DiLi làm phép thử văn chương với mạng xã hội

Thứ hai - 18/03/2013 10:46 5.275 0
Buổi họp báo ra mắt Adam và Eva chỉ mời chủ nhân các trang mạng xã hội tham dự, theo nhà văn DiLi, là để thử hiệu ứng lan tỏa nhanh và rộng của cộng đồng này.

Chiều 13/3, DiLi tổ chức ra mắt sách mới trong không gian một quán cà phê ấm cúng ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên có một buổi họp báo giới thiệu sách chỉ dành cho những người sở hữu ít nhất một tài khoản trên mạng xã hội hoặc trang web cá nhân có lượng truy cập đông đảo. Khách mời có cả những nhà văn, nhà báo đồng thời là blogger, facebooker nổi tiếng như Nguyễn Trọng Tạo, MC Thảo Vân, nhà văn An Hạ, nhà báo Trương Anh Ngọc...

- Từ đâu mà chị có ý tưởng tổ chức một buổi ra mắt sách chỉ dành cho cộng đồng mạng xã hội - các blogger, những người tham gia facebook…?

- Trong khi tôi đang ngồi nói ở đây, thì có thể chính các bạn trong phòng này đã "check-in" để thông báo với bạn bè rằng mình đang tham dự buổi ra mắt sách Adam và Eva của DiLi. Ngay lập tức rất nhiều bạn của các bạn chia sẻ đi thông tin đó. Như vậy, chỉ trong vài giây, cuốn sách của tôi đã được nhiều người biết tới, nhanh hơn cả kênh thông dụng nhất là báo chí.

- Chị nghĩ sao về khả năng cuốn sách của mình sẽ bán chạy hơn nhờ hiệu ứng của mạng xã hội?

- Thực chất, buổi ra mắt “Adam & Eva” dành cho cộng đồng mạng xã hội không nhằm mục đích chính là quảng cáo mạnh cho cuốn sách, mà chỉ là phép thử của tôi về hình thức quảng bá này. Và tôi lấy cuốn sách của mình ra làm "chuột bạch" để đo xem mức độ lan tỏa của mạng xã hội so với báo chí như thế nào. Cuốn sách khi ra đời đã nhận được sự ưu ái của báo chí nhưng tôi tò mò liệu trên cộng đồng mạng nó được đón nhận ra sao.

Tôi cũng là người giảng dạy về PR nên đây sẽ là một ví dụ sinh động để tôi đưa vào bài giảng hay làm tài liệu cho sinh viên. Ngoài ra, tôi vốn ưa thích khám phá những cái mới, đây cũng là ý tưởng chưa có ai làm nên tôi muốn thử xem hiệu ứng của hình thức này như thế nào. Theo tôi, việc sử dụng mạng xã hội để quảng bá sẽ là một xu hướng mới trong lĩnh vực phát triển truyền thông và thương mại, song hành với xu hướng sách điện tử bây giờ.

- Tiếp cận mặt mạnh của mạng xã hội, chị đã nghiên cứu tới mặt thứ hai của vấn đề như thế nào?

- Thú thực tôi chưa sử dụng Facebook. Bạn tôi bảo nếu lập Facebook, sách của tôi sẽ bán chạy hơn nhiều lần vì nó được quảng bá nhanh và rộng. Nhưng tôi biết mình được cái này sẽ mất cái khác. Bạn sẽ phải “ăn mạng”, “ngủ mạng” mà tôi thì luôn không đủ quỹ thời gian. Ngoài ra, mạng xã hội đôi khi là con dao hai lưỡi. Bạn có thể phải rất cân nhắc khi đứng phát biểu trước khoảng 50 nghìn người, nhưng trên Facebook thì có thể nói một cách vô tư thoải mái. Đôi khi ngồi trước “màn hình chữ nhật” vô tri, bạn quên mất rằng nhất cử nhất động của mình đều được mọi người theo dõi, nhận xét, bình luận. Đặc biệt là người nổi tiếng, phát ngôn của họ có sức ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều người nên càng dễ bị săm soi. Mà nếu cứ phải kiểm soát mình thì mệt lắm!

Bên cạnh đó cũng có mặt tích cực. Những người tham gia mạng xã hội là những người cân đối được giữa cái được và cái mất.

18-DILI-CUOI-JPG-1363244941_500x0.jpg
Nhà văn DiLi tại buổi họp báo ra mắt "Adam và Eva".

- Xuất phát từ đâu chị có ý định viết về mối quan hệ giữa Adam (người nam) và Eva (người nữ)?

- Thực sự trước đây tôi chưa hề đề cập tới chủ đề nam - nữ, hôn nhân - gia đình hay tình yêu trong các tác phẩm của mình. Việc đặt bút viết có lẽ bởi mình đã đủ quan sát, trải nghiệm, đặc biệt là vốn sống gia đình. Có những điều mà khi còn trẻ và chưa kết hôn mình chưa hiểu cũng như phải rất lâu mới hiểu về đàn ông. Trong cuốn sách của tôi, anh Lê Hoàng (đạo diễn Lê Hoàng) viết: “Phụ nữ không bao giờ hiểu hết đàn ông”. Tôi cũng nghĩ như thế và ngược lại, đàn ông cũng không hiểu hết được phụ nữ. Đó là điều hấp dẫn nhất để hai giới đến với nhau.

- Từng có nhiều người lựa chọn chủ đề đàn ông - đàn bà muôn thuở này để viết sách. Vậy theo chị, nét khác biệt của “Adam và Eva” là gì?

- Tôi đưa ra nhiều phê phán trong sách. Tuy nhiên, như mọi người vẫn thường nhận xét về cách viết văn và viết báo của tôi: Dù phê phán cũng không bao giờ cay nghiệt. Để nhận xét hay góp ý cho ai đó mang tính xây dựng thì nên biến khuyết điểm của họ thành câu chuyện hài hước, nghiêm túc nhưng không chế nhạo. Và khi tất cả đều cười xòa thì câu chuyện sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Ngược lại, nếu ta đặt vấn đề quá cay nghiệt và có ác ý, người đọc sẽ cảm thấy khó chịu. Ở “Adam và Eva”, đàn ông mắc lỗi, phụ nữ cũng có những cái sai. Tất cả đều được tôi giải quyết bằng lối viết hài hước. Đây có lẽ cũng là một trong những phong cách chủ đạo mà tôi sử dụng trong việc sáng tác của mình.

- Cuốn sách của chị là rất nhiều câu chuyện từ góc nhìn của phụ nữ về thế giới đàn ông với những điều ghi nhận trong cuộc sống thường nhật, vậy chồng chị - người đàn ông ngoài đời thực của DiLi - góp mặt bao nhiêu phần trong cuốn sách này?

- Trong này có hẳn một câu chuyện viết về “ông ấy” đấy! (cười). “Thế giới không đàn ông” chẳng hạn - câu chuyện nói về một ông chồng sống giữa cả một quần thể phụ nữ. Nhìn chung, có rất nhiều người xung quanh - bố tôi, những người bạn trai cùng lớp, những đồng nghiệp nam và cả thế giới đàn ông xuất hiện trong cuốn sách. Càng theo thời gian mình càng có đủ sự dày dặn, quan sát cuộc sống để mà chiêm nghiệm. “Adam và Eva” là những chiêm nghiệm của tôi về lối sống của người nam và người nữ, bằng cách lấy tiếng cười để khỏa lấp những gì khiến cho người khác khó chịu từ hai phía.

- Đề cập tới khá nhiều vấn đề trong bối cảnh đời sống hiện đại như đàn ông chọn vợ “đẹp đần hay khôn xấu”, “nhan sắc hay trí tuệ hay giàu có”, “cưới lần hai”… với quan niệm khá mới mẻ và “Tây”, vậy những người phụ nữ truyền thống trong gia đình, như mẹ chị chẳng hạn, nhận xét thế nào về cuốn sách?

- Thực ra tôi ít khi đưa tác phẩm của mình cho người thân đọc vì đôi khi “bụt chùa nhà không thiêng” - hứng thú của họ với tác phẩm của mình giảm và những lời nhận xét cũng có phần thiên vị. Giống như mẹ tôi luôn khen tôi viết hay vậy (cười). Trong cuốn sách này cũng có những quan điểm không phải người nào trong gia đình tôi cũng hài lòng. Tôi không nhận những quan điểm đó là tiến bộ nhưng nó khác biệt. Tôi nghĩ rằng đó là cá tính của mình, không thay đổi được, miễn sao khi mình nói ra không khiến mọi người khó chịu.

28-TOAN-CANH-2-JPG-1363244941_500x0.jpg
Đông đảo cư dân mạng trong buổi ra mắt sách.

- Trong buổi họp báo ra mắt “Adam và Eva”, những người dùng mạng trẻ trung đã cho thấy tính tương tác rất cao giữa độc giả với những vấn đề DiLi đưa ra trong tác phẩm. Bằng chứng là có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng phản biện và góp ý. Chị nghĩ sao về việc dùng những ý tưởng của họ để viết tiếp cuốn sách của mình hay không?

- Có thể tôi sẽ viết tiếp chủ đề này nếu mỗi ngày tôi lại tích lũy thêm được nhiều vốn sống. Khi đó biết đâu tôi lại phản biện chính mình thì sao. Nhưng chắc là rất lâu nữa tôi mới trở lại chủ đề này. Mặc dù đã xuất bản đến nay là 13 cuốn sách nhưng mỗi cuốn đều có một đề tài, thể loại khác nhau. Tôi thích thử những cái khác, cái mới bởi mỗi lần như thế lại mang về cho mình nhiều trải nghiệm.

- Sau “Adam và Eva” chị đã có dự định viết cuốn sách nào khác?

- Tôi đang viết một cuốn sách kỹ năng sống liên quan tới PR. Có nghĩa là PR sẽ dành cho con người trong cuộc sống hàng ngày chứ không chỉ dành cho các doanh nghiệp như người ta vẫn nghĩ. Bây giờ gần như 100% hiểu nhầm về PR. Tôi sẽ viết một cách dễ hiểu, có thể bằng giọng điệu hài hước và nó như một cuốn sách thường thức mà ai đọc cũng hiểu được. Và nếu như sách kỹ năng sống trước đây chỉ toàn người nước ngoài viết, tôi muốn thử sức để cho thấy người Việt mình cũng có thể viết về lĩnh vực này.

Hà An
Ảnh: Đạt Ma

Nguồn tin: VnExpress

 Từ khóa: mạng xã hội, dili

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây