Shin Kyung Sook: ‘Tôi chỉ viết câu chuyện tôi muốn viết’

Thứ hai - 18/06/2012 05:17 4.287 0

Nhà văn Shin Kyung Sook. Ảnh: ASL.

Nhà văn Shin Kyung Sook. Ảnh: ASL.
Shin Kyung Sook là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng Hàn Quốc. Bà đã xuất bản 7 tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn và đoạt một số giải thưởng văn học trong nước và quốc tế.

Kyung Sook được đánh giá là đã mở lối cho các nhà văn Hàn Quốc đến với thế giới khi bản dịch tiếng Anh cuốn Please Look after Mother (Hãy chăm sóc mẹ) của bà đoạt giải Man Asian 2011. Cuốn sách đã tiêu thụ được 2 triệu bản tại Hàn Quốc. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà văn và Asia Literary Review

- "Please Look after Mother" có phải là cuốn tự truyện?

- Tôi cũng là con gái của một người mẹ. Chuyện cá nhân của riêng tôi, tất nhiên, ít nhiều cũng có trong cuốn tiểu thuyết. Khi viết một cuốn sách về mẹ, từ trang đầu đến trang cuối cùng, tôi làm sao có thể thoát ra khỏi cảm xúc đối với người mẹ của chính mình. Như mọi trường hợp khác, cuốn sách khởi phát từ bản thân tôi, nhưng khi kết thúc, nó không còn là câu chuyện của riêng tôi nữa. Nó là câu chuyện về xã hội và những con người cùng thời với tôi.

- Giờ chị đã nổi tiếng thế giới, liệu chị có thay đổi phong cách để thích hợp với độc giả ngoại quốc?

- Liệu ta có thể "may đo" một cuốn sách cho riêng ai đó không? Trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng chỉ viết ra câu chuyện mà tôi muốn viết, và viết nó theo đúng cách của tôi. Một trong những lý do khiến tôi trở thành nhà văn là khát vọng được tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc, áp đặt. Bây giờ khi viết, tôi cảm thấy hoàn toàn tự do. Và tôi trân trọng cảm giác này - thứ mà gần đây tôi mới có được.

- Theo chị, các mối quan hệ gia đình của người Hàn Quốc có điều gì khó hiểu đối với người phương Tây?

- Hàn Quốc về bản chất là một xã hội đề cao các quan hệ ruột thịt. Chúng tôi có một từ là jeong - rất khó dịch sát nghĩa. Có lẽ không có cụm từ nào đậm bản sắc Hàn Quốc như jeong deunda (tạm dịch “máu mủ ruột rà”). Các mối quan hệ gia đình của người Hàn Quốc được xây dựng trên nền tảng của jeong. Nghĩa là trong các mối quan hệ này, bạn sẽ chia buồn, sẻ vui, đồng cam cộng khổ, yêu thương thông cảm và hy sinh cho nhau vô thời hạn và trong mọi trường hợp. Người phương Tây có lẽ sẽ lạ lẫm với khái niệm này.

- Tại sao chị chọn cách trần thuật từ ngôi thứ hai - điểm nhìn rất ít được sử dụng trong văn chương?

- Trong cuốn tiểu thuyết này, ngôi trần thuật thứ hai rất quan trọng. Tôi chỉ muốn để nhân vật người mẹ mất tích xưng “tôi”. Với cách này, cuốn sách sẽ thể hiện một cách khách quan tâm trạng lo lắng của những đứa con đột nhiên lạc mất mẹ.

Mẹ đại diện cho "tính truyền thống", còn những đứa con đại diện cho “tính hiện đại”. Con người là vậy, người ta chỉ nhận ra giá trị của một điều gì đó khi nó đã mất đi.

Bìa tiếng Việt của cuốn sách.

- Chị đã đoạt giải thưởng Man Asian và vừa lọt vào danh sách sơ khảo giải thưởng Independent dành cho tiểu thuyết nước ngoài. Những giải thưởng này có ý nghĩa thế nào với cá nhân chị nói riêng và với việc quốc tế hóa văn học Hàn Quốc nói chung?

- Tôi thấy được tiếp thêm sinh lực. Nhưng về cơ bản, tôi cho là văn chương không có biên giới. Chúng ta hay phân chia văn học châu Á, châu Âu, châu Mỹ nhưng văn học chỉ đơn giản là văn học.

- Chị nhận xét thế nào về công việc dịch thuật và bản dịch cuốn sách của mình?

- Dịch thuật giống như một hành trình. Nếu cuốn sách gặp được một dịch giả giỏi, có nhiệt huyết, đó sẽ là một hành trình suôn sẻ. Ngược lại, hành trình đó sẽ rất tồi tệ. Please Look after Mother không chỉ có một dịch giả tuyệt vời mà nó còn gặp được một biên tập viên (của nhà xuất bản Knopf) rất tận tâm. Chúng tôi đã thảo luận đến từng chi tiết nhỏ nhất để cuốn sách hoàn hảo nhất.

- Hiện chị viết gì?

- Tôi đang viết về một người bỗng nhiên bị mù. Chi tiết thế nào bạn sẽ biết khi cuốn sách ra mắt.

Tác giả: Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây