi gà gật bên ly cà phê bốc khói, uể oải đưa đũa quơ vài miếng thịt, miếng giá cho vào mồm, rồi gật gù bảo "ngon quá!". Cũng chẳng biết là khen thật hay khen lấy lệ như một quán tính kiểu tự kỷ ám thị. Những lúc quán vắng, nhìn hai người đàn ông khập khễnh đi ra đi vào mà không khỏi chạnh lòng nghĩ một ngày mai tôi phải rời xa họ để ra đi…

Đi đâu? Thời của tôi, tôi đi học. Khác với ông tôi, cố tôi, mười mấy tuổi đầu đã là người của ghe xuồng kênh rạch, một chữ bẻ đôi không biết, cầm tờ giấy bạc chỉ phân biệt được cái hình lớn bé, đỏ xanh. Thời của tôi, tôi cay đắng hiểu rằng anh tôi và cha thế là an phận rồi, thế là suốt đời gắn liền với quán hủ tiếu ven đường, không khá hơn được. Vậy mà tôi đã ăn học, ra đi từ quán ấy, năm mười tám tuổi.

Buổi sáng, nắng chấp chới trên mặt đường, tôi xách cái túi to cộ đứng bên lề đón xe. Chỉ có anh tôi ra tiễn. Cha còn bận rộn bên thùng nước lèo, cân nhắc đổ vào đó hai muỗng tỏi ngâm giấm, rồi nào là thái thịt, trụng hủ tiếu, sắp rau ra đĩa… Xe đến kia rồi, anh tôi đứng một chân, giơ cao nạng gỗ ra hiệu. Trong tích tắc, xe rời khỏi Trung Lương. Tôi nhìn theo anh, thấy cái bóng nhỏ xíu bên cái bảng hiệu cũng nhỏ xíu đến là tội nghiệp.

Xe chạy không đầy hai tiếng, một chuyến đi không dài. Không có gì dữ dội diễn ra trong lòng, không có cảm xúc gì cụ thể. Không có gì cả! Tôi đi học. Tôi chỉ đi học thôi mà!

3. Nhưng những năm sau đó mới là điều đáng nói, khi tôi về thăm nhà. Tôi nhìn Trung Lương bụi khói, nhìn cái quán của cha, thấy sao mọi thứ nghèo nàn và cũ kỹ. Thùng nước lèo vẫn bốc khói cùng những chuyến xe đêm nhưng sao cứ đìu hiu. Trong quán, âm thầm hai người đàn ông tật nguyền từ hai phía khác nhau của cuộc chiến đang khập khiễng đi đi lại lại lau dọn bàn ghế. Họ tựa lưng và yêu thương nhau trong cái không gian nhỏ bé chật hẹp, sống một cuộc đời lặng lẽ mà mong chờ con em mình đựơc học hành, được đi xa, được khấm khá hơn. Buôn bán cuối ngày thì họ đếm tiền, những tờ năm trăm, một ngàn, hai ngàn, năm ngàn, mười ngàn nhàu nát, cũ mới lẫn lộn từ những thực khách qua đường. Xong, họ vuốt phẳng, chia ra từng xấp nhỏ một trăm ngàn, ràng thun cẩn thận. Ngày mai tôi sẽ mang những xấp tiền ấy lên sài Gòn, tiêu vèo trong chốc lát. Điều đó làm tôi thấy nhục. Tôi thề sẽ bám trụ Sài Gòn, tôi muốn học ra trò và làm cũng ra trò!
Nhưng thôi, đấy là chuyện cá nhân tôi. Tôi muốn nói về anh tôi một chút…

Bắt đầu từ đâu nhỉ? À, từ chuyện tình duyên. Anh tôi giờ đã gần bốn mươi mà chưa có vợ. Chưa hay là không, tôi cũng không biết nữa. Thuở đi làm cách mạng, anh tôi đã bị vướng mìn và chiếc nạn kia là bằng chứng. Nhưng vấn đề tệ hại không nằm ở chỗ đó. Cái chính là anh tôi đã bị thương ngay chỗ hiểm và không thể có con. Hay nói chính xác hơn là anh ấy không còn khả năng thực hiện thiên chức đàn ông được nữa. Tôi biết điều này hơi muộn màng. Người yêu của tôi - một cô gái có tư tưởng rất hiện đại - đã nói với tôi rằng trong hôn nhân đừng có xem thường vấn đề tình dục. Có tình dục thì chưa chắc là có tình yêu nhưng được tình yêu mà không được tình dục thì mối quan hệ không thể kéo dài lâu được. Nó chỉ là một cuộc hôn nhân tạm bợ, gượng ép và cay đắng mà thôi. Tôi hỏi: "Cha ơi! Sao anh Hai không cưới vợ". Cha cười buồn, vẫn hơi thở đầy mùi thuốc rê nặng trịch: "Nó dành phận sự ấy cho con", rồi kể hết sự tình. Tôi nghe, chảy nước mắt vì đau đớn. Tôi đã lớn rồi. Tôi hiểu hết vấn đề cha nói.

Cần bổ sung một điều về anh tôi. Anh ấy rất đẹp trai, dù dáng vóc không cao to lắm. Nếu đem tôi đặt bên cạnh anh và bảo đấy là hai anh em, hẳn không ai tin nổi. Hình như có một vài người con gái nết na quyến luyến anh, nhưng anh thẳng thừng từ chối. Họ bắt anh giải thích. Anh bảo tôi không có khả năng làm cho người ta hạnh phúc, tôi nói ít mong cô hiểu nhiều, tôi không muốn lập gia đình, vậy thôi. Có người kiên nhẫn đợi, được vài năm thì sốt ruột nhìn tuổi xuân trôi nên vội vã lấy chồng. Rốt cuộc anh vẫn sống mình anh.

Tôi nhìn di ảnh mẹ, hỏi: "Mẹ đẹp phải không cha?". Cha ậm ừ, mắt có vẻ sung sướng tự hào. Tôi thêm: "Làm sao cha cưới được mẹ?". Cha lắc đầu: "Không biết". Có lẽ cha không biết thật. Tâm hồn cha giản đơn, ông chỉ biết yêu thương và thù hận theo cái cách mộc mạc của ông. Chuyện gì đã qua, dù có buồn thương tiếc nhớ ông  vẫn không dằn vặt, làm như thế đời sống sẽ gai góc nặng nề. Ông khác nhiều với anh Hai, nghĩ ngợi sâu xa nên khổ. Ông mở quán làm ăn cũng theo cách nghĩ giản đơn. Còn buôn bán được ngày nào là ông mừng ngày đó, không phòng xa dự trù. Rất nhiều lần tôi bàn với ông bán phứt cái quán hủ tiếu này, đến một phố khác gần chợ Mỹ Tho buôn bán may ra khấm khá. Ông nói ông quen cái ngã ba này rồi, vả lại bây giờ ở đây cũng là phố xá đông đúc như người ta, mà chắc gì thằng Hai bây chịu đi. Tôi nghĩ cha không nỡ bỏ vì đấy là mảnh đất đầu tiên cha quyết cắm sào trên bờ. Nó gần như là quê hương! Và ở đây ông còn được nhìn khách vãng lai theo những chuyến xe đò xuôi ngược. Họ dừng lại mua chục bánh phồng, ăn tô hủ tiếu, uống tách cà phê và trò chuyện cùng ông. Những chất giọng Nam bộ miệt vườn quê  mùa cứ phát âm chữ "r" thành "g", chữ "tr" thành "t" hết, vậy mà có sức níu kéo. Có lẽ chúng làm ông vui. Tất cả nhắc ông nhớ về cái thuở nào xa xôi, ông mình trần chân đất, đầu vắt chéo khăn rằn chèo ghe khắp đó đây. Những đêm trăng hứng chí xách chai rượu đế lên mui ghe uống cạn, rồi hát lên một câu vọng cổ thật mùi. Hát rằng:

Ầu ơ… ơ… Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Chứ người xa người tội lắm người ơi…

Thuở cha tôi trai tráng, chắc cũng hơn một lần thầm nhớ đến một chiếc bà ba tóc bới củ hành nào đó. Giờ ông đã quên hết. Chiến tranh loạn lạc và cuộc mưu sinh, rồi cái chết thảm khốc của mẹ, tất cả trôi qua đời ông, nhuộm trắng hàng râu lười cạo. Chỉ có anh tôi lộc cộc trên nạng gỗ là không tâm sự với tôi về mảnh tình nào. Tất cả chỉ là do tôi quan sát và suy đoán mà ra. Trong câu chuyện của anh Hai chỉ toàn là súng đạn và đồng đội, những chuyện nằm vùng, vượt rừng, phá đồn phá bót, bị tra tấn, bị tù đày… Tôi nghe và thấy mệt mỏi. Tôi muốn anh quên đi. Những nhức nhối của chiến tranh còn để lại trên thân thể anh, đừng nhắc quá nhiều về những mất mát trong quá khứ, nó khiến người ta thêm đau lòng, nặng nề thêm mà thôi. Tôi muốn nghe chuyện hiện tại. Rằng anh nghĩ gì, chẳng lẽ anh cứ sống thế này mãi sao? Nếu ngày mai cha chết, hoặc nếu cái ngã ba này bị giải tỏa, anh sẽ dời cái quán hủ tiếu đi đâu? Sao anh không tính tới điều đó?

Anh chửi tôi là đồ thực dụng. Anh nói nhắc quá khứ không phải để trốn tránh hiện tại mà để thấy mình có thêm nghị lực chịu đựng. Thế hệ của anh cần phải có trách nhiệm nhắc nhở quá khứ để cho lớp trẻ tụi mày không được lãng quên. Vì thời của tụi bây, phải bận bịu tối ngày với bao nhiêu là "đối ngoại", "đối nội", chuyện làm ăn cũng là một mặt trận khốc liệt. Thành thử không có thời gian để tìm hiểu chuyện đã qua. Vả lại những câu chuyện ấy có đem ngoại tệ được đâu. Nhưng mất nó là mất tất cả. Lúc đó, giàu có cũng chỉ là cái hoa trên thân cây tầm gửi mà thôi. Tôi càu nhàu: "Anh chỉ vẽ chuyện. Một thời xuất hiện một kiểu sống mới. Đó là quy luật". Anh lắc đầu: "Phải! Nhưng có một kiểu sống không bao giờ cũ. Đó là sống thẳng. Anh cũng thông cảm cho tụi mày. Ngày xưa lý tưởng của anh chỉ là độc lập tự do. Còn tụi mày lẫn lộn giữa tham vọng, mục đích và lý tưởng. Ai cũng muốn mình có một cái xe xịn và một căn nhà đẹp. Chỉ quẩn quanh như thế, rồi hết. Mong học giỏi, kiếm nhiều bằng cốt để bon chen một chỗ làm tốt, được nhiều tiền mà thực hiện cho xong ước mơ ấy. Mọi chuyện khác tính sau".

Tôi không chịu đựơc, tôi đập mạnh tay xuống bàn rồi bỏ đi. Thấy khó chịu vì anh đang chỉ trích cách sống thiên về vật chất. Mà tôi thì nằm trong số đó. Những con người bình thường như tôi không mơ ước điều đó thì mơ ước cái gì? Tôi còn nghĩ được gì hơn là giấc mơ làm giàu? Mà làm giàu thời nay cũng khác, nó rất cần trí tuệ. Anh và cha xem đi, ở Sài Gòn tôi chỉ là dân làm thuê tỉnh lẻ, ở nhà trọ, phấn đấu hết sức để có xe xịn, nhà đẹp mà không cướp giật, gạt gẫm của ai, há không phải là điều chính đáng hay sao? Làm giàu đâu phải là điều dễ dàng ai cũng thực hiện được? Tôi chưa bao giờ dám khinh thường những ước mơ bị cho là tầm thường vật chất. Còn nhớ có lần tôi vứt hai trăm đồng vào sọt rác, cha nhặt lên vuốt phẳng, nâng niu trong lòng bàn tay, rồi trừng mắt chửi tôi là đồ ngu dại. Cha triết lý rằng sống ở đời phải biết trân trọng đồng tiền. Đó là một thái độ tích cực. Chỉ khi nào người ta sùng bái nó thì mới phát sinh ra những sai lầm. Hai trăm đồng đúng là chẳng mua được gì thật, nhưng đó là tiền của mình. Bây giờ con vứt cái của mình đi mà con không thấy tiếc, thì sau này làm sao con biết quý cái của người ta cho? Hàng ngày đối mặt với cuộc sống, tôi hiểu việc kiếm tiền chân chính là rất khó khăn. Bài học về hai trăm đồng của cha cứ đeo bám tôi mãi.

Ban đêm tôi dành thời gian để học thêm vi tính và ngoại ngữ để theo kịp thời đại thông tin. Và cũng để chờ một cơ hội. Người yêu tôi khuyên: "Anh đừng chờ đợi. Cơ hội không như mọi người vẫn tưởng, nó không có chân có cánh mà đến với ai. Nó chỉ đứng yên một chỗ. Ta phải đi tìm. Ai nhanh chân tinh mắt thì được. Thế thôi". Tôi bật cười vì những suy nghĩ táo tợn khác thường nhưng hiện đại của em. Em đã giáo dục cho tôi một cách sống không thèm thụ động đợi chờ. Tất cả là cuộc kiếm tìm không ngơi nghỉ. Tôi phải có nhà có xe mới cưới được em. Tôi không thể cưới vợ khi cuộc sống còn nhiều tạm bợ. Em quá thực tế nên không chịu được một tương lai mù mịt. Tình yêu là phải dẫn đến hôn nhân. Hôn nhân thì phải sinh ra những đứa con. Có con thì cần một cuộc sống ổn định mới nuôi dạy chúng đàng hoàng. Em quan niệm rõ ràng khắc nghiệt. Nó là một sự thật khắc nghiệt bóp chết tim tôi. Vì tôi không đủ điều kiện để lo cho em, mà theo lý lẽ của em - lại là của em - con gái có thì, em không chờ tôi lâu hơn nữa.

4. Lúc thất tình thiên hạ đi đâu? Đàn ông có người đi bia ôm, đi làm bạn với hũ chìm, có người hấp tấp tìm bồ mới; đàn bà thì đi du lịch, đi gặp tình cũ khóc lóc, tệ hại hơn là đi tự tử. Chẳng có mẫu số chung nào cả. Riêng tôi, tôi đi về nhà…

Tôi về lại cái quán "hủ tiếu Nam Vang" của cha, hít thở bầu không khí quán xá đậm đặc mùi nước mắm hanh nồng, mùi tỏi ngâm giấm chua lè, lẫn với mùi mồ hôi nặng trịch. Cha tôi nặng nhọc ra vào cùng cái chân khập khiễng, quyết không bỏ cái thùng nước lèo bốc khói, ngọt từ những xương heo gà hầm rục. Chốc chốc ông lại gắp thêm vài cục than cho vào lò làm lò cháy rực lên. Cơ mặt ông giãn ra mãn nguyện. Những đốm lửa trong đêm khiến lòng tôi ấm lại. Đã từ lâu tôi không hỏi cha ơi quê mình ở đâu, cũng không hỏi anh ơi sao anh không cưới vợ. Tôi chỉ biết sống ích kỷ cho bản thân mình, hỏi cái câu hoài không trả lời được, rằng tôi ơi sao không có nhà đẹp xe xịn như người ta?
Giờ tôi mới hiểu hết cha tôi, ông không bỏ nghề bán hủ tiếu vì ông yêu nó. Nó là lẽ sống của ông. Là cách mà ông chọn để đứng thẳng trong cuộc đời. Tôi thử nhẩm đếm những vị khách trong ngày, thấy rằng ngày xưa cũng chỉ ngần ấy. Không khá hơn được. Vậy mà cha có chết đâu. Còn anh tôi, mặt mũi trầm ngâm nhưng không hề than phiền trách móc phận mình không may, nhắc quá khứ chỉ thấy chuyện oai hùng và tình đồng chí keo sơn sống chết có nhau, vẫn hiên ngang chống nạng gỗ ra vệ đường bán cho khách từng chục bánh phồng, bịch kẹo dừa, đòn bánh tét. Nhận tiền rồi vuốt thẳng những đồng bạc lẻ phân chia ra từng xấp nhỏ.

Đã lâu tôi không xin tiền cha. Tôi tự nuôi được mình nhưng hình như không lớn lên được. Tôi luôn đi tìm cơ hội nhưng cảm thấy rất khó khăn. Có phải vì những ước mơ của tôi không thoát ra được một chiếc xe xịn một căn nhà đẹp? Nhưng trên hết tôi hiểu mình muốn gì. Dù biết rằng phải trả giá nhưng tôi không thể vứt bỏ những dự định. Giống như tờ hai trăm, tôi không thể bỏ đi cái mình đang đeo đuổi. Tôi nghĩ khát vọng làm giàu là một khát vọng chính đáng. Bạn tôi cũng đồng ý. Hắn nói mình nghèo dễ bị người ta khinh. Thời buổi bây giờ không biết làm giàu cũng là cái tội. Thế hệ của anh tôi đã xong nhiệm vụ rồi, còn tôi, tôi không muốn trở về Trung Lương để nấu hủ tiếu Nam Vang. Đó là công việc của cha tôi.

Cái nhà có ba người đàn ông mà hết hai đã tật nguyền. Họ chọn Trung Lương là nhà. Mỗi lúc thất bại người đàn ông trẻ nhất lại khoác túi lên vai, bạn bè hỏi: "Mày về nhà hả? Quê mày ở đâu?". Hắn mạnh dạn đáp: "Trung Lương".

Tôi về lại cái ngã ba ấy - nhà tôi - trìu mến nhìn xe đò xuôi ngược mà nghe bao mệt mỏi dần qua. Quán của cha vẫn được xem là ngon nhất ở khu vực này, dù bây giờ ai cũng trưng ra cái bảng hiệu to đùng lòe loẹt: "Hủ tiếu Nam Vang chính hiệu".

Sớm mai, khi nắng tràn trên đường nhựa, tôi phủi bụi bặm trên lưng áo, nhìn anh nhìn cha cảm động rồi đón xe đi. Tôi phải sống nốt quãng đời của tôi, theo cái cách mà tôi đã chọn. Sống thẳng và trả giá, tôi nghĩ vậy và làm cái vẫy tay tạm biệt Trung Lương.

Tác giả: Vũ Đình Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây