Lá che phận người

Thứ sáu - 05/03/2010 19:49 2.829 0

Lá che phận người

Xuyên trượt khoảng rừng lá rì rào, ngọn gió mùa theo con nước rong thổi từ ngoài kênh lớn lai láng tràn mặt đầm năng, mang chút hơi âm ẩm phả lên cánh đồng tháng ba khô hanh nứt nẻ chân ruộng. Trước căn chòi lá nằm giữa gò đất cao trên bờ đầm, ông Bảy Thừa đang móc mồi câu. Tuổi gần bảy mươi trông ông còn gân guốc, dáng người đậm chắc, đôi mắt sáng hoắc nổi bật lên màu da đen nhẻm, điệu bộ xoay trở khá nhanh nhẹn.

Kha ngồi chồm hổm bên cạnh xem ông làm, với một bàn tay thoăn thoắt cầm lên bỏ xuống. Dễ chừng hơn mươi phút, ông đã móc mồi xong cả chục cây cần câu cắm. Lấy đoạn tầm vông dài khoảng một sải tay, ông Bảy xỏ gọn gàng mớ cần câu gác lên giàn rồi vòng ra phía sau chái bếp, dặn Thực canh nồi cháo nhừ thì bỏ cá vô để lửa liu riu. “Ừ, còn phải hái rau nữa, mày mạnh giò mạnh cẳng chịu khó chạy ra bụi chuối hột xắn nanh con xắt trộn ghém, tiện thể xắn quần lội xuống đầm quơ mớ rau dừa, ngắt vài cọng kèo nèo, tai tượng đem vô lát nữa ai khoái thì ăn!”. Ông Bảy vô nhà lấy chiếc đục đựng cá đưa cho Kha, quẩy số cần câu lên vai, rủ Kha theo mình.

Chiều chầm chậm trôi ngang đầm, những tia nắng cuối ngày phản chiếu lung linh cụm bông lau phất phơ nhạt dần rồi tắt hẳn. Một con cá lóc bằng cườm tay phóng trườn dài lên mặt nước đớp lũ chuồn kim nghe bầm bập. Đàn cò ăn xa hối hả đáp xuống phía rừng lá, chốc chốc lại vang lên tiếng vỗ cánh chộn rộn của lũ cò choai choai tranh nhau chỗ ngủ. Tới bụi cây múi um tùm nghiêng nhánh quằn trái la đà sát mí nước, ông Bảy dừng lại, vẹt đám cỏ mật xanh um dọn chỗ cắm cây mở hàng. Bị đánh động, một con cuốc vọt ra lủi nhanh vào bụi cỏ mất dạng.

Đứng ngắm cảnh chiều nhộn nhịp, bát ngát hương đồng gió nội Kha có cảm giác sảng khoái, thích thú. Thật đáng công để ở lại đầm đêm nay. Đây là chuyến đi thực tế cuối khoá của lớp trung học y tế giúp hướng dẫn bà con phòng dịch bệnh khi mùa mưa sắp đến. Thực và Kha được phân công về cùng một địa bàn. Thực ở nhà ông Bảy Thừa - một người bà con xa. Kha được anh trưởng trạm gửi nhờ bác Út Nhất. Lúc ban chiều hai thằng tạm biệt mọi người, lên xe đạp về một đoạn thì Thực bỗng dưng trở đầu xe, rủ Kha ở lại ra đầm năng chơi, cả tuần sau được nghỉ đâu gấp gáp gì. Kha chần chừ một hồi rồi chiều theo ý bạn.

Khi bóng của cây bần cụt đọt đứng sừng sững như pho tượng chắn ngay khúc quanh bờ đầm nhuộm sẫm màu đêm, ông Bảy thả cây cần câu sau cùng. Móc bì thuốc ra vấn điếu, bật lửa mồi, ông Bảy ngồi bệt lên đám cỏ chỉ đan thành một lớp dày mềm mại. Kha cũng vừa ngồi xuống bên cạnh, hai tay chống ngả người về phía sau, mắt dõi về rừng lá giờ chỉ còn một vệt đen mờ mờ. Hít một hơi thiệt đã, ông Bảy ồm ồm: “Nghỉ tay chút rồi mò ốc. Này, tánh tao hơi tò mò hỏi nhỏ cái, hổm rày ở nhà Út Nhất có gì lạ không?”.

Kha giật nẩy người, ngồi thẳng dậy. Ông Bảy hỏi vậy có ngụ ý gì đây? Nhà Út Nhất “có gì lạ” làm sao Kha rành hơn những người xung quanh, nhất là trải đời như ông Bảy. Kha chỉ đến rồi đi vỏn vẹn đúng một tuần lễ. Căn nhà tương đối đẹp, kiểu chữ đinh, lợp ngói âm dương, nền nhà viền đá xanh cao ngang bụng, đồ đạc bên trong toàn loại danh mộc chứng tỏ sự khá giả. Chắc chắn đó không phải là điều ông Bảy muốn biết. Vậy còn bác Út Nhất? Kha chợt nhớ lời dặn hờ của anh trưởng trạm về căn bệnh của bác Út.

- Ông Bảy nói lạ có phải là căn bệnh của bác Út hôn hay còn gì khác, cháu chưa hiểu?

- Ờ thì căn bệnh đó, mày thấy sao?

Thấy sao là sao? Bệnh của bác Út có gì đáng sợ đâu. Dân gian gọi là “âm bệnh” hay “mắc từng dưới”. Nôm na là một người còn sống nhưng luôn tự cho rằng mình có “mối liên hệ” hay khả năng “giao tiếp” với cõi âm, thường láp giáp một mình. Những người như thế rất tội nghiệp, họ không bao giờ làm hại ai. Lần đầu diện kiến bác Út Nhất, Kha rất có cảm tình. Dáng cao ráo, đầu hớt cua, luôn vận đồ pijama, nhìn bác Út trẻ hơn nhiều so với tuổi sáu mươi. Đôi mắt bác hiền hậu, nói năng chậm rãi, lời lẽ chừng mực, phong thái điềm đạm, sang trọng. Đều đặn mỗi sáng, bác Út đánh thức Kha dậy, pha cà phê chờ sẵn, kèm theo đĩa bánh ngọt trên bàn. Ngày đầu Kha ái ngại, định tìm cách từ chối nhưng bác nắm tay Kha kéo xuống ghế: “Gặp nhau đã là cái tình, ở đây ngắn dài gì qua cũng xem em như con cháu trong nhà. Hao tổn gì đâu mà khách sáo. Nói thiệt tình chứ không có phách lối gì, mười người cỡ chú em qua dư sức bao cơm suốt một năm”.

Rồi bằng thái độ thân tình như quen biết từ đời thuở nào, bác Út hỏi thăm quê quán, gia cảnh, chuyện học hành của Kha. Bác Út có vẻ suy tư khi nghe Kha kể về người thầy hiệu trưởng của trường trung cấp y mà Kha đang học. Khi biết Kha được phân công đi thực tế về đây, thầy có nhờ tìm giúp một người bạn, lâu lắm chưa gặp, không biết bây giờ ra sao. Đưa tay vỗ nhẹ trán, bác Út gặng hỏi: “Ông thầy hiệu trưởng tên gì, tìm ai ở cái làng này, nói đi may ra tui có thể giúp”. “Dạ, thầy con là Hồ Trung Chiến, quen gọi là Tư Mật. Còn bạn thầy tên thiệt là gì ông không nhớ rõ, ngày trước hay kêu Năm Đường”.

Nét mặt trầm tư của bác Út giãn ra đôi chút, mắt vẫn dõi xa xăm nhưng tinh ý sẽ thấy vừa loé lên một niềm vui nho nhỏ. Kha khấp khởi hy vọng lần ra địa chỉ thì bác Út nói lảng: “Mật đường mía bây giờ vô quốc doanh hết có còn tự do ở ngoài đâu mà tìm với kiếm. Không khéo người ta nghi mình dân buôn lậu, hoặc có mầm mống đầu cơ tích trữ thì gay lắm, gỡ lịch không biết ngày ra. Thôi đi làm kẻo mấy anh em chờ”. Sau này bác Út còn hỏi Kha về thầy hiệu trưởng vài ba lần nữa, nhưng lần nào cũng như vô tình mà động tới, lại lẫn lộn với những lúc bác “trở bịnh” làm nhàm những chuyện gì nên Kha không để tâm.

...

Sau hồi lâu yên lặng, Kha lại quay sang hỏi ông Bảy:

- Con thấy bác Út Nhất dễ thương chứ đâu có gì lạ lùng hở ông Bảy?

- Thì tui có nói hổng dễ thương hồi nào đâu - ông Bảy bỗng đổi giọng xưng hô - Ý là vầy, chú em có học, đọc sách vở đủ thứ, ít nhiều cũng biết bệnh này bệnh kia. Tui định hỏi điều này có khi là không hay ho gì đâu, nhưng để trong bụng hoài ấm ức khó chịu. Bệnh tình của Út Nhất thiệt vậy hay chỉ là giả đò. Tui nghi thì nghi để bụng vậy chứ đâu có cơ sở khoa học khoa hiếc gì, nhân tiện đây muốn hỏi cho ra lẽ thôi!

Đúng là bệnh kiểu “nắng mưa bất chợt” của bác Út Nhất khiến nhiều người thấy khó hiểu và nghi ngờ. Tiếp xúc mấy ngày đầu, qua cách đối nhân xử thế chừng mực của bác Út, Kha quên phắt lời căn dặn của anh trưởng trạm. Hôm kia xong việc về sớm, định đi lòng vòng quanh sân ngắm dàn kiểng cổ bon sai chợt bắt gặp bác Út đang đứng lặt say sưa những chiếc lá mãng cầu xanh mướt. Tay còn lại cầm thật ngay ngắn số lá hái được, nhè nhẹ nhét cất cẩn thận vào túi áo. Thấy Kha, bác Út thản nhiên: “Mốt tới ngày cấp dưỡng thằng nhỏ, gửi tiền cho má nó mua thịt sữa, nay lớn sồng sộng mà còn nhõng nhẽo, ngủ phải hát ru. Tiện đó tăng cường cho anh em mua thuốc men chữa trị”. Rồi nhíu đôi mày đậm đen, bác Út tỏ ra bí mật: “Suỵt! Đợt vừa rồi mình đánh lớn, thắng tưng bừng. Không ai gửi mạng lại sa trường nhưng có điều xác xơ bầy chim nhạn. Bữa rày nhà có khách, chưa rảnh đi thăm, chắc mấy ảnh trông dài cả cổ”. Lúc đầu Kha hơi hoảng vì bác Út bất  ngờ “trở bịnh”. Sau Kha bình tĩnh lại, lặng lẽ tìm cách tiếp cận. Kha mạnh dạn chui qua tán mai chiếu thủy, đến bên bác Út, với tay kéo nhánh mãng cầu xuống ngang tầm mặt: “Để con phụ với!”. “Đồng chí không được phép giỡn, nhiệm vụ ai nấy làm! Biết điều vô nhà tắm rửa cho sạch sẽ. Thiếu thốn gì mai tôi sẽ hỗ trợ!”. Hiểu tâm trạng của bác Út, Kha liền lấy tư thế đứng nghiêm: “Tuân lệnh”. Bác Út dừng hái, hai tay vỗ lên hai chiếc túi áo căng phồng, cười sằng sặc: “Miễn lễ!”…

Bệnh tình rành rành như vậy thử hỏi làm sao mà giả được, người như bác ấy tội tình chi làm chuyện đó để bị xem thường? Nghĩ vậy nhưng Kha vẫn  đắn đo, sợ phật lòng ông Bảy, trả lời phân hai:

- Con cũng đâu có dám chắc, nói không khéo gieo tiếng oan cho người bịnh mình đắc tội.

- Đừng hiểu lầm tui có ý không tốt với Út Nhất nha! - Ông Bảy Thừa vội vàng phân bua - Nông dân tụi này bụng dạ nghĩ sao thiên hạ biết tuốt tuồn tuột. Tài trí cỡ Út Nhất chẳng đơn giản tí nào, đố ai mà dám xem thường. Thấy vậy chứ chưa chắc vậy. Tui mà biết rõ thì…!

Bỏ lửng giữa chừng câu nói đó rồi ông Bảy lái câu chuyện sang hướng khác, giọng đầy chủ ý:

- Phải thừa nhận rằng tay Út Nhất cao số mới sống ung dung đến bây giờ. Cả dòng họ nhà ổng cũng vậy, ai nấy kín tiếng đáng sợ. Thời còn súng đạn, mấy đời đồn trưởng Cây Gáo thất điên bát đảo vì Út Nhất, cho lính bám suốt ngày suốt đêm, vậy mà đành bó tay. Lạ đời một chuyện là thằng nào theo rình rập ổng không đầu hàng cũng trốn bỏ xứ biệt tích. Ngoan cố ngang tàng sẽ chết thê thảm, hổng gãy cổ thì bể đầu. Mỗi khi làm phép, miệng ổng thường ngậm cứng đất sét, hai tay nắm đầy tiền lá. Người ta đồn đãi nhau rằng, âm binh phù hộ Út Nhất mạnh lắm, ai cũng sợ. Phía bên “quân khu” nghi ổng làm gián điệp, hình như đôi lần trên có lệnh về “xử”, nhưng hoãn lại không rõ vì sao. Hồi mới giải phóng, gia đình Út Nhất thuộc loại đối tượng đặc biệt cần quan tâm. Ai cũng tin rằng phen này trắng đen sẽ tường tận. Chính quyền xã đến nhà, không biết Út Nhất khai báo, đấu lý sao, mấy ông làng non tay ấn phải bỏ cuộc. Nhờ huyện xuống giải quyết, cũng mời tới mời lui đôi ba bận, cuối cùng rút lui êm, không kết quả gì. Bảy tám năm nay Út Nhất sống kiểu lánh đời, khó ai có thể gần gũi. Thỉnh thoảng diễn lại trò cũ, hiệu nghiệm lắm. Đoàn thể đến nhà vận động, xin ủng hộ đóng góp cho phong trào này nọ đều mừng hụt, nhận bao thư dày cộm, mở ra toàn lá cây. Xã gửi người ở nhờ đêm trước, đêm sau thấy mùng mền, cặp giỏ gì cũng đầy lá cây. Còn cậu, tui không ngờ trẻ người lại gan lì đến vậy, hổng có thấy xảy ra chuyện bất thường gì. Mà này, lúc ra khỏi nhà có kiểm tra lại ba lô không, coi chừng nhóc nhách lá cây ở trong đó. Dạo trước, bà con ở đây thường được Út Nhất ưu ái gửi cho tiền lá, “tiêu xài” xả láng đó nghe...

Nghe ông Bảy cảnh báo, Kha chẳng chút hoảng sợ, trái lại càng thấy tội nghiệp cho bác Út. Mặc! Bác Út Nhất có nhét vào ba lô của Kha bao nhiêu lá cây cũng không nhằm nhò gì. Kha sẽ phơi khô giữ lại làm kỷ niệm. Điều băn khoăn duy nhất chính là chiếc phong bì dày cộm mà bác Út trịnh trọng nhờ Kha chuyển cho thầy hiệu trưởng với lời căn dặn: “Con về trường làm ơn đưa tận tay Tư Mật túi giấy này, thử xem ông ấy định liệu ra sao. Nhắn thêm lúc nào rảnh về chơi, có người nhắc, thế thôi!”. Chiếc phong bì đang nằm yên dưới đáy ba lô, chẳng rõ bên trong đựng những gì? Nếu toàn lá cây thì không thể chuyển tới thầy hiệu trưởng được. Đắn đo tìm cớ thối thác gửi trả lại thì… không nỡ, bác Út chắc sẽ thất vọng. Hay là xé đại coi thử? Chà, có vẻ không tiện lắm. Kha đang lúng túng chưa biết xử lý ra sao đây?

Bầy đom đóm nghịch màn đêm nhấp nháy trên nhánh bần. Lũ dơi muỗi chấp chới lượn lờ. Nhịp sống đêm của khu đầm năng bỗng chốc trỗi dậy. Tiếng gõ “cum cum” vọng lên từ phía chòi, ông Bảy Thừa đứng dậy giục Kha về: “Thằng Thực báo hiệu gọi mình. Quên nữa, chưa mò ốc, giờ thì tối rồi, còn một xâu ếch khô, vô nướng mồi phủ phê!”.

*

Con trăng mười bảy nín một canh rồi từ từ nhô lên khỏi rừng lá, toả sáng dìu dặt. Mấy con cá đớp bóng vỡ tung mặt nước đầm loang loáng ánh bạc. Các món ăn được dọn ra trông khá hấp dẫn dưới ngọn lửa cháy bừng của chuỗi trái mù u phơi khô khoanh xoắn treo trên giàn. Tượng cháo cá lóc bốc khói nghi ngút, thơm nồng mùi tiêu hành. Con lươn bóng bẩy ườn mình lẫn màu xanh lá cách um nước cốt dừa trong chảo. Mấy con khô ếch vàng ươm chân huơ loạn xạ tựa đang nhảy múa trên tấm lá chuối. Rổ rau dừa, kèo nèo, tai tượng non nhuốt. Ba ông cháu ngồi xếp bằng quanh tấm đệm. Thực hăm hở múc đồ ăn cho từng người. Húp hết chén cháo, Kha ngồi thừ ra. Dù không đồng tình với ông Bảy Thừa, nhưng những nghi vấn về bác Út Nhất bắt đầu xâm chiếm tâm trí Kha. Phải chăng có ẩn tình khuất lấp nào đó nên ông Bảy mới nhọc lòng đến vậy. Hay giữa hai người có mối hiềm khích trong quá khứ chưa hoá giải, cứ ghìm lẫn nhau. Kha bứt rứt bỏ đũa, thở dài khó chịu. Thực bẻ khúc lươn bỏ vào chén Kha:

- Ăn mạnh lên, lá cách um dừa mát lắm, khuya ra bờ trâm bầu ngủ khỏi đội nón!

- Cái gì, hai thằng bây đêm nay tính bày chuyện à! -  Ông Bảy trợn mắt.

Kha khẽ bậm môi, nín lặng. Ban chiều, hai thằng gửi xe băng đồng ra đầm, tắt ngang bờ trâm bầu. Thực cậy mình thỉnh thoảng xuống nhà ông Bảy, biết nhiều chuyện, lên giọng đàn anh hù dọa: “Bờ trâm bầu này là nơi lạnh lẽo, âm u nhất làng. Người nào yếu bóng vía chỉ cần gió thổi xạc cái là rịn ướt quần. Trời giấc chạng vạng càng đáng sợ, linh lắm. Có mấy người qua nghe mơ hồ ai gọi tên, bất cẩn đáp lại thì bị “bắt tiếng”, về nhà sùi bọt mép, bệnh luôn”. Kha “xì” một cái: “Thời đại khoa học kỹ thuật bay lên tới cung trăng, dân có học mà tin chuyện âm ty địa ngục thiệt uổng cơm cha áo mẹ công thầy. Tối nay tao ngủ đây thách ai dám quấy rầy, lộn xộn vặn cổ cả đám”.

Ông Bảy tằng hắng giọng giảng hoà, chuyện “bắt tiếng” là đồn nhảm, hồi nào giờ chưa xảy ra. Người ta có “ớn” là vì chuyện khác. Sẵn nói luôn, coi tin được thì tin, không ép. Thường thì mấy bà con làm đồng gần đó, trưa vô bờ trâm bầu tránh nắng. Tỉnh thì thôi không sao, hễ cứ thiu thiu chợp mắt một lát là nghe tiếng ru con ầu ơ ví dầu.

- Ai hát vậy ông Bảy? - Thực rụt cổ hỏi.

- Biết ai thì còn gì hấp dẫn. Chẳng vô cớ đâu, “có tích mới dịch nên tuồng”. Đã kể thì tường tận luôn cho có đầu đuôi hén tụi bây…

Giọng ông Bảy Thừa nhừa nhựa mà nghe rõ mồn một:

“Xứ này có ông bà Cả là giàu có nhất vùng. Út Nhất là con một. Thông minh, lanh lợi, thi đâu đỗ đó, học lên tận Sài Gòn, tiếng Tây tiếng tàu thông thạo. Khi còn đang học, ông bà Cả bắt về quê cưới vợ báo hiếu. Cưới xong để vợ, cô Hai Nga, ở nhà chăm sóc song thân, Út Nhất trở lên tiếp tục chuyện sách đèn...”.

... Năm đó, cũng độ khoảng tháng ba, tháng tư. Xế chiều, cô Hai vất vả lội ra đầm năng tìm Bảy Thừa, mượn xuồng chèo qua bên kia kênh lớn đưa thuốc cho người bạn. Đấy là cách cô vẫn thỉnh thoảng làm xưa rày. Hôm ấy, nhìn thấy bụng cô Hai to vượt mặt, Bảy Thừa ái ngại lấy xuồng chở giúp. Bận đi êm xuôi, đến lúc quay về vừa ra khỏi rừng lá, bất thình lình hai chiếc đầu láng ầm ì xuất hiện. Nhanh như cắt, Bảy Thừa nhảy xuống nước, đẩy xuồng vào đám bần ven đầm. Hồi đó, khu vực này hoang vu, mé đầm cóc kèn dày đặc, trốn ở đâu cũng an toàn. Chúng vừa bay khỏi, cô Hai sốt ruột đòi về nhà, sợ ông bà Cả trông. Bảy Thừa định nấn ná núp lại, đợi chúng trở ra rồi về sẽ an toàn hơn nhưng thấy ý cô Hai vậy không dám cản, đành chống xuồng về. Cập bờ đầm, Bảy Thừa bỏ vào túi hai con cá trê trắng còn giãy lắn quắn và bó kèo nèo đưa cho cô Hai đem về nấu canh chua me cho ông bà Cả. Bảy Thừa đứng ngó theo bước đi nặng nề của cô Hai mà lo ngại, chờ bóng cô khuất dạng vào bờ trâm bầu mới an tâm lấy lưới thả giăng. Đúng lúc đó, hai chiếc đầu láng sau một hồi lượn qua làng bắt đầu quay trở ra. Bảy Thừa đứng như trời trồng khi bất ngờ chúng hạ thấp độ cao ngang bờ trâm bầu, bỏ trái nổ vang rền náo loạn cả cánh đồng. Nguy rồi cô Hai ơi. Vừa dứt tiếng trái phá, Bảy Thừa chạy trối chết ra bờ trâm bầu. Hỡi ơi, cỏ cây gãy nát, đất cày xới tứ tung, cô Hai nằm không toàn thây bên gốc trâm bầu…

Kể đến đây, Bảy Thừa dừng lại thở dài đánh sượt:

- Út Nhất về chết lặng, không nói câu nào. Kêu tao dắt ra bờ trâm bầu chỉ chỗ vợ mất. Út Nhất ngồi rũ một ngày một đêm. Thiệt tình tao bầm gan tím ruột, ân hận vô cùng. Sức vóc đàn ông lưng dài vai rộng làm chi mà không gánh được mạng cho cô Hai?

Thực và Kha ngây người nhìn nhau, xúc động. Hồi lâu, Kha thì thầm:

- Thì có chuyện đó nên bác Út Nhất tâm cùng trí quẩn là đúng rồi. Còn việc bác Út nói đi thăm vợ con là ra bờ trâm bầu hả ông Bảy?

Ông Bảy gục gật đầu:

- Để tao tính coi. Nay là… Ậy, phải rồi, đêm nay mười bảy. Có thể, rất có thể Út Nhất sẽ ra đó!

Thực ngồi im thin thít, hướng về bờ trâm bầu hiện lên dãy đen mờ. Tiếng cú ăn đêm vang lên từng hồi ớn ợn. Thực tin chắc dẫu có ba đầu sáu tay Kha cũng không dám ra ngủ. Còn Kha thì cứng cựa, muốn xem hư thực ra sao, giọng chắc nịch: “Nhất tắm sông nhì ngủ đồng. Ăn uống no say phè cánh nhạn giữa cảnh trăng thanh gió mát sướng cha đời!”. Thực nghe mà gai ốc nổi khắp người. Định ghẹo bạn chơi ai dè Kha nổi máu “hảo hán” muốn ngủ đồng thật khiến Thực bối rối, chưa biết tính sao. Bỏ bạn một mình thì bở mặt, còn hăng hái theo lại không đủ can đảm. Lưỡng lự suy tính, Thực đành lấy cớ ăn nhiều lạnh bụng, phá giới xin ông Bảy khui hũ rượu chuối hột uống cho “đã” luôn.

Tàn cuộc, hai người kéo nhau ra bờ trâm bầu. Kha tay cầm đèn pin, tay ôm chiếc đệm đi trước, Thực lảo đảo theo sau. Thực cố tình nốc rượu say quắt cần câu, chân đá băng xiêng băng nai, kéo bao bố lết bết trên mặt ruộng khô cứng. Trải đệm lên gò đất cạnh gốc trâm bầu thân to người ôm không giáp, Kha phụ tay với Thực trút đồ trong bao ra. Vừa bung chiếc mền dù, Thực ngả lưng thở phì phò, giọng nhừa nhựa kêu Kha đốt con cúi rơm để ở dưới chân xua muỗi.

Kha nằm xuống mà con mắt ráo hoảnh, đầu óc lởn vởn những hình ảnh lộn xộn không rõ hình dạng. Khuya, trăng lên ngang đỉnh đầu, toả sáng như ban ngày, len lỏi qua tán lá thả những vòng sáng lốm đốm lên mặt đất. Những chuỗi âm thanh hỗn tạp từ đầm năng vọng lại. Tiếng nghiến răng kẽo kẹt của mấy anh cóc tía gọi mưa. Tiếng chàng ếch quền quệt nhớ nước trắng xóa ngập đồng. Tiếng vạc sành chéo chét. Tiếng chim heo eng éc tìm mồi cuối trời xa. Rồi không biết từ hướng nào, một giọng ru con bổng trầm thoảng đưa tới.

Ầu ơ/ Đêm khuya rúc một tiếng còi/ Thương con, nhớ vợ, quan đòi phải đi/ Ầu ơ/ Con ơi con ngủ cho say/ Lớn lên, ầu ơ, lớn lên...

Đầu bờ trâm bầu chợt lay động, Kha thấy bác Út Nhất hiện ra. Nhẹ bước chầm chậm tiến gần chỗ hai người nằm, đứng im lặng một hồi lâu, bác Út Nhất ngửa mặt lên ngọn trâm bầu khóc rưng rức. Hai tay thọc vào túi áo  bác lôi ra nhìn chầm chậm từng chiếc lá, rồi từ từ đưa lên cao thả vào trong gió. Nào lá mai, lá bông giấy, lá bông bụp, lá bông trang, lá mãng cầu... Những chiếc lá mãi vòng vèo bay lượn trước khi rơi lả tả. Đôi ba chiếc lá vương xuống mình Kha và Thực.

Phủi nhẹ hai tay, bác Út lạnh lùng quay bước, băng đi trong màn sương mờ tỏ dưới bóng trăng lúc canh tàn. Như có một bàn tay vô hình xốc Kha dậy, đẩy cậu chạy gấp rút theo sau, tha thiết cất giọng: “Bác Út, chờ con…!”.  Kha gắng sức chạy thiệt nhanh cho kịp. Rồi Kha vấp phải vật cản, gục xuống.

Nằm trong chòi, ông Bảy Thừa trằn trọc, chắc tại hồi chiều uống chút rượu nên khó ngủ. Quay ngang trở dọc chán, ông dậy bắc ấm nấu trà. Ngoài đầm, cá quẫy ì õm, đớp mồi bầm bập. Đoán chừng cá lũ lượt mắc câu, ông xách đèn đi thăm, sợ chờ đến canh sáng vuột xẩy hết. Cây thứ nhất, cây thứ hai… đến cây thứ mười chín thì mặt ông Bảy nóng bừng, bực bội. Sao kỳ cục vậy, cá mẹ cá con đua nhau quậy quọ vui như hội dờn dợn khắp mặt đầm. Cả mấy chục cây cần câu lưỡi sạch nhẵn mồi, không dính một cọng râu hay chiếc vảy. Không thể hiểu nổi, mấy con cá như muốn trêu người. Chưa vội về chòi, ông Bảy lấy thuốc ra vấn rồi dõi mắt quan sát khắp lượt.

Ô kìa! Nhấp nháy có vật gì đang chuyển động trong làn sương mờ tỏ. Định thần lại, ông Bảy căng mắt nhìn cho rõ. Ẩn hiện bóng người đang chạy ra từ bờ trâm bầu. Bóng người chạy chậm lại rồi liêu xiêu, ngã sóng soài lên bờ đầm, úp mặt vào bụi rau dừa. Chuyện gì đây trời? Ông Bảy chạy đến, vặn ngọn cây đèn bão sáng lên, hốt hoảng đưa tay lay cái thân thể đang nằm bất động: “Nè, Kha có chuyện gì? Dậy, dậy!”.

*

Sáu năm đã trôi qua.

Ngồi trước mặt Kha là thằng Thực năm nào, lâu ngày gặp lại trông vẫn chẳng đổi khác mấy. Trao tận tay Kha chiếc giỏ đệm căng phồng, Thực bảo: “Khô cá lóc đầm năng của ông Bảy Thừa gửi mày”.

Kể từ chuyến thực tập đến nay, Kha chưa lần nào trở lại đầm năng. Tình cờ nghe Thực nhắc lại, Kha đôi chút bỡ ngỡ:

- Ông Bảy còn nhớ tao à, mọi người ở dưới đều khỏe chớ?

- Mầy quên thì có, chứ bà con ở dưới mỗi lần gặp tao là hỏi thăm mầy không hà. Ông Bảy nhờ tao lên mời mầy về dự lễ mừng thọ. Ráng thu xếp ở vài ba ngày chơi cho thoả. Xóm làng giờ đổi khác lắm, không thua gì phố thị. Đầm năng là khu bảo tồn, mai mốt về nhất quyết phải ra đó ngủ một đêm cho đã.

Rồi Thực sốt sắng kể cho Kha nghe về những đổi thay của khu đầm năng. Nào là bờ trâm bầu đã được chăm sóc, giữ gìn nguyên vẹn. Nào là  chỗ gò đất cao hai thằng từng nằm ngủ mọc lên một căn nhà hình bát giác, bên trong có dựng tấm bia đá, ghi lại dấu tích một nữ giao liên đã anh dũng hy sinh để bảo toàn liên lạc cho cách mạng. Đó còn là nơi trung chuyển tài liệu, thuốc men từ trên cứ về. Chuyện này còn liên quan đến một người a nha. Mà người này mầy biết rõ lắm à nha. Mà sao mặt mầy đần thối ra vậy? 

- Bác Út Nhất! - Kha thảng giọng.

- Phải, bác Út chính là Năm Đường mà thầy hiệu trưởng nhờ tụi mình tìm đó. Khi học ở Sài Gòn, thầy là một trong những cơ sở gom hàng “quốc cấm” giao cho bác Út Nhất. Người nữ liệt sĩ là cô Hai Nga, vợ của bác Út. Cô cũng là em chú bác với ông Bảy Thừa.

- Vậy bác Út thế nào rồi? - Kha hỏi dồn thúc.

- Thì thủng thẳng cho tao lấy hơi, chuyện còn dài lắm!

Mấy năm sau ngày bác Út mất, bao nhiêu câu chuyện kỳ bí thêu dệt xung quanh “lão nửa tỉnh nửa mê suốt ngày hái tiền lá” chìm vào quên lãng. Đột ngột ngày nọ, đoàn viết sử ngành quản trị tài chính của tỉnh tìm đến nhà bác Út Nhất, xin gia đình thông cảm vì đã chậm trễ trong thực hiện chính sách. Bà chị họ bác Út bối rối. Mấy ông chắc nhầm ai chăng, cậu Út có cống hiến gì đâu, được sống yên ổn đến ngày xuôi tay nhắm mắt là phước đức rồi. Làng xã ai nấy té ngửa trước việc bác Út Nhất được phục hồi danh dự. Do người chỉ huy trực tiếp của  bác Út hy sinh, hồ sơ về đường dây thất lạc, mãi sau này người ta mới chứng minh được khoảng thời gian hoạt động trong lòng địch và lòng kiên trung của bác Út. Gia đình được yêu cầu bổ sung giấy tờ liên quan để có hình thức khen thưởng nhưng không có gì đáng kể ngoài một túi thuốc men đã cũ, không còn nhãn mác và một cọc tiền giấy của chính quyền Sài Gòn. Bà chị họ nhoè mắt rưng rưng nói rằng túi đồ này cậu Út đã lận vào trong người để mang cho ai đó, không hiểu vì sao đêm ấy vứt ở nhà và cất giữ cho đến nay...

- Còn ông Bảy Thừa thì sao? - Kha hỏi Thực.

Hồi nhỏ ông Bảy Thừa và bác Út Nhất gắn bó với nhau như tay mặt tay trái. Ông bà Cả coi ông Bảy chẳng khác gì con ruột, cưu mang đùm bọc cả nhà ổng. Chính ông Bảy khăn gói lên tỉnh, nài nỉ cán bộ làm chính sách nghiên cứu kỹ giùm trường hợp Út Nhất. Chưa hết câu đã bị dằn mặt. Ê hê, mắc mớ gì tới ông mà chen vô, muốn xách dù đi hầu hôn, bằng chứng đâu mà muốn kêu kiện, giở giọng này nọ? Ông Bảy cười rao ráo. Đi tới tòa áo đỏ cũng không sợ. Đừng xem thường dân ruộng chân lấm tay bùn này nghen. Phải xét cho đúng công đúng tội chứ. Chẳng qua Út Nhất không thiết gì đến công trạng nên mới im lặng vậy thôi. Nếu Út Nhất muốn nở mày nở mặt thì sau giải phóng đã kể công này nọ rồi. Nói có sách, mách có chứng nào dám giỡn mặt. Vậy cái này bảo lãnh được chưa?

Ông Bảy đưa ra thứ gì mày biết  hôn? Một chiếc phong bì úa vàng, bị cháy xém một góc.

- Ủa? - Kha thót tim khi nghe Thực nhắc đến chiếc phong bì.

Sau đêm ngủ hoang ngoài bờ trâm bầu, Kha rơi vào trạng thái mê sảng, sốt nặng phải nằm lại trạm y tế mấy ngày. Khi hết bệnh, thu dọn quần áo về, Kha thấy chiếc phong bì của bác Út đưa nhờ chuyển đến thầy hiệu trưởng thì nổi gai ốc khắp người. Những ngày qua không ít người nói Kha bị bác Út ghẹo chơi vì dám giỡn với bác. “Ghẹo chơi” thôi mà đã phải vô trạm xá nằm ly bì mấy ngày rồi, ghẹo thật thì không biết đi tới chỗ ông bà ông vải nào rồi? Tốt nhất là tống khứ cái của nợ này đi cho rảnh tay. Sẵn đống rác lá cây cháy lách tách ngoài sân bên hông trạm xá, Kha đến cửa sổ ném vào. Lúc đó Thực đang đứng dưới gốc xoài, thấy vậy vội lấy cây dập lửa, nhặt lấy chiếc phong bì. May bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Cầm phong bì trong tay lật qua lật lại, Thực ngờ ngợ của bác Út Nhất, không dám mở xem, đưa cho ông Bảy Thừa cất giữ.

- Bên trong phong bì đó là những gì? - Kha dò hỏi Thực mà trong lòng thấy ân hận vô cùng.

- Hầu như đầy đủ biên nhận các chuyến giao hàng, trong đó có bảy phiếu nợ trị giá gần hai chục cây vàng.

- Trời đất ơi, chút xíu nữa thì tao hại bác Út rồi – Kha thốt lên.

Khi cô Hai Nga hy sinh, ông Bảy Thừa bị liên lụy. Tụi nguỵ tề xã gây khó dễ đủ điều, ông Bảy cô thế đành chịu ép buộc đi lính, địch gán cho chức đội trưởng dân vệ, ngày làm việc nhà đêm vác súng canh phòng. Thời gian đó, bác Út được phân công về lại quê nhà, kết nối đường tiếp liệu. Do bị chỉ điểm, đường dây chuyển hàng bị bể từ nội thành ra, địch giăng bẫy hàng loạt để bắt trọn. Đêm đó, ông Bảy được lệnh dẫn đường cho bọn biệt kích phục sẵn ở bờ trâm bầu. Gần đến giờ hành động, ông cố ý để súng cướp cò nổ bị thương gãy nát bàn tay. Bác Út biết động, vẫn đi ra bờ trâm bầu như đã hẹn, nhưng trong mình toàn là tiền lá, nhờ đó thoát nạn. Vướng lại anh giao liên đến nhận hàng, từ đầm năng rút lui không kịp, bị bắn vùi xác cạnh rừng lá. Cũng vì vậy mà bác Út bị nghi ngờ phản bội. Thêm địch ruồng bố quá rát, xét hỏi gắt gao, tuyến đường vận chuyển bí mật qua làng thay đổi sang địa bàn khác. Bác Út Nhất vuột khỏi tổ chức từ đó dù đã cố liên lạc, tự chứng minh sự trong sáng của mình nhưng vô ích. Còn đang đau buồn chuyện gia đình, lại không được tin dùng, bác Út bất mãn buông xuôi…

Kha ngồi chết trân như thể không tin vào tai mình.

Ngoài sân, chiều đã đổ bóng lên cây kim tùng sậm lá.

Tác giả: Phong Hân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây