Nhà văn, dịch giả Vũ Phong Tạo
Nhà văn, dịch giả Vũ Phong Tạo: Khi được tin mình trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, kể từ ngày 22/12/ 2012, tôi thực sự vui mừng. Bởi vì:
Một là từ nay tôi đã được hoạt động nghề nghiệp văn chương, với tư cách là thành viên trong một ngôi nhà chung, một tổ chức chính trị nghề nghiệp có truyền thống vẻ vang trên 55 năm phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, có điều kiện thuận lợi hơn để phát huy khả năng văn chương của mình.
Hai là tôi đã kiên trì phấn đấu và đến nay bước đầu trả được món nợ văn chương “dĩ văn vi hữu” của hai nhà văn dịch giả khả kính đã giới thiệu tôi gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam: Hoàng Thuý Toàn và Ông Văn Tùng. Hai ông đã khuyến khích tôi tự tin làm Đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, từ ngày 8 tháng 7 năm 2002, với tư cách dịch giả khi tôi đã dịch và được xuất bản 7 đầu sách văn hoá, văn học Trung Quốc; Được in sơ yếu lý lịch văn học trong sách “Những người dịch văn học Việt Nam” do Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâmVăn hoá ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2002.
Ba là kỷ niệm sâu sắc gắn liền với con số 2 mang dấu ấn riêng tư đối với cá nhân: Tôi làm đơn năm 2002; Được kết nạp đúng vào ngày 22 tháng 12 năm 2012; Khi tôi là một chiến sĩ làm báo viết văn chính hiệu, đã tròn 72 tuổi vừa bước sang tuổi 73 (tôi sinh ngày 30-10-1940, tại Quê Tổ ca trù Lỗ Khê, thuộc vùng Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).
Nhà văn Đào Bá Đoàn: Hơn nửa thế kỷ qua các nhà văn lớn của Việt Nam đều ở trong Hội Nhà văn, nay tôi được “cùng nhà” với họ là một niềm vinh hạnh lớn.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Đó là một tin khá bất ngờ đối với tôi, bởi lẽ, số người làm văn, thơ có nguyện vọng và đơn xin vào Hội chắc chắn là rất nhiều, và tôi cũng biết có những tác giả đã phải "xếp hàng" từ khá lâu. Vì thế, khi làm đơn, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn "tâm lý" là phải chờ đợi qua vài ba kỳ xem xét, thậm chí lâu hơn nữa. Việc tôi được xem xét kết nạp ngay trong năm nay, tôi tin rằng cũng có một sự ưu ái nào đó dành cho mình nói riêng và cho những tác giả trẻ nói chung, mặc dù tôi thực sự cũng không còn trẻ lắm nữa (hôm qua, 24/12 tôi vừa tròn 36 tuổi). Một bất ngờ nữa, là ngay trong buổi chiều thứ Bảy vừa rồi, khi có kết quả, tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân... Sự thực là mọi người khá quan tâm đến danh sách các hội viên mới của Hội Nhà văn và như thế rõ ràng là một vinh dự đối với những người mới được kết nạp như tôi.
Nhà văn Lại Văn Long
Nhà văn Lại Văn Long: Ngày 22/12/2012 tôi lại càng hạnh phúc khi biết mình đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu tính từ mơ ước nhen nhóm ở lớp 12, sau 30 năm nỗ lực và gặp nhiều may mắn, được nhiều người giúp đỡ, và qua mấy ngày hồi hộp theo dõi, tôi mới đạt được ước mơ của mình. Tôi vui mừng ghê gớm, nhưng đã xấp xỉ tuổi 50 không thể nhảy cẫng lên hò reo như hồi nghe tin được giải Nhất báo Văn nghệ 20 năm trước. Người đầu tiên tôi gọi điện để “khoe” là bố mẹ ở quê; tôi nghĩ hai cụ rất mừng nên cứ hỏi đi hỏi lại mãi… Tôi đã nhận nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn và đọc trên nhiều trang web những lời chúc mừng được vào hội nên càng phải cố gắng.
- Sau khi chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có áp lực nào đến với các sáng tác tiếp theo của nhà văn?
Nhà văn, dịch giả Vũ Phong Tạo: Xuất phát từ thực tiễn dịch thuật, hoàn cảnh sức khoẻ và quỹ thời gian cụ thể của bản thân, tôi đã xác định phương hướng dịch thuật của mình là: “Người dịch cần trở thành một nhịp cầu hữu nghị giữa các nền văn học, giữa các nền văn hoá, giữa các dân tộc trên thế giới. Trong biển cả mênh mông của một nền văn hoá, của một nền văn học của một nước, mỗi người dịch nên chọn cho mình một mảnh đất, một chỗ đứng, một lĩnh vực nhất định nào đó, với tôi, phải chăng chủ yếu là mảng truyện ngắn, nhất là truyện cực ngắn - truyện mini đặc sắc Trung Quốc.”
Nhà văn Đào Bá Đoàn: Tôi nghĩ dù ít dù nhiều, các nhà văn luôn có một áp lực về việc viết, dù ở đâu và làm gì cũng vậy. Còn sự “ảnh hưởng” của danh xưng nhà văn Việt Nam hay không thì tôi chưa rõ, chắc phải một thời gian nữa mới biết được.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Ngoài những lo toan cho cuộc sống riêng tư của bản thân mình với gia đình, anh em…; tôi ít bị tác động bởi những điều ở bên ngoài. Hay nói đúng hơn, đời sống tinh thần của tôi độc lập với những gì khoác lên nó. Nghe có vẻ siêu hình nhỉ? Nhưng sự thực có vẻ là như thế. Chứng cớ là năm vừa rồi, đoạt giải thưởng Hội Nhà văn với giải thưởng Hoan ca, nhưng cuộc sống của tôi vẫn bình lặng như thế, không hề bị xáo trộn bởi những khen chê, và bên cạnh việc sáng tác đơn độc, tôi vẫn làm báo cần cù như một công chức mẫn cán. Ngay đối với công tác báo chí cũng vậy, trước hay sau khi được bổ nhiệm làm Phó TBT báo Thể thao &Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam, thì việc làm nghề của tôi vẫn thế thôi. Bởi thế, giờ đây, tôi coi việc trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN cũng giống như việc mình nhận thêm một danh hiệu (hay phần thưởng, chức vụ), tất cả nó vẫn ở bên ngoài mình. Nói một cách cụ thể hơn, gia nhập Hội Nhà văn VN cũng như gia nhập các hội đoàn khác (ví dụ gia nhập Hội Nhà báo), giúp tôi có thêm một môi trường tốt để sinh hoạt nghề nghiệp, và tất nhiên cũng buộc tôi phải tuân thủ nghiêm túc các nghĩa vụ mà Điều lệ hội đã quy định. Nhưng không vì thế mà có ai đó có thể cõng thay mình công việc sáng tác. Mà công việc sáng tác ấy, nếu bị áp lực, thì chỉ có thể đến từ cuộc sống mà mình mang nặng.
Nhà văn Lại Văn Long: Tháng 5/1992, tôi được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ với truyện “Kẻ sát nhân lương thiện”. Cũng nhờ có giải thưởng đó, tôi được anh Huỳnh Bá Thành nhận về làm việc tại báo Công an TP.HCM cho đến nay. Từ khi làm báo, tôi gần như không sáng tác được. Một phần vì làm báo quá bận rộn, phần vì viết báo riết, viết văn…không ra chữ. Phần lớn hơn là áp lực từ giải nhất báo Văn Nghệ. Tôi bị dằn vặt suốt nhiều năm, cố gắng rất nhiều, nhưng cũng chỉ viết được hai, ba truyện ngắn, đọc lại thấy không hay bằng truyện cũ. 17 năm sau giải thưởng đó, tôi mới ra được tiểu thuyết đầu tay và một truyện ngắn. Ngoài ra, từ năm 2011, tôi mới viết thêm được một số truyện ngắn. Tôi tin sau “cú hích” trở thành hội viên, tôi sẽ viết “sung” hơn.
- Nhà văn có thể chia sẻ với bạn đọc về những dự định văn chương sắp tới của mình?
Nhà văn, dịch giả Vũ Phong Tạo: Sắp tới, tôi sẽ vẫn thường xuyên tranh thủ sử dụng tốt nhất những quãng thời gian “bệnh tình tạm thời ổn định”, để tiếp tục phiên dịch văn hoá, văn học Trung Quốc và văn học các nước khác (chủ yếu là mảng truyện ngắn, truyện mini, thông tin hoạt động văn học), thông qua cửa sổ ngôn ngữ Hán văn, cộng tác thường xuyên với các cơ quan báo chí, xuất bản, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học và cập nhật thông tin hoạt động văn học nước ngoài của bạn đọc trong cả nước.
Nếu thời gian và sức khoẻ cho phép, nếu được tổ chức tín nhiệm, tôi mong muốn được cộng tác với Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, để làm một nhịp cầu nho nhỏ đóng góp vào sự nghiệp giao lưu và quảng bá văn học, tác phẩm và nhà văn Việt Nam ra nước ngoài, nhất là thị trường xuất bản, báo chí Trung Quốc, với số dân chiếm một phần tư loài người.
Nhà văn Đào Bá Đoàn
Nhà văn Đào Bá Đoàn: Tôi đang viết truyện ngắn.
Nhà thơ Đỗ Doãn Phương: Sau tập Hoan ca, tôi đã hoàn thành bản thảo một tập thơ mới gồm những sáng tác trong năm 2012, mà chủ yếu là trong mấy tháng cuối năm. Đây là quãng thời gian nhiều thay đổi trong đời sống tinh thần của tôi, bên ngoài vẻ bình lặng thường ngày. Có thể, chính sự ghi nhận của Hội Nhà văn đối với tập thơ trước, đã giúp tôi có một tâm trạng hết sức thoải mái và tự tin để dấn sâu hơn nữa vào con đường thơ của mình. Tôi đã gửi bản thảo cho một số đồng nghiệp cùng bạn bè để được góp ý, thẩm định trước, hy vọng rằng tâm trạng "thoải mái, tự tin" kể trên của tôi sẽ không đẻ ra sự dễ dãi. Và tôi hy vọng rằng tập bản thảo này có thể xuất bản vào đầu năm tới.
Nhà văn Lại Văn Long: Đây là giai đoạn tôi có cảm xúc nhất sau 25 năm viết văn nên sáng tác rất dễ dàng. Đang đà hững khởi nên chỉ trong ba tháng giữa năm 2012, tôi vừa làm báo vừa viết được tiểu thuyết 350 trang “Người khổng lồ đội kể chuyện” (Sách đã hoàn thiện nhưng tôi chưa gửi cho nhà xuất bản nào).
- Xin cảm ơn các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đã dành thời gian trò chuyện. Xin chúc các nhà văn dồi dào sức khỏe và sáng tạo.
Phong Lan (thực hiện)
Nguồn tin: VanVN
Ý kiến bạn đọc