Một giờ cùng tác giả “Xin cạch đàn ông!”

Thứ năm - 18/11/2010 03:13 2.504 0

Dịch giả Lê Bá Thự và nữ văn sĩ Ba Lan Katarzyna Grochola tại một quán cà phê ở Warszawa

Dịch giả Lê Bá Thự và nữ văn sĩ Ba Lan Katarzyna Grochola tại một quán cà phê ở Warszawa
Tôi hẹn gặp chị tại quán cà phê Milano ở trung tâm thủ đô Warszawa. Trước đó, gọi điện thoại cho chị, tôi nói rằng tôi là dịch giả văn học Ba Lan, dịch tiểu thuyết của chị sang tiếng Việt, hiện đang có mặt tại Warszawa và muốn được gặp chị, trò chuyện với chị. Tôi nghe giọng chị nói "Thế à!" đầy bất ngờ trong máy điện thoại và ngay lập tức chị chấp nhận lời đề nghị của tôi. Chị nói: "Hay quá, tôi đề nghị hai giờ chiều mai chúng ta gặp nhau".

Một chiều mùa hè ở Ba Lan, tuy là tháng sáu nhưng trời mát mẻ như mùa thu ở Hà Nội vậy. Tôi đứng trước quán cà phê đón chị, xe cộ  đi lại trên phố tấp nập. Bỗng một chiếc ôtô leo lên hè phố, đỗ xịch ngay trước cửa quán. Bước ra khỏi xe là một người phụ nữ kiều diễm như một minh tinh màn bạc. Đó chính là nữ nhà văn Katarzyna Grochola, tác giả tiểu thuyết "Xin cạch đàn ông!" và "Các người khắc biết tay tôi!" mà tôi dịch sang tiếng Việt. Chị niềm nở bắt tay tôi, đoạn chúng tôi đi vào quán.

Tôi hỏi chị uống gì thì chị bảo, cho chị uống trà. Cô nhân viên phục vụ đặt tách trà nóng trên bàn. Nhấp một ngụm trà, chị châm thuốc hút. Ở Ba Lan, phụ nữ hút thuốc lá là chuyện bình thường. Để ý tôi thấy, tỉ lệ phụ nữ hút thuốc có khi cao hơn đàn ông.

Tôi cảm ơn chị, mặc dầu rất bận nhưng chị đã nhận lời gặp tôi. Nhưng chị lại bảo, tôi phải cảm ơn anh mới phải, vì anh đã dịch tác phẩm của tôi, lại chủ động đến gặp tôi. Chị cho biết, qua nhà xuất bản, chị đã nhận được bản tiếng Việt tiểu thuyết "Xin cạch đàn ông!", cuốn sách in rất sang, bìa đẹp. Hôm nhận được sách, chị bất ngờ và vô cùng xúc động. Chị nói: "Tác phẩm của tôi được dịch sang các ngôn ngữ châu Âu là chuyện bình thường, nhưng được dịch sang tiếng Việt, đến tay bạn đọc của một đất nước cách Ba Lan trên mười ngàn cây số thì là điều tôi không dám nghĩ tới, một bất ngờ thực sự".

Chị xúc động còn là vì một lý do khác nữa. Cách đây khoảng bốn mươi năm, bố chị đã sang Việt Nam. Số là, hồi đầu những năm bảy mươi, với tư cách là một luật gia, bố chị đã sang công tác trong Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Hiệp định Paris tại Việt Nam. Khi về nước, bố chị nói với con gái: "Con ơi, Việt Nam là đất nước đẹp nhất địa cầu". Chị khoe với tôi, bố chị mang về rất nhiều kỷ vật của Việt Nam. Hiện chị vẫn còn giữ bức tượng Phật bố chị mang về làm quà cho con gái. Chị còn có cả băng catxét các bài hát Việt Nam nữa. Chị bảo, chị rất thích giọng kim cao vút của các nữ ca sĩ Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của tôi: "Có phải nhân vật Judyta trong "Xin cạch đàn ông!" và "Các người khắc biết tay tôi!" chính là chị, nhân vật Tosia chính là con gái chị?", chị nói: "Toàn bộ Judyta là tôi, nhưng tôi không hoàn toàn là Judyta. Nhân vật Judyta là mảnh đời của tôi, giúp tôi vượt qua những tháng ngày cam go, có lúc hầu như tuyệt vọng. Tosia chính là con gái Dorota của tôi, năm nay 28 tuổi, có một con trai và đang ở cùng với tôi. Đất và ngôi nhà tôi đang ở là tôi tự mua và tự xây sau khi chồng tôi đi theo người đàn bà khác. Lúc đầu, con gái tôi không thích rời bỏ nội thành, về làng quê. Nhưng sau đó nó lại thích, nó bảo "Thế mà lại hóa hay". Tôi xây nhà mất 30 ngàn zloty tiền Ba Lan, trên mảnh đất rộng hai ngàn mét vuông, vườn rộng. Tôi nuôi chó và mèo y như Judyta trong truyện". Và trong hoàn cảnh như vậy, Katarzyna Grochola đã viết "Xin cạch đàn ông!", viết "Các người khắc biết tây tôi!" với các nhân vật như đã biết.

Tôi tò mò hỏi chị, trong tiểu thuyết của mình, rất nhiều lần nhân vật Judyta của chị nói: "Tất cả đàn ông đều cùng một giuộc!". Tại sao vậy? Tôi nói thật với chị, là một người đàn ông, tôi có phần tự ái khi nghe câu nói này. Rít một hơi thuốc, nhả khói, chị nói: "Anh khỏi tự ái đi. Đàn ông các anh tất nhiên là khác nhau. Judyta bực mình nên nói vậy. Đó chẳng qua là câu thành ngữ Ba Lan mà thôi". Tôi lại hỏi tiếp: "Liệu Judyta có làm đúng như cô ta đã tuyên bố - Xin cạch đàn ông, hay không?" . Chị nói: "Đọc "Các người khắc biết tay tôi!" sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Câu chuyện còn dài và nhiều kịch tính, nhiều tình tiết éo le lắm".

Chị khoe với tôi, cả hai tác phẩm nói trên đều đã được in với số lượng cực lớn ở Ba Lan, trên một triệu bản. Điều đó chứng tỏ bạn đọc Ba Lan mến mộ tác phẩm này như thế nào. Cả hai tác phẩm đều đã được dựng thành phim. Năm 2006 "Các người khắc biết tay tôi!" đã được dựng thành bộ phim hài lãng mạn, dài 113 phút, nữ diễn viên Grazyna Wolszczak đóng vai Judyta; Denis Delic đạo diễn, kịch bản của chính tác giả tiểu thuyết. Năm 2007, bộ phim "Các người khắc biết tay tôi!" đã dự Liên hoan phim Bách hoa Kim kê, Liên hoan điện ảnh hàng năm lớn nhất của Trung Quốc, và nữ diễn viên Grazyna Wolszczak, người đóng vai Judyta, đã giành giải thưởng "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" trong Liên hoan phim này. Đặc biệt, Đài Truyền hình Ba Lan TVP1 cũng đã chuyển thể tiểu thuyết "Các người khắc biết tay tôi!" thành phim truyền hình nhiều tập (13 tập), được hàng triệu khán giả hoan nghênh.

Katarzyna Grochola viết rất khỏe, chị liên tục mang tới cho bạn đọc những tác phẩm mới. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của chị dày tới 540 trang có tiêu đề "Thiên thần pha lê". Tôi hỏi chị: "Chị là người của công chúng, chị thường xuyên có những cuộc giao lưu, gặp gỡ, phỏng vấn… vậy chị viết vào lúc nào?". Chị nói: "Tôi viết theo cảm hứng, lúc nào có cảm hứng thì tôi viết, bất luận giờ nào. Tuy nhiên, tôi thường viết về đêm. Ban ngày tôi còn phải hầu hạ nào chó, nào mèo, phải sang mấy nhà hàng xóm uống trà, uống cà phê, đàm đạo… tốn ối thời gian. Sau mỗi lần hoàn thành một tác phẩm, tôi thường dành thời gian đi khắp Ba Lan, giao lưu, gặp gỡ với bạn đọc. Đó là thời gian tôi "xả hơi", xả hơi mà làm việc - làm việc mà xả hơi. Các cuộc tiếp xúc với độc giả rất bổ ích đối với công việc sáng tạo của tôi, giúp tôi nắm được những yêu cầu, thị hiếu của bạn đọc, đem lại cho tôi nguồn cảm hứng mới trong sáng tác".

Tôi hỏi chị: "Chị có hài lòng và lạc quan với cuộc sống?". Dập điếu thuốc trong gạt tàn, chị đáp: "Thực tế ngoài bốn mươi tuổi tôi mới bắt đầu cuộc sống. Chúng ta phải nhìn cuộc sống bằng con mắt thực tế và tôi thích mình là người lạc quan".

Katarzyna Grochola khoe với tôi, chị đã đi du lịch Thái Lan, còn Việt Nam thì chưa. Nhưng nhất định chị sẽ tới Việt Nam, vì bố chị đã tới đó và bây giờ đến lượt chị. Chị dặn tôi, khi nào chị sang Việt Nam thì đi dịch và làm hướng dẫn viên du lịch giúp chị. 

Trước khi chia tay chị tặng tôi một số tác phẩm của chị, còn tôi tặng chị bản tiếng Việt tiểu thuyết "Xin cạch đàn ông!" có lời đề tặng của tôi và chiếc khăn lụa Việt Nam. Chị cảm ơn tôi đã tặng sách và khăn đẹp. Khi khoác thử chiếc khăn lụa lên người, nom chị lại càng "minh tinh màn bạc".

Tác giả: Lê Bá Thự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây