Huỳnh Thúy Kiều - Một tấm lòng thơ vì biển đảo quê hương

Thứ tư - 09/01/2013 21:51 8.067 0
Với Huỳnh Thúy Kiều, dù ở góc trời nào đi nữa, nơi cuối đất cùng trời đi nữa, đắm say da diết nhớ người thương đi nữa, tình tự của lứa đôi chỉ có thể tồn tại, tỏa sáng trong tình tự đất nước, dân tộc.
1. Có thể nói về tác giả Huỳnh Thúy Kiều như thế, một người nữ làm thơ mà trong thời gian gần đây theo nhà thơ Trần Quang Quý “…với người yêu thơ như một phát hiện, một tác giả trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long, có khí thơ châu thổ…” (1). Nguyễn Đức Phú Thọ cũng là một cây bút trẻ trong dòng chảy của văn học phía Nam trong một bài viết khác (2) cũng  cho rằng: “Nói về thơ trẻ ĐBSCL mà không nhắc đến Huỳnh Thúy Kiều là một thiếu sót lớn…  Thơ chị mang nữ tính, e ấp, dịu dàng mà cũng thật mãnh liệt phóng khoáng…”.

Cùng với các thứ hạng đã trao cho tác giả nữ đồng bằng này, phần thưởng tổ chức nghề nghiệp tặng (3), hai tập thơ Kiều mây (2008) và mới đây, Giấu anh vào cỏ xanh (2010) đã cho Huỳnh Thúy Kiều một chỗ đứng trong làng thơ Việt. Nhà thơ Trần Quang Quý khi đọc tập thơ Giấu anh vào cỏ xanh đã khá thuyết phục khi nhận xét cho dù có “Hàng loạt câu bài thơ, câu thơ như căn cước văn hóa của châu thổ, những miệt vườn phì nhiêu, những tên gọi nôm na, những đan chảy của phù sa, kênh rạch…”

Theo anh, Thơ Huỳnh Thúy Kiều “là một tâm thế đánh thức cảm xúc “chí lớn” Cửu Long”  hơn là “thơ mang mùi bùn đất” vì đó chỉ là một cách nói. Và Trần Quang Quý gọi đó là “cảm hứng chủ đạo”, “cảm hứng đánh thức châu thổ, đánh thức bản năng tiềm ẩn của đất và người phương Nam”. “Thơ mang hào khí cội nguồn và lịch sử văn hóa”. Cảm hứng ấy định hình một sắc thái nổi trội hẳn so với các nhà thơ trẻ đồng bằng là vậy. Thơ Huỳnh Thúy Kiều là một sản phẩm tâm hồn có “mã vạch” đồng bằng châu thổ đất chín Rồng. (Trần Quang Quý).

 2. Nhưng theo tôi, với bài thơ Em sẽ cùng mẹ ra thăm anh của Huỳnh Thúy Kiều ( VNQĐ, số 752, tháng 7/2012) lại có một “mã vạch” khác đầy ấn tượng: một tấm lòng thơ vì biển đảo quê hương nồng nàn, mãnh liệt. Bởi ngay từ  số giới thiệu tác giả với những bài thơ tiêu biểu (VNQQĐ số 732, tháng 9/2011) nổi trội là bài thơ “Em viết cho anh từ phía cuối chân trời”. Thi phẩm này Tuần báo Văn nghệ TP.HCM đăng lại và được người đọc đón nhận nồng nhiệt. Cũng tiếp sau đó trong tạp chí VNQĐ Xuân Nhâm Thìn (số 740, 741 tháng 1/2012) Huỳnh Thúy Kiều lại có bài đăng Thư cho Trường Sa.

Hướng về biển đảo, vùng lãnh hải biển Đông hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam: Hoàng Sa, Trường Sa đã là tự tình Tổ quốc thẳm sâu của cả dân tộc. Hôm nay biển Đông đã dậy sóng! Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh hải ngàn đời mà xương máu bao lớp thế hệ cha anh hi sinh gìn giữ đầy thách thức. Nào là cắt cáp thăm dò dầu khí, tấn công, bắt giữ trái phép tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt, gọi thầu chín lô thuộc lãnh hải của ta, thành lập thành phố “Tam sa” , đưa đoàn tàu đánh cá 30 chiếc đánh bắt thủy sản phi pháp ở  đảo Đá Chữ Thập, Trường Sa…Trước tình hình đó, Nhà nước ta đã khẳng định dứt khoát chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa trước công luận quốc tế. Đặc biệt, Trường Sa, nhà giàn DK1 trong bão giông của sóng gió biển Đông, tham vọng điên cuồng của “đường lưỡi bò chín đoạn” ngụy tạo vẫn trụ vững, hiên ngang. Cả nước hướng về biển đảo, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, chung tay góp sức, “góp đá” (4), gởi tình sẻ chia những khó khăn, gian khổ với những chiến sĩ - những người con mang dòng máu Lạc Hồng đang ngày đêm bảo vệ đất trời biển đảo. Âm nhạc, văn học, thơ ca cũng hòa vào tâm tình chung ấy.

Chỉ xét riêng ở lãnh vực thơ ca, bài thơ có độ dài 108 câu “Hào phóng thềm lục địa” từng hai lần đoạt “trạng nguyên thơ” (5) của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng vang vang hào khí của một thuở “Nam quốc sơn hà”: “Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền/ Rằng cha ông ta vươn mình ra biển lớn/ Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên..”, Rồi đến cuộc thi “Đây biển Việt Nam” đã có 1000 bài thơ gởi về tham dự. Những tác phẩm được chọn trao giải (6)  ngân vọng những vần thơ  “Đem đại nghĩa để thắng hung tànLấy chí nhân để thay cường bạo”(Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi):

“Con theo cha giữ nước phía biển Đông/ Biển là mẹ còn chúng con là sóng/ Khi đất nước đối mặt với bão giông/ Cả biển sóng dựng lũy thành muôn dặm” (Tổ quốc bên bờ biển cả - Nguyễn Việt Chiến); “Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển/ Nối ba vạn cây số với đại dương/ Tàu bè  bạn căng phồng cờ gió Việt/ Nối với nhau bằng ngôn ngữ hòa bình.” (Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển - Nguyễn Ngọc Phú); “Mộ gió đấy,/ giăng từng hàng, từng lớp/ vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi/ là mộ gió,/ gió thổi hoài, thổi mãi /thổi bùng lên/ những ngọn sóng/ ngang trời!” (Mộ gió… - Trịnh Công Lộc)


Những câu thơ tuyệt vời đầy ăm ắp, chứa chan tự tình người dân Việt đối với biển đảo, với những lớp người đã vì biển đảo quên thân. Giữa những ngày biển Đông dậy sóng, những nhà thơ đoạt giải còn đáng được ghi điểm 10 về tâm tình công dân sôi trào nhiệt huyết, lắng sâu suy tưởng trong từng con chữ, dòng thơ. Bởi họ đã nói thay tiếng lòng của đông đảo bạn đọc. Đó là điểm gặp trên cả tuyệt vời của nghệ thuật thi ca và công chúng! Và Huỳnh Thúy Kiều, một tác giả nữ của vùng sông nước, kênh rạch cuối trời Nam đã góp tiếng thơ, gởi tâm tình bằng giọng điệu của riêng mình:

 “Một câu thơ dài chưa viết nổi gửi Trường Sa
Thì Tổ quốc yêu từ phía nào cho trọn vẹn?”

Tác giả khơi mạch xúc cảm bằng sự tự vấn của người làm thơ và cho cả những ngừoi làm thơ, tự tình công dân hết sức chân thành. Trường Sa! Trường Sa trập trùng sóng gió, Tổ quốc ta nơi biển Đông đang căng mình trong gian khổ trụ vững trước bão tố đại dương, trước âm mưu xâm chiếm của kẻ thù nên hơn lúc nào hết cần lắm tấm lòng của hậu phương đất liền. “Phong phanh gió/ Trường Sa ngước mắt lên bốn bề sóng biển/ Khát thư đất liền như khát nụ môi thơm” Và tiếng thơ “hồn hậu của văn hóa xứ miệt vườn” (Nguyễn Đức Phú Thọ) tác giả đã cất lên tiếng lòng đượm nồng, thơm thảo phù sa, kênh rạch, hoa mắm, hương cau đến Trường Sa đến những người chiến sĩ đang kiên lòng, súng trong tay sẵn sàng xông trận. “Em viết cho anh từ phía cuối chân trời”, lá tình thư tràn yêu thương mộc mạc trong tiếng quẫy đạp, loi soi của cá tôm, thòi lòi nơi cùng trời cuối đất. Cà Mau, Tháp Mười sao mà gần gụi với Trường Sa đến vậy. Đậm đà có thể làm rưng rơi nước mắt là những câu thơ nói lên nỗi đau nhói lòng, “Năm tháng đi qua/ Mẹ cha đội thương nhớ bạc trắng mái đầu/ Ngực giông tố/ Biển buồn. Nước mắt đầm như sóng/ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn ầm ào nhịp đập tuổi hai mươi”. Nỗi đau dồn nén vào trong của những người mẹ, người cha ngóng vọng con mõi mòn nhưng vẫn lấp lánh niềm tin kiêu hãnh. Ở bài thơ “Em sẽ cùng mẹ ra thăm anh…” cũng là nỗi đau của người mẹ hoài vọng lặng thầm người con liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến đấu oanh liệt ở đảo chìm Gạc Ma năm 1988. “Giữa muôn trùng nắng gió Hoàng Sa/ Anh ở đâu trong đội hình sáu mươi bốn chàng trai hi sinh năm đó?/ Mẹ còng lưng lặng thầm  chờ con qua hoàng hôn đời người khóc sưng mắt đỏ/ Biển cồn cào hắt vị mặn lên môi…”. Trái tim của tác giả còn khắc khoải sẻ chia nỗi mất mát không gì bù đắp được: những em thơ bé dại mãi mãi không bao giờ còn được vòng tay yêu thương đoàn tụ với cha mình! “Thổn thức vỡ òa…” Ôi những người con cút côi do chính giặc dữ gây ra và “Tiếng gọi cha chỉ còn âm ba…/ đồng vọng…”. Tiếng lòng hồn hậu dạt dào sông nước của Huỳnh Thúy Kiều còn thấu cảm nỗi lòng, những gian nan đời thường mà người chiến sĩ nơi biển đảo đối mặt từng giờ: “Gom hết mùa hè đốt nóng Trường Sa/ Cả một đại dương sao anh vẫn khát/ Hà Nội - Sài Gòn nắng nung đỏ mặt/ Có ai thương đất liền bằng các anh đâu?”, “Mịt mùng sóng hoắc khô từng khay rau muống/ Gọi tên Trường Sa nghe thương nhớ cứ rủ nhau về…” (Thư cho Trường Sa).“Vốc ngụm bùn sông Hậu/ Mẹ bảo em gói thêm hoa mắm rừng chiều/ (Cánh sóng sẽ chuyển cho anh trăm ngàn nỗi nhớ)/ Con cá thòi thòi nghiêng chiếc vây trườn ngộ/ Đã lâu không về anh thắt thỏm nhớ hương cau…” (Em viết cho anh từ phía cuối chân trời)

Nhưng Huỳnh Thúy Kiều  không để mặc cho dòng xúc cảm tuôn chảy mà đầy lắng đọng. Đó là lời nhắn nhủ trách nhiệm, hãy tiếp nối cha anh giữ gìn biển đảo: “Sóng Trường Sa ru sáu mươi bốn trái tim Việt Nam dưới đáy đại dương đang say giấc mộng/ Con lớn lên rồi cũng sẽ cầm súng giữ biển đảo quê hương”, “…Gạc Ma - nơi các anh đã nằm xuống/ Đâu phải bài học đầu tiên trong lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước/ Thịt da này vì Tổ quốc dấn thân”(Em sẽ cùng mẹ ra thăm anh…) Ngay cả những dòng tình thư gởi đến Hoàng Sa, Trường Sa, Huỳnh Thúy Kiều luôn chạm vào nỗi niềm của người đất liềnmà hẳn không là của riêng tác giả. “Thương mấy cho vừa hỡi Trường Sa ơi/ Bờ dịu ngọt thơm mềm môi con gái/ Nơi anh giữ bình yên là nơi bốn bề giông xô bão tới/ Tình yêu em như con tàu neo chặt đại dương anh…” (Thư cho Trường Sa); “…Con cá con tôm nơi mũi Cà Mau vẫn không biết chiều nay biển động/ Cây đước cây mắm xõa tán miệt mài lớn lên giữa trập trùng sóng/ Đêm Hòn Khoai/ Lời tự tình em nhường cho Tổ quốc thương yêu” (Em viết cho anh từ phía cuối chân trời).

Những lắng đọng đầy suy tư trăn trở có chủ định trong dòng “cảm xúc ùa về, thiên ngẫu” (Trần Quang Quý), như “có một sự “lập trình”sẵn trước đó.” , “Mỗi bài thơ của chị như một ngọn pháo sáng…Nhưng đến khi bùng nổ chúng lại rực rỡ sắc màu cùng một màu sắc, một hơi nóng cuồng nhiệt, mê đắm như nhau”(Nguyễn Đức Phú Thọ). Một sự tỉnh táo trong trái tim đa cảm. Chính vậy mà Huỳnh Thúy Kiều đã tìm được sự đồng cảm ở người yêu thơ với những dòng thơ tràn nhiệt huyết:

“Những hồng cầu rỏ xuống từ máu ngư dân
Nhắm hướng trùng khơi rẽ sóng
Nước mắt đất liền khóc ngày biển động
Các anh vì Hoàng Sa - Trường Sa. Mẹ hạnh phúc đến nghẹn lòng…
… Biển Việt nam dài và rộng lắm
Vóc dáng, hình hài từ sóng khắc thành tên.”

             (Em sẽ cùng mẹ ra thăm anh…)

Sóng ngàn trùng không vô hồn, hiền hòa hay dữ dội theo nhịp thủy triều. Sóng mang màu anh linh của những hùng binh năm xưa, của 64 người con của nước Việt ngoan cường chiến đấu quyết giữ đảo, giữ biển Việt Nam yêu thương. Những câu thơ ít nhiều khuấy động lòng người giữa cuộc sống bộn bề lo toan mà con người có khi chẳng còn một chút gì rung cảm trước trời xanh, mây trắng chứ đừng nói hướng lòng về phía đại dương.

“Em viết cho anh từ phía cuối chân trời
Cửa Ông Trang, Bồ Đề cũng sục sôi uất nghẹn
Đất nước mình không thể để mất dù chỉ một cen-ti-mét biển
Bão dậy rồi
Em nhường anh cho Tổ quốc thương yêu!”

Với Huỳnh Thúy Kiều, dù ở góc trời nào đi nữa, nơi cuối đất cùng trời đi nữa, đắm say da diết nhớ người thương đi nữa, tình tự của lứa đôi chỉ có thể tồn tại, tỏa sáng trong tình tự đất nước, dân tộc.            

 “Bão dậy rồi
Em nhường anh cho Tổ quốc thương yêu!”

3.  Chỉ với ba bài thơ viết về biển đảo quả là còn quá ít nhưng “với một hồn thơ tươi mới, giọng thơ khỏe khoắn, phóng khoáng, nhưng cũng đằm thắm của một nhiệt năng nữ tính…”, Huỳnh Thúy Kiều đã bước đầu chiếm lĩnh tâm hồn người yêu thơ  bằng những câu thơ “…có lúc như sóng trào, có lúc mênh mang cuồn cuộn..thúc giục một cách hối thúc.” (Trần Quang Quý). Đó chính làtấm lòng thơ dạt dào, thiết tha đáng trân trọng, tấm lòng thơ vì biển đảo quê hương trong bối cảnh kẻ thù phương Bắc đang “dấy động can qua”, biển Đông đang không ngừng dậy sóng. Và câu hỏi của tác giả nữ trẻ này hẳn sẽ khiến mỗi bạn đọc chúng ta hỏi lại mình chăng?

“Một câu thơ dài chưa viết nổi gửi Trường Sa
Thì Tổ quốc yêu từ phía nào cho trọn vẹn?”
Xuân Lộc, 17.7.2012
Nguyễn Nguyên Phượng
Nguồn: nhavantphcm

________________
(1) “Đánh thức châu thổ” - Đọc Giấu anh vào cỏ xanh của Huỳnh Thúy Kiều, Trần Quang Quý (Báo Văn Nghệ số 5, 4/2/2012).
(2) “Một vài ghi nhận về thơ trẻ đồng bằng sông Cửu Long”, Nguyễn Đức Phú Thọ (Báo văn Nghệ TP.HCM số 180, 13/10/2011).
(3) Tác giả Huỳnh Thúy Kiều đã được tặng thưởng: + giải Nhì cuộc thi thơ trên Web www.thotre.com lần thứ nhất năm 2007 + Giải thưởng của UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ Kiều Mây năm 2009 + Giải C cuộc thi thơ 2008 - 2009, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.
(4) “Góp đá xây dựng Trường Sa ”, một phong trào lớn được nhân dân cả nước hưởng ứng do báo Tuổi Trẻ phát động.
(5) Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng được tạp chí Văn Nghệ Quân Đội Và Bộ Tư lệnh Hải Quân VN trao giải A cho bài thơ “Hào phóng thềm lục địa”.
(6) Cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do báo Vietnamnet phối hợp với Hội Nhà Văn VN, Hội Nhạc sỹ VN tổ chức từ 15/8 đến 15/12/2011. Nhà thơ Lê Thị Mây đoạt giải Nhất; 3 giải nhì thuộc về các tác giả Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Ngọc Phú và Trịnh Công Lộc; 2 tác giả đoạt giải Ba, 5 tác giả đoạt giải Tư.

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 5 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây