Phụ nữ như lá bùa thiêng

Chủ nhật - 06/03/2011 04:32 3.083 0

Nhà văn Trần Đức Tiến

Nhà văn Trần Đức Tiến
Nhà văn Trần Đức Tiến có rất nhiều trang viết về phụ nữ và sự có mặt của họ đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt trong tác phẩm của ông. Vậy có hay không sự tương đồng giữa người phụ nữ trong văn học và người phụ nữ ngoài đời (?) Độc giả sẽ tìm thấy câu trả lời qua cuộc trò chuyện của ông với PV báo điện tử Tổ Quốc.

PV: Đến giờ ông có thể chia sẻ với mọi người về những gì mà “một nửa thế giới” đã mang lại cho cuộc đời và nghiệp văn chương của ông?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Sao lại “một nửa”? Tôi tin nếu không có phụ nữ, cả thế giới sẽ không chịu đựng nổi lấy một ngày. Mọi thứ, kể cả văn chương, sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Cuộc sống, sự nghiệp của tôi cũng thế thôi. Bảo phụ nữ là chỗ dựa, là động lực, là sự bình yên cho tâm hồn… hay gì gì đó thì quá nhiều đàn ông đã nói rồi. Với tôi, họ như lá bùa thiêng tôi luôn cất giữ trong ngực. Họ chi phối mạnh mẽ những thăng trầm, thành bại trong cuộc đời tôi. Và vì quá thiêng, nên tôi không muốn nhiều lời về họ. 

PV: Ông có thấy mình còn mắc nợ phụ nữ trong cuộc sống và văn chương không?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi có một cuốn sổ ghi nợ từ thời sinh viên. Đơn vị tiền tệ ghi trong sổ lúc đầu là hào, đồng, sau đó là nghìn đồngtrăm nghìn đồng, bây giờ thì là triệu đồngnhiều triệu đồng… Những dòng chữ đau khổ bằng mực xanh bị gạch xoá một cách rất hả hê bằng mực đỏ. Chúng cứ nối tiếp nhau, hết trang này qua trang khác. Tôi đã cố gắng, hết sức cố gắng, thề với lương tâm như vậy, thanh toán thật chu đáo mọi khoản nợ nần. Vậy mà đến giờ cuốn sổ ấy vẫn còn mở ra những trang mới. Đấy là nợ về tiền bạc. Về tinh thần cũng thế thôi. Nhưng tôi lại sợ những người không còn nợ nần ai điều gì cả. Sạch nợ thì còn ở lại cõi trần gian nhiều hệ luỵ này làm gì?

PV: Người phụ nữ trong văn chương của ông ít khi là mẫu người truyền thống. Họ thường được nhìn bằng con mắt khinh bạc, thất vọng… của những nhân vật đàn ông. Xin hỏi thật, vì sao ông lại dành cho họ những trang viết như vậy? Có tác động gì từ hiện thực không?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Có. Đã hơn một lần tôi thú nhận ở chỗ này chỗ khác: tôi viết văn ít bịa, đơn giản vì tôi bịa kém. Đôi khi vì một yêu cầu nào đó phải đọc lại mình, chính tôi cũng ngạc nhiên. Có truyện gần như thật hoàn toàn. Đến cái tên của một quán cà phê cũng không muốn bịa… Bạn quan tâm đến những nhân vật phụ nữ, nhưng thật ra những nhân vật đàn ông trong truyện của tôi cũng không nhận được nhiều ưu ái hơn họ.

PV: Trong công việc sáng tạo, nhiều khi nhà văn cũng giống như diễn viên. Có những tình huống rất nhạy cảm, diễn viên phải “diễn” cho khán giả xem, còn nhà văn thì viết ra giấy những điều tưởng tượng trong đầu. Dù “diễn” hay tưởng tượng thì cũng phải đạt đến độ chân thật nhất định. Mà muốn chân thật, ngoài tài năng, còn cần phải có trải nghiệm thực tế. Hơn thế ở trên ông đã nói là mình ít bịa. Vậy ông có bao giờ bị khó xử trước những câu hỏi “hiểm hóc” của người thân?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Khi gặp những câu hỏi như vậy, tôi chỉ có độc một cách đáp lại là cười ngoác miệng, giữ cho cái mặt mình càng tươi lâu càng tốt. Bão sẽ đổi hướng đi nơi khác.

PV: Nếu một, hai lần trả lời vậy thì còn có thể chấp nhận, chứ mấy chục năm ông cầm bút cứ tua lại “câu trả lời” như vậy mà họ cũng thoả mãn à? Tôi lại thấy nó càng làm tăng thêm sự nghi ngờ thì đúng hơn, nào ông thành thật đi…

Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi vẫn đang thành thật đây. Ở trên tôi có nói mình bịa kém nên ít bịa, chứ không phải là không bịa. Chả có nhà văn nào không bịa. Chỗ này tế nhị lắm. Giữa tưởng tượng và thực tế bao giờ cũng có một khoảng nhoè mờ. Trong nhiều truyện của tôi cũng có sự nhoè mờ ấy. Chập chờn dở người dở ma, dở thần thánh dở yêu tinh, vừa thực tế trần trụi vừa siêu thực, hoang đường... Có lẽ nói cho chính xác thì như thế này: cười ngoác miệng chỉ đỡ đòn cho tôi phần nào. Còn trạng thái nửa nọ nửa kia trong truyện của mình mới chính là yếu tố cứu tôi thật sự.

PV: Quay trở lại với mẫu người phụ nữ truyền thống đã nhắc ở trên, không lẽ họ đã bị các đồng nghiệp khai thác hết hay họ không là đối tượng được ông chú ý đến?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Có thể tôi sai, nhưng tôi nói thật: tôi không thích những gì có vẻ “truyền thống”. Bản chất của sáng tạo là mới. Người khác có thể làm mới lại “truyền thống”, nhưng tôi không chọn cách ấy. Cuộc sống thay đổi hàng ngày, con người cũng thay đổi hàng ngày. Tôi chú ý đến những con người của ngày hôm nay, nam cũng như nữ. Và phải là những con người hết sức bình thường, thậm chí tầm thường. Họ gần gũi với tôi, tôi lẫn vào họ.

PV: Ông làm tôi khá tò mò với câu trả lời trên, vậy phải chăng những người phụ nữ hấp dẫn ông sẽ không thuộc “tip” người truyền thống?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Không, ở đây cần có sự phân biệt. Tôi không thích viết về những người phụ nữ “truyền thống”. Còn họ có hấp dẫn tôi trong cuộc đời hay không lại là chuyện khác. Thế theo bạn, một dáng người chuẩn, một cặp mắt biết nói, một đôi môi đầy đặn gợi cảm, một tình yêu thăm thẳm như vực sâu… có hấp dẫn đối với đàn ông không? Và những thứ đó là truyền thống hay hiện đại?

PV: Vợ ông có phải là một người phụ nữ truyền thống không?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi có cảm giác đang ngồi trên ghế nóng trong trò chơi “Đấu trường 100”. Vậy thì tôi chọn quyền giải thoát.

PV: Nghe đồn độc giả của ông phụ nữ nhiều hơn đàn ông? Nếu tin đồn này là thật thì ông thấy thế nào?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Lặng đi vì vui sướng.

PV: Xin đặt một giả thiết, nếu không có phụ nữ thì chắc ông chỉ viết truyện thiếu nhi hay sẽ làm gì?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Không có phụ nữ thì chẳng có thiếu nhi và cũng chẳng đào đâu ra tôi.

* Cảm ơn nhà văn!

Hà Anh (thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây