Nhiều chỗ như ở quán Hai Cây Bàng bên quận 4, thực đơn của quán có hẳn một trang dành cho các món ăn có nấu với “đọt choại miền Tây” như: đọt choại luộc chấm mắm kho quẹt, đọt choại xào tép, xào thịt bò, đọt choại xào tỏi…
Anh bạn lấy vợ ở quận 4 kể, trước đây nhà vợ anh thỉnh thoảng cũng có món đọt choại, mua của một thanh niên đứng bán trên đường Đoàn Văn Bơ, gần chợ Xóm Chiếu. Hỏi sao có loại cây lạ vậy? Vợ anh này cho biết do gia đình có thời đi kinh tế mới ở Trảng Bàng vẫn thường hái rau choại luộc chấm tương ăn với cơm. Giờ về thành phố, thấy rau choại bán, bà má nhớ lại thời cơ khổ nên mua giúp.
Một chủ quán nhậu trên đường Cách mạng Tháng Tám cho biết, gần đây đọt choại được nhiều thực khách chuộng hơn rau muống sau khi có tin trồng rau muống với dầu nhớt. Mỗi ngày quán đặt người ta bỏ tận nơi khoảng 15 – 20kg, với giá 30.000 đồng/kg. Chỉ có điều choại chỉ ăn được phần đọt non, cong xoắn. Do đọt choại rất mau héo nên phải luộc chín trữ trong tủ lạnh. Đọt rau choại tròn to cỡ nửa đầu chiếc đũa, hơi nhớt như rau đay, mồng tơi, vị nhạt và mát. Người mới ăn lần đầu có cảm giác hơi đắng nhưng lâu có thể ghiền cái vị ngọt của nó. Một người sành ăn nhận xét: “Cái vị ngọt từ cọng choại xào thịt bò, tôi nghĩ chắc nước luộc phải ăn đứt nước luộc rau muống làm canh theo cách của dân miệt ngoài”.
Theo trung tâm Dữ liệu thực vật Việt Nam, dây choại là một chi thuộc họ dương xỉ Blechnacaeae, có nhiều trong các rừng Đông Nam Á. Còn theo Agriculture Canada Study, dây choại họ dương xỉ đầu violon là loại thực phẩm giúp chống oxy hoá, giàu béo Omega 3, Omega 6 và chất sắt. Loài cây này sống nhiều ở vùng đất bưng trũng, là loại dây leo, thân bò tới đâu thì bám rễ tới đó, nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh, đặc biệt rất thích nghi với vùng đất nhiễm phèn nhẹ.
Tìm hiểu thêm, biết có một chủ vựa tên Tài ở khu vực Cây Gõ. Anh Tài cho biết trước bán rau ở chợ nhưng nay chuyển hẳn sang bỏ mối rau choại và củ hũ dừa cho các nhà hàng. Hiện nay, anh này có nguồn cung cấp rau choại từ miền Tây khá lớn “mua bao nhiêu ký cũng có”! Anh Tài còn nói thêm, dân Sài Gòn mới biết dăm ba món chế biến từ choại chứ người Đồng Tháp còn nấu canh chua đọt choại với cá rô đồng, nhúng lẩu cá kèo hay lẩu mắm. Có lẽ sau lá rau cải trời, thì đọt choại là thứ thực phẩm nguyên thuỷ còn lại mà con người chỉ có thể khai thác chứ chưa trồng được.
Tác giả: Như Trần
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc