Đỗ Doãn Phương: Muốn theo nghề viết một cách chuyên nghiệp

Thứ tư - 02/01/2013 05:08 5.628 0
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương, sinh ngày 24/12/1977, quê quán: làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Anh đã xuất bản 3 tập thơ, 3 tập truyện ngắn; đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2011 cho tập thơ “Hoan ca”.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương
Đỗ Doãn Phương tâm sự sau khi Hội nhà văn công bố danh sách Hội viên mới được xét kết nạp năm 2012:

Đó là một buổi chiều thứ Bảy, tôi bất ngờ nhận được khá nhiều tin nhắn chúc mừng từ các bạn bè, đồng nghiệp hay của những người quen biết ngoài văn chương của tôi.Sau đó, tôi vào trang web của Hội Nhà văn và thấy tên mình đã có trong danh sách các hội viên vừa được BCH Hội Nhà văn thông qua. 

Có lẽ điều tôi bất ngờ không phải là vì tôi được được kết nạp, mà là sự quan tâm, chúc mừng rất nồng nhiệt của bạn bè, đồng nghiệp. Tôi hiểu đó là sự ưu ái dành riêng cho tôi, nhưng đồng thời, sự quan tâm đó cũng nói lên rằng, mọi người đã rất quan tâm đến công tác kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, thậm chí được quan tâm hàng đầu, không kém gì kết quả xét giải thưởng hàng năm của Hội. 

Tôi cho rằng, sự quan tâm của những người làm nghề và một bộ phận công chúng đối với việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn, ở chiều hướng tích cực cho thấy, danh hiệu "nhà văn" rất được xã hội coi trọng, và Hội Nhà văn có một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn chương nước nhà, đặc biệt là trong sự hướng tới của những người yêu văn chương.

Tất nhiên, là một người làm báo, cũng thuộc dạng "thạo tin", nên tôi hiểu rằng, đâu đó, xung quanh việc kết nạp hội viên lâu nay vẫn có những ì xèo. Và nhiều người cầm bút mà tôi gặp thường có hai thái độ ở hai thái cực đối nghịch, một là, là tỏ ra sùng bái danh hiệu "hội viên Hội Nhà văn", coi đó là tột đỉnh vinh quang, rằng có vào Hội thì mới trở thành nhà văn đích thực, chưa phải hội viên, tức là vẫn phải ngồi chiếu dưới. Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, vào Hội là hoàn toàn vì cái "danh hão", và một người viết cao ngạo phải... từ chối nộp đơn. Mỗi khi danh sách tân hội viên được công bố, sẽ xuất hiện nhiều lời "bình" theo hướng: như thế, như thế mà cũng được kết nạp à?

Tôi nghĩ rằng hai chiều hướng nhìn nhận trên là thái quá hoặc bất cập.Tôi nghĩ rằng, Hội Nhà văn cũng như các Hội chuyên ngành khác, trước hết là nơi "sinh hoạt nghề nghiệp" của những người làm nghề. Không nên xem, đó là một thứ đẳng cấp, mặc dù vào bất cứ một tổ chức xã hội nào cũng cần phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định.

Với quan điểm đó, tôi không xem việc trở thành hội viên Hội Nhà văn là một áp lực đối với bản thân mình, cả trong cuộc sống cũng như trong sáng tác. Khi viết đơn vào Hội, đơn giản tôi nghĩ rằng, mình muốn theo nghề viết một cách chuyên nghiệp và mình có đủ tự tin  để theo nó đến cùng. 
Những sáng tác của tôi gần đây, sau tâp Hoan ca, tôi tự thấy đi theo một chiều hướng mới, xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật với những gì tôi trải qua trong cuộc sống hàng ngày. Không còn những phép tu từ bóng bẩy, không còn những lối ẩn dụ, hoa mỹ, tôi muốn mỗi bài thơ là một sự bộc lộ đến tột cùng cảm giác về sự tồn tại của chính mình trong cuộc sống thật. 

Về đội ngũ nhà văn trẻ, tôi hiếm thấy ở đâu, những người viết trẻ được đặt nhiều kỳ vọng như ở Hội Nhà văn, cứ 3 hoặc 5 năm có một Hội nghị những người viết văn trẻ. Bản thân tôi cũng được tham gia 3 kỳ Hội nghị như thế. Lần nào được chứng kiến các "nhà văn già" chăm lo  các "đại biểu trẻ", tôi cũng có cảm giác áy náy như thể mình chẳng làm gì mà lại được đặt nhiều hy vọng thế.  Tôi nghĩ, số hội viên trẻ của Hội, dù ít hay nhiều, cũng không phải là điều quan trọng lắm khi Hội đã làm hết sức mình vì các sáng tác trẻ. Chính những người trẻ sẽ có sự lựa chọn của mình. Tất nhiên, vào Hội không phải là con đường duy nhất của nhiều người cầm bút trẻ hiện nay, song, nếu họ vẫn đam mê sáng tác, thì tất cả vẫn gặp nhau trên “mặt trận văn chương".

Sự quan tâm của những người làm nghề và một bộ phận công chúng đối với việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn, ở chiều hướng tích cực cho thấy, danh hiệu "nhà văn" rất được xã hội coi trọng, và Hội Nhà văn có một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn chương nước nhà, đặc biệt là trong sự hướng tới của những người yêu văn chương.

Tác giả: Đỗ Doãn Phương

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

 Từ khóa: đỗ doãn phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây