Bánh xèo, món ăn dân gian có từ lâu đời, hầu như địa phương nào ở Nam bộ cũng có. Cách thức làm thì giống nhau, chỉ khác ở chỗ chất lượng nguyên liệu chế biến. Bột bánh xèo Bạc Liêu được làm bằng gạo lúa mùa cũ, pha bột nghệ vàng với nước vừa phải, nên khi bánh chín sẽ khô, giòn. Nhân là tép bạc đất tươi sống cùng củ sắn và càrốt xắt nhuyễn hoặc giá sống. Rau ăn kèm rất đa dạng và quen thuộc như cải xanh, xàlách, dấp cá, húng lũi, quế, húng cây. Đặc biệt có thêm một số rau vườn như đọt sộp, đọt bằng lăng, đọt điều, lá xoài non, lá cách, đọt cóc…
Có một số nơi làm nhân bằng đậu xanh hột nấu chín, thịt vịt bằm nhuyễn xào, ruột sò, hến hoặc đầu râu mực non. Nhưng ngon nhất vẫn là tép bạc đất, xứ Bạc Liêu có nhiều loại thuỷ sản này. Nước chấm thì chọn mắm ngon, pha nước dừa tươi, chanh, giấm, đường cát, bột ngọt, tỏi đâm và ít sợi củ cải, càrốt xắt sợi.
Chảo gang trẹt đặt trên bếp với lửa vừa phải cho nóng rồi tráng sơ lớp mỡ heo bằng cọ chuối. Múc vá bột đổ ập vô chảo thật nhanh, cầm chảo nghiêng tráng đều để định hình cái bánh, sau đó cho tép, nhân phụ lên mặt bánh, đậy nắp vung lại và điều tiết lửa thật đều. Các động tác này thật khéo và phải làm liên tục, nhịp nhàng trong một thời gian rất ngắn cho bánh và nhân chín đều cùng lúc. Khi bánh chín, dùng sạn xúc, gấp đôi cái bánh lại hình bán nguyệt.
Bánh xèo nóng dọn ra với rau sống, nước mắm thấm. Và thực khách phải dùng tay ăn bốc mới đúng điệu. Bánh giòn, tép thơm ngọt, rau tươi sống các loại cùng với nước chấm ngon sẽ làm bạn khoái khẩu trong một bữa ăn dã ngoại. Bánh xèo Giồng Nhãn Bạc Liêu dân dã nhưng rất nổi tiếng của vùng đất cuối phương Nam này.
Tác giả: Đặng Hoàng Thám
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc