Gia Dũng - Người lặng lẽ gom thơ thiên hạ

Chủ nhật - 16/12/2012 20:58 5.290 0
Gia Dũng - “gã buôn thơ vĩ đại”, “kẻ cửu vạn thơ”, “người bị thơ đày” như bạn bè gọi từng bị “quật ngã” khi đang nước rút cho cuốn Trời Nam thương nhớ dày hơn 2.300 trang, bìa cứng, nặng cỡ 5kg, in ở NXB Văn học 2012. Qua vạch thất thập rồi mà cứ cái kiểu quần quật đi và đọc hàng chục nghìn bài thơ để làm ra hàng nghìn trang sách thì đến voi cũng ngã. Bày quanh mình những Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ(dày 1.640 trang), Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơNgàn năm thơ Việt (gồm 1.300 bài thơ của hơn 1.200 tác giả), Ngàn năm thương nhớ (dày 2.000 trang), Trời Nam thương nhớ…, toàn những cuốn gáy dày hơn 10cm, ông bảo ngắm chúng cũng thấy hả hê.
Nhà thơ Gia Dũng.
Nhà thơ Gia Dũng.

- Đang là một nhà thơ tên tuổi kha khá, đã xuất bản tới 20 tập thơ, găm vào người đọc những câu thơ day dứt: Có ai hiểu đêm nay ta khóc Tử/Thắp nhang rồi không biết cắm vào đâu/Cắm vào trăng - Tử ơi, trăng đã vỡ/Cắm vào thơ – thơ chỉ một điệu sầu (Hàn Mặc Tử), hay có lúc lại gieo được những vần thơ đầy hào khí: Trường Sơn! Đường ta qua không một dấu chân người/Chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/Dừng ở lưng đèo nghe suối hát/Ngắt đoá hoa rừng gài lên mũ, ta đi (Bài ca Trường Sơn)sao ông lại gác bút chuyển sang làm việc tuyển chọn thơ. Có người bảo ông đã hết duyên với sáng tác thơ?

- Có một thời đánh Mỹ, nhóm chúng tôi gồm nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc… tuần nào cũng có thơ in trên báo Quân đội, Tiền phong, Văn nghệ. Thơ đến với tôi như một thứ duyên kỳ ngộ. Chỉ vì viết chữ đẹp mà tôi được chọn lên làm văn thư của ban Quân lực Sư đoàn 312. Không khí chiến trường đã cho tôi những cảm xúc hào hùng, lãng mạn và thúc giục mình viết. Rất may là Bài ca Trường Sơn được nhạc sĩ… phổ nhạc nên sức lan toả của nó lớn. Những năm chống Mỹ, Bài ca Trường Sơn như một khúc quân ca trên đường ra trận.

Với tôi, quả là những năm sau khi nước nhà thống nhất, sức viết bắt đầu yếu đi. Khi ngoài 60 tuổi, cảm xúc không còn ào ạt nữa mà nhiều khi viết bằng cái lý sự. Tới năm 2000, tôi ngừng hẳn việc làm thơ. Thế nhưng từ lâu, tôi đã ấp ủ một điều rằng mình sẽ phải làm một tập tuyển thơ cho sư đoàn thép của mình vì Sư đoàn 312 của tôi có nhiều người làm thơ hay lắm. Manh nha “nghề” mới bắt đầu từ đây.

- Nghĩa là tuyển tập thơ toàn của lính?

- Đúng thế, năm 1999, tôi ra tập đầu tiên Chúng tôi đánh giặc và làm thơ, số lượng bài không nhiều, sách chưa được 700 trang. Sau đó qua bạn hữu, tôi đang hoàn thành bản thảo tái bản tập này lên 2.000 trang. Tôi coi đây như một món nợ vì không có gì trả công người lính bằng việc làm này.

- Kể từ tập đầu tiên đến nay, ông có bao nhiêu cuốn tuyển thơ?

- Sách đã in là 23 cuốn, hiện còn 12 cuốn đang làm bản thảo, cỡ chừng 9.000 trang in. Mấy cuốn này mà hoàn tất, có lẽ là tương đối đầy đủ về diện mạo thơ Việt Nam.

Nói đến đây, ông ngồi thừ ra như đang hình dung lại hành trình của các cuốn tuyển thơ. Chao ôi! Cũng cực lắm thay. Một người làm sách có nghề như thế, tiếng tăm như thế mà cuộc sống lại quá eo hẹp. Hơn chục năm trời sống ở Hà Nội, ông phải thuê nhà trọ, toàn ngõ ngách, xa trung tâm, chỗ ở bây giờ cũng trong hẻm tận Định Công hạ. Đến bữa, ăn cơm bụi. Đi lại bằng xe đạp, xe buýt, xe ôm. Căn phòng hơn chục mét vuông mà toàn những cuốn sách “khủng”. Ông như con ong cần mẫn bay đi khắp nơi, tinh tuyển những gì giá trị nhất (theo ông) để làm nên những “báu vật” cho đời.

Ông kể: năm 2007, ông ra cuốn Ngàn năm thương nhớ (tuyển thơ về Thăng Long – Hà Nội) tập hợp hơn 900 tác giả với gần 1.000 bài thơ, mang tặng nhân Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu, ông Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) bảo: Ông là người tôn vinh thơ Việt. Rồi có lần ông Thỉnh lại bảo rằng: Ông là kẻ bệnh hoạn về thơ và chắc chắn sẽ chết vì thơ.

- Bệnh hoạn về thơ? Nên hiểu thế nào nhỉ?

- À, ông ấy bảo vì gặp tôi lúc nào cũng thấy vác tập nọ tập kia. Suốt ngày cứ đắm đuối với thơ thế này thì lấy gì mà ăn.

- Ấy thế mà có người gọi ông là “kẻ buôn thơ” đấy, tức là dùng sáng tạo của người khác để kinh doanh, để làm giàu.

- Thử hỏi thời buổi này ai sống được bằng thơ, vậy thì buôn thơ làm sao được. Nếu người buôn thơ mà cuộc sống mấy chục năm qua vẫn vất vả thế này liệu có ai dám đi buôn cùng tôi.

- Thế điều gì khiến ông cứ miệt mài làm “cửu vạn thơ” để ra hết tập này đến tập khác như vậy?

- Nó là sự đam mê, tôi chắc chắn không ai vượt tôi về sự đam mê làm sách. Nhiều người khẳng định trước tôi chưa có ai và sau tôi có lẽ cũng không có ai làm sách kiểu này. Họ làm theo lối kinh doanh, ai muốn in thơ thì nộp tiền vào. Còn tôi, có người sẵn sàng đưa tiền, nhưng nếu thơ không hay (theo cách chọn của tôi) thì tôi vẫn từ chối.

- Vậy tiêu chí chọn thơ của ông thế nào?

- Với tôi, thơ được chọn phải hay và đẹp. Hay thì mọi người dễ thấy, nhưng đẹp chỉ là sự cảm nhận. Đương nhiên là hết sức chủ quan, nhưng tôi tin về sự chọn lựa của mình. Đã có 23 cuốn tuyển thơ lớn như vậy xuất bản, nhưng chưa ai chê chất lượng kém hoặc làm ẩu, có chăng là phàn nàn có tập cũng còn đôi ba bài chỉ đạt chất lượng trung bình.

- Ông có bị điều gì chi phối khi lựa chọn không? Chẳng hạn như hiện nay có nhiều doanh nhân giàu có cũng làm thơ, họ sẵn sàng bỏ tiền để được có bài trong một cuốn tuyển chọn.

- Có đấy, khi tôi làm cuốn Ngàn năm thơ Việt, cũng có một giám đốc sẵn sàng tài trợ 25 triệu đồng hoặc sẽ mua 100 cuốn nhưng tôi không nhận vì thơ chưa đạt theo chuẩn của tôi. Hay khi tôi làm cuốn này có một Việt kiều nói sẽ tài trợ 10.000 đô-la, nhưng lại yêu cầu tôi điều chỉnh nội dung theo ý đồ của họ. Lòng tự tôn dân tộc nổi lên, tôi từ chối thẳng. Mình nghèo nhưng không thể hèn, mình có phải thằng đi làm thuê đâu mà chỉ vì đam mê và muốn tôn vinh thơ Việt. Tiêu chí của tôi rõ ràng thế này: chọn thơ hay và đẹp, không chọn theo chức quyền và giàu sang.

- Thế nên cũng có người gọi ông là nhà thơ gàn.

- Sự cực khổ của việc làm sách  kiểu như tôi phải gàn gàn một chút mới dám làm. Có đồng nào cũng bỏ vào làm sách, vợ con chẳng được nhờ.

Ông Dũng là người lắm bạn. Thời chiến trường trận mạc, thời miền xuôi, miền ngược - lối sống cởi mở và thành thật đã mang lại cho ông nhiều lợi thế trong công việc sau này. Nghe đâu có thơ hay là ông tìm cách liên hệ, đến tận nơi xin. Hành trình dọc dài đất nước nhưng đến đâu ông cũng có bạn hữu, không giúp được tiền bạc thì nuôi ăn, giúp ông đi “nhặt thơ” thiên hạ. Tôi biết có những bài thơ ông đưa vào tuyển cũng chẳng kịp hỏi tác giả và cũng chẳng nhuận bút gì. Hỏi có gặp rắc rối gì về vấn đề bản quyền không thì ông bảo, ơn trời là chưa. Hơn 1.000 tác giả của mỗi cuốn sách thì hỏi sao xuể. Mà cái barem cho thơ tuyển ở nước ta thì tội quá. Nếu bài thơ chưa đăng ở đâu thì được 20.000 đồng/bài, nếu đăng rồi thì được 40% của 20.000 đồng, nghĩa là khoảng 7.000 đồng/bài thôi.

- Chọn thơ một mình, lo in một mình, còn việc phát hành là khâu khó nhất, ông có phải một mình lo không?

- Tôi phải lo hết chứ. Sách ra, ai cũng khen đây là bộ sách lớn nhất, giá trị nhất nhưng mua thì không. Đáng buồn là ở một đất nước gần 100 triệu dân, một tập sách quí chỉ in có 500 cuốn cũng không phát hành nổi.

- Được biết cuốn Trời Nam thương nhớ mới ra quí 4/2012 có giá thành tới 1.260.000 đồng, việc phát hành có tốt không?

Trời Nam thương nhớ tuyển thơ từ lúc Nguyễn Hữu Cảnh vào khai phá Nam bộ cho đến bây giờ.Thơ từ cổ chí kim của người Nam bộ, của người khắp nước viết về vùng đất phương Nam. Sách tôi làm kỹ, giá thành cao nên bán cũng khó.

- Thế sách ế thì giải quyết ra sao?

- Tôi đang xếp trên gác xép kia kìa. Còn sách tồn của các cuốn trước tôi gửi nhờ nhà người bạn ở Sơn Tây. Tôi ước, nếu bán được hết sách tồn, tôi sẽ mua ngay một chiếc ôtô để đi lại.

- Ông có sốt ruột không?

- Nó thành thói quen rồi. Ngay bây giờ khi đang ngồi với cô đây, tôi còn đang nợ tiền 2 – 3 nhà xuất bản.

- Tốn kém, vất vả như vậy, sao ông không nghĩ cách khác, chẳng hạn không in dày như vậy?

- Đây là một cách chơi của tôi, sách do Gia Dũng làm không bao giờ có cuốn dưới 1.000 trang. Tác giả nào có bài in trong cuốn sách đồ sộ cỡ 5 - 7kg cũng sướng. Tôi nghĩ, trên giá sách mà có cuốn sách đẹp thế này nhìn cũng nể nhau hơn.

- Ngày trước, khi còn làm nhiều thơ, độc giả cũng biết nhiều đến cái tên Gia Dũng. Nhưng từ năm 2000, gác bút chuyển hẳn sang làm tuyển thơ, cái tên Gia Dũng cũng để lại ấn tượng với nhiều cuốn sách kỷ lục. Vậy ông thích cái tên Gia Dũng của thời nào?

Nhà thơ Gia Dũng là của thời chống Mỹ. Lớp trẻ ngày nay ít đọc thơ chống Mỹ nên chắc không mấy bạn biết đến tôi. Còn những bộ sách dày thế này ở Việt Nam chưa ai làm, lại đứng tên tác giả tuyển. Tôi nghĩ lúc này người trẻ chỉ biết đến Gia Dũng làm tuyển thơ.

- Và họ thắc mắc sao bác Gia Dũng không tuyển thơ trẻ nhỉ?

- Thơ trẻ, thơ hiện đại, thơ mới, thơ cách tân – tôi không chê các bạn, nhưng tôi chưa thấy thành quả. Tôi làm thơ tuyển, tức là thơ đã được trải nghiệm qua thời gian. Thơ các bạn trẻ đang thử nghiệm, chắc chắn sau này sẽ có người chọn…

Chiều muộn, trời bỗng trở lạnh vì có đợt gió mùa đông bắc mới. Tôi ái ngại cho ông khi phải lụi cụi một mình trong căn phòng tuềnh toàng này. Tiễn tôi ở cửa, ông lại bảo: sức khỏe tôi không tốt lắm, nhưng nhờ cái món thơ này mà tôi lại khỏe ra. Những ngày đầu tháng 12/2012 này, ông lại vừa “bê” cuốn Bác là Hồ Chí Minh (NXB Văn hóa văn nghệ TP.HCM) ra dày 1.600 trang, còn thơm mùi mực, trong đó có tác giả của 68 quốc gia viết về Bác.

Xin cảm ơn nhà thơ!

Tố Lan (thực hiện)

Nguồn tin: Sức khỏe đời sống

 Từ khóa: gia dũng, tuyển thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây