Góc phố muôn màu

Thứ sáu - 20/01/2012 06:44 3.805 0

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải
Chú Nghiêm đang ngồi nhậu với mấy người bạn trên thềm nhà, con Hạnh “chằn” đi ngang. Nhìn nó mặc cái quần sọt ngắn như không thể ngắn hơn được và chiếc áo thun cổ khoét sâu xuống ngực như không thể khoét sâu hơn nữa, chú Nghiêm bưng ly rượu nốc cạn đánh chót một tiếng rồi vỗ đùi cái bẹp, nói khơi khơi:

- Nhìn cặp đùi nó tao muốn chảy nước miếng quá! Rót uống thêm một ly nữa coi.

Con Hạnh “chằn” cũng không vừa, nó chửi phông lông:

- Cái thứ già mất nết! Có muốn… thì đi kiếm gái mà chơi, nói bậy nói bạ có ngày coi chừng bị vả tét miệng hén!

Chú Nghiêm giận xanh mặt, đứng bật dậy, kêu giật ngược:

- Ê, con nhỏ đó đứng lại! Mầy nói ai mất nết?

Con Hạnh “chằn” vẫn tỉnh bơ: - Tui nói khơi khơi vậy đó, bộ ông có ha mà ra miệng?!

 Chú Nghiêm hậm hực: - Đồ con nít ranh! Cái thứ…. Cái thứ… Con Hạnh “chằn” đốp lại:

 - Ờ, tui là con nít ranh chứ còn đỡ hơn cái thứ già mà tối ngày đi nhìn đít con nít.

Chú Nghiêm tái mặt, huơ tay chụp cái chén định chọi dằn mặt con Hạnh “chằn”, nhưng chú Năm Đen kịp giữ tay chú lại. Chú Nghiêm vung tay, kêu chú Năm Đen buông ra để chú trị con Hạnh “chằn” cho nó bớt hỗn. Con Hạnh “chằn” đứng ở ngoài vênh mặt lên thách thức:

- Ờ, ông ngon thì chọi tui thử coi rồi thấy cái cảnh hén!

Chú Năm Đen thấy tình hình có vẻ căng thẳng nên khuyên con Hạnh “chằn” bỏ đi, hơi đâu mà trách người say. Đằng nào thì chú Nghiêm cũng đáng tuổi cha, chú của nó mà. Trước khi con Hạnh “chằn” bỏ đi, nó còn nói vói lại: “Nể chú Năm tui mới bỏ qua đó nghen, chứ cái thứ già không nên nết như ông kia, tui hổng có sợ đâu!”.

Chuyện chính xác là vậy, nhưng sáng hôm sau, tại quán hủ tiếu “cóc” của dì Năm ở ngoài đầu hẻm, chị Sáu “mập” bô bô: “Hồi chiều hôm qua, ông Nghiêm bóp đít con Hạnh “chằn”. Cái ông này vợ bỏ đi lâu mà hổng lấy vợ khác, thèm hơi đàn bà quá nên phát khùng rồi. Chị em phụ nữ cẩn thận ổng nghen!”. Dì Năm bán hủ tiếu cãi lại: “Ủa, tui nghe nói ổng chỉ đòi cắn đùi con Hạnh thôi mừ”. Chị Ba bán bánh mì bên cạnh chen vô: “Đâu có, ổng đang nhậu, thấy con Hạnh đi ngang, máu bảy mươi lăm của ổng nổi lên nên sàm sỡ với con Hạnh kìa. Ai chứ con Hạnh đâu có hiền, nó chửi như tát nước. Ông già Nghiêm quê quá, đòi đánh con Hạnh”. Chị Hoa “nail” ngồi ăn hủ tiếu, hỏi: “Ổng sàm sỡ làm sao, nói chung chung vậy ai mà biết trời”. Chị Ba “bánh mì” giải thích: “Nghe nói ổng vuốt mông vuốt má con Hạnh gì đó”.

Thằng Bằng ngồi uống cà phê ở quán cóc của bà Mười, đối diện với quán hủ tiếu của dì Năm. Nghe mọi người bàn tán về chuyện ba mình, nó phóng xe ra bãi xe ôm ngoài chợ để tìm chú Nghiêm. Gặp chú Nghiêm đang đậu xe ngồi đợi khách, nó nhìn chú trân trân, hỏi cộc lốc: “Ba, hồi chiều hôm qua ông sàm sỡ gì con Hạnh dạ?”. Chú Nghiêm nạt ngang: “Tao có làm gì nó đâu à!”. Thằng Bằng xẳng giọng: “Hổng làm gì sao cả khu phố đồn rần rần lên kìa”. Chú Nghiêm bực dọc: “Họ nói gì kệ họ, miễn tao hổng có thì thôi. Mầy tin tao hay tin mấy con mẹ nhiều chuyện trong xóm?”. Thằng Bằng gằn giọng: “Hổng có gì mà người ta nói được hả? Sao người ta hổng nói chú Năm Đen, hay chú Sáu Lùn sàm sỡ con Hạnh mà nói ba?”. Chú Nghiêm tức tối: “Mầy đi hỏi mấy người nhiều chuyện đó á chứ tao làm sao mà biết!”. Thằng Bằng uất ức: “Ba lớn tuổi rồi, làm sao coi được thì làm. Làm quá tui bỏ nhà đi chứ hổng dám ở đây nữa đâu”.

Thằng Bằng nói xong nổ xe máy phóng đi vù vù, không cho chú Nghiêm giải thích một tiếng nào. Chú Nghiêm hẫng xuống, chênh vênh. Vợ chú không chịu được cảnh nghèo, nên bỏ đi từ ngày thằng Bằng mới ba tuổi. Một sáng ngủ thức dậy, chú Nghiêm chỉ thấy thằng Bằng nằm bên cạnh, còn vợ đâu mất tiêu. Tưởng vợ dậy sớm đi đâu đó, chú chờ mãi, chờ mãi mà không thấy về. Chú Nghiêm đi kiếm khắp nơi nhưng tin tức người vợ mà chú yêu thương vẫn bặt vô âm tín. Gần hai mươi năm rồi, chưa có ngày nào chú quên dõi mắt nhìn dáo dác vào đám đông, hay những người phụ nữ có cái dáng hao hao vợ mình. Tìm vợ mãi không được, chú đâm ra hận đàn bà. Hận một cách cực đoan. Hận vậy chứ chú luôn hy vọng một ngày nào đó vợ chú trở về. Chú mong được tha thứ cho người vợ thương yêu của mình, dù người đàn bà ấy có thân tàn ma dại đi nữa, chú cũng sẵn lòng bỏ qua mọi lỗi lầm. Chú Năm Đen kêu: “Mầy coi lấy vợ khác đi, hơi sức đâu mà chờ. Mà người đàn bà bỏ chồng, bỏ con như vợ của mầy thì không xứng đáng để mầy lao tâm, khổ trí để chờ như vậy đâu”. Chú Nghiêm ứa nước mắt: “Tui quên con vợ tui hổng được anh Năm ơi!”. Hồi vợ chú mới bỏ nhà đi, mỗi lần thằng Bằng bi bô hỏi “Mẹ đi đâu mà lâu về dữ vậy ba? Con nhớ mẹ quá hà!” là chú Nghiêm ôm nó khóc rấm rứt như con nít. Bây giờ, mỗi lần nhậu say về, chú hay đem chuyện đàn bà ra nói với thằng Bằng: “Mầy nghèo, lấy vợ thì phải biết làm cho nó mê mầy để nó hổng bỏ đi nghe hông”. Thằng Bằng nghe mãi điệp khúc ấy nên ngán ngẫm, nó nạt ngang: “Ba đừng nói ba cái chuyện ấy nữa được hôn. Tui hổng lấy vợ đâu. Thấy ba là tui ngán tới cổ rồi, hổng vợ con gì hết cho khỏe!”.

*

Chuyện chú Nghiêm “sàm sỡ” con Hạnh “chằn” còn chưa hết bàn tán trong khu phố thì đến chuyện thím Nhã xây nhà mới. Thím Nhã là hộ nghèo nhất nhì khu phố, vậy mà đùng một cái cất nhà, nhờ vậy mà chuyện chú Nghiêm dần đi vào quên lãng, thay vào đó là chuyện người ta đi tìm câu trả lời tiền đâu thím Nhã xây nhà? Chồng thím Nhã mới mất cách nay ba năm, bỏ lại một bầy con nheo nhóc bốn đứa. Lúc ấy, con Hồng Tươi là con gái lớn, chỉ mới mười sáu tuổi, còn thằng Tý “còi”, con út chỉ mới mười tuổi. Từ ngày chồng mất, gánh chè đậu đen của thím Nhã nặng hơn, và thím phải đi xa hơn, bán về khuya hơn. Tuy nhiên, gánh chè đậu đen của thím cũng không thể nào kham nổi cho bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cho nên con Hồng Tươi phải nghỉ học đi phụ bán cà phê kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Ngày con Hồng Tươi đòi nghỉ học đi phụ bán cà phê, thím Nhã không cho. Thím nói thím còn lo nổi, bất quá thím bán nhà chứ hổng để đứa nào phải bỏ dở việc học. Nhưng đó là ý của thím, còn con Hồng Tươi thì không chịu nổi cảnh nghèo túng, không chịu nổi cảnh hàng ngày mẹ gánh gánh chè nặng trĩu trên vai, đi từ trưa đến khuya lắc khuya lơ mới về. Nó cũng không chịu nổi cảnh những hôm trời mưa, chè ế, mấy chị em phải ăn chè thay cơm. Và nhìn những giọt nước mắt ứa ra từ đôi hố mắt sâu hoắm của thím Nhã, nó cũng không chịu nổi. Để cho thím Nhã an tâm, hàng ngày nó vẫn xách cặp đến trường, nhưng không vào lớp học mà đi phụ bán quán cà phê. Đến khi thím Nhã hay thì con Hồng Tươi đã nghỉ học gần nửa năm rồi. Chuyện con Hồng Tươi đi bán cà phê, son phấn lòe loẹt cũng từng là tâm điểm để mấy dì, mấy chị trong khu phố đàm luận tùm lum. Từ hồi con Hồng Tươi đi Singapore thì chuyện hàng đêm nó ăn mặc hở hang, khoe vòng một gợi cảm đi phục vụ ở quán cà phê không còn đem ra bàn tán nữa. Cái hôm con Hồng Tươi xin thím Nhã cho đi Singapore, thím hỏi qua bển làm gì? Nó nói đi qua bển thiếu gì chuyện để làm. Mấy đứa bạn nó qua bển, đứa nào về cũng xài toàn tiền đô. Tụi nó rủ Hồng Tươi đi. Mấy đứa bạn nó nói đẹp như Hồng Tươi, qua bển làm tiền nhiều lắm. Thím Nhã hỏi làm cái gì mà tiền nhiều, Hồng Tươi ấp úng nói thì phụ bán quần áo, hay bán quán… như ở bên Việt Nam vậy đó. Nghe con Hồng Tươi nói vậy thì thím Nhã tin như vậy, chứ nó qua bên đó làm gì thì ai mà biết. Nó động viên thím Nhã an tâm, rồi nói ráng làm kiếm tiền gởi về cho thím cất lại căn nhà. Nhìn mái nhà dột nát, nó chịu hổng nổi. Đùng một cái thím Nhã xây nhà mới, nghe đâu còn lên một tấm nữa, làm mọi người ngả ngửa, hỏi nhau tiền đâu thím Nhã cất nhà? Dì Ngọc gánh gánh bánh canh đi ngang quán hủ tiếu cóc của dì Năm, nghe mọi người trong khu phố ngồi ăn hủ tiếu, bàn tán chuyện thím Nhã cất nhà, dì Ngọc đặt gánh xuống: “Chắc là con Hồng Tươi đi Sinh-ga-po gởi tiền về cho bả cất nhà chứ bả mần gì có tiền mà cất!?”. Dì Năm cãi lại: “Con Hồng Tươi đi Sinh-ga-po mới hơn nửa năm làm gì có tiền gởi về cho bà Nhã cất nhà? Chắc là bả trúng số độc đắc mà giấu mọi người nè”. Chị Ba bán bánh mì nghe coi bộ không lọt lỗ tai nên chen vào: “Trúng số đâu mà trúng số, từ hồi đó tới giờ tui có thấy bả mua vé số đâu mà trúng. Chắc có ông đại gia nào thấy bả thương nên ra tay nghĩa hiệp hổng chừng”. Chị Hoa “nail” nguýt dài: “Chèn ơi, đại gia có tiền muốn lập phòng nhì thì cũng kiếm gái tơ, gái đẹp chứ ai mà lao đầu vào bà Nhã, vừa già, vừa xấu”. Chị Như uống tóc làm ra vẻ hiểu biết: “Mấy bà hổng biết gì hết, tui nghe nói, con gái có nhan sắc một chút qua bên Sinh-ga-po làm gái kiếm được nhiều tiền lắm. Tui nghe người ta nói vậy thôi chứ hổng có nói con Hồng Tươi qua bển làm gái à nghen. Tới tai bà Nhã, bả chửi thì tui không chịu trách nhiệm à!”. Mọi người ngớ người ra, vì thấy cái giả thuyết của chị Như đưa ra có vẻ hợp lý nhất, nên ai cũng gật gù. Dì Năm thở dài, nói trỏng không: “Chắc làm gái rồi chứ gì!”. Tới trưa thì cái giả thuyết con Hồng Tươi làm gái bên Singapore gởi tiền về cho mẹ cất nhà đến tay thím Nhã. Đang ngồi bán chè ngoài lề đường, thiếm Nhã trút mâm ly cái rột vào thúng, tất tả gánh về. Vừa về tới đầu hẻm, thím Nhã chửi đổng từ ngoài vào: “Con nào? Con nào dám nói con gái tao đi Sinh-ga-po làm điếm gởi tiền về cho tao cất nhà? Con nào nói ngon ra đây biết tay tao!”. Không có một tiếng trả lời. Con hẻm lặng ngắt, chỉ có tiếng thím Nhã ong óng, vang từ đầu hẻm đến cuối hẻm. Chửi mà không ai ra miệng mới tức, nên thím Nhã quăng gánh chè, ngồi bẹp ngoài đầu hẻm khóc rấm rứt: “Ông ơi, ông chết chi bỏ mẹ coi tui vậy hả ông. Mẹ góa con côi nên người ta ăn hiếp, đặt điều đặt chuyện, muốn nói gì thì nói kìa. Ông ơi là ông!”.

*

Chuyện con Hồng Tươi làm gì bên Singapore mà có nhiều tiền gởi về cho thím Nhã cất nhà vừa lắng xuống thì đến chuyện vợ chồng chị Diện bị đuổi khỏi phòng trọ. Chị Diện quỳ lạy cô Tư Bé, năn nỉ xin cho ở lại, vì trời tối và đang chuyển mưa, trong khi chồng bị liệt, đi đứng khó khăn, đứa con trai thì đang nóng sốt. Chị Diện cố nêu lý do: “Tư ơi, đáng lẽ con đã để dành đủ tiền đóng tiền nhà cho cô rồi, nhưng…”. Cô Tư Bé lạnh lùng: “Hổng có nhưng nhị gì hết á, nợ hai tháng tiền nhà rồi. Tui dễ dãi, mấy người cứ lấn tới riết sao chịu nổi”. Thấy vợ quỳ lạy, khóc lóc van xin, anh Hùng, chồng chị Diện ngồi trên xe lăn, lấy tay đấm vào ngực thùm thụp: “Tui là thằng đàn ông vô dụng mà! Em để tui chết đi cho rồi. Chạy chữa cho tui sống làm gì mà thân tàn ma dại, thêm gánh nặng cho vợ con vầy nè trời!”. Chị Diện ôm chồng: “Anh ơi! Anh chết rồi mẹ con em làm sao sống nổi?! Để từ từ em tính, anh tự đánh mình như vậy, em đau lắm!”. Hồi trước anh Hùng làm thợ hồ, bị trượt chân ngã từ trên giàn giáo xuống đất, gãy cột sống, vì vậy bị liệt hai chân. Từ ngày anh Hùng bị nạn, chị Diện phải bán căn nhà để lo chạy chữa cho anh. Không còn nhà, vợ chồng, con cái phải đùm túm đi ở trọ. Dì Năm bán hủ tiếu nghe chuyện lùm xùm, chạy lại xem chuyện gì. Biết chuyện, dì Năm nói chị Diện an tâm, để dì tính cho. Dì Năm đi vận động trong xóm xin người một ít. Nghe chuyện, chị Ba bán bánh mì móc túi cho một trăm ngàn, chị Hoa “nail”, chị Sáu “mập”, dì Ngọc bán bánh canh, bà Mười bán cà phê… cũng móc túi góp tiền cho chị Diện đóng tiền nhà. Chú Nghiêm mới đi chạy xe hon-da ôm về, nghe nói còn thiếu năm trăm ngàn, chú vét hết túi đưa cho dì Năm. Thấy anh Hùng ngồi đau đáu, đôi mắt tối mịt, chú Nghiêm đến an ủi: “Chú là người đàn ông hạnh phúc nhứt thế giới rồi, đừng buồn nữa hén!”. Anh Hùng chua chát: “Hoàn cảnh của con bi đát như vầy mà hạnh phúc gì hả chú? Con muốn chết đi cho xong”. Chú Nghiêm phân tích: “Chú đừng nghĩ bậy. Chú là người đàn ông hạnh phúc nhứt mà chú không biết đó. Chú nghĩ đi, chú có người vợ thương yêu chú như vậy, còn hạnh phúc nào bằng nữa?! Ráng mà sống với vợ con nghe hôn!”. Sáng hôm sau, chuyện cô Tư Bé đuổi vợ chồng chị Diện đi vì không có tiền đóng tiền nhà trở thành đề tài bàn tán xôn xao ngoài đầu hẻm. Chị Liên tối hôm qua đi bán hột vịt lộn nên không hay chuyện cô Tư Bé đuổi vợ chồng chị Diện, sáng nay ra ăn hủ tiếu ngoài quán dì Năm mới biết. Chị Liên mỉa mai: “Ủa, bà Tư Bé tối ngày đi chùa, ăn chay làm chi vậy ta? Ngộ quá hén! Tu mà coi trọng đồng tiền hơn cả tình nghĩa con người!”. Chị Sáu “mập” chen vô: “Hồi đó tới giờ lầm bả! Bả tụng kinh, lần chuỗi niệm phật. Mở miệng ra toàn là nói chuyện làm phước, gieo đức không hà. Tưởng bả là người tu hành, nhân đức thứ thiệt, ai dè… Thiệt, riết rồi cái tốt, cái xấu hổng biết đâu mà lần!”. Dì Năm bán hủ tiếu thở dài đánh sượt: “Lòng người thiệt mênh mông, khó mà đoán quá hén”.

*

 Cái hôm thấy vợ chồng anh Hùng bị cô Tư Bé đuổi đi, tối về chú Nghiêm không sao ngủ được. Chú thấy gia đình mà không có người đàn bà thì trớt quớt, lạnh tanh. Vì vậy chú quyết tâm đi tìm vợ. Chú không hy vọng vợ chú sẽ theo chú trở về, mà chỉ muốn nghe vợ giải thích vì sao bỏ đi và còn yêu chú nữa không. Được nghe vợ giải thích một lần, dù có chết chú cũng mãn nguyện. Thằng Bằng thấy chú Nghiêm đi, cản: “Má hổng về thì thôi, ba nhọc công đi tìm làm gì? Mà ba biết má đi đâu mà tìm?”. Chú Nghiêm buồn thiu: “Nhiều khi má mầy mặc cảm không chịu về thì sao? Hồi đó mầy còn nhỏ, tao hổng nỡ bỏ mầy đi tìm bả, bây giờ mầy lớn rồi, tao đi, chừng nào gặp bả tao mới về”. Thằng Bằng hỏi: “Rủi ba đi tìm hoài mà hổng gặp thì sao?”. Chú Nghiêm lặng thinh, ánh mắt sâu thẳm.

Khu phố lại có thêm đề tài mới để xầm xì. Chị Liên bán hột vịt lộn tấm tắc: “Chú Nghiêm coi hịch hạc vậy mà chung thủy quá hén! Phải thằng chồng tui cũng được như vậy!”. Dì Ngọc bán bánh canh tức tối: “Cái ông Nghiêm thiệt là lạ, vợ đã bỏ đi gần hai chục năm mà mắc gì đi tìm? Người ta hổng thương mình nữa mới bỏ đi, vậy mà chờ đợi, tìm kiếm đến bỏ phế cuộc đời. Bộ cái thành phố này hết đàn bà rồi hay sao chứ?”. Dì Ngọc rưng rưng nước mắt. Dì kéo chéo áo lên quẹt nước mắt nói khơi khơi: “Bà Năm nấu hủ tiếu, khói bay cay mắt quá hà!”. Dì Năm cãi lại: “Khói đâu mà khói. Bà này nói tào lao không hà!”.

Từ lúc vợ chú Nghiêm mới đi, nhìn chú tắm rửa, đút cơm cho thằng Bằng ăn, dì Ngọc thầm ước được thay chú làm những công việc ấy. Hồi thằng Bằng còn nhỏ, mỗi sáng dì Ngọc gánh gánh bánh canh đi ngang nhà chú Nghiêm, hổng thấy nó là dì ngó dáo dác vào nhà: “Bằng ơi, ăn bánh canh hông con?”. Thằng Bằng nói ăn, dì múc tô bánh canh đầy ứ, nhưng lấy có phân nửa tiền. Chú Nghiêm ngại, dì cười xởi lởi: “Bán mối quen mừ anh!”. Thấy chú Nghiêm chờ đợi vợ trở về trong tuyệt vọng, dì đau khổ, có đêm nằm rớt nước mắt. Nhiều khi dì giận bản thân mình, mắc gì mà chờ đợi, hy vọng mông lung? Tự nhủ lòng sẽ không nghĩ về cha con thằng Bằng nữa, nhưng khi có người đàn ông nào dòm ngó đến dì thì hình ảnh chú Nghiêm thui thủi một mình chăm con lại khiến dì chạnh lòng.

Dì gánh gánh bánh canh đi. Đi thật nhanh như sợ có ai trong quán hủ tiếu của dì Năm đuổi theo, săm soi vào đôi mắt của dì, hỏi ủa sao tự nhiên bà khóc ngon lành dạ?

Tác giả: Nguyễn Trọng Tấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây