- Internet phát triển và chi phối nhiều hoạt động của con người nên đời sống văn chương cũng không nằm ngoài quỹ đạo của nó. Đã có nhiều tác giả bước ra từ những trang blog cá nhân và những web văn chương mà tên tuổi nhanh chóng được biết đến nhờ công bố tác phẩm trên mạng như: Đặng Thiều Quang, Đặng Thân… rồi đến Linh Lê, Keng, Gào, Hồng Sakura… Internet đã thực sự trở thành cầu nối giữa tác giả và công chúng.
Riêng với thotre.com, nhiều tác giả bước ra từ cuộc thi thơ online do website tổ chức như: Lệ Bình Quan, Huỳnh Thúy Kiều, Hồ Huy Sơn, Lê Văn Lâm… cũng đã và đang khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn. Tôi tin rằng, internet sẽ còn mang đến nhiều gương mặt mới và nhiều tác phẩm đặc sắc trong thời gian tới.
Duy trì một website văn chương lắm khi bận như con mọn, anh phải quán xuyến nó như thế nào?
- Vài năm trước, các trang web về văn chương khá hiếm hoi. Thế nhưng gần đây, cùng với sự phát triển của các trang blog cá nhân thì những người yêu văn chương có nhiều lựa chọn hơn. Để sống được, trang web phải thường xuyên có bài mới và những sáng tác của bạn bè gửi về phải được đưa lên trong thời gian nhanh nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn cho trang. Vì thế, tôi luôn tranh thủ những lúc rảnh rỗi vào buổi tối để lên mạng tìm thông tin mới cũng như đăng tải sáng tác của bạn bè. Lâu dần, điều đó trở thành một thói quen khó bỏ, ngày nào không online lướt web lại thấy nhớ nhớ.
Tác giả trẻ Trương Trọng Nghĩa
Và không chỉ bận bịu, lắm khi người làm web cũng gặp nhiều chuyện này chuyện khác trong các mối quan hệ văn chương nữa. Với anh thì thế nào?
- Làm web văn chương cũng có lắm chuyện buồn vui. Người viết văn, làm thơ thường có cá tính, thế nên rắc rối là điều không tránh khỏi. Trên diễn đàn của website đã xảy ra nhiều cuộc tranh cãi về văn chương mà đôi khi bắt đầu chỉ vì những câu bình luận rất nhỏ nhặt. Thế nhưng đọng lại vẫn là tinh thần chia sẻ, đóng góp và xây dựng lẫn nhau. Với tinh thần đó, thành viên diễn đàn đã cùng nhau đóng góp với bốn đợt tặng quà cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Điều này thật đáng quý và đáng trân trọng!
Thực tế website văn chương thường được duy trì hoàn toàn bởi tinh thần tự nguyện. Thotre.com cũng không ngoại lệ. Điều gì khiến anh “đắm đuối” mãi với hoàn cảnh phi lợi nhuận này?
- Cơm áo vốn không đùa với khách thơ như lời nhà thơ Xuân Diệu. Với những người làm web về văn chương thì ngoài lo toan chuyện cơm áo gạo tiền còn phải dành nhiều thời gian để chăm chút cho trang web mỗi ngày. Tạo ra một trang web đã khó, duy trì và phát triển nó còn khó hơn gấp nhiều lần. Với thotre.com, tôi đã bỏ ra nhiều tâm huyết và công sức. Có lúc thấy đuối, tôi đã có ý định đóng cửa website nhưng được sự động viên của nhiều bạn bè văn chương nên thotre.com vẫn online trong hơn 8 năm qua.
Điều lớn nhất tôi có được qua trang web chính là “tình văn chương”. Nhờ trang web tôi đã quen biết với rất nhiều bạn viết ở khắp mọi miền đất nước, đồng thời được đọc nhiều sáng tác mới của họ. Nhờ việc duy trì trang web, tôi không bị lạc hậu với tình hình thời sự văn học trong và ngoài nước. Tập hợp những thông tin mà mình biết được để chia sẻ lại với những bạn bè văn chương cũng là điều thú vị đó chứ!
Xin cảm ơn anh!
Hoàng Thi (thực hiện)
Nguồn tin: Sức khỏe đời sống
Ý kiến bạn đọc