Về nhan đề tập thơ mới ra mắt của chị, tại sao lại là “Phim đôi - tình tự chậm”?
Tôi tình tự những điều đẹp và cảm động của quá khứ; muốn bảo tồn, lưu giữ những vẻ đẹp đang bị tàn phá, mất đi. “Tình tự chậm” là ước mơ xa xỉ, vì trong cuộc sống lúc nào cũng đầy áp lực của kế hoạch và nợ các công việc chưa làm được. Bởi để duy trì được trạng thái nghệ sĩ trong một hiện thực thực dụng là nỗ lực ghê gớm. Còn “Phim đôi”: chủ trương về cấu trúc và kĩ thuật là một bộ phim trên giấy, trong đó tình yêu đôi lứa là chủ lưu. Nhiều khi không phải là hai người, mà là cuộc đối thoại tay đôi của chính mình. Diễn tiến song hành, kí ức và mạch phim tiến về phía trước, cùng những đoạn hồi tưởng.
Tập thơ có xuất hiện tiếng Anh dưới nhan đề các bài thơ, nhưng không thể gọi là tập thơ song ngữ…
Tôi không định xuất bản song ngữ tập thơ này, vì với tôi, sáng tạo tiếng Việt là quan trọng nhất. Một lý do nữa là làm song ngữ rất tốn kém, mà cuốn này đã chi phí quá lớn rồi, tôi không có thêm tiền và thời gian.
Chị từng nói là mình làm gì làm đến cùng, nhưng việc dịch nhan đề các bài thơ như vậy thì chỉ là sự nửa vời và không có ý nghĩa nhiều?
Đây không phải là sự nửa vời mà là départ (khởi động) cho chuyến đi tới dài hơi hơn. Trong 7 loại hình nghệ thuật, điện ảnh có sức mạnh rất lớn. Tôi đang làm phim trên giấy, có tham vọng mang ra nước ngoài giới thiệu . Những người nước ngoài cầm cuốn sách sẽ có hình dung về tập thơ, về bộ phim của tôi thông qua những bức tranh ấn tượng, và tít tiếng Anh các bài sẽ giúp họ cảm nhận được “phim đôi” Hy vọng có tiền thì sẽ làm thơ song ngữ. Cuốn sách in xong và nộp lưu chiểu ngày 8 tháng 12, nếu không sẽ trượt qua 2010, lỡ mất dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Tôi tặng cuốn sách cho Hà Nội, nơi tôi sinh ra và gắn bó, nhân sinh nhật thiên niên kỷ. Khi tái bản, tôi sẽ in song ngữ.
“Phim đôi – tình tự chậm” không hoàn toàn mới vì có sự xuất hiện của 10 bài thơ cũ?
Đây là tập thơ hoàn toàn mới. Hãy xem kỹ 4 tập thơ trước, tôi đã in sách là in toàn tác phẩm mới, không in lại dù chỉ một bài. Lần này, tôi in lại các tác phẩm được lưu nhớ trong độc giả, tạo nên hiện tượng VTL khi 20 tuổi, cũng vì ý nguyện của những người yêu thơ muốn đọc lại. Đây cũng là ngầm ý của tôi khi vừa nhớ lại một cách cảm động tuổi trẻ của mình, vừa muốn người đọc tinh sành so sánh sự thay đổi liên tục của VTL trong ý thức cách tân vươn tới sự hoàn thiện bằng phong cách riêng biệt. Phần hồi tưởng (Khát) - 10 bài thơ cũ, được xây dựng thuộc cấu trúc của bộ phim. Làm tập sách này, từ ảnh chụp như nào, minh họa mực đen trên giấy trắng… đều có ý thức từ đầu mà mời họa sĩ làm chứ không phải là sự lắp ráp. Bởi vậy nó là tập thơ mới.
Đọc “Phim đôi – Tình tự chậm” tôi thấy thơ chị dường như ngày càng lý trí hơn?
Thơ tôi không thể viết theo kiểu diễn dịch xúc cảm trước kia. Xúc cảm được quy nạp và dựng thành cấu trúc. Tôi đã sinh ra một loại mới là thơ điện ảnh, tôi phải dựng hình ảnh. Xúc cảm giải quyết bằng hình ảnh. Đọc sâu, sẽ thấy “yêu kiểu ViLi” rất nồng nàn với “phiên hôn” điên say, được biểu thị một cách thức khác. Lúc nào tôi chẳng là người si tình. Giờ đây đã là người chuyên nghiệp, trung niên, trưởng thành rồi, không thể để bản năng điều khiển. Bản năng không bao giờ bền. Nếu viết bản năng thì vẫn lặp lại 15 năm trước. Tôi chiều bản năng và xúc cảm của mình ở nghệ thuật điệp từ. Một trong những dấu ấn phong cách của tôi là điệp từ, và đẩy dòng chảy xúc cảm đến vỡ bờ trong sự đối lập.
Đừng trách tôi lý trí. Hơn mười năm trước tôi đã phải chịu những trận đòn mà Nguyễn Huy Thiệp khi ấy 50 tuổi còn thấy kinh hãi. Tôi bị xúc phạm bởi những người không hề đọc tôi. Bấy lâu nay người ta nhầm lẫn và dung tục hóa trong cảm thụ văn học. Bất cứ cái gì người ta cũng suy diễn ra tính dục dung tục. Căn tính trong cảm thụ văn học của một lớp độc giả. Không viết họ cũng suy diễn ra chuyện tính dục. Bây giờ mở mạng toàn bàn về văn học tình dục. Một số cây bút háo danh, nhất là dòng trên mạng. Tôi không chú ý đến các tác phẩm xuất bản trên mạng. Tôi được biết mỗi tháng anh Nguyễn Thế Hoàng Linh post lên mạng cả trăm bài . Sự “phi thường” này tôi không bao giờ có được (!) Tôi không nghĩ đó là thơ đích thực. Nghệ thuật đích thực rất khó nhọc. Hiện nay, thơ văn đưa lên một số mạng không có người kiểm soát và biên tập, với chủ ý viết đưa cảnh sex vào một cách không cần thiết để gây chú ý. Từ “nổi tiếng” dùng lạm phát và méo mó khiến tôi phát sợ từ này. Và không muốn được ai giới thiệu kèm với tính từ “nổi tiếng”
Bùi Công Duy học tập đàn hai mươi năm mới đủ tư cách solo trên sân khấu. Công chúng ở Nhà hát Lớn cũng phải đủ trình độ mới thưởng thức được nghệ thuật đích thực, hàn lâm ấy.Công chúng đòi hỏi các nhà văn quá nhiều. Vậy công chúng đã chuẩn bị những gì trong tri thức tâm hồn mình để đón nhận nghệ thuật? Hiện nay ít độc giả mua sách vì tình yêu với văn học. Nhiều người mua sách do …. do tin đồn. Họ muốn đọc trên mạng miễn phí. Nhân đây tôi cũng đặt vấn đề: Công chúng có gì để đáp lại các nhà văn nhà thơ? Là độc giả thực thụ, họ cần tâm hồn trong sáng và vốn tri thức đủ để cảm thụ được văn học, cảm thụ được những ý tưởng của người viết. Tôi sẵn sàng đổi 100 độc giả hiểu biết, sâu sắc hơn là 1 triệu độc giả a dua, không hề đọc. Nhưng nói đi nói lại, nhiều nhà văn hội viên chúng ta cũng đọc nhau rất ít, bầu chọn nhau qua cảm tính. Tính về lỗi thì lỗi của người viết vẫn nhiều hơn người đọc. Người viết chưa đắm say, chưa nỗ lực để cống hiến tác phẩm thực sự có giá trị.
Cống hiến cho thơ, chị có bao giờ thấy nản lòng?
Có chứ. Tôi thấy nản vì sự quan tâm chưa đủ của Nhà nước. Vì chính sách xuất bản, 12 % giá bìa nhân số lượng. Viết “hộc máu” mấy năm, nhận 7- 8 triệu làm sao mà sống được. Nản vì thái độ người ta ứng xử với thơ ca. Chúng ta cứ nói với nhau rằng ViệtNam là đất nước của thơ ca. Thực tế đầy rẫy kẻ gièm pha khi nói về nhà thơ, rằng “lại đọc thơ đấy” như một kiểu giễu cợt. Người lao động không phân biệt được thơ và vè , hay các nhà thơ không làm nổi thơ hay rồi hiềm tỵ lẫn nhau, nên mới khiến nhân dân nhìn nhiều nhà thơ tầm thường như vậy. Lỗi cũng còn do nhiều bộ phim truyền hình diễn tả hình ảnh “thi sỹ” lôi thôi, dặt dẹo, đọc thơ ông ổng ở quán nhậu khiến công chúng bình dân lầm lẫn đó là “nhân vật điển hình”. Tôi cự tuyệt điều đó bằng ý thức có chuẩn bị, bởi đề cao nghề nghiệp bằng chính hình ảnh bản thân và tác phẩm. Chất xám nhà thơ bị đối xử rất rẻ. Nó khiến nhiều tác giả mặc cảm. Và phải có bản lĩnh cao mới trụ lại với nghề. Ở các nước tiên tiến, nghệ thuật được tôn vinh nâng niu và được Nhà nước bảo hộ. Một doanh nhân giàu đến mấy vẫn biết trân trọng nghiêng mình trước một nghệ sĩ chứ không như ở ta, cư xử theo sự lũng đoạn đồng tiền. Nghệ sỹ ở ta rất khổ, nhất là những tác giả sáng tạo, chưa được đối xử sòng phẳng với lao động trí não. Giá trị chất xám bị trả rẻ, khiến các nhà thơ, nhà văn đa số rơi vào tình trạng bán chuyên nghiệp vì không sống được bằng nghề. Và như thế nhà thơ cần năng động, tự vận động trong phương cách xã hội hoá.
Thơ chị có Rome, có tháp Pisa, có Tokyo, có Paris… mà thiếu bóng dáng của một “Việt Nam thuần” thì không nhiều?
Tâm hồn Việt Nam, chất Việt Nam, không chỉ là hình ảnh được phản ảnh trong thơ. Nhiều người viết có mạ, có mương, cánh đồng, cá tép, chuồn chuồn, chưa chắc ra hồn Việt. Tôi sáng tác các tập thơ ở Hà Nội, nơi tôi sinh ra lớn lên và gắn bó, nên thơ có chất đô thị. Tôi không nhiều những trải nghiệm ở các vùng đất; cũng không có khả năng viết theo kiểu du kí.
Chị ngồi ở Moca Cafe có bài thơ về Moca đấy chứ?
Khi viết tôi có sự tác động đến từ bối cảnh chứ không phải du kí. Bối cảnh tạo cảm xúc. Xúc cảm quan trọng hơn bối cảnh. Tôi sử dụng bối cảnh có ý thức. Ví dụ dáng nghiêng hai người hôn nhau trên tháp nghiêng Pisa, tôi sử dụng kỹ thuật “chồng hình” của điện ảnh. Ở Việt Nam không có kiến trúc tạo được hiệu ứng hình ảnh như vậy.
Bỏ qua hiệu ứng hình ảnh trong hình tượng tháp nghiêng Piza, thì rất nhiều vùng đất của Việt Nam đủ sức lay động tâm hồn bất kì nhà thơ nào.Sao chị không lên kế hoạch đi nhiều hơn ở đất nước mình? Nhiều nơi đáng đi, phải đến dù chỉ một lần chứ?
Mạch thơ không đặt ra cho tôi điều đó. Tôi sẽ viết tùy bút và xuất bản năm 2012. Tôi sẽ viết về những con đường làng Phù Lưu đá xanh quê bà nội, về kỷ niệm đi mót than ở suối than ở Cẩm Phả sau những cơn mưa lớn. Cả mạch vừa rồi tôi dành cho thơ. Tôi sẽ đi những nơi chưa đến. Cũng còn khá nhiều vốn liếng kia dành cho văn xuôi. Không phải mọi thứ đưa hết vào thơ. Có những thứ chỉ văn xuôi mới tải được.
Nhìn lại con đường thơ 15 năm qua của mình, chị thấy còn gì chưa làm được?
Đi ít. Tuổi trẻ toàn lao động, làm nhiều quá. Giờ tôi tiếc. Cả một tuổi trẻ toàn và tưởng tượng nhiều hơn dấn thân vào những cuộc du hành, khám phá … Song tôi luôn yêu thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống.
Liệu điều nay có liên quan đến cái mà người ta gọi là “thiếu thực tế, thiếu vốn sống ở những người viết trẻ”?
Tôi luôn có cuốn sổ trong túi, ghi lại ngay chi tiết, cảm xúc chợt đến. Khi thăm quan, tôi “lãi” hơn người khác, vì luôn chịu tìm tòi, quan sát. Đòi hòi thường trực là tạo cái riêng từ tư duy, khả năng tìm cái mới, như vậy mới ghi dấu của mình. Cố gắng tối đa là không lặp lại. Tuy đi ít, tôi luôn cố gắng tích lũy. Cuốn tùy bút của tôi không phải thành quả chu du mà quan trọng là viết sao cho tinh tế. Luôn chú ý đến chi tiết. Thơ tạo dựng hình ảnh thì văn chú ý đến chi tiết.
Chị nghĩ gì về những tác giả thơ cùng thời? Chị có đọc họ không ?
Thật buồn khi tôi “cô đơn” lâu quá. Không thể đòi hỏi người ta say mê điên cuồng như tôi. Chúng ta ít người viết trẻ muốn theo nghề lâu bền. Niềm say mê của họ không đủ để họ theo đuổi đến cùng với văn chương. Nỗi lo cơm áo giằng giật chúng ta từng ngày, chỉ ai có tình yêu nghề và nỗi quyết tâm lớn mới thắng được vụn vặt, vòng quay mưu sinh. Tôi đọc chứ. Đỗ Doãn Phương,Lê Anh Hoài, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Quang Hưng, Trương Quế Chi... Họ là các tác giả đáng đọc và thơ có trí tuệ. Tôi biết liên tài và muốn “đua sáng” cùng một đội hình mạnh, đông đảo và sung sức.
Nhưng những người chị kể tên thì Đỗ Doãn Phương và Trương Quế Chi lâu đã không viết nữa.
Không chỉ riêng Phương và Chi, tôi muốn nói chung tới những người viết trẻ. Theo tôi biết thì họ vẫn đang viết mà chưa xuất bản. Có thể họ không đủ đam mê và say nghề để tập trung cao như tôi về cả thời gian và sức lực cho thơ ca. Họ có tham vọng khác, tất nhiên mỗi người một lựa chọn. Họ không muốn trả giá, còn tôi chấp nhận. Làm thơ thật nhọc nhằn. Họ có kế hoạch riêng. Tất cả đều có giá của nó. Làm nghệ thuật lâu bền là phải trả giá. Có người không muốn trả giá, còn tôi dại, tôi chấp nhận theo đuổi văn chương cần cả sự liều lĩnh và can đảm. Nếu họ yêu họ không đủ yêu để hy sinh thì không thể ép. Thật mừng khi họ có nhà, ô tô. Đấy là quyền của họ. Nhà thơ cần hình ảnh phong lưu.
Cha mẹ sinh cho chúng ta, mong trưởng thành, nên người, trước tiên là cho họ yên tâm và sau đó chúng ta có thể đỡ đần cho họ. Ở tuổi này chị đã làm cho họ yên tâm chưa? Chị giúp gì cho bố mẹ?
Tôi cho rằng những người con hiếu thảo luôn biết “mắc nợ” mãi mãi với cha mẹ. Không muốn, không nên kể về những gì mình làm cho gia đình. Song chắc chắn, tôi là người con và người cháu hiếu thảo. Tôi thường xuyên tự nguyện hy sinh mình để đảm nhận lo toan và trách nhiệm với người thân. Tôi không tiếc người thân điều gì, từ tiền bạc, sức lực và thời gian.
Chị có cuộc sống tốt chứ?
Thời sinh viên, tôi là người duy nhất của K16 Khoa Báo chí Học viện BCTT không xin tiền bố mẹ đóng học phí, tự đổi xe máy. Như các nếp nhà gia phong truyền thống, con 50 tuổi cha mẹ vẫn lo lắng chỉ dạy và trong mắt song thân, con mình vẫn còn đầy khiếm khuyết, dại dội và bé bỏng. Như bố tôi vẫn là “thằng bé” trong mắt bà nội (đã mất). Làm cho bố mẹ bớt lo là tự lập, làm người đàng hoàng, cáng đáng tất cả những việc gì có thể, đừng để bố mẹ bận tâm. Tôi chứng minh bằng việc làm cụ thể chứ không phải lời suông. Khi làm gì liên quan đến xã hội, bao giờ tôi cũng nghĩ đến danh dự gia đình, dòng họ và bản thân.
Về đêm thơ sắp tới, chị có thể tiết lộ bí mật?
Đó là đêm thơ “Tháng 4 Link” diễn ra vào 19g 30 ngày 3- 4 tại Nhà Văn hóa học sinh sinh viên, đảo Hồ Thiền Quang, Hà Nội. Đây là chương trình nghệ thuật nhân sinh nhật tôi, tôi nhận “quà” của các nghệ sĩ khi họ nhận lời tham dự không catse, cùng cống hiến cho công chúng. Là món quà tôi chia sẻ cùng với những người yêu mến mình.Đêm thơ là cuộc hội tụ tinh hoa của đông đảo nghệ sỹ các loại hình nghệ thuật. Tại sao lại là Link? Bởi Linh được gặp độc giả, độc giả được gặp nghệ sĩ, Linh với các nghệ sĩ khác cống hiến với công chúng : kịch câm Đào Kế Đoàn, các ca sĩ Sao Mai, Minh Châu; thơ trình diễn có đồng dao “Tóc bà chợt xanh / Lợi cười lai láng”; Đoàn Vũ (piano), Lê Tuấn Anh (violin) …Phục trang La Hằng. Ba khách mời: Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, NSND phim tài liệu Đào Trọng Khánh. Đặc biệt nghệ sĩ Đào Trọng Khánh sẽ đọc thơ tình. Qua báo Văn nghệ Trẻ, tôi mong các đồng nghiệp trẻ và sinh viên đến tham dự. Mong những người đã nghe Dệt tầm gai, đến để nghe thơ Linh. Tấm lòng tôi chân thật, rộng mở chào đón mọi người. Mỗi lần đọc thơ, bao giờ tôi cũng tưởng tượng trong số những người ngồi nghe có ít nhất vài người yêu tôi. Và tôi sẽ làm một cuộc chinh phục để có nhiều người yêu hơn nữa…. (cười)
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Tôi tin những gì chị làm cho thơ. Chúc chị thành công!
Phong Điệp thực hiện
Nguồn: Văn nghệ trẻ
Ý kiến bạn đọc