Trần Hoàng Thiên Kim: ‘Nhà thơ buồn vì độc giả thờ ơ’

Chủ nhật - 17/04/2011 06:14 3.546 0

Nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim.

Nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim.
Thời gian này ít thấy Thiên Kim làm thơ. Bù lại, chị viết rất nhiều bài báo chân dung lắng đọng và giàu cảm xúc. Nhà thơ khẳng định đang bồi đắp tri thức phục vụ cho thi ca chứ chưa bao giờ thoát khỏi được vòng kiềm tỏa của thứ lưu giữ tâm hồn mình.

- Chị mới xuất bản tập ký chân dung nhân vật “Ánh đèn và ô cửa”. Dường như công chúng đã quá quen với việc các nhà báo viết chân dung rồi sau đó tập hợp lại để thành sách. Chị cũng đi theo lối mòn đó?

- Thực ra, người làm nghề viết ai cũng muốn lưu giữ những gì mình viết được theo một cách nào đó. Ngày xưa, thời công nghệ số chưa phát triển, cha anh chúng ta thường cắt các bài báo rồi lưu giữ cẩn thận trong hồ sơ. Thời hiện đại thì chúng ta sử dụng máy tính để lưu giữ. Với tôi, những bài ký chân dung về người nổi tiếng là một cách để đóng góp vào dòng chảy của văn học nghệ thuật một thời kỳ. Đối với tôi, nó lớn hơn một bài báo vì bản thân tôi khi viết về một ai đó thường khai thác người ta ở một khía cạnh con người nhất, không phải ở cái bề nổi của sự nổi tiếng được nhiều người biết đến mà ở phần “chìm”, phần trắc ẩn, ít được chia sẻ nhưng lại góp phần nhận diện chân dung họ một cách toàn diện nhất. Qua tập sách này, tôi mong muốn những ai cần tìm hiểu về những nhân vật của công chúng sẽ tìm được một phần tư liệu giúp ích cho bài viết sau này của họ.

- Một điều dễ nhận thấy là trong số 33 chân dung trong “Ánh đèn và ô cửa” thì phần lớn không phải là những nhân vật “hot” hiện nay mà đều là những người đã mãn chiều xế bóng. Lý do nào khiến chị tìm đến họ?

- Các chân dung tôi viết trong tập này chủ yếu là các nhân vật có tuổi như Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang, Giáo sư Hà Minh Đức, nhà văn Tô Hoài, các nhà thơ Xuân Tâm, Phạm Ngọc Cảnh, Vũ Tú Nam… Họ là những người một thời vang bóng, là thế hệ giao thời giúp chúng ta có sự liên hệ với những cây đại thụ trong làng văn đã khuất. Những kỷ niệm, những câu chuyện, những chi tiết đời thường… là những thứ khó mà tìm được bằng các công cụ tìm kiếm thông thường, dù công nghệ Internet có phát triển đến đâu đi chăng nữa. Những nhà văn được coi là “cũ” này, là những người có thực tài, họ đã là những dấu ấn không thể không nhắc đến của văn học thế kỷ 20. Ngoài ra có một vài đạo diễn nổi tiếng và cũng “toan về già” như Khải Hưng, Quốc Trọng, NSƯT Hoàng Cúc… Vì thế, tôi tìm đến để nghe họ chia sẻ những nỗi niềm đã qua, xem họ đang sống thế nào, ngẫm ngợi ra sao trước những đổi thay lớn mạnh của cuộc sống. Ít ra điều đó có thể giúp ích cho một số nhận diện nào đó về đời sống văn học, nghệ thuật của thế kỷ 20.

- Dân làm chân dung nhân vật của làng báo đồn thổi, ai mà được Trần Hoàng Thiên Kim chọn phỏng vấn thì dù có đang nằm dưới mồ cũng phải bật nắp ván thiên dậy để trả lời. Nên hiểu lời đồn ấy theo hướng nào?

- Đấy là cách nói ngoa dụ hơi… kinh dị thì phải. Tôi coi đây là một lời khen quá lời! Thực ra, tôi là người yêu nghề và kiên trì. Khi chọn nhân vật để phỏng vấn, tôi đã gặp phải những khó khăn ban đầu. Khó khăn vì những nhân vật ấy đã được khẳng định tên tuổi của mình rồi, có hay không có bài báo của tôi thì họ cũng đã là những người được cả một thế hệ thừa nhận. Người cẩn thận hơn ngại tiếp đón phóng viên trẻ vì họ không tin tưởng, sợ sự sơ sẩy câu chữ có thể đổ xuống sông xuống bể cả một đời cống hiến. Tôi biết nhiều trường hợp như vậy. Bởi vậy mà khi nhận được lời đề nghị được phỏng vấn của phóng viên trẻ, có nhiều nhân vật đã từ chối.

Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Điều này sẽ khiến nhiều phóng viên nản và có tâm lý dễ làm khó bỏ. Tôi thì khác, tôi kiên trì thuyết phục vì trước khi phỏng vấn, tôi đã biết đích xác tôi cần gì ở nhân vật của mình, tôi tìm hiểu về họ để có một cách nhìn mới. Hoặc là do khả năng thuyết phục hoặc một sự chia sẻ nào đó nên hầu hết nhân vật tôi gặp, sau đó đã dốc bầu tâm sự chân thành và thay vì sự từ chối ban đầu, cuộc phỏng vấn của tôi kéo dài dăm ba tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Tôi nghĩ rằng, làm việc gì cũng phải tận tâm, tận lực, kể cả đó đơn giản chỉ là một bài báo.

- Người ta thường nói, văn là người, và tôi đồ rằng mọi người sẽ chờ đón những câu chữ “nảy tưng tưng” vốn là “đặc sản” của Trần Hoàng Thiên Kim đời thường, nhưng khá bất ngờ, “Ánh đen và ô cửa” lại có âm hưởng lắng đọng. Tại sao vậy?

- Tôi thường viết về những người nghệ sĩ, mà nghệ sĩ thì có vinh quang đấy nhưng cũng đầy những nỗi niềm không dễ gì chia sẻ cùng ai. Cuộc đời họ cũng gặp nhiều trắc trở dù nhiều hay ít, bởi vậy, viết về họ tôi muốn lắng nghe góc khuất ấy để độc giả phần nào hình dung được con đường thành bại của một nhân vật tưởng như chỉ trải hoa hồng nhưng cũng nhiều cay đắng, mất mát. “Ánh đèn và ô cửa” cũng là “hiện trạng” không gian viết của tôi. Tôi thường viết về đêm ở phòng làm việc, khi mọi thứ xung quanh yên tĩnh và bao trùm bởi bóng tối, đối diện với tôi lúc ấy là một ô cửa sổ, một ánh đèn bàn màu vàng nhạt, nhạc không lời vặn nhỏ và nhân vật của mình. Những lúc đó, trang viết thường không vui được. Một phần nữa do hầu hết nhân vật của tôi đều đã già, mà người già thì ít chuyện vui, khi ngoái đầu nhìn lại quá khứ thì câu chuyện càng có thêm nhiều tâm trạng. Tôi nghĩ rằng, nếu muốn tìm niềm vui, độc giả sẽ tìm đến chuyện hài để đọc, còn khi đọc chân dung có lẽ họ sẽ phải đối diện với một nốt lặng nào đó của một kiếp sống.

- Làm việc tại một tờ báo được cho là “sống được” (báo Công An Nhân Dân), cơ duyên ấy đã đem đến cho chị nhiều thứ, từ nhà cửa, thu nhập và ngay cả vị thế trong báo giới, chị lý giải những may mắn này như thế nào?

- Có lẽ cũng chỉ giải thích bằng hai chữ “may mắn” ấy thôi. Lẽ dĩ nhiên, ngoài may mắn, biết nắm bắt cơ hội, còn phải do mình nỗ lực. Có thể nói, tôi chăm chỉ làm việc, và để hoàn thành công việc của mình, nhiều khi tôi đã phải nỗ lực gấp đôi so với những gì mình phải làm. Tôi ít thời gian rỗi để đi chơi, buôn dưa lê kiểu phụ nữ mà suốt ngày cắm cúi vào cái màn hình máy tính hoặc lao đi trên những con đường để tìm kiếm đề tài, nhân vật của mình. Nhưng tôi thấy hạnh phúc vì điều đó.

- Từ ngày chuyển sang làm báo, ít thấy tên chị dưới các bài thơ. Mọi người cho rằng, quá nhiều ấn phẩm bán được của Báo Công An Nhân Dân đã hút hết năng lượng của những người gắn bó với nó, có đúng như thế?

- Ai được trả lương cũng sẽ phải cố gắng làm việc để mình xứng đáng với đồng lương đó. Một đằng là nghề, một đằng là nghiệp. Nói rằng bận rộn không viết văn được là không đúng, ngược lại, chính trong sự bận rộn của cuộc sống, cơm áo cuốn mình đi, mình lại có nhiều xúc cảm hơn để viết. Điều quan trọng là tâm thế viết ấy như thế nào. Thơ ca là thứ không phải cố gắng mà được và không phải ai cũng giữ được “phong độ” của mình đều đều trong cả một chặng hành trình, phải có lúc thế này, lúc thế khác, lúc gập ghềnh, lúc bằng phẳng, lúc thơ hay, lúc thơ dở, lúc tràn ngập cảm hứng và lúc tắc tị trước ngòi bút... Tôi vẫn âm thầm viết, nhưng tôi tự nhận thấy mình chưa có đột phá, chưa tìm được những cái mới so với những gì trước đây mình đã làm thì phải biết dừng lại để ngẫm ngợi, để bồi đắp vốn tri thức. Dẫu là gì tôi cũng đang cảm thấy mình đang trưởng thành lên từng ngày khi làm việc tại báo.

Tập ký chân dung "Ánh đèn và ô cửa".

- Kể từ ngày thơ Việt Nam 2007 đến nay không thấy chị xuất hiện lại tại sân thơ trẻ tại Văn Miếu nữa, trong khi rất nhiều người trẻ làm thơ khác nhiệt huyết hăm hở tràn lên sân khấu. Chị cảm thấy ra sao?

- Tôi không thấy buồn. Không thể nói những người làm góc thơ ở Văn Miếu thì có nhiệt huyết, còn những ai không làm thì không có tình yêu cho thơ ca. Ngày hôm đó, những nhà thơ không phải làm cho mình, mà làm cho độc giả. Tôi đề cao điều đó nhưng thú thật, qua nhiều lần hội thơ Văn Miếu, tôi để ý thấy nhà thơ nhiệt huyết nhưng khán giả có vẻ thờ ơ quá. Nếu có buồn thì tôi buồn vì điều đó. Ngày thơ năm nào những người tham gia cũng chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng hiệu quả không cao. Tan cuộc những nhà thơ ở lại dọn dẹp, xếp sắp, khuân vác, còn những người xem hội trở về thì mỗi người một ý, họ cầu toàn rồi lắc đầu “Chẳng có gì mới”, hoặc “Chán”… Tôi thấy thương bạn bè mình, thương cả chính mình vì nếu mình có một góc thơ thì chắc cũng nằm chung trong một tình cảnh vậy thôi.

- Nỗi buồn đó tác động như thế nào đến hành trình thi ca của chị?

- Những người làm thơ sẽ không làm thơ vì một Ngày thơ duy nhất trong năm, cũng không thông qua sự việc của một Ngày thơ để định giá lại mình. Tôi cho rằng, thơ ca là niềm đam mê tự thân, nó được định đoạt khi một con người sinh ra chứ không phải là thứ học mà có thể thành được. Nếu không thể trở thành nhà thơ thì tôi sẽ tìm một nghề khác chứ tôi không cố để viết. Hiện tại, tôi đang có rất nhiều cảm xúc trong tâm hồn, trong trái tim và chừng nào những điều thôi thúc ấy còn bật ra đầu ngọn bút thì mình cứ nhận lấy như một món quà của số phận.

- Hiện tại chị đang ấp ủ “âm mưu” nào với thơ?

- Tôi đang chuẩn bị bản thảo tập thơ mới và sẽ in trong năm nay.

Trần Hoàng Thiên Kim sinh năm 1981 tại Đô Lương, Nghệ An. Chị tốt nghiệp khóa 6 Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình, Đại học Văn hóa). Chị đã xuất bản hai tập thơ riêng “Vọng mùa”, “Những trò đùa có lỗi” và một số tập thơ in chung.

 

Trần Hoàng Thiên Kim đã đoạt một số giải thưởng: Giải thưởng thơ văn của Tạp chí Văn nghệ quân đội; Giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh (báo Tiền Phong); Giải thưởng Hồ Xuân Hương (tỉnh Nghệ An); Giải thưởng Tạp chí Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) và giải bút ký về ngành giáo dục (Bộ Giáo dục - Đào tạo và Hội Nhà văn tổ chức). Hiện chị là phóng viên chuyên đề Văn nghệ công an của báo Công An Nhân Dân. “Ánh đèn và ô cửa” là tập ký sự chân dung tập hợp 33 bài viết của Trần Hoàng Thiên Kim. Sách do Công ty Liên Việt và NXB Văn học ấn hành đầu năm 2011.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây