GS Hoàng Quang Thuận: 'Tiền nhân mượn bút tôi viết thơ'

Chủ nhật - 05/08/2012 22:22 5.855 0

Giáo sư Hoàng Quang Thuận.

Giáo sư Hoàng Quang Thuận.
Đứng tên tác giả của hai tập thơ “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi tập” gây dư luận nhiều chiều trong nước và được quảng bá ra nước ngoài nhưng GS.TS Hoàng Quang Thuận lại không nhận mình là tác giả của hai tập thơ trên.

Ông cho rằng, nếu nhận là tác giả sẽ có tội bởi đây không phải những bài thơ thông thường do ông làm mà chúng ra đời trong những giây phút xuất thần, tiền nhân chỉ mượn bút ông gửi lại.

- Nhà thơ Dương Kỳ Anh trong một bài báo kể lại câu chuyện: Một đêm tại Ninh Bình, GS Hoàng Quang Thuận đã làm được 121 bài thơ của “Hoa Lư thi tập”. Là người trong cuộc ông có thể nói rõ hơn?

- Trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi có hẹn với nhà thơ Trần Nhuận Minh đi Tràng An cầu thơ. Nhưng đến ngày hẹn thì anh Trần Nhuận Minh bị ốm không đi được, tôi mới điện cho nhà thơ Dương Kỳ Anh để cùng đi Ninh Bình. Tại khách sạn Hoa Lư, chúng tôi xin một gam giấy A4, tôi và Dương Kỳ Anh ký chéo mỗi người một xấp giấy trao cho nhau, tôi nhận 141 tờ có chữ ký Dương Kỳ Anh và ngược lại. Sau khi làm lễ, chúng tôi ở trong một nhà sàn ở khu du lịch tâm linh Tràng An, vợ chồng Dương Kỳ Anh ở một phòng, tôi ở một phòng. Gần nửa đêm tôi vẫn chưa viết được chữ nào. Đến quá 12 giờ đêm tôi thấy người lành lạnh, tôi choàng tấm chăn ngồi viết. Và cứ mải miết viết liên tục như vậy, đến khi ngẩng lên đã thấy những tờ giấy đầy chữ bày kín bàn, tất cả 121 bài thơ, lúc đó đã hơn 4 giờ sáng. Tôi nhìn số thơ mình vừa làm quá đỗi ngạc nhiên, hóa ra mình đã làm được cả một tập thơ. Tôi và Dương Kỳ Anh đều vô cùng kinh ngạc trước một điều không tưởng như vậy.

Với tôi đó là một sự thăng hoa, tôi hoàn toàn viết trong vô thức. Các bài thơ tôi đều làm trên giấy có chữ ký của Dương Kỳ Anh, và với thời gian hơn 4 tiếng, nghĩa là chỉ có 2 phút cho một bài thì chỉ chép lại thôi cũng khó, cũng sẽ sai chứ đừng nói là làm…

- Còn với “Thi vân Yên Tử”, tập thơ ra đời trước đó, có thông tin trong một lần đến Yên Tử ông đã gặp “thần rắn mào đỏ” Kim Xà, sau đó đã viết thơ như lên đồng, trong 3 đêm đã hoàn thành tập thơ. Thực hư chuyện này thế nào?

- Ngày 24/11/1997 tôi cùng với đoàn phật tử miền Nam do sư thầy Huệ Giác, ở Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, ra Bắc viếng thăm Yên Tử. Chúng tôi đang trên đường lên núi, đến chùa Hoa Yên thì có một người đàn ông rao bán một con rắn nặng tầm chục ký, trên đầu có một chiếc mào màu đỏ. Tôi dừng lại mua với giá 650.000 đồng, sư thầy Huệ Giác đặt tên rắn là Kim Xà. Chúng tôi mua để phóng sinh, khi được thả Kim Xà ngỏng cao đầu gật 3 cái như chào trước khi bò vào rừng. Từ Yên Tử trở về Hà Nội, trong một căn nhà ven sông Hồng, 3 đêm liền tôi đã viết được tập “Thi vân Yên Tử” gồm 143 bài.

Tập thơ "Thi vân Yên Tử" bản tiếng Anh và tiếng Pháp.

- Nhiều nhà phê bình gọi thơ ông là thơ Thiền. Thế nhưng với người bình thường đọc qua sẽ thấy giống như thể thơ du ký, thơ tức cảnh sinh tình xuất hiện khá nhiều trong đời sống văn học hiện nay. Ông thấy thơ mình khác với những bài “thơ du ký” ở điểm gì?

- Những bài thơ du ký là bài thơ làm về con người thực, địa danh thực do họ nhìn thấy, cảm thấy, còn tôi du ký trong một đêm sương gió, trong một đêm huyền ảo, du ký trong tâm tưởng. Nhiều địa danh xuất hiện trong thơ tôi ở Hoa Lư, Yên Tử sau đó các nhà sử học phải tìm lại, dân ở đó còn chả nhớ, phải tra lại mới ra, có chỗ phải dịch chữ Hán mới ra.

- Ông nghĩ gì về dòng thơ tâm linh trên thế giới và ở Việt Nam?

- Trên thế giới hiện tượng thơ bí ẩn tâm linh không phải chỉ có một. Đó là hiện tượng saman, gọi là lên đồng thơ, nhập đồng thơ. Người của hiện tại sống trên nền của quá khứ, người của quá khứ hiện hữu trong hiện tại.

- Ông nghĩ sao về những bản dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp thơ của ông?

-“Thi vân Yên Tử” do GS.TS Nguyễn Đình Tuyến dịch. Tiếng Pháp do dịch giả Hoàng Hữu Đản dịch. Bản tiếng Pháp có lẽ chuyển tải tốt hơn bản tiếng Anh. Gần đây nhất, Thái Bá Tân cũng dịch sang tiếng Pháp. Một GS người Mỹ là David, người từng dịch rất nhiều thơ haiku Nhật Bản, đã dịch lại trên nền tiếng Pháp của Thái Bá Tân và xin phép tôi cho đưa “Thi vân Yên Tử” vào giảng dạy trong trường đại học của ông ấyở Mỹ. Tôi tin rằng bạn đọc thế giới sẽ phần nào hiểu được ý nghĩa của tập thơ.

- Nếu cần nói với những độc giả nước ngoài đọc thơ mình một câu, ông sẽ nói…?

- Tôi từng nói với ông David, thơ này là thơ lên đồng nên ông đừng nói tôi là tác giả. Tiền nhân đã trao cho tôi chép. Vì không có ai đứng tên nên tôi phải nhận đứng tên thôi, nếu tôi nhận tôi là tác giả là tôi có tội với tiền nhân. Tôi chỉ là người được tiền nhân mượn bút, không có gì là của tôi cả. Độc bản “Hoa Lư thi tập” cũng đã được tặng cho UBND TP Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trưng bày trong Hoàng Thành Thăng Long, sau đó trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, còn độc bản “Thi vân Yên Tử” cũng đã được tặng cho Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, tôi không dám giữ lại gì cả.

- Ông có nghĩ tiền nhân sẽ tiếp tục “mượn bút” mình để nói về những điều thần bí?

- Cái này không nói trước được. Phải có những thời khắc lịch sử nhất định, hòa hợp âm dương nhất định mới ra đời. Ví dụ như dịp tròn 700 năm vua Trần Nhân Tông về Yên Tử thì mới có “Thi vân Yên Tử”, dịp 1000 năm Thăng Long thì mới có “Hoa Lư thi tập”…

- Những câu chuyện ông từng chia sẻ có nhiều yếu tố tâm linh, nếu có người tỏ ra nghi ngờ hay không tin, là một nhà khoa họcông sẽ nói gì với họ?

- Nếu ai đó nghi ngờ, tôi đề nghị họ vào youtube xem lại clip cô bé Như Ý 9 tuổi răng còn chưa mọc hết mà có thể thuyết pháp 2 tiếng đồng hồ không cần giấy bút, nói những điều cao siêu mà cô chưa từng được học. Sau khi xem xong, và sau khi đọc “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi tập” họ sẽ hiểu đấy là tâm linh.

GS.TS Hoàng Quang Thuận hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày 8/8 tại hội trường Hội Nhà văn, số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội sẽ diễn ra hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”. Hội thảo do Tạp chí Nhà văn tổ chức, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học chủ trì; nhà thơ Hữu Việt điều khiển chương trình.

Độc bản “Thi vân Yên Tử (kích thước 125cm x 80cm x 16cm, nặng 120kg) đã được trao kỷ lục châu Á. Độc bản “Hoa Lư thi tập” (kích thước 109cm x 70cm x 10cm,nặng 54kg) đang được đề nghị UNESCO tặng di sản ký ức của nhân loại.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây