Hẳn thế! Người đọc nhớ đến Đoàn Minh Tuấn là nhớ đến Bác Hồ - Cây đại thọ (tái bản 14 lần), là nhớ đến Núi sông hùng vĩ, những tác phẩm đã in nhiều lần, nay đọc lại vẫn thấy thích. Viết về Bác Hồ, anh viết với tất cả trái tim mình, với lòng kính yêu sâu sắc và anh cũng hiểu rằng Bác chính là hiện thân của những sự kiện anh hùng đầy huyền thoại của thời đại mới, hiện thân và kết tinh những tinh hoa của cả dân tộc. Bằng lối văn mộc mạc, chậm rãi đầy chất anh hùng, Đoàn Minh Tuấn đã kể lại hai mươi câu chuyện khắc họa rõ nét hình tượng Bác Hồ vừa giản dị, gần gũi, lại vừa vĩ đại bằng những chi tiết sống động. Điều đáng quý ở nhà văn Đoàn Minh Tuấn là anh đi nhiều, biết nhiều. Từ chiến trường Nam Trung bộ nóng bỏng trong kháng chiến chống Pháp, dấu chân chiến sĩ Đoàn Minh Tuấn đã in sâu nơi đất Hà thành nghìn năm văn vật, nơi anh dừng chân, học tập, đào sâu vào tầng văn hóa sông Hồng của đất nước. Từ Thăng Long trái tim hội tụ, anh đến Đền Hùng, với Mê Linh - Sông Hát, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bạch Đằng Giang của châu thổ sông Hồng. Anh ngược lên Tây Bắc với Điện Biên, Mường Thanh. Anh lên Việt Bắc với Pác Pó - Cao Bằng. Anh ra Đông Bắc, vượt trùng khơi đến với Cô Tô đảo ngọc. Anh vào chiến trường khu 5 đang hồi quyết liệt, vào giải phóng Buôn Ma Thuột, vào giải phóng Sài Gòn, rồi lại đi Cà Mau, Hà Tiên. Và điều quan trọng là đi đến đâu anh cũng chú ý nghiên cứu, quan sát, ghi chép những sử liệu một cách cẩn thận, tỉ mẩn, để rồi cho ra những bài ký tùy bút, những truyện ngắn giàu tính chân thực, giàu chất sử thi của đất và người, của xưa và nay. Anh cũng say mê tình bạn với các văn nghệ sĩ và có cả một tập sách viết về các văn nghệ sĩ, tập Khuôn mặt và tác phẩm, Trăm năm một thuở và tập Những vì sao có lẽ ý nói đến kiếp người ngắn ngủi, cơ duyên gặp nhau hẳn là thật sự đáng quý. Với góc nhìn của riêng mình, anh viết về các nhà văn thơ Nguyễn Văn Bổng, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Nguyên Hồng, Trịnh Công Sơn, Hoàng Trung Thông, Tô Hoài, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi, Xuân Trình, Phan Tứ… Anh viết về họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, nhà điêu khắc Châu Đình Du… Chân dung các văn nghệ sĩ qua ngòi bút của anh hiện lên với vẻ chân thực, đáng yêu. Đặc biệt, anh dành nhiều tâm huyết để viết về Nguyễn Tuân - nhà văn mà anh xem như một người thầy, một người bạn vong niên. Anh dành cho Nguyễn Tuân những tình cảm nồng đậm, kính phục. Anh không nói nhiều đến “tài văn” của Nguyễn Tuân mà chú tâm nhiều hơn đến cái chất văn toát ra từ tâm hồn, cá tính, nhân cách Nguyễn Tuân, qua những bài viết mang tính tự sự, hồi ký. Viết về Nguyễn Tuân, anh cũng rất chú tâm đến mối quan hệ giữa nhà văn với đất nước, với văn hóa dân tộc. Anh có cả một tập sách dành riêng cho Nguyễn Tuân Với bác Nguyễn. Riêng với Quảng Ngãi quê anh, anh có những truyện, ký đáng chú ý: Cẩm Thành năm Dậu viết về cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Lê Trung Đình lãnh đạo, Tết kháng chiến ở quê nhà Sơn Mỹ, Quê nhà bác Tám (bác Phạm Văn Đồng), Ba Tơ ngày ấy… Ở đây, văn cũng rất đậm chất sử thi, đầy chất bi hùng.
Không chỉ đi khắp nơi trong nước, Đoàn Minh Tuấn còn có nhiều chuyến ra nước ngoài - hơn 30 nước. Mới đây, anh tập hợp các bài viết và xuất bản thành tập sách Đất nước phương trời (NXB TP.HCM, 2007). Đến với các nước châu Á, anh không bị cuốn hút về những điều lạ. Đến các nước châu Âu, châu Mỹ, anh cũng không choáng ngợp bởi cái văn minh phương Tây. Dù ở “đất nước phương trời” nào, anh cũng giữ được vẻ điềm tĩnh, nhìn nhận theo cái góc nhìn của anh, chăm chú cái chất văn hóa, bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi địa phương mà mình đi qua. Nói cách khác, ngay cả đối với “đất khách quê người”, cảm hứng chủ đạo của Đoàn Minh Tuấn vẫn là anh hùng ca và chất sử thi.
Như đã nói, Đoàn Minh Tuấn viết văn, làm báo sau khi đã cầm súng đánh giặc. Quê hương Tịnh Khê (Sơn Mỹ) của anh sau này là mảnh đất anh hùng, là mảnh đất đầy máu lửa, nơi giặc Mỹ đã gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ 16/3/1968 làm chấn động cả lương tâm loài người. Ông cố và ông nội anh - Đoàn Khắc Nhượng và Đoàn Thúc Vĩ có tên đường ở TP. Quảng Ngãi (2005) đều là những nhà khoa bảng Quảng Ngãi nổi tiếng khí tiết. Cha anh là nhà thơ Đoàn Khắc Hùng (Ba Khê). Anh cầm súng lên đường từ lúc giặc Pháp mới trở lại xâm lược nước ta. Dấu chân anh đã đi khắp đất nước anh hùng. Có lẽ tất cả đã hòa trộn, tạo nên lối văn chương sinh động, chân thực, giàu chất sử thi trong văn Đoàn Minh Tuấn.
Tôi có cảm giác Đoàn Minh Tuấn viết văn một cách tự nhiên theo chính luồng cảm xúc của anh, không thấy anh trau chuốt mấy đến câu, chữ. Văn anh có phần gần gũi với ngôn ngữ dân gian ngắn gọn, chậm rãi, cốt nêu lên cho nổi bật cảm xúc của mình. Có vẻ như anh chú trọng “ngữ pháp trên câu” hay “ngữ pháp đoạn” (speech) hơn là chăm chút từng câu, từng chữ một. Và chừng như cấu trúc bài của anh cũng vậy, đó là lối cấu trúc tự nhiên, theo luồng tư duy, tuyệt nhiên ít thấy có sự sắp đặt quá chỉn chu, kỹ lưỡng. Lối văn, lối cấu trúc như vậy có thể tạo nên điểm mạnh, nhưng cũng có thể tạo nên điểm hạn chế trong tác phẩm của mình…
Nói cho đúng thì có nhà văn nào lại không có những tác phẩm chưa thành công, những đứa con đẻ ra èo ruột. Điều quan thiết nhất vẫn là ở chỗ anh có neo lại được trong lòng người đọc tác phẩm nào, ấn tượng nào không?
Có lẽ về mặt ấy, Đoàn Minh Tuấn đã có được khá nhiều. Và đó chính là những tập văn giàu chất sử thi của anh viết về đất nước, rất cần cho mọi bạn đọc muốn mở rộng kiến văn và nghiên cứu của mình…
Tác giả: Cao Như
Nguồn tin: Sức khỏe đời sống
Ý kiến bạn đọc