- PV: Ra mắt trang Văn học mạng vào đúng ngày buồn của cư dân Internet – Yahoo 360o “sập”, hẳn chị muốn người ta phải nhớ đến ngày khai sinh đặc biệt này?
- Nhà văn Trang Hạ: Đúng thế, vì đó là một thời điểm thích hợp cho sự ra đời của vanhocmang.net. Trong nửa tháng hoạt động, tôi đã nhận được của gần 20 người viết nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp gửi bài tham gia. Một tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam còn đề nghị hợp tác với vanhocmang.net để mở một trang dành cho lứa tuổi 15-28. Điều đó thể hiện: dù có rất nhiều người phủ nhận và hoài nghi thì văn học mạng vẫn có một vị trí nhất định với người viết, tôi không dám nói là với độc giả.
- Vào Vanhocmang.net, thấy bài của Trang Hạ có tới gần 200 trong khi các tác giả khác chỉ vài chục. Mặc dù chị nói không lập web cho riêng mình nhưng khó tránh khỏi suy nghĩ đây là sân chơi mà Trang Hạ độc diễn?
- Sở dĩ có sự chênh lệch số lượng tác phẩm là vì tôi đã sáng tác trong một thời gian dài và có cả tác phẩm dịch. Chứ nếu mình Trang Hạ độc diễn thì đã đi ngược lại với mục đích của vanhocmang.net rồi dù tôi hoàn toàn có thể lập ra một trang web cho riêng mình như nhiều nhà văn khác. Tôi tạo ra sân chơi này để mời mọi người cùng tham gia, để giới thiệu cho họ một cơ hội khác, một cách khác để viết, hy vọng với cách viết đó có thể tạo ra những tác phẩm khác biệt, được công nhận có giá trị, chứ không phải sự phá phách, lập dị thông thường.
- Mời người này tham gia, từ chối người kia với lý do “không phải sáng tác mạng” liệu có gây ra điều tiếng không khi định nghĩa về văn học mạng của chị chưa chắc đã được nhiều người thừa nhận?
- Tất nhiên rồi. Định nghĩa về văn học mạng mỗi nước lại khác nhau, ngay cả giới phê bình còn chưa ai thống nhất với ai. Trước đây, 4-5 năm, các nước như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng nghĩ rằng văn học online là văn học mạng. Phải qua rất nhiều cuộc hội thảo, người ta mới đưa ra được quan niệm được đa số công nhận. Tôi cũng chỉ đưa ra định nghĩa gần sát nhất với các hội thảo đó, chứ không khẳng định đó là chân lý. Cho nên nếu Trang Hạ từ chối ai thì chắc chắn không phải vì ý kiến cá nhân mà đó là vì những tiêu chí của văn học mạng: toàn bộ quá trình sáng tác, công bố, tìm đọc đều phải trên mạng. Các nhà văn cũng nên chấp nhận luật chơi của thời đại số.
- Chị nghĩ sao khi bạn đọc mạng thích những tác phẩm giật gân, câu khách hơn là những tác phẩm sâu sắc, nghiêm túc?
- Biết làm sao được. Nhiều khi hình thức quyết định nội dung mà. Nếu tác phẩm của bạn thực sự xuất sắc, nhưng bạn đọc bỏ qua thì không thể tồn tại trên mạng được, bạn phải tìm một con đường khác. Trên mạng bạn đọc quyết định tất cả mà. Trên vanhocmang.net, sau một thời gian, nếu tác phẩm không đủ số click view (lượt xem) thì tự động bị trôi vào thùng rác. Tôi sẽ không can thiệp vào sự sống chết của một tác phẩm, mà chỉ sử dụng phần mềm phân tích số click view lẫn comment. Nhiều comment mà toàn comment vô lối, chê bai thì cũng sẽ bị loại.
Nhìn từ góc độ tiêu cực thì điều này có thể khuyến khích người ta viết về sex, viết bạo lực, kiếm hiệp hay chuyện diễm tình để lấy nước mắt. Nhưng từ góc độ tích cực thì chính sự thải loại này đã đề cao vai trò của độc giả – khác hẳn với văn học truyền thống là cứ in ra sách, không cần biết bạn đọc có đón nhận hay không. Với văn học mạng, giá trị được đo bằng độc giả, có độc giả là có tác phẩm. ở đây không có chiếu trên, chiếu dưới, không có đẳng cấp, thứ bậc, mà chỉ có được đón nhận hay không được đón nhận. Và vinh quang của những nhà văn được người đọc đón nhận không kém bất kỳ một giải thưởng văn chương nào.
- Ở Việt Nam, theo chị ai được gọi là nhà văn mạng?
- Là tôi, là Trần Thu Trang 3 năm trước, Keng, Đặng Thiều Quang, Nguyễn Phong Việt, Doãn Dũng – dù anh chưa bao giờ thừa nhận. Đặng Thiều Quang là tác giả nặng ký nhất trong số những người mà tôi kính mến. Anh viết rất có bài bản, chương hồi, viết dấm dứ, rất chiều độc giả. Nguyễn Phong Việt thì chính xác là một nhà thơ mạng – chỉ sáng tác thơ khi đang ngồi làm việc, mở blog ra và viết.
- Sẽ có người kết tội văn học mạng rằng: việc hút giới trẻ vào những tác phẩm “mì ăn liền” sẽ bào mòn đi thẩm mỹ thưởng thức của họ, kéo họ ra xa những tác phẩm văn học kinh điển?
- Trong thời đại này, khi người trẻ đang bỏ ra rất nhiều thì giờ trên mạng để đọc báo, chơi điện tử, xem lá số tử vi đoán vận hạn hằng ngày thì việc ra đời văn học mạng có ý nghĩa tích cực là làm lấp đầy khoảng trống trong văn hóa đọc của người trẻ. Bạn cần gì? Cần đọc, cần giải trí, cần một thứ xúc động, cần một thứ tiện dụng, cần một thứ có thể tham gia…, văn học mạng đáp ứng được tất cả những điều đó. Nhìn từ góc độ đời sống hiện đại, rõ ràng văn học mạng gần gũi với đời sống hơn, hướng bạn trẻ vào cái đọc tích cực.
- Xin cảm ơn chị!
Tác giả: Hoàng Hồng
Nguồn tin: An ninh thủ đô
Ý kiến bạn đọc