Dịch giả Nguyễn Bình: ‘Tôi không muốn đứng một mình như một người trẻ’

Thứ bảy - 09/04/2022 16:41 975 0
Tôi không muốn đứng một mình như một người trẻ với một niềm đam mê lịch sử, văn học và “Truyện Kiều”. Tôi muốn những người khác cũng đứng cạnh mình’, dịch giả Nguyễn Bình.
Dịch giả Nguyễn Bình
Dịch giả Nguyễn Bình

Cách đây 10 năm vào lúc 10 tuổi, sau khi ra mắt bộ truyện giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom, Nguyễn Bình đã có cuộc trả lời phỏng vấn với nhan đề “Thần đồng là thằng đần”.

10 năm sau, đang du học ở nước ngoài, Nguyễn Bình trở lại với bạn đọc trong tư cách dịch giả qua bản dịch Truyện Kiều – The Tale of Kiều (Sách song ngữ, NXB Hội Nhà văn, 2021). Với tác phẩm – bản dịch này, Nguyễn Bình đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải Văn học Trẻ lần thứ nhất năm 2021.

* Nhận tin vui từ Mỹ khi đoạt giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ nhất năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam, cảm xúc của bạn thế nào?

– Khi nghe tin mình được trao Giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn lại còn là giải thưởng lần đầu tiên, tôi không khỏi ngạc nhiên và tự hào. Dịch Kiều là dự án hai năm trời vừa rồi nên giờ tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng, bởi công sức đó cũng đã được ít nhiều công nhận.

* Truyện Kiều đã quá nổi tiếng với độc giả trong và ngoài nước, là di sản quý báu trong văn hóa Việt Nam. Với một dịch giả tuổi 20, việc thực hiện việc chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ này sang tiếng Anh là một quyết định cực kỳ “liều”. Vì đi kèm với khả năng về ngôn ngữ, còn là chiều sâu văn hóa mà một dịch giả phải có để đem lại một bản dịch thấu đáo, thuyết phục được người đọc.

* Tôi muốn biết nhiều hơn những cơn cớ sâu xa khiến Nguyễn Bình hoàn thành một dự án “liều lĩnh” như vậy?

– Để hiểu được các cơn cớ đó, tôi nghĩ phải lội ngược dòng thời gian để xem ý tưởng dịch đã phát triển thế nào. Tôi nảy ra ý tưởng đó vào cuối 2018, khi đọc xong bản dịch sử thi Aeneis sang thể thơ anh hùng song cú (heroic couplet) của tiếng Anh. Tôi thích cách dịch giả John Dryden nhào nặn con chữ và nhịp thơ để tạo ra một bản dịch hơi khác so với bản gốc nhưng vẫn nguyên vẹn cái âm hưởng anh hùng ca. Hồi đó tôi đã nghĩ: “Giá mình dịch được cái gì sang tiếng Anh thế này nhỉ? Nhưng nếu mình nhớ không nhầm thì người Kinh – chính xác hơn là người Việt – làm gì có sử thi kiểu này?”.

Tôi nghĩ đến Truyện Kiều, một tác phẩm mà hồi đó tôi mới bắt đầu hết ghét nhưng cũng hãi lắm. Kiều không phải là sử thi mà là truyện thơ, song theo cách nói của thế hệ tôi (dùng từ “thế hệ tôi” làm tôi thấy mình già đi trăm tuổi!), Kiều vẫn “cao siêu” lắm. Làm sao một đứa như tôi dám dịch sang thơ tiếng Anh? Cuối cùng, tôi chỉ làm một cuộc thử nghiệm nho nhỏ: Tôi dịch Chinh phụ ngâm khúc từ bản Nôm của Đoàn Thị Điểm sang anh hùng song cú tiếng Anh, nhưng chẳng vui lắm vì bản dịch lủng củng.

Đến hè 2019, tôi nghe tin một nhà xuất bản bên Mỹ sẽ xuất bản bản dịch Kiều sang tiếng Anh của một người Anh, một kẻ “dịch Kiều trong khi học tiếng Việt”. Một người Việt chưa đọc Kiều cũng đủ hiểu làm như thế ngốc nghếch và thiếu độ chính xác thế nào. Và khi những người bạn yêu văn học cùng tôi xem trích dẫn từ bản dịch của tay này, cả lũ đều nổi khùng lên: “Sao lão da trắng đó dám cả gan biến Kiều thành một thứ xấu xí thế này khi mà gã còn chả sõi tiếng Việt và hiểu sai cả tiếng Việt lẫn văn hóa Việt?”.

Ý tưởng dịch Kiều mấy tháng trước lại quay trở lại và tôi cũng thử đọc qua bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông để xem những người đi trước đã đối phó với công việc dịch thuật thế nào. Ông Huỳnh Sanh Thông dịch sang nhịp thơ iambic pentameter nhưng không vần, khác với hướng dịch của tôi là anh hùng song cú, tức là theo nhịp iambic pentameter nhưng có vần. Tôi thấy ông ấy uyên bác quá, mình làm sao sánh bằng! Nhưng tôi vẫn nghĩ đến Dryden, đến Aeneis và hè năm ấy, hai câu đầu bản dịch Kiều tự nảy ra trong đầu tôi: “A hundred years alive in Man’s demesne/‘tween Fate and Talent, hatred seems to reign”.

Tôi chẳng định làm gì thêm cả, chỉ hai câu đầu vậy thôi. Thế rồi trước khi bay sang Mỹ, tôi có cuốc bộ ra hiệu sách Nhã Nam gần nhà, mua tạm một bản Kiều vì muốn có sách giấy tiếng Việt để cầm đi xa. Sang Mỹ, lạ nước lạ cái, tự dưng tôi lại ngấu nghiến đọc một lần nữa. Vậy là khát vọng dịch Kiều lại trở về, không phải để thử nghiệm xem mình có bắt chước được Dryden không, càng không phải để vượt lên trên kẻ dám ngạo nghễ dịch dù chỉ bập bẹ tiếng Việt mà để gửi gắm tâm tư tình cảm và để có được bên cạnh mình một sự đại diện của quê nhà.

Vậy là tôi bắt đầu dịch Kiều, thâu đêm suốt sáng. Giờ giải lao cũng mở máy ra dịch, lên tàu điện đi mua thức ăn cũng ngồi nhẩm nhịp iambic pentameter. Tự dưng, việc lạ thành quen, việc khó thành ít khó. Kiều và việc dịch Kiều trở thành bạn đồng hành của tôi, trở thành chủ đề tâm sự của tôi với các bạn nói tiếng Anh bên này. Tôi không chỉ dịch nữa, mà còn chú thích hàng trăm thứ, cốt để truyền tải được các khía cạnh phức tạp của Kiều tới độc giả của một ngôn ngữ khác.

* Nhà thơ, Giáo sư văn chương Bruce Weigl, một người rất quen thuộc với người yêu văn chương Việt Nam nhận xét về bản dịch Tiếng Anh ‘Truyện Kiều’ của Nguyễn Bình: “Cho phép tôi nhấn mạnh ở đây rằng bản dịch ‘Truyện Kiều’ mới đây của Nguyễn Bình đã khẳng định đó là bản dịch mang tính học thuật quan trọng nhất của tác phẩm này cho đến nay. Điều khác biệt giữa bản dịch của Nguyễn Bình với hầu hết các bản dịch khác là chiều sâu và bề rộng nghiên cứu của dịch giả, và quan trọng nhất, cho phép dịch giả đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử của tác phẩm này”. Nhận xét này có ý nghĩa như thế nào với bạn?

– Tôi lấy làm vinh dự nhưng không thấy tự tin lắm. Quả thật là trong gần 300 chú thích, tôi có đi sâu vào một số vấn đề mà tôi chưa thấy dịch giả nào thảo luận trước mình cả. Ví dụ như sự khác biệt về ngữ nghĩa của từ “cha” và các cụm Hán Việt chỉ người cha trong Kiều (một phát hiện của cụ Phan Ngọc chứ không phải của tôi). Một khi tôi chú thích về những chuyện nhỏ lẻ như thế, tôi nghĩ các chú thích sẽ trở thành công cụ đắc lực cho các học giả sau này, song để từ đó mà bảo rằng bản dịch của tôi có tính học thuật “quan trọng nhất” thì tôi thấy mình chưa xứng đáng lắm.

Tôi mừng và tự hào vì ông Bruce Weigl đã thừa nhận công cuộc nghiên cứu, tìm tòi và chú thích cho bản dịch, chứ không chỉ chú trọng tới phần giới thiệu hay lời thơ tôi dịch, song tôi nghĩ vẫn cần phải tìm hiểu sâu xa hơn thế để xứng đáng danh hiệu “bản dịch có tính học thuật quan trọng nhất”. Có thể bản dịch của tôi cũng có tính học thuật cao thật, chỉ là bản thân tôi đặt tiêu chuẩn cho mình còn cao hơn thế, nên phải là người ngoài mới đánh giá một cách khách quan. Làm văn, làm khoa học, làm nghiên cứu thế mà khó ghê!

* Bạn đã mất thời gian bao lâu để thực hiện dự án dịch thuật quan trọng này và khó khăn lớn nhất bạn gặp phải trong quá trình dịch ‘Truyện Kiều’ là gì?

Tôi mất 2 năm để thực hiện dự án này. Mỗi lần dịch cả văn bản chỉ mất vài tháng nhưng dịch xong, tôi chú thích, đọc lại, dịch lại, chú thích lại, làm cho bản dịch ngày nay tầng tầng lớp lớp những trầm tích, những hóa thạch của các bản dịch trước. Sau mấy lần dịch lại như thế, thứ duy nhất còn nguyên vẹn là hai câu đầu mà tôi có nhắc đến ở trên, một phần cũng bởi tôi thấy hai câu ấy “đắt” quá.

Tôi kể quá trình dịch thuật như vậy để dẫn sang thứ mà tôi nghĩ là khó khăn lớn nhất, chính là việc cân bằng giữa các yếu tố của ngôn ngữ gốc và của ngôn ngữ đích đến. Lý do chính khiến tôi phải dịch đi dịch lại không phải chỉ là để tránh sự lủng củng, tránh sự tối nghĩa mà còn để đảm bảo rằng tôi cân bằng được những yếu tố nói trên, vừa khiến người Việt dễ nhận ra bản gốc trong bản dịch, vừa khiến người nói tiếng Anh dễ tiếp thu không chỉ là nội dung mà cả âm hưởng trung đại, cả chất bình dân mà tôi muốn sử dụng để họ biết bản gốc phức tạp và đa sắc màu như thế nào.

Một ví dụ mà tôi hay kể nhất có lẽ là câu Chém cha cái số hoa đào. Bởi cái lối nói “chém cha”, cụ thể hơn là việc sử dụng tên các thành viên trong gia đình như một tiếng chửi (“cha”, “mẹ”, “cụ”, “bà”…), là một thứ không thể tái hiện được trong các ngôn ngữ Ấn-Âu, ít nhất là các ngôn ngữ mà tôi quen thuộc.

Vậy phải làm thế nào để diễn tả rằng Thúy Kiều – một người vốn yêu gia đình, vốn ăn nói thanh tao – đến lúc bị bán vào lầu xanh lần nữa cũng phải buông tiếng chửi – không chỉ là tiếng chửi thông thường mà còn là tiếng chửi nhắc đến chính người cha mà nàng yêu quý, người mà nàng đã tự mình dấn thân vào cuộc sống khó khăn thế này để chuộc từ xiềng xích của hệ thống tư pháp? Nếu tôi dịch thẳng “chém cha” thành phiên bản tiếng Anh của “chém” và “cha” thì thật gượng gạo và nực cười. Nhưng dịch sang một tiếng chửi của tiếng Anh thì lại không diễn tả nổi sự quan trọng của cách chửi gốc. Đó chính là cuộc đấu đá không ngừng nghỉ giữa tiếng Anh và tiếng Việt trong bản dịch của tôi.

Cuối cùng, tôi buộc phải thiên vị tiếng Anh và hy sinh toàn bộ phần ý nghĩa gia đình có thể suy ra được từ “cha” trong “chém cha”. Tôi dịch cả câu dựa trên một cấu trúc, một lối chửi đã có trong tiếng Anh mấy trăm năm nay và nhấn vào cái nghiêm trọng, cái gay gắt của tiếng chửi bằng phép điệp âm (alliteration). “Chém cha cái số hoa đào” trở thành “Just fucking gut this peach-flower fate already”. Từ “gut” tôi mượn từ ca khúc Simmer của Hayley Williams; nó không có nghĩa là “chém” mà giống “mổ bụng” hơn, song nó cũng tạo cảm giác rợn người, và âm [g] của nó đọc lên cũng thực sự đay nghiến, thực sự gay gắt. (Hay tôi phải viết là gay gut nhỉ?).

* Xu thế hội nhập toàn cầu kéo theo nhiều nguy cơ trong đó nguy cơ lớn nhất là phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Là một người trẻ đang học tập ở nước ngoài, bạn nghĩ gì về câu chuyện giữ gìn và lan tỏa văn hóa truyền thống dân tộc?

Theo tôi, công cuộc ghi chép, nghiên cứu và giữ gìn văn hóa truyền thống của người Việt đã và đang được giới hàn lâm làm tốt. Và hiện nay trong quần chúng, chúng ta đang chứng kiến một sự trỗi dậy của tình yêu dành cho những thứ truyền thống, kể cả những thứ đã từng một thời chẳng còn được yêu thích nữa. Mới đây, tôi còn mua được một chiếc áo giao lĩnh theo kiểu thời Lê từ một trong nhiều cửa hàng chuyên may cổ phục Việt – một phong trào đang trên đà phát triển dạo gần đây.

Tôi tin rằng văn hóa truyền thống của người Việt vẫn còn đó, vẫn thẩm thấu vào lời ăn tiếng nói, vào cách đối nhân xử thế, vào cả những sách vở mà ta đọc, nên sẽ không thể tàn lụi nay mai được. Và nếu quần chúng có tình yêu dành cho những thứ đó thì văn hóa sẽ tiếp tục tồn tại. Tôi không coi xu thế hội nhập toàn cầu như một tiểu hành tinh Chicxulub đe dọa xóa sổ mọi thứ, mà như một thách thức từ môi trường, buộc người Việt và văn hóa Việt phải tìm đường thích nghi.

Chúng ta phải tự hỏi: Làm thế nào để bảo tồn ca trù khi gu âm nhạc của người trẻ ngày càng chuyển hướng theo các âm hưởng, các quy tắc âm nhạc Tây phương? Làm thế nào để bảo tồn tiếng Việt khi vị thế bá quyền văn hóa (cultural hegemony) của Hoa Kỳ đang áp đặt ngữ pháp Anh-Mỹ lên lời ăn tiếng nói của người trẻ Việt Nam? Chúng ta cần phải nỗ lực trả lời những câu hỏi như thế và đảm bảo rằng mình không đi sai đường. Có những nỗ lực mang danh nghĩa bảo tồn, giữ gìn văn hóa mà tôi cho là rỗng tuếch, là bỡn cợt với văn hóa chứ không phải là trân trọng nó. Đơn cử như việc người trẻ Hà Nội có điều kiện bỗng dưng bái vật hóa và lãng mạn hóa cuộc sống của những người Hà Nội nghèo hơn mình.

Bạn nói bạn yêu mến những người bán hàng rong và những người xe ôm nhưng bạn có yêu mến họ không, hay bạn chỉ dùng họ làm mẫu ảnh để nói những lời yêu thương sáo rỗng cho cả một thành phố trừu tượng nói chung? Chúng ta cần phải cố gắng ghi chép, cố gắng trân trọng và quan trọng nhất là cố gắng thấu hiểu mới bảo tồn được một văn hóa.

Đó là chuyện giữ gìn và bảo tồn. Tôi cũng lo về chuyện lan tỏa, vì đến tận ngày nay, gần như những gì cả thế giới biết về Việt Nam là những cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX. Không phải là những cuộc chiến ấy đã ở trong quá khứ và chẳng còn ảnh hưởng tới bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống nữa nhưng chỉ biết đến Việt Nam thông qua chúng là một thiếu sót trầm trọng.

Vì vậy, tôi nghĩ nếu ta muốn khắc họa một bức chân dung đầy đủ về lịch sử và văn hóa Việt, ta phải tự mình khiến cho phạm vi kiến thức mở rộng ra rất, rất nhiều. Khi dịch và chú thích Kiều, một trong các mục tiêu của tôi cũng là để mở rộng phạm vi ấy và giới thiệu cho độc giả tiếng Anh một nước Việt khác xa cái cảnh rừng rú nhiệt đới chằng chịt bẫy treo mà họ thường nghĩ đến. Hay khi viết một bài thơ bằng tiếng Anh để đọc ở lễ tốt nghiệp của Khoa Thiên văn học trường tôi, tôi không dùng từ “Milky Way” để chỉ thiên hà của con người chúng ta, mà dịch nguyên từ “sông Ngân” thành “Silver River”, rồi giải thích rằng đó là cách người Việt gọi dải Ngân Hà.

Điều tôi muốn nói ở đây không phải là mỗi người Việt cần phải dịch Kiều, cần phải gọi dải Ngân Hà theo cách Việt để quảng bá văn hóa Việt; ý của tôi là sự đại diện văn hóa chỉ trung thực và chính xác nếu nó đến từ chính người Việt. Không phải những người Việt đọc sách giáo khoa rồi nghĩ mình hiểu được cả thế giới Việt mà là những người Việt có kiến thức, đã say mê tìm đọc và nghiên cứu thứ họ muốn thảo luận từ bao lâu nay.

Và nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ bảo là họ không thiếu. Chỉ là nhiều người trong số họ vẫn còn rất trẻ, bằng hoặc hơn kém tôi vài tuổi và áp lực cuộc sống kèm theo sự thiếu công nhận, thiếu cơ hội dành cho họ khiến họ chẳng có chỗ nào mà đi mà đến. Tôi thấy mình may mắn vì công sức mình bỏ ra cũng đã được công nhận nhưng vẫn mong rằng nhiều người khác cũng sẽ được công nhận như mình. Tôi không muốn đứng một mình như một người trẻ với một niềm đam mê lịch sử, văn học và Truyện Kiều; tôi muốn những người khác cũng đứng cạnh mình vì chúng tôi không thiếu.

* Sau ‘Truyện Kiều’, bạn có dự định gì tiếp theo cho công việc dịch thuật?

Tôi cũng chưa chắc nữa. Tôi muốn dịch sang tiếng Anh các tác phẩm thuộc thể ngâm khúc như Chinh phụ ngâm khúc (cần dịch lại), Cung oán ngâm khúc, Ai tư vãn... nhưng hiện giờ, tôi có một dự án mà tôi thấy thú vị và hoành tráng hơn. Kể từ khi đọc bản dịch sử thi Aeneis của John Dryden, tôi đã mê mẩn Aeneis, đã nhớ như in phân cảnh chàng Aineias xuống địa ngục, gặp những người bạn đã mất và cố gắng ôm lấy hồn ma của cha mình.

Tuy nhiên, theo tôi được biết đến nay chúng ta vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh nào của sử thi này nên tôi sẽ noi gương các dịch giả như Đoàn Phú Tứ, Phan Ngọc… rồi thử dịch Aeneis thẳng từ ngôn ngữ gốc. Khi dịch, ngay cả dịch thành thơ, tôi muốn truyền tải và gợi lại được những ý tưởng của tác giả, cũng như là trao cho mình quyền lựa chọn xem nên thêm bớt cái gì so với bản gốc nên tôi buộc phải dịch Aeneis từ bản gốc bằng tiếng Latin chứ không thể thông qua bản trung gian được.

Khác với dự án Kiều, có lẽ dự án Aeneis sẽ mang tính thử nghiệm và tự do hơn, bởi như nhà thơ Matthew Arnold từng nói, những thính giả tự nhiên của các sử thi Hy Lạp – La Mã đều đã chết cả rồi, chẳng thể nào dịch sao cho bản dịch ảnh hưởng tới độc giả như bản gốc đã ảnh hưởng tới người ngày xưa được nữa. Tuy nhiên, tự do cũng phải trong khuôn khổ, bởi tôi không muốn đi quá xa khỏi bản gốc của Vergil.

Vì thế, trước mắt tôi sẽ tự học tiếng Latin, rồi tham khảo các sách vở viết về Aeneis tự bao đời nay, hệt như việc tôi học hỏi từ các cụ Đào Duy Anh, Phan Ngọc, Nguyễn Tài Cẩn… để dịch Kiều dạo trước. Làm thế xem ra cũng sẽ khó và mất thời gian nhưng không sao. Có đi thì phải có lại, tôi đã dịch một thi phẩm từ tiếng Việt cũng phải dịch một thi phẩm về tiếng Việt cho huề chứ!

Tác giả: Vũ Quỳnh Trang

Nguồn tin: VNN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây