Nhà văn Trầm Hương tâm sự về 30 năm trong nghề cầm bút

Thứ sáu - 15/02/2013 01:44 4.978 0
Không an phận là một kỹ sư nông nghiệp tại một vùng quê nghèo, Trầm Hương ra đi tìm tiếng nói cho những nhân vật lịch sử. Để rồi hôm nay, trên bước đường thiên lý, chị tìm được nhiều điều mới mẻ, cất lên tiếng nói cho những người anh hùng dũng cảm hi sinh trong hai cuộc kháng chiến hào hùng.
Nhà văn Trầm Hương
Nhà văn Trầm Hương
Khó khăn không chùn bước

Độc giả biết đến Trầm Hương từ tiểu thuyết Người đẹp Tây Đô nửa đầu thập niên 1990. Tên tuổi của chị gắn với những tác phẩm văn học lẫn điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng. Gần 30 năm theo đuổi đề tài này, bước chân của chị đã dọc ngang khắp đất nước, tìm gặp những bà mẹ, người phụ nữ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ đất nước. Để chính chị cũng phải bất ngờ với những khám phá mới mà mình được biết.

Nghiệp văn chương đến với Trầm Hương là một quá trình tích tụ, ấp ủ, cùng với năng khiếu và niềm đam mê cháy bỏng từ nhỏ. Hỏi Trầm Hương đến với văn chương từ động lực nào, chị cho biết: "Tôi xuất thân từ vùng quê nông thôn nghèo nhưng cuộc sống bình dị, yên vui, những ký ức tuổi thơ như luôn vây lấy con người và cuộc sống của tôi. Quê hương tôi là những chuỗi ngày rong ruổi, đùa nghịch trên những cánh đồng lúa xanh tươi. Tuổi thơ tôi còn gắn liền với nhiều quyển sách mà tôi may mắn được đọc và nghe đọc. Những câu chuyện trong sách vở đó, tôi đem liên hệ với thực tế. Những bài văn tôi làm ở lớp luôn được chú ý, mà như cô giáo nói đó là văn lạ. Tôi đam mê văn chương từ dạo ấy".

Yêu văn chương thôi chưa đủ, chị còn viết bằng cả trái tim. Chị chọn cho mình một ngã rẽ, mà ở đó, chị biết là lắm chông gai. Trong gia đình, chị vừa là mẹ, lại vừa là cha. Cuộc đời không dành tặng cho chị một gia đình trọn vẹn, nhưng lại ban cho chị những đứa con ngoan. Để có được ngày hôm nay, chị đã phải đánh đổi, chị làm theo lý trí, chọn cho mình một con đường riêng ít người phụ nữ nào dám làm. Chị yêu thương những đứa con do mình sinh ra với đầy đủ ý thức, giúp chúng lớn lên một cách đàng hoàng và đầy kiêu hãnh.

Để có tác phẩm, người viết phải ra đi, tranh thủ ngày nghỉ ở cơ quan, bỏ con cái, nhưng gánh nặng của Trầm Hương không chỉ ở đó mà là ở sự cô đơn trong hướng sáng tác. Chị tâm sự: "Sáng tạo là cô đơn, có những việc tôi làm không một ai động viên, ủng hộ, có những kịch bản phim không được sản xuất, điều đó chẳng nghĩa lý gì, bởi sau đó chính tôi lại vực tôi dậy, mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn. Người ta cần biết luôn hoàn thiện mình, vì thế tôi lao vào viết, không chỉ văn chương, tôi viết cả kịch bản... nói chung tôi làm tất cả những việc liên quan đến chữ nghĩa. Công việc chiếm của chị hầu như hết thời gian, có những đêm thức trắng để làm việc. Chị mong mình là người phụ nữ bình thường như những người phụ nữ khác nhưng chị lại phải làm dương nữ. Sự vất vả và cô đơn ấy không quật ngã được con người mạnh mẽ trong chị, bởi chị ý thức rằng, mình không chỉ xây nhà mà còn xây tổ ấm.

Vất vả là thế, vậy mà Trầm Hương vẫn đều đều được xuất bản sách, kịch bản phim lần lượt ra đời. Chị còn tranh thủ đi học để bổ sung thêm cho mình hai bằng cấp khác: Cử nhân điện ảnh, Thạc sĩ báo chí. Hỏi chị có lúc nào chị nghĩ mình sẽ ngừng đi, ngừng viết, chị nói: "Tôi hạnh phúc khi được làm cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, trong quá trình đi tìm niềm hạnh phúc đó, tôi đã gặp nhiều con người bình thường từng làm nên những việc phi thường trong chiến đấu. Chính cuộc đời anh hùng của các nhân vật đã động viên, an ủi tôi, giúp tôi có thêm nghị lực để nhận ra rằng mình còn may mắn hơn nhiều cảnh đời khác".

Viết như một sứ mệnh

Từ bỏ nghề kỹ sư nông nghiệp để theo đuổi giấc mộng văn chương, Trầm Hương giã từ vùng đất mẹ đi ra Vũng Tàu. Kể từ đây, cuộc đời chị phải trải qua muôn vàn khó khăn, từ thiếu thốn về vật chất, đến không trọn vẹn trong tình yêu. Phải có một nghị lực, một bản lĩnh vượt qua chính mình, Trầm Hương mới có thể bình thản nói về nỗi đau của mình như thế. Đồng nghiệp ai cũng biết, chị từng một mình đơn lẻ chống chèo với số phận nghiệt ngã, chị đã từng gồng mình lên để sống, để viết và viết. Chị viết để quên đi nỗi buồn, đến nỗi trong tác phẩm của chị vẫn thấp thoáng đâu đó một phần số phận của cuộc đời chị. Là người phụ nữ như bao phụ nữ khác, chị cũng biết yêu thương, tha thứ, có khi có cả hận thù, trách móc, hờn ghen. Nhưng chị luôn ý thức rằng mình phải có trách nhiệm với những gì mình tạo ra. Để đáp ứng cho những sinh hoạt hàng ngày, khi sinh con chưa đầy hai mươi ngày, chị lại phải cầm bút, gõ trên chiếc máy chữ cọc cạch, máu bật túa ra từ 10 đầu ngón tay. Chị nghe đau đớn mà cũng đầy kiêu hãnh vì được làm đàn bà, được dấn thân, hy sinh và chịu đựng. Cứ thế chị chỉ biết viết, như một sứ mệnh chỉ dành cho riêng mình".

Nhà văn Trầm Hương chia sẻ: "Những ngày còn làm kỹ sư nông nghiệp, chân lội ruộng nhưng trong suy nghĩ của chị luôn ấp ủ giấc mộng văn chương. Tại cái vùng quê nghèo ấy, những người nông dân nghèo khổ phải chịu nhiều bất công, phải đóng nhiều khoản chi phí, bị gò mình vào một khuôn mẫu chật chội. Họ quá nhỏ nhoi, cam chịu trước những trói buộc bất hợp lý trong các hợp đồng sản xuất, trước thái độ quan liêu, cửa quyền của cán bộ địa phương. Lúc đó, tôi đã nhận ra rằng, người nông dân cần mình nói thay cho họ hơn cả là làm cho họ. Sau này, trong tác phẩm đầu tay Thị trấn không đèn, chị đã gửi hết suy nghĩ mà bấy lâu chị vẫn thường ấp ủ. Chị bảo, chị viết tác phẩm này để tri ân cánh đồng mẹ, dòng sông mẹ với những người nông dân chất phát nhưng mạnh mẽ. Tác phẩm đầu tay này đã mở đầu cho hàng loạt tác phẩm mà đề tài chủ yếu là những người mẹ, người chị đã hi sinh xương máu mình cho hạnh phúc của thế hệ mai sau.

Và lịch sử đã chọn chị để cất lên tiếng nói. Trong một lần từ Vũng Tàu lên Sài Gòn nhận nhuận bút, chị được giới thiệu đến gặp bà Bảy Huệ, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ, bởi nghe đâu bà đang muốn tìm một cây bút nữ gốc Bến Tre để viết về truyền thống phụ nữ Nam Bộ. Trầm Hương chuyển về công tác tại bảo tàng từ cái duyên ấy, cái nơi mà như chị đã từng nói là tư liệu có thể sử dụng cả đời cũng không hết. Chị không đành lòng để những nữ anh hùng, những hiện vật bị giam cầm trong tủ kính, chị đã đi tìm, dựng lại những chân dung phụ nữ anh hùng trong chiến tranh. Cũng chính môi trường làm việc này đã cổ vũ chị, giúp chị đi và viết, gợi dậy rất nhiều những số phận anh hùng bị quá khứ lãng quên.

Gần 30 năm trong nghề cầm bút, chị tự hào rằng mình đã góp một phần mang lại hạnh phúc cho những nhân vật thầm lặng, từng góp phần làm nên lịch sử, dù là nhỏ nhoi. Những tác phẩm của chị được đông đảo bạn đọc biết đến và qua cầu nối của những tấm lòng mà bao nấm mồ bị vùi lấp được cải táng đưa về nghĩa trang. Bao cảnh đời bất hạnh của những anh hùng liệt sĩ, những người mẹ, người chị hi sinh cả đời cho kháng chiến, sau hòa bình vẫn sống nghèo khổ. Nhờ những phát hiện, qua ngòi bút của chị. Bao cảnh đời bất hạnh của những anh hùng liệt sĩ, những người me, người chị hy sinh cả cuộc đời cho kháng chiến, sau hòa bình, vẫn sống nghèo khổ, nhờ những phát hiện, qua ngòi bút của chị, được công chúng biết đến, chia sẻ. Còn rất nhiều những cảnh đời khác nữa, nhờ ngòi bút Trầm Hương, họ được xã hội chung tay góp sức như một cách trả nợ của con cháu đời sau cho những bậc tiền bối.

Nhà văn Trầm Hương có tên khai sinh là Bùi Thị Thủy, sinh ngày 24/3/1963, là ái nữ thứ bảy trong gia đình có mười người con của thầy giáo làng ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Chị tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, cử nhân điện ảnh, thạc sĩ báo chí. Hiện chị là trưởng phòng tuyên truyền của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ở TP.Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà Báo Việt Nam. Trầm Hương có đến 5 công trình lịch sử, cùng hàng chục truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch bản phim truyện, kịch bản phim tài liệu. Những trang viết bằng cả trái tim của chị như gõ vào tiềm thức bao thế hệ bạn đọc. Vì thế, chị được vinh danh với hơn chục giải thưởng văn chương cho nhữngcố gắng không biết mệt mỏi của mình.

Tác giả: Công Thư

Nguồn tin: Người Đưa Tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây