Buổi tọa đàm "Hoàng Cầm - mắt thời gian", do Hội Nhà văn Hà Nội kết hợp với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, diễn ra sáng 22/4 tại Hà Nội, nhằm tưởng nhớ một năm ngày mất Hoàng Cầm (6/5/2010) và ra mắt tuyển tập thơ của ông. Ban tổ chức giải thích, họ chọn ngày 22/4 để "làm giỗ đầu" nhà thơ bởi cuộc đời ông có nhiều duyên nợ với con số 22 (ông sinh ngày 22/2/1922). Nhân dịp này nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng cho trưng bày 22 bức ảnh đen trắng ấn tượng về thi sĩ đất Kinh Bắc với mái tóc trắng cước, đôi mắt đa tình khắc khoải và cái dáng đi chống chếnh, nghiêng nghiêng.
Mang cái tên giản dị Thơ Hoàng Cầm, tuyển tập này tập hợp những tác phẩm quan trọng nhất trong đời sáng tác của ông cùng các thủ bút, di cảo. Nhận định về thơ ca của tác giả Bên kia sông Đuống, chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên nói, "thơ của Hoàng Cầm có con mắt thời gian để luôn mới, luôn có ma lực với người đọc". Còn nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng: "Đời ông là cả một đời nhớ tiếc những cái đã mất, mà ông chỉ hòng mong níu lại bằng thơ. Níu xuân xanh, níu một mối tình ảo, níu một thời trầu cay má đỏ, níu màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp... Và có lẽ, thơ Hoàng Cầm níu lòng ta cũng vì thế".
Tọa đàm thơ Hoàng Cầm, hẳn nhiên, thu hút rất đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và giới yêu thơ. Nhưng ví như có một buổi "chuyện phiếm" về cuộc đời Hoàng Cầm, người đến với ông hẳn còn đông hơn nữa. Bởi, ngay trong những buổi tọa đàm về thơ ông, người ta cũng đã chen vào đó rất nhiều câu chuyện về cái tài hoa, cái đa tình của ông.
Trang bìa tập thơ. |
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - một trong những bạn thơ thân thiết của Hoàng Cầm lúc sinh thời - cho biết, tác giả Về Kinh Bắc rất đa tình và hồn nhiên trong những mối tình. Ngoài ba người vợ chính thức, ông còn rất nhiều lần suýt nên vợ nên chồng với những người phụ nữ khác. "Một lần chúng tôi được mời đến đám cưới của ông. Chờ mãi chờ mãi mà không thấy cô dâu ra chào. Một lúc sau, Hoàng Cầm bước ra nói: 'Các ông cố gắng đợi, tôi đang thương lượng với cô dâu', rồi ông lại quay vào phòng. Cuối cùng, nhà thơ đi ra và nói: 'Cô ấy không đồng ý, nàng chỉ yêu thơ tôi thôi", Nguyễn Trọng Tạo kể lại.
Nhà văn Nam Dao cũng chia sẻ câu chuyện ông được chính Hoàng Cầm kể lại: "Tên nàng cũng là Yến. Chúng mình lên đồi, mặt đất xanh rì, nhấp nhô mềm dịu như mông như vú đàn bà. Nắng đã bắt màu vàng tươi trên mái chùa Phật Tích ngói đỏ xa xa. Ngả mình nằm xuống thảm cỏ, nàng nhìn, cái nhìn như bảo ban. Bỗng nàng chồm dậy, hai tay bíu lấy đầu mình kéo xuống, rồi áp môi hôn những nụ hôn cuồng nhiệt. Khi buông nàng ra, mình đọc 'Một con bướm lửa đậu môi. Nàng nắm hai tay mình kéo ra, miệng thầm thì 'Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm'. Nhìn lên trời, những áng mây xa óng ánh như sắp bùng lên, mình tiếp 'Ba làn mây lửa về thăm'. Nàng như say sóng, ôm choàng lấy mình để giữ thăng bằng trong một cơn bão biển bất ngờ ào vào thân thể... Nàng ngước mắt, vừa cười vừa dịu dàng, vừa đếm 'Bốn lần chim lửa đến nằm rậm hoang'".
Tất nhiên, những câu chuyện Hoàng Cầm kể, khó lòng phân biệt được đâu là thật, đâu là thơ, cũng như cuộc đời đầy huyền thoại của chính ông.
Tác giả: Hà Linh
Ý kiến bạn đọc