Bạn hãy thử tưởng tượng xem, sau một đêm vui chơi, một sớm mai thức dậy với cái đầu nhức nhối âm ỉ và tràng gắt gỏng và chợt nhận ra rằng chỉ còn đúng 15 phút cho cuộc di chuyển hai mí mắt trĩu nặng, bạn với tay tắt chuông báo thức của chiếc điện thoại đang kêu ré từng cơn giục đến sở làm. Hãy thử tưởng tượng tiếp, sếp tôi là một gã người Đức gốc Việt, đang đứng chênh vênh trên bờ vực của tuổi bốn mươi vì một cuộc hôn nhân lần thứ nhất vừa sụp đổ, tài sản để lại là một cậu nhóc mới lên ba nhưng không được sở hữu vì nó đang "thất lạc" cùng bà mẹ nơi trời Âu; kèm theo là một gương mặt lúc nào cũng cau có và có khuynh hướng căm ghét phụ nữ; thì việc bạn thò cái mặt nhàu nhĩ đến văn phòng muộn hơn nửa tiếng, thử hỏi có được chấp nhận hay không?
Tôi mang tâm lý rối rắm ấy chạy điên cuồng trên phố, bằng chiếc Piaggio cắc củm mua được sau một năm ròng làm thuê cho một tay người Nhật, sau đó buộc phải nghỉ vì không theo đuổi được nhịp độ chóng mặt của công việc và quá nhiều những điều luật chặt chẽ không thể tuân thủ đúng 100%. Trong lúc tôi chạy xe trên đường, tôi thấy hình như có một đám đông luôn cố tình bám theo. Tôi không thích cảm giác bị truy đuổi, nên lúc dừng vì đèn đỏ, tôi quay ngoắt lại nhìn và phát hiện 3 gã đàn ông đeo kính đen đang đậu xe sát nút. Thấy tôi quay lại, một trong ba gã chành miệng cười như làm quen. Lúc đó tôi cũng đeo kính đen và lại còn bịt mặt bằng khẩu trang chống bụi nữa, nên chẳng ai thấy được tôi đang mỉm cười. Bạn có tự tin không nếu như bạn cao 1m65, vòng thứ 2 dưới chỉ số 60cm, và bạn đang mặc chiếc váy ngắn màu đen bó sát mông, lại ngồi trên Piaggio thời trang? Ô, dĩ nhiên là bạn ý thức được mình xinh. Nhìn từ phía sau thì bạn là mẫu phụ nữ "chuẩn", thế nên việc bị những ánh nhìn rạo rực truy đuổi từ phía sau làm cho bạn phấn chấn.
Bây giờ thì tôi đang bước vào thang máy. Một anh chàng đang lù lù trong đó tự khi nào, gương mặt lộ rõ nét ngái ngủ. Thấy tôi, anh ta chẳng buồn cử động đôi chân đang nghếch chéo, nhưng môi thì hình như nhếch lên rất khẽ như chào. Tôi phải dùng đến từ "hình như" vì cái nhếch môi quá lặng lẽ, tôi đoán nó chỉ dao động trong khoảng nửa cintimet là cùng. Nói chung tôi chẳng bận tâm nhiều vì anh ta. Việc ta phải đi chung thang máy với một ai đó xa lạ không phải là điều nguy hiểm hay bất trắc to lớn, vì dù di chuyển lên tầng thứ bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ diễn ra chóng vánh! Nên không đầy một phút tôi đã phải bước ra ngoài. Công ty của tôi nằm ở tầng mười. Còn anh ta thì cứ ở lại, trạng thái vẫn bất động. Một gã lười! Bất ngờ, khi cánh cửa tự động vừa từ từ khép, tôi nghe tiếng anh gào toáng lên: "Này cô gì đó ơi! Hình như cô quên...". Ngay tức khắc cửa đóng chặt lại. Tôi khẽ mỉm cười.
Mặc xác anh ta, tôi đi vội vã về văn phòng và rón rén xoay tay nắm cửa, mặt tái xanh khi nghĩ đến gương mặt lạnh băng của gã sếp người Đức gốc Việt sẽ hiện tra tức khắc kèm câu thông báo: "Cô đã vi phạm nội quy công ty", và cuối tháng khi ký sổ lương sẽ phát hiện ra vài con số bị trừ. Tuy nhiên, ông ta không có ở văn phòng và tôi thở phào nhẹ nhõm ngồi xuống ghế của mình. Một đồng nghiệp nam đi sượt qua, ném vào tôi cú đá lông nheo đã được luyện tập kỹ. Một buổi sáng đầy lo âu nhưng khá thành công và thú vị.
Máy fax có tín hiệu và tôi phải đứng lên để đi lấy những tờ giấy đang chậm chạp luồn ra. Xung quanh rộn rã tiếng click chuột rinh rích. Mọi người đang căng mắt ra như thể bị những chiếc màn hình tinh thể lỏng thôi miên. Đồng nghiệp nữ bỗng dưng ngừng tay gõ phím, xoay người liếc mắt về hướng tôi như ngầm đánh giá về bộ váy tôi đang mặc. Phụ nữ thì thế đấy. Luôn quan tâm đến nhau dù là một chiếc váy. Rồi cô ta kéo nhẹ tay tôi và khẽ nói thầm: "Cậu quên kéo dây khóa!".
Trời ạ!
Dĩ nhiên tôi đã làm một động tác cực kỳ đơn giản để "khóa" cái tình trạng ngớ ngẩn này - hậu quả của chiếc váy ngắn có dây kéo ở đằng sau. Thế là một cuốn phim tư liệu tồi được quay trong sáng nay đang được chính tôi chiếu chậm lại trong đầu. Tổng cộng có 4 gã đàn ông và một phụ nữ "nhìn" tôi từ đằng sau, đấy là chưa kể còn bao nhiêu người nữa chạy ngờ ngợ trên phố, "vô tình" chứng kiến cái cảnh chẳng mấy gì làm "nết na" ấy. May là tôi đã đeo khẩu trang và chẳng ai thấy rõ gương mặt tôi. Trừ cô đồng nghiệp lịch sự tốt bụng - phụ nữ với nhau nên tôi không e sợ lắm, nhưng còn gã đàn ông đã gặp trong thang máy thì sao? Tôi ao ước anh ta không phải là người làm việc trong cao ốc này, mà chỉ là khách vãng lai, đến một lần rồi biến. Đây là mối lo sợ lớn nhất của tôi. Tôi đâm sợ mỗi khi bước vào thang máy. Tôi sợ phải gặp lại anh ta.
Giờ đây, mỗi ngày đi làm, có bao nhiêu lượt ra vào thang máy là bấy nhiêu lần tôi bị nỗi sợ hãi xâm chiếm. Toàn bộ khoảng thời gian ngắn ngủi di chuyển lên xuống chỉ dành cho duy nhất một câu hỏi nhảy rạp trong đầu rằng có khi nào anh ta đột ngột xuất hiện không nhỉ? Mỗi khi thang máy dừng lại ở một tầng nào đó để đón khách mới, tôi gần như nghẹt thở vì hồi hộp! Dù thực sự tôi chẳng còn nhớ một chi tiết nào trên gương mặt anh ta, anh ta chỉ là một gã đàn ông bình thường, quần tây áo sơ mi và tôi cũng không dám chắc màu quần ấy là màu gì, xanh rêu hay lông chuột, và sơ mi thì trắng ngà hay trắng sáng, "trắng sạch" hay "trắng sạch như Tide"? Vậy mà anh ta lại ám ảnh tôi. Tôi nghĩ cũng chưa chắc khi gặp tôi, anh ta dám làm quen và nối kết lại câu nói dang dở hôm nào, rằng: "Này cô gì đó ơi, hình như cô quên...!". Nhưng "chưa" không có nghĩa là "không". Vậy nên, có thể nói, tôi đang bị buồng thang máy ám ảnh.
Thảng hoặc, tôi a dua theo các nữ đồng nghiệp đi shopping. Những siêu thị mênh mông và ê hề hàng hóa mang đến cảm giác thèm muốn hơn là thỏa mãn. Đơn giản vì tôi đang cắc củm nuôi món tiết kiệm trong ngân hàng với niềm hy vọng nó sẽ béo ú vào một ngày tôi chưa bước qua ngưỡng ba mươi chết tiệt. Tôi muốn khi cái ngưỡng ấy lù lù trước mặt, tôi phải có trong tay một căn nhà riêng. Đồng nghiệp khen tôi xinh, điều đó có nghĩa họ nghĩ tôi chỉ cần tận dụng vốn liếng ấy, cố năng động mà đẩy đưa ánh mắt, rồi thế nào cũng xô ngã một anh chàng sa vào vũng lầy. Đến giây phút định mệnh kia, tôi chỉ cần thít vào thân anh ta chiếc áo vét, đâm vào ngực áo anh ta một đóa hồng nhung, siết cổ anh ta bằng chiếc cà vạt - à bằng lụa tơ tằm hẳn hỏi nhé! Sau đó nghiễm nhiên làm chủ một căn nhà. Tội gì cứ phải lăn lê bò toài đi làm thuê cực nhọc để chứng minh mình là mẫu phụ nữ độc lập? Ôi trời họ đâu biết rằng đấy mới là mục tiêu của tôi. Một phụ nữ độc lập và xinh đẹp, nếu lấy chồng rồi mà vẫn có một ngân khoản riêng kha khá, phòng khi giận dỗi hay cơm canh mặn nhạt còn có cái mà mang ra du lịch cho tươi trẻ tấm thân, được quá đi chứ. Vậy nên tôi cứ cuống cuồng đi làm và âm thầm vỗ béo ngân khoản. Mặc những cuộc shopping vô độ của đám đồng nghiệp nữ đang bị cuốn theo hội chứng "siêu thị cuối tuần". Mẹ tôi thấy thế hoảng hốt, cho rằng tôi có vấn đề về tư tưởng, và ra sức tẩy não tôi. "Nó không giống con nhà người ta". Câu ấy bà phát đi phát lại nhiều lần như người ta mở chiến dịch quảng cáo trên ti vi, hy vọng mưa dầm thấm đất. Khi chiến dịch phá sản, mẹ xoay qua chơi kiểu cổ điển: Rỉ tai mấy bà bạn trong tổ hưu trí xem có đám nào "tạm được" thì gạ gẫm cho tôi. Chữ "tạm được" khiến tôi chạnh lòng cứ như mình bị xuống giá. Tôi điên tiết bộc bạch mục đích cuộc đời, mẹ nghe xong càng thở dài não nuột. "Dại quá con gái ơi. Để rồi xem, khéo có lúc phải mang cả căn nhà tương lai ra mà khuyến mãi, may ra mới vớt vát được một thằng. Con gái có thì... Vả, mày tưởng đàn ông Việt Nam mê loại phụ nữ chỉ thích cao ngang bằng chồng chắc?".
Tôi buồn mất mấy ngày rồi cũng cho qua. Mẹ yêu tôi nhưng tư tưởng của bà đã bị chia ở thì quá khứ. Còn tôi chỉ muốn dựng cuộc đời mình ở thì hiện tại và tương lại. Tôi, vẫn chống đối lại mẹ bằng việc ngồi lỳ trong phòng riêng giả vờ ngủ mỗi khi nghe bà gọi tôi "mang nước mời khách nè con". Bởi tôi biết tỏng loại khách nào, chỉ mấy anh trai mặt mũi lấm lét nhếch miệng cười cầu tài mà bà nhặt về từ mấy "mối lái" quen biết trong tổ hưu trí chứ gì. Mẹ nào biết làm thế càng làm cho tôi phẫn nộ.
Càng phẫn nộ, tốc độ phóng xe càng điên cuồng. Bây giờ tôi lại là người tới công ty sớm nhất, sớm hơn cả sếp. Sếp mặt nhàu lại vốn tính đa nghi bèn âm thầm theo dõi thói quen bất thường của nhân viên nữ. Tôi không thể giải thích càng không muốn sếp hiểu lầm, đành giết thời gian rồi đầu ngày bằng cách lên tầng thượng nhấm nháp Lipton thay bữa sáng. Vậy là phải nhờ cậy đến thang máy. Lại chạm phải nỗi lo sợ mơ hồ.
Tuy nhiên, khuôn mặt xa lạ hôm nào đã biến hẳn. Nhiều tuần trôi qua, nỗi ám ảnh trong tôi cũng phai nhạt dần. Mà dẫu rằng có gặp lại, chắc gì anh ta đã nhớ ra tôi hoặc ngược lại? Nếu anh ta có gọi (mà gọi để làm gì nhỉ?), tôi sẽ giả tảng ngó lơ, xem như không quen biết. Thế là tiêu diệt xong một nỗi ám ảnh. Dù vậy, bây giờ trước khi ra khỏi nhà, tôi đã vướng một thói quen lẩn thẩn là hơn một lần đưa tay sờ phía đằng sau để kiểm tra.
Một lần, trên tầng thượng, vừa nhấp nốt ngụm Lipton vừa lơ đãng nhìn giọt nắng đầu ngày lăn dài trên vòm lá, bỗng tôi nghe một giọng thì thầm bên tai: "Này cô gái, có ai đó rất hay nhìn cô từ phía sau...". Tôi phút chốc nghẹn thở, len lén ngoái đầu nhìn theo hướng hất hàm của người phục vụ. Qua rất nhiều dãy bàn, tôi thấy có một người đàn ông đang chăm chú cúi mặt xuống tờ báo. Giả vờ chăng? Tôi hoảng hốt đứng lên, lập cập tiến dần về phía cửa. Thang máy đây rồi, tôi đưa tay bấm nút vội vã như muốn thoát hiểm. Nhưng trời ạ, bên trong thang máy, lù lù một anh trai đứng sẵn tự khi nào. Giương đôi mắt to quỷ quái như muốn nuốt chửng lấy tôi, anh ta khẽ mỉm cười: Này cô, hình như cô quên.. Anh ta chưa nói hết câu, bỗng dưng tôi nghe tiếng chân rầm rập chạy đuổi theo sau lưng cuống quýt. Kẻ lạ mặt ban nãy ở căng tin đang thở hổn hển, đôi mắt ánh lên tia kỳ quái: Này cô, hình như cô quên...
Tôi mắc kẹt giữa hai người đàn ông, chết sững? Thế nhưng hai kẻ lạ mặt đã không cho tôi chết, dù trong vài giây. Họ nhanh chóng kết nối lại những câu dang dở ban nãy. Kẻ ngoài thang máy nói: "...Hình như cô quên... chiếc ví trên bàn". Tôi lí nhí chưa kịp cảm ơn thì kẻ trong thang máy bồi thêm một cú dứt điểm: Hình như cô quên... tôi rồi sao? Tôi chỉ còn biết kêu trời. Hắn ta đấy - Cái bóng ma ám ảnh đấy! Có chết cũng không thể quên.
Tôi đã tìm thấy chàng trai của đời mình. Bây giờ, nếu ai hỏi tôi sợ nhất thứ gì, tôi vẫn nói: Thang máy. Nhưng nếu hỏi tôi yêu nhất cái gì, tôi cũng khe khẽ trả lời: H...m... Thang máy!