Tốt nghiệp đại học Du lịch xong nó đi bộ đội hai năm, mãn hạn trở về vào làm việc cho một cơ quan tương đối bề thế, lương bổng đủ nuôi thân, có thể lo thêm cho một người, ngày đi làm, đêm theo học để lấy thêm mảnh bằng nữa. Nó đi từ sáng tới tối, có khi nửa đêm mới về tới nhà, nhiều lúc ngồi ăn cơm một mình, tôi buồn bã nghĩ thầm “Có ngày mình chết, kiến đụt hai con mắt, còn trơ bộ xương khô chưa chắc gì nó hay”, rồi nghĩ đi nghĩ lại, tự động viên “Thôi kệ! Nó cũng lo làm, lo học chớ không chơi bời lêu lổng gì, mình ráng chịu một thời gian nữa, chừng nào có dâu thì nhà cửa sẽ bớt hiu quạnh, bệnh đau hay hoạn nạn cũng có con dâu đỡ đần, rồi những đứa cháu nội ra đời, tha hồ mà ẵm bồng hun hít như người ta”. Niềm hy vọng theo tháng ngày vẫn dậm chân một chỗ, chưa có tia sáng nào lóe lên để cho tôi thêm vững niềm tin.
Mỗi lần thấy con chải chuốt đầu tóc, áo quần tinh tươm ra đường, tôi gạ hỏi “Đi với ai mà mướt rượt vậy con?”. “Bữa nay tiếp khách cơ quan, mà mẹ hỏi có chuyện gì không?”. “Thì tao… thì hỏi cho biết vậy thôi”. “Chớ không phải theo dõi con sao?”. “Theo dõi làm gì, mầy làm như tao là thám tử không bằng”, nó nhìn tôi cười cười rồi đi ra cổng. Nó như vậy đó! Cứ vô tâm, vô tình trước sự lo lắng của tôi.
Tiêu chuẩn tôi lựa dâu không có gì là ghê gớm. Một đứa con gái có gương mặt dễ thương, nói năng duyên dáng, tính tình hiền lành, có học thức, có văn hóa và nhất là phải biết nấu nướng, đảm đang việc nhà. Những khi rảnh rỗi hai mẹ con luận bàn về phụ nữ ngày nay, thằng con nhận xét con gái bây giờ khó tìm được đứa nết na kim chỉ, đảm đang việc nhà như tôi yêu cầu, con gái bây giờ “dễ coi” một chút là “chảnh” lắm, học đòi nọ kia, muốn lấy đại gia hay Việt kiều, ngoại kiều chớ không ngó tới mấy anh công chức nghèo. Nó dẫn chứng mấy cô hoa hậu, người mẫu, nhiều người cặp với đại gia, khi đại gia vô tù, ở ngoài “ôm dầm sang thuyền khác”, có người cặp với tướng cướp, tướng cướp bị xử bắn thì đi tìm những Việt kiều khác, thời buổi của “giai nhân và tướng cướp” mà. Tôi cãi lại “Không phải cô gái đẹp nào cũng đều xấu xa như vậy, còn thiếu gì đứa đẹp người, đẹp nết, đâu phải hết người tốt, tại con chưa gặp đó thôi”. Nó không nói gì thêm nhưng tôi biết trong đầu nó có ấn tượng không mấy tốt đẹp với con gái thời nay.
Tôi thật sự lo khi nó nhìn đàn bà con gái với con mắt đó, nó nhìn như vậy là nguy rồi. Không lẽ thời buổi trai thiếu gái thừa mà tìm không ra một người theo ý mình, không lẽ hàng trăm hàng vạn cô gái mà nó không yêu được một cô nào sao? Tại nó ít giao lưu gặp gỡ, không chịu đi kiếm tìm, người ta mua một cái áo còn phải đi năm ba shop mới tìm được cái vừa ý huống hồ gì tìm kiếm một con người, hễ chịu “đi là tới, tìm là gặp” mà, có gì đâu phải nản lòng. Thấy tôi hối thúc hoài, nó càm ràm “Sao mẹ nôn nóng dữ vậy? Chừng nào tới thì tới, hơi sức đâu lo. Hổng ấy... mẹ giới thiệu giùm con đi! Con ủy quyền cho mẹ đó. Mẹ ưng đứa nào thì con sẽ xem xét, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ gật đầu thì sau này mẹ chồng nàng dâu dễ sống hơn, với lại có chuyện gì… mẹ không đổ thừa”. Trời đất! Cái thằng ăn nói kỳ cục, chuyện vợ chồng mà nó làm như chuyện mua bán đất đai, nhà cửa, nó đòi ủy quyền cho tôi. Thời buổi tự do yêu đương, tự do kết hôn, ly hôn mà nó muốn trở lại thời cổ xưa hay sao? Nghe con nói vậy tôi cũng mừng là nó còn biết nghĩ tới mình, thôi thì cũng phải nhảy vô mà lo với nó. Tôi giao hẹn tôi chỉ có nhiệm vụ giới thiệu, còn quyết định cuối cùng là do nó và đề nghị nó đưa bạn gái nào nó thích về nhà.
Tôi lượt lại trong đám con cháu của bạn bè, xem có đứa nào dễ coi không? Tiêu chuẩn đầu tiên, cơ bản nhất là phải biết nấu ăn. Phụ nữ biết nấu ăn thì mới đem lại sức khoẻ, niềm vui cho chồng con, phụ nữ mà quanh năm suốt tháng để cho chồng con ăn uống lang thang ngoài quán xá thì kể như tan nhà nát cửa. Thử nghĩ coi, mọi người trong gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc, được tụ tập vui vẻ quanh bàn ăn, được tẩm bổ những món ăn ngon để hồi phục sức khoẻ, rồi kể chuyện vui buồn trong ngày để cùng nhau bàn bạc sẻ chia, từ đó mới gắn kết các thành viên với nhau lại, thiếu bữa ăn gia đình, bếp núc lạnh tanh lạnh tẻo, gia đình làm sao đầm ấm cho được. Đời bây giờ, người ta ly dị nhau nhiều chắc cũng vì thiếu bữa cơm gia đình, thiếu những sợi dây đồng cảm ràng rịt nhau khi chia ngọt sẻ bùi những công việc lớn nhỏ của những người cùng chung mái ấm. Sau khi cân nhắc, tôi chọn bé Hằng là con bé có ngoại hình tương đối, đang học Đại học Sư phạm năm hai khoa Ngữ văn, gia đình nó cùng quê, mẹ nó làm chủ lò bánh kẹo có tiếng ở địa phương, mẹ nó chạng tuổi tôi, cũng góa chồng, chỉ sinh được một mình nó. Tôi đinh ninh mẹ làm nghề đó chắc nó nấu ăn ngon hay ít ra cũng biết cơ bản về nấu nướng. Tôi đem chuyện bàn với thằng con, nó hỏi: “Con Hằng con của dì Hạnh đó hả?”. “Thì nó chớ còn ai nữa, tánh con đó hiền, tướng tá nó nhìn cũng “có điện, có nước”, sau nầy sanh đẻ mau mắn lẹ làng, mẹ nó dễ thương mà làm ăn cũng giỏi giang lắm”. Nó nhìn tôi cười cười rồi gãi tai, gãi tóc: “Con...đó cũng được, mà biết… nó có chịu con không?”. “Chịu hay không là do mầy, mầy cũng biết nó lâu rồi mà! Cua gái phải có “chiêu” nghe con, nếu con “chấm” nó thì tiến vô, mẹ sẽ hỗ trợ”. Nó giương mắt nhìn tôi rồi ấp úng: “Chà! Chà! Con Hằng thì dễ thương thiệt mà quen mặt quá… khó ăn khó nói à nghen”. “Cái thằng này! Từng tuổi này rồi mà còn nhát gái, cỡ tuổi con ở dưới quê người ta con đàn con đống, còn mầy tối ngày lo chuyện trên trời dưới đất không lo chuyện gia đình coi chừng hư bột hư đường hết đó”. “Mẹ nói hoài nghe mệt quá! Chuyến này con thử thời vận một phen coi ra sao? Con với nó không hợp thì thôi, mẹ đừng chì chiết à nghen”. “Dĩ nhiên rồi! Chì chiết gì được mầy”. Tôi nhìn thằng con, tướng tá nó cao ráo chững chạc, mái tóc đen dày như con gái, đôi mắt to và chiếc mũi cao, nó cũng khá trai mà sao kém tự tin như vậy không biết, có lẽ khuyết điểm này cũng một phần do tôi nuôi dạy. Tôi thấy tội nó quá, từ nhỏ đã xa cha, sống lẽo đẽo bên mẹ nên tính ý nó chịu thương chịu khó như con gái, tỉ mỉ chu đáo việc nhà, việc gì hệ trọng cũng bàn với mẹ, luôn tin tưởng nơi mẹ, nó thiếu cái ngang tàng, bạt mạng của đấng mày râu. Mà thôi! Ngang tàng, bạt mạng làm chi, thời buổi này chuyện gì cũng phải suy nghĩ đắn đo, bạt mạng ngang tàng có khi khổ cả đời.
Bé Hằng tới chơi, tôi bày biện nấu nướng để thử “tay nghề”. Từ lâu, tôi biết nó cũng có chút ít cảm tình với thằng con nhưng ngặt nỗi thằng này vô tâm vô tánh quá, nó như thằng con nít, chưa biết “muốn vợ”. Chắc bé Hằng cũng hiểu ý tôi nên nó vui vẻ lắm. Tôi mua thức ăn định nấu hai món thông thường nhất mà thằng con thích là món canh chua cá lóc và cá rô kho nồi đất. Món canh chua thì chất chua là lá vang, món rau phụ liệu gồm khóm, giá, bạc hà, đậu bắp, rau cần, rau thơm. Món cá rô kho phải có nhiều tiêu và một ít tóp mỡ mới ngon. Sau khi chỉ vẽ sơ bộ cách nấu hai món ăn, bé Hằng gật đầu ra vẻ thành thạo, nó hồ hởi bảo: “Cô lo làm chuyện khác đi! Để cơm nước con đảm nhiệm cho. Ở nhà con cũng phụ nấu với mẹ con hoài, hai món này là chuyện nhỏ”. Nó cười giòn rồi bắt tay vào việc.
Tôi ra phía trước lo o bế mấy cây kiểng, còn mấy ngày nữa Tết rồi, bỗng dưng lòng thấy chộn rộn nao nao vì cảm giác mình sắp có dâu hiền. Cả đời vất vả nặng nhọc nuôi con, bây giờ mới thấy thơ thới hân hoan đôi chút, chắc mình sắp được hưởng cảnh con hiền dâu thảo rồi. Thôi thì trời đất cũng bù đắp cho mình, có gì vui bằng tuổi già được sống bình yên hạnh phúc bên con cháu.
Lụi hụi mà trưa trờ trưa trật, thằng con đi làm về thấy tôi lúi húi với mấy chậu kiểng, nó ngạc nhiên hỏi: “Ủa! Sao giờ này mẹ còn ngồi đây? Bộ bữa nay mẹ không nấu cơm sao?”. Tôi thì thào bên tai nó: “Con vợ mầy đang nấu ở trỏng, tao nhờ nó nấu đó!”. Nó trợn mắt nhìn tôi: “Vợ nào?”. “Thì con Hằng chớ còn con nào nữa”. Nó cười ngượng ngùng: “Mẹ thiệt! Chưa gì hết… Thôi để con vô phụ nó”. “Ừa! Đi đi! Nhanh lên! Tao đói bụng rồi!”.
Mâm cơm vẫn chưa được dọn ra, tôi hồi họp nhìn ra phía sau nhà bếp quan sát tình hình. Úi trời! Tôi thấy thằng con gấp lia lịa đám lá vang trong nồi canh chua bỏ vào thùng rác rồi nó nêm nếm lại nồi canh, bé Hằng thì xay tiêu rột rẹt. Bọn nó cười khúc khích rồi rù rì với nhau chuyện gì tôi không nghe rõ, nhìn cảnh đó tôi đoán có lẽ “êm chèo, mát mái rồi”. Dù bụng đói cồn cào nhưng tôi không dám gọi dọn cơm, để cho tụi nó tự nhiên, chủ yếu là nó có “chịu đèn” với nhau hay không, chớ nấu ăn ngon dở thì mình chỉ bảo thêm, chỉ cần có thiện chí, có ý tứ chút xíu là học được ngay.
“Cô ơi! Con mời cô ăn cơm!”. Tiếng bé Hằng lảnh lót sau nhà bếp khiến tôi giật mình mở mắt. Ngồi đọc báo chờ cơm mà ngủ gật. Tôi bước xuống nhà sau, ngồi vào bàn ăn, bé Hằng liến thoắng nói cười, thằng con cũng vui ra mặt, tôi hớn hở: “Chà! Bữa nay ăn cơm chắc ngon lắm đây ! Lần đầu tiên có người nấu cho mình bữa cơm khỏi phải lăn vào bếp, khoẻ quá! Thôi ăn đi con !”. Bé Hằng trịnh trọng gấp bỏ cho tôi cái đầu cá và ruột cá. Tôi gấp ruột cá ăn trước. Ối cha ơi! Tôi vội nhả cái ruột ra, cái bao tử còn y sì nguyên trạng của nó, chưa được mổ xẻ làm sạch, miếng mật đắng nghét trong miệng như viên thuốc chống sốt rét. Thằng con bối rối nhìn tôi, không dám hỏi câu nào vì nó biết có sự cố, nét hồn nhiên trên gương mặt bé Hằng vụt biến mất, nó lo lắng hỏi: “Cô… Cô... Có sao không?”. Tôi vội trấn an: “Không sao đâu! Hồi nãy cô quên chỉ cho con làm cái đầu. Đầu cá lóc phải chú ý lấy cục máu tanh ở hàm dưới, lấy kéo cắt những phần xương thừa cho tròn trịa để nhìn cái đầu cho đẹp, ruột và bao tử cá phải dùng kéo cắt xẻ ra rồi cạo nhớt cho sạch, ruột cá lóc là loại ruột ngon nhứt hạng, ruột cá lớn mà bỏ đi thì uổng lắm. Canh chua nấu với lá vang con chịu khó vớt lá ra để nhìn nồi canh ngon hơn. Rau nào lâu chín thì bỏ vào trước, nêm nếm phải vừa đủ độ chua ngọt mới ngon. Nấu ăn coi đơn giản vậy nhưng đòi hỏi người nấu phải chịu khó, có ý tứ và có ý thích nấu nướng nữa mới được”. Bé Hằng bẽn lẽn phân trần: “Dạ… Ở nhà con chỉ phụ bếp thôi. Con bận lo việc học hành nên cũng chưa để tâm lắm vào việc này. Mẹ con cứ giục phải đi học vài khóa nấu nướng mẹ mới gả chồng, vụng về quá gả về nhà người ta mắng vốn chết”. Tôi cười, xoa đầu nó: “Không đi học ở đâu chi cho tốn tiền, chủ nhật nào rảnh tới cô dạy từ từ cho là biết chớ có gì khó”. “Dạ. Mai mốt chủ nhật, con mua vật liệu tới cô dạy giùm con nghen”. Thằng con vã lã chống đỡ: “Mẹ ơi! Món cá rô Hằng kho cũng phê lắm. Mẹ ăn thử coi!”. Tôi dẻ miếng cá rô bỏ vào miệng, ít tiêu và hơi mặn nhưng cũng nói lấy lòng: “Món cá kho khá đó! Bỏ thêm chút xíu đường với bột ngọt nữa thì vừa miệng hơn. Cá kho con phải riu riu, kho lửa hỗn quá miếng cá chưa thấm ăn không ngon, điều chỉnh độ nóng của lửa cũng là kỹ thuật trong nấu ăn. Nhìn chung, bữa ăn hôm nay tuy chưa đạt yêu cầu lắm nhưng rất vui vì có thêm người, cám ơn con đã giúp cô. Mai mốt chủ nhật cứ tới cô chỉ cho, không có gì khó, chỉ cần yêu thích là được”. “Ờ! Phải à! Mai mốt em tới má chỉ cho nấu, đi đâu xa cho mắc công”, giọng nói thằng con ngọt như đường phèn, nó nhìn con Hằng với ánh mắt trìu mến, thân thương.
Tôi bước ra nhà trước ngồi uống trà, để cho bọn trẻ trò chuyện. Tiêu chuẩn lựa dâu ban đầu không đạt nhưng không hiểu sao lòng vẫn chan chứa niềm vui. Nếu bọn nó thật sự thích nhau là mừng rồi, không thể nào theo tiêu chuẩn mình đưa ra được. Tôi nhâm nhi từng ngụm trà mà thấy mình thật may mắn, chuyện kén chọn dâu hiền đè nặng bấy lâu trong tâm não bỗng dưng hóa ra dễ dàng, nhanh gọn, thật là “hạnh phúc ở quanh ta” chớ có xa xôi diệu vợi nơi nào mà đi kiếm, đi tìm.
Mồng ba tết này gọi bé Hằng tới nhà chơi, tôi sẽ tặng cho nó một bộ nồi với hộp dụng cụ tỉa hoa, thế nào nó cũng thích lắm. Ngoài kia, đường phố đã rộn rịp người đi sắm tết, tôi đứng ngắm mấy cây mai đơm đầy nụ, tủm tỉm cười một mình.Tác giả: Kim Quyên
Ý kiến bạn đọc