Nghĩa địa có đom đóm bay

Chủ nhật - 11/04/2010 17:21 3.194 0
1. Khất lần mãi rồi tôi cũng dứt ra được mọi thứ để về. Cái chữ quê nghe gần gũi mà hóa xa. Xa lâu quá. Cứ xắng. Cứ quyết tâm mấy bận lại bị mọi thứ cuốn trôi đi. Hay bởi mình dễ dãi quá chăng? Quê tuột dần, tuột dần về nơi xa ngái. Gần hơn trước mắt là đồng tiền bát gạo, là bụi bặm phố phường, là tắc đường lụt phố, là con đến trường, là vợ sổ mũi nhức đầu, là cuối ngày đi nhậu, là chuyển chỗ lao đao.
Nghĩa địa có đom đóm bay

Ngày trước ra đi nó dễ. Nhất thiết phải đi, phải bám phố. Bám phố hòng cứu rỗi chút văn minh. Dù là cái gấu hay cái đủng phố. Phải đi. Đi mà ngẩng đầu lên. Đi cho con cái sau này bằng bạn bằng bè. Đi mà dặn lòng kiểu gì Tết cũng vác xác về tắm táp lại mình, lấy sức bình sinh đi chiến đấu tiếp. Mấy năm đầu còn được. Sau thưa. Tôi cảm giác mình trượt đi, đuối dần, đuối dần. Không bấu víu gì được nữa. Tới lúc hoảng hốt nhìn lại thì chẳng đừng được. Và giờ đây, tôi đang bước trên vạt đê vào cổng làng.

Cổng làng vẫn thế. Rêu và mấy thân tầm gửi bám xanh rì, mốc meo. Cây đa kế bên trùm kín cửa cổng tạo một thế vững chắc, ung dung tự tại như chẳng thèm suy suyễn gì trong hành trình chạy đua với thời gian. Nhưng bước qua cổng làng thì choáng. Làng đâu còn như trước nữa. Nhà nhà ngóc lên, ngạo nghễ, cái thụt cái thò, xanh đỏ tím vàng, đủ màu như một lễ hội hóa trang. Đường xá bê tông. Cầu cống bê tông. Mương máng bê tông. Cảm giác chỗ nào bê tông được là bê tông. Nhẵn thín. Tới cái nghĩa địa ở gò nỗi của làng cũng loang lỗ màu mè với nhiều kiểu nhà táng thiết kế tầm cỡ kiến trúc hẵn hoi chứ đâu còn sè sè nấm đất nâu. Tôi mãi miên man nghĩ thì suýt đầm sầm vào một gã lao xầm xập qua. Ngớ người, hóa ra là Kền. Tôi chìa tay thì chỉ nhận được nụ cười nham nhỡ trên nền mớ râu ria rậm rì. Kền không nhận ra tôi chăng? Dẫu đi lâu, nhưng tôi nào có thay đổi là bao? Mấy bà mấy o gặp trên vệ đê còn nhận ra, huống hồ là Kền. Khuôn mặt sắc lẻm và tinh ranh của Kền đâu rồi? Sao giờ trông thồn thộn, ngơ ngơ. Kền lao qua tôi như đang bận tâm một điều gì khác nặng đầu lắm. Nhìn theo dáng Kền lao vào nhà. Ơ, nhà lão Kên! Bao năm rồi, vẫn thế. Giờ lọt thõm giữa hai nhà lầu mới xây, trông nó càng méo mó và xập xệ đi. Thế là chẳng chủ tâm, và cũng chẳng liên quan gì tới mình mà chuyện Kền đột nhiên quấn lấy tôi.

2. Ngày ấy lão Kên là một tay khét tiếng cả vùng. Từ thủ kho lên chủ nhiệm hợp tác xã, rồi trưởng công an xã và chủ tịch. Lão phất lên như diều gặp gió. Khi cả làng còn sấp ngửa với miếng ăn bỏ miệng thì đùng đùng lão dựng phắt lên căn nhà xây ba gian với một gian lồi lợp ngói Hương Canh đỏ au. Rồi bộ bàn ghế, trường kỉ đóng bằng gỗ gụ, lên nước, đen sì, bóng loáng chở một ngày trời từ mạn Bắc về. Ai nhìn vào mà không kinh ngạc, thèm thuồng mới lấy làm lạ. Lão Kên ngày ăn ba bữa, hút đèn bàn hai lần. Quần áo ra khỏi nhà, đi làm không nói, nhưng về là đồ lụa vàng ong màu vua chúa. Tuy một nhà mà lão như có ba nhà. Chả là lão chỉ ăn với con vợ xề ở nhà, còn tối tối lại ra phía đầu làng hay xuống cuối làng. Đấy là hai cái ổ ủ lão. Nói trắng ra, không có giấy tờ, nhưng thực tế là vợ hờ lão cả. Đấy là nơi lão Kên tập thể dục, tập dưỡng sinh mỗi tối. Người làng vừa ghen ghét vừa nể sợ lão. Chẳng ai dám nho nhe đấu tố gì.

Lắm vợ, tiếng cường tráng nhưng lão có mỗi thằng con độc đinh. Con trai lão tên Kền. Kền cùng lứa với tôi. Nhưng trẻ làng chúng tôi và Kền là một trời một vực. Kền được cưng phụng như ông thánh tổ nhà nó sống dậy. Mà cũng phải. Nó là thằng đội mũ rơm, chống gậy đi lùi. Là thằng kế thừa tất cả. Và gần như Kền được kế thừa luôn cái gen máu gái của bố nó. Mới tí tuổi đầu Kền đã biết rủ cả bọn chơi trò cô dâu chú rể, trao nhẫn cỏ may và hôn nhau. Có lần hôn, nó cắn chảy cả máu môi của Út Liên, con bé xinh nhất xóm, đóng vai cô dâu. Càng lớn Kền càng máu lửa hơn. Lớp 5, Kền đầu têu rủ cả bọn đi man ếch. Lượn dọc mấy bờ mương dẫn nước vào ruộng chỉ nghe tiếng ếch kêu mà không tóm được mấy con. Kền bảo phải lên nghĩa địa, nhất định các huyệt đã bốc mộ, nước đọng, ếch nhiều. Cả lũ vừa đi vừa run sợ. Trăng hôm ấy mập mờ. Trời có vẻ nằng nặng. Đứng ở một huyệt đã bốc mộ giữa nghĩa địa, bất giác mấy con đom đóm bay qua. Kền la: “Ma trơi!”. Lũ con gái sợ quá, la làng và bu lấy nó. Không biết sao lần nào nó cũng ôm trọn được Út Liên trước khi cả bọn ôm lấy nó. Lớp 8, Kền chủ động bày trò tập bơi cho mấy đứa đi chăn trâu ở suối. Tay đỡ ngực tay nâng đùi, khi thì một tay luồn vào giữa hai đùi từ phía sau lưng ra phía trước, lên bụng, nó nâng người cho lũ con gái tập bơi. Bì bõm. Bùm bũm. Nước bắn tung tóe. Cả bọn khoái chí cười vang khúc sông chiều. Riêng Kền không cười, mặt nó lúc tủm tỉm, lúc thì ngây ngây ra. Rồi ai cũng biết bơi. Ai cũng ra chiều hí hửng, biết ơn Kền lắm. Sau này lớn lên tôi mới biết, thằng Kền khôn lỏi, biết lợi dụng con gái từ hồi ấy. Nó lớn trước lũ trai như chúng tôi.

3. Khi tôi biết nhìn ngang, liếc trộm gái làng và mấy cô bạn trên lớp thì Kền đã có tiếng sát gái. Vào lớp 10 được hết học kỳ I, Kền làm chấn động cả ngôi trường heo hút nơi phố huyện. Nhà có điều kiện nên Kền ăn mặc cứ gọi là sáng choang so với lũ trai quê mùa, kiểu tôi. Chính nhờ vẻ bề ngoài ấy cộng với một cơ thể được dung nạp đủ chất khiến Kền ở tầm cao hơn chúng tôi mọi thứ, trừ bộ não. Nhưng não chỉ để giải toán, làm văn chứ tán gái được đâu. Chẳng ai đi tán gái mà nói anh giải được bài tập này hay bài tập kia cả. Tán gái chỉ cần cái miệng. Cái ấy Kền lại ăn đứt chúng tôi. Con gái siêu Kền như điếu đổ. Nhưng trường hợp với nhỏ lớp phó học tập hồi lớp 10 thật choáng. Nhỏ lớp phó học tập vừa xinh vừa học giỏi. Nó chẳng xem Kền ra gì. Vậy mà tiết ra chơi hôm ấy, Kền uống phải mật gấu hay sao mà khi nhỏ lớp phó học tập đang đứng phía cuối lớp thì Kền đi xuống, chống hai tay vào tường, đứng sát trước mặt nhỏ lớp phó, nó nói “Nghe bảo môi cậu ngọt lắm phải không? Cho thử một miếng!”. Nhỏ lớp phó vừa tráo trợn lên Kền đã cúi xuống làm cái “chụt”. Lớp há hốc miệng kinh ngạc. Mấy đứa con trai, tôi cá là nước bọt phải tiết đẫm miệng. Tôi nuốt đánh ực. Đúng là chỉ Kền mới dám làm chuyện động trời kiểu ấy.

Lên lớp 12, chúng tôi lớn tướng. Tôi ngày đã biết tắm hai lần, biết chải tóc rẽ ngôi. Tối thứ bảy cũng dối nhà đi học nhóm, thực tình theo thằng bạn rủ đi tung tẩy.

Dạo ấy rộ lên phong trào “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, đúng hơn là cấm tiệt “trâu nó” ăn cỏ “đồng ta”. Tức trai làng giữ gái làng. Trai làng khác mon men vào làng xem như ngỏm củ tỏi, hết lối về. Có về cũng thừa sống thiếu chết, nuốt cục ức không nỗi. Biết vậy nhưng mỗi tối thứ bảy tôi và Tùng vẫn qua làng bên, sang nhà em Xinh chơi. Em Xinh học cùng khóa, nhà lại ngay cạnh nhà Thiều, một trong bộ “ba chàng pháo thủ ngự lâm” chúng tôi, nên tôi và Tùng yên tâm qua làng có người bảo lãnh. Chuyện khởi động êm re. Tối nào qua cũng uống nước chè xanh, nói chuyện phiếm. Tới lần thứ năm thì có chuyện. Lần ấy vừa cấy xong vụ Đông. Trời bắt đầu rét hơn. Tôi và Tùng mượn được đôi giầy đen “oánh xì ngầu” của anh nó. Nói đến rụt cả lưỡi và hết nước bọt mới được. Thời ấy có đôi giầy da đen là đi cứ việc lác mắt lên, có giẫm phải cứt trâu thì thiên hạ cũng phục. Tùng bắt tôi mang vào. Tôi đang ở giai đoạn nước rút hạ đổ Xinh. Hai thằng hôm ấy vội vội vàng vàng, không kịp rửa xe, để nguyên cả xe vướng bùn và cọc thồ với hai rổ thồ mạ hai bên lao qua nhà Xinh. Tới ngõ mới thấy thẹn. Ai đời đi giầy đen lại lao xe thồ mạ vào nhà. Đành ném xe ở bờ rào ngoài cổng. Chuyện với Xinh đang hồi kịch tính thì một tên lù lù dắt xe chúng tôi vào giữa sân, bảo “Anh, anh dắt xe vào không để ngoài mất trộm đấy”. Tôi nhìn xe mà điếng người, thẹn đỏ mặt. Nhìn lại hóa ra là Kền. Vừa bực vừa thẹn, thiếu nước độn thổ. Cái xe cà rịch cà tàng ấy quăng đâu cũng ai thèm lấy. Thằng xỏ lá!

Tới khi ra về, nhảy lên xe tính đạp ẩu về thì xe sạch bách hơi. Hóa ra bị xì. Chào Xinh, dắt xe về mà chân cứ cuống cả lên. Nhưng ra tới đầu làng chuyện mới nghiêm trọng. Một tốp khoảng chục tên chặn chúng tôi lại. Thiều là người làng đi cùng nhưng không ngăn được. Chúng nó quá đông.

- Sao, mấy anh chơi vui chứ? Được gì chưa? Tên to đầu nhất bước lên.

- Xinh là bạn học bọn em, chỉ qua hỏi bài. Tôi nhỏ nhẹ.

- Hỏi bài này, hỏi bài hay tán gái? Vừa nói nó vừa giằng lấy xe từ tay Tùng ném bủm xuống thửa ruộng ngấu bùn ngay dưới chân.

- Sao, giờ có muốn về không? Nó hất hàm hỏi tiếp.

- Các anh cho bọn em xin, từ sau chúng em chừa.

- Vậy xuống mà lấy xe.

Tôi toan cởi giầy nhảy xuống thì bị kéo tay lên, bắt đi cả giầy. Hai thằng cùng xuống móc xe. Vừa đẩy được bánh trước lên đường thì giật mình, nó hô:

- Nghiệm! Giờ muốn về phải vừa duyệt binh vừa hát quốc ca dưới ruộng. Chúng tôi tái mặt, cắn răng làm theo cho tới khi nó hô “đứng lại, đứng, đằng sau, quay, vừa đi vừa hát, không có bao giờ đẹp như hôm nay trở lại chỗ cũ, rồi về”.

4. Lần ấy tôi và Tùng tức đến ói máu mà chịu. Lạnh tê người. Cái nhục với tụi ấy không thèm chấp nhưng chết một nỗi, đôi giầy mượn của anh trai Tùng đi tong. Giặt mãi vẫn còn mùi thum thủm, đành quăng. Hai thằng chạy chọt góp tiền mua giầy trả anh trai Tùng. Sau này tôi mới biết, vụ ấy, Kền đạo diễn. Thế mới biết Kền dao du rộng, điều động được cả trai làng khác đâu phải tay vừa. Nhưng chúng tôi chẳng để bụng. Chúng tôi phải học. Và cuối năm tốt nghiệp, tôi xa nhà, về hít bụi phố phường theo đuổi ước mơ thành người phố. Tôi bỏ lại Kền và những chiến tích của nó cũng như cái làng Mộc bên vệ đê.

Suốt bốn năm đại học, lần nào về nhà cũng nghe những chiến công oanh liệt mới của Kền. Tán gái như xiếc. Đi tới đâu gái đổ tới đó. Đưa dây xâu lại có mà cả chùm. Kền vẫn là tay lông bông có hạng. Mãi đận tết năm tư về, tôi nhận được thiệp mời báo hỉ của Kền. Tôi cười, Kền mà cũng quyết định tu à, sao lấy vợ sớm vậy. Mấy người nói, không phải, bố nó ép. Lão Kên sắp về vườn. Lão tính đám cưới đứa con độc đinh làm cuộc tổng tiến công thu chiến lợi phẩm rồi về là êm. Hai ngày, cả làng Mộc rung lên bần bật bởi loa đài từ nhà lão Kên. Ăn uống linh đình. Niềm vui vô tận. Nhưng cái đêm tân hôn của vợ chồng Kền làng mới rung sợ hơn, như kinh thiên động địa. Đêm ấy, khoảng giữa khuya, một tiếng rú man dại từ phía nhà Kền. Sau đấy là bước chân rầm rập, xe cộ tấp nập chở vợ Kền lên trạm xá xã. Hôm sau vợ Kền tỉnh lại, chạy một mạch về nhà bố mẹ đẻ, không một lời từ biệt, cạch luôn nhà Kền. Thì ra khuya ấy, hai vợ chồng tân lang đóng cửa kiểm kê “thu nhập cá nhân”. Tới cái hộp tặng phẩm cuối cùng, cô vợ hí hửng tháo tung dây nơ thì ngất xỉu với dòng chữ “Ngày vui của anh cũng là ngày giỗ của con”. Một thai nhi chừng bốn tháng nằm trong cái liễn sành đậy nắp thủy tinh trong suốt.

Cả làng rùng mình về hành động táo bạo của một trong những người tình trước của Kền. Người bảo, cho đáng đời, chim chuột lắm vào, giờ lãnh án. Người lại, cái ngữ con kia cũng thất đức, dám bỏ đứa con máu mủ ra để trả thù, hổ giữ còn không ăn thịt con. Người thêm, biết đâu chẳng phải con nó, nó kiếm đâu trong bệnh viện, thời buổi này thiếu gì kẻ vụng trộm rồi vứt bỏ con mình… Lòng người thật không biết đâu mà dò. Thủ đoạn và mánh khóe cũng không biết đâu mà lần. Cả làng sôi như một nồi lẩu. Riêng nhà lão Kên thì như đưa đám. Lão Kên về vườn luôn. Không ló đầu ra khỏi nhà nữa.

Từ lần ấy tôi xa làng hẳn.

5. Tối đến ngồi uống nước chè, tôi mới nói làng mình thay đổi quá. Nhắc lại chuyện gặp Kền khi sáng và hỏi sao nhà Kền như lụi dần đi so với làng. Bà dì cười nói, chắc trời cho tới đó, hết vận rồi. Tác oai tác quái nhiều vào. Của thiên trả địa. Sau lần lấy vợ hụt hồi mày học năm tư, thằng Kền cưới lại lần nữa. Đêm trước hôm đón dâu có con nhỏ người tình cũ trông sạch mắt lắm, đưa quà tới chúc mừng, ngồi thưa chuyện với cả nhà, nó nói dù sao cũng là người yêu cũ, mai Kền cưới vợ, xem như có cuộc sống mới, nó xin gia đình cho nó nói chuyện riêng, như những lời tâm sự cuối với Kền. Lão Kên thấy chuyện cưới lần trước đã hỏng, sợ có “biến” nữa nên không cho Kền đi. Nhưng trông con em người tình cũ, lâu ngày đi làm trên tỉnh về có vẻ càng ngọt mắt hơn nên không nỡ. Kền nháy mắt người tình như ra hiệu điểm đến quen thuộc thuở nào. Sau đấy Kền trốn nhà đi thẳng ra nghĩa địa. Và khoảng gần chớm tới giờ Ngọ thì một tiếng rú rùng rợn vang lên từ phía ấy. Mấy tay man ếch chạy lại, còn mỗi Kền trần truồng ôm hạ bộ trên tấm áo mưa nhàu nhĩ, xộc xệch. Ả người tình đã cắt một lát cực ngọt bằng lưỡi lam, sau đó chạy vào bìa làng đón xe ôm chuẩn bị trước, và ra quốc lộ, nhảy xe vào Nam. Đêm ấy đom đóm bay rợp trời nghĩa địa. Từ đấy Kền cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Râu ria tua tủa. Răng thì còn mà các tút chẳng còn. Nhà ấy xem như tuyệt tự!

Tôi thở dài. Vậy là hết sao Kền? Có phải khi mình lụy một cái gì đó thì bị nó hành lại không? Đời sòng phẳng thật. Không ăn quỵt ai gì cả, phải không? Nhưng sòng phẳng kiểu ấy kể cũng hơi ác. Mà chẳng biết thế có phải ác? Liệu có phải như thế là may, may để không phải có những đứa con mang gen di truyền của ông và bố nó. Tôi thấy mình ngớ ngẩn với những ý nghĩ vẩn vơ của mình. Trước mặt nhà bà dì là nghĩa địa xa xa. Bóng đêm đã đóng thẳng xuống. Tiếng ếch nhái gọi bạn tình ì ộp chộn rộn. Vài cặp đom đóm vờn nhau, lập lòe lập lòe. Tự nhiên thấy rờn rợn. Không biết tối nay có cặp nào ngoài ấy không?

Tác giả: Văn Thành Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây