Tài năng phê bình chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay

Thứ tư - 02/03/2011 10:41 2.861 0

Tài năng phê bình chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay

Vladimir Grigoryevich Bondarenko là nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng. Ông sinh năm 1946 ở thành phố Petrozavodsk. Đã tốt nghiệp khoa Hoá Học viện lâm nghiệp Leningrad (1969) và Trường Viết văn (1978). Ông là tác giả các cuốn sách “Những đứa con của năm 1937” (2001), “Những kẻ phản động cuồng nhiệt. Ba gương mặt của chủ nghĩa yêu nước Nga” (2003), “Thế kỷ bạc của sự dân dã” (2004), “Khó làm người Nga” (2007), “Những kẻ tán dương cường quốc Nga” (2007), “Thế hệ những người cô độc” (2008). Hiện nay Bondarenko là chủ biên tờ phụ trương “Ngày văn học” của báo “Ngày mai”. Trong bài trả lời phỏng vấn mới nhất, ông khẳng định:. “Nói chung ở một nhà văn tài năng, nhà phê bình tài năng không tồn tại sự cạnh tranh. Tôi không tin vào sự cạnh tranh văn học!”

Thưa Vladimir Grigoryevich, xin ông cho biết các khuynh hướng văn  học Nga hiện nay? 
Vladimir Grigoryevich: Có hai khuynh hướng chủ yếu. Thứ nhất – cái chết của chủ nghĩa hậu hiện đại. Không quan trọng chủ nghĩa hậu hiện đại tốt hay xấu. Nó đã làm phong phú sắc màu của các nhà văn hầu như từ Rasputin đến Lichutin và Prokhanov. Nhưng văn học dù sao vẫn gắn với cuộc sống, mặc cho người ta tìm mọi cách phủ nhận điều đó. Chủ nghĩa hậu hiên đại từng hợp thời ở phương Tây, nơi đã nửa thế kỷ nay không có sự kiện nào, và chỉ còn mỗi việc là mô tả, viết lại quá khứ của mình. Nhưng ở nước Nga cuộc sống dữ dội đòi hỏi loại thơ ca chiến luỹ. 
Thậm chí tôi cảm thấy rằng chủ nghĩa hậu hiện đại đóng vai trò của kiểm duyệt chính trị. Và khi có thể thì cần giải thoát khỏi sự kiểm duyệt đó. Bạn hãy nhìn xem những cuốn tiểu thuyết gần đây của Sorokin và Pelevin – đó chính là văn xuôi xã hội, chủ nghĩa hậu hiện đại không còn để lại dấu vết gì. Đây là một sự thay đổi to lớn trong văn học. 
Sự kiện văn học chủ yếu thứ hai là việc thế hệ các nhà văn cao tuổi đã tan rã. Có thể là do tuổi tác hay vì một cái gì đó nữa, nhưng họ không tìm thấy ở mình hơi thở mới. Hiện nay quá trình văn học do thế hệ mới - từ hai mươi đến năm mươi tuổi - quyết định. Nói một cách nôm na, từ Pavel Krusanov và các nhà văn của Peterburg đến Sergey Sibirtsev và các nhà văn nông thôn của chúng ta – Nikolay Doroshenko và Aleksandr Segel. Các nhà văn lớn tuổi đã rút lui khỏi văn học. Điều này diễn ra một cách đột ngột. 
Trong khi đó tại các hội nhà văn, vẫn như xưa, chỉ toàn các ông già. Tôi đã phát biểu tại ban thư ký Hội Nhà văn Nga và nói với Ganichev (chủ tịch Hội Nhà văn Nga): hãy nhìn xem, chúng ta là ban thư ký của các cán bộ hưu trí, không một người nào dưới 65 tuổi! Bất luận chúng ta đã từng viết những tác phẩm gì gì đi nữa, nhưng trong chúng ta không có những người hôm nay quyết định nền văn học. Tại sao? 
Vâng, các nhà văn trẻ thường hứa hẹn nhiều, họ xuất bản vài ba cuốn sách đầu đặc sắc, sau đó rã đám và mất hút. Nhưng dù sao các thủ lĩnh của văn học hiện đại vẫn là các nhà văn trẻ. Boyashov và Prilepin, Sadullaev và Kochergin, và những người khác. Điều thú vị là tất cả họ đều là những nhà văn hiện thực đến tận xương tuỷ. Trong số họ có những người “cánh tả” và “cánh hữu”, có điều gì đấy ở họ tôi không nhất trí, nhiều người tôi đọc nếu không nói là chán ngắt thì cũng không thích thú, nhưng tất cả những gì họ đang viết, - đó hoặc là chủ nghĩa hiện thực khắc nghiệt, hoặc là  tiểu thuyết không tưởng/phản không tưởng xã hội, gắn liền với thời hiện tại.

Hiện nay liệu có thể nói về một quá trình văn học thống nhất không?
Vladimir Grigoryevich: Hiện nay văn học Nga đang tồn tại và vẫn là một trong những nền văn học xuất sắc trên thế giới, nhưng ở nước Nga thiếu vắng quá trình văn học. Tôi ngờ rằng nguyên nhân dẫn tới điều đó là một đường lối văn học quốc gia khép kín. Chính vì vậy mà các nhà phê bình văn học không được tiếp cận truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng lớn. Mà phê bình văn học là một bộ phận quan trọng nhất của quá trình văn học. Thiếu nó văn học bị chặt ra từng khúc. 
Này nhé, Volodya Lichutin ngồi viết “Ly giáo” trong góc kín của mình. Ở góc kia, Yury Mamleev viết cái gì đấy. Họ sống  cạnh nhau ở Peredelkino mà không biết nhau và không đọc nhau. Ở góc thứ ba là Krusanov. Ở góc thứ tư là các nhà văn từ Krasnoyarsk, nơi có một trong những tổ chức văn học mạnh nhất. Kết quả là thế giới văn học bị chia ra 20, 30 thế giới nhỏ. Chỉ có nhà phê bình mới có thể liên kết họ với nhau. 
Không chỉ riêng tôi đặt lên vai mình cái gánh nặng quá sức đó. Có Valentin Kurbatov, Natalya Ivanova, Andrey Rudalev, Vasilina Orlova, Yury Pavlov ở Armavir. Nếu như gọi họ lên truyền hình và cho họ một diễn đàn toàn Nga, mở ra các cuộc tranh luận, trao đổi thì trong các cuộc tranh luận của họ sẽ ra đời bậc thang văn học đích thực, bậc thang của tài năng. 
Người ta nói rằng dưới thời Xôviết chúng ta có chủ nghĩa trung tâm văn học, còn ở Mỹ thì khác. Trong khi  đó ở Mỹ, một bài nhận xét trên The New York Times có thể giết chết một cuốn sách được đầu từ hàng triệu đô-la. Xuất hiện một bản nhận xét tiêu cực- và có thể tính toán được những thiệt hại. Cuốn sách không thành công. Các nhà phê bình văn học tại các tờ báo lớn của Mỹ và châu Âu quyết định quá trình văn học, và tạo ra bậc thang tài năng.

Có một yếu tố khách quan - số lượng những cuốn sách được xuất bản. Hiện nay một nhà phê bình có thể theo dõi 30, tối đa là 40 nhà văn.
Vladimir Grigoryevich: Phê bình văn học là công việc của những người trẻ tuổi. Tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ như Bushin. Vào năm 18 tuổi ông ta đã kịp đọc hết tất cả. Nhưng thế hệ những người cao tuổi: Mikhail Lobanov, Igor Zolotussky và những người khác đã từ bỏ phê bình. Nhà phê bình cần phải có khả năng một năm đọc hoặc ít ra là lướt qua vài trăm cuốn sách. Nếu như Lobanov hay Zolotussky chỉ đọc được hai-ba cuốn sách mỗi năm thì đó không phải là nhà phê bình. Tôi cũng đang ngấp nghé rút lui khỏi phê bình.  
Cần phải đọc rất nhiều. Đây là điều khó khăn. Vì vậy, tôi luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng tài năng phê bình trong văn học Nga là một điều rất hiếm hoi, chúng ta có nhiều nhà văn tài năng, số nhà thơ tài năng ít hơn nhiều, còn các nhà phê bình tài năng thì chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Cũng may mà một nhà phê bình có kinh nghiệm không cần đọc hết cuốn sách. Ví dụ, tôi chỉ cần đọc 10 trang là thấy có văn hay không. Nếu có văn thì đọc tiếp. Nếu 10 trang đầu mà bất tài thì tôi không tin rằng ở trang thứ 100 xuất hiện tài năng.

Nhưng có vẻ như mỗi nhà phê bình đều lựa chọn cho mình một nhóm tác giả nào đấy và cứ thế viết về họ. 
Vladimir Grigoryevich: Dù sao tôi vẫn cho rằng đường lối văn học khép kín của nhà nước là có lỗi, nó đã đẩy văn học ra vệ đường. Chính quyền sợ văn học, vì cho rằng tất cả các cuộc cách mạng đều bắt đầu từ các nhà văn. 
Thực ra, hãy để cho người này đọc nhóm thứ nhất, người kia đọc nhóm thứ hai, người kìa đọc nhóm thứ ba. Thế rồi sao? Tập hợp lại, ngay lập tức chúng ta xác định được những đỉnh cao. Ở mỗi nhà phê bình hình thành nên một nhóm tác giả của mình, nhưng không được dưới 100. Nếu bạn dừng lại ở con số 5, bạn không phải là nhà phê bình. Mỗi nhà phê bình cần phải có đội “bách quân” của mình. Lúc bấy giờ 10 nhà phê bình chủ chốt có thể bao quát cả nền văn học. Và nếu họ có thể tranh luận, bút chiến với nhau, thì có thể tạo ra một quá trình văn học thống nhất, và có thể xác định được một cách rõ ràng những đỉnh cao văn học. 
Dưới thời Xôviết có những nhà phê bình nông thôn: Kozhinov, Lobanov, Seleznyov, và các nhà phê bình phái tự do: Dedkov, Bocharov, Ivanova. Một số “đánh”  những kẻ bất tài cánh tả, số kia - những kẻ bất tài cánh hữu. Kết quả là xuất hiện những đỉnh cao: Fazil Iskander và Valentin Rasputin, Joseph Brodsky và Yury Kuznetsov…

 @ Nghĩa là sự sự phân cực văn học lại có lợi? 
Vladimir Grigoryevich: Nó cần thiết. Văn học Nga bị phân cực từ thời cổ đại, nhưng không chỉ văn học mà cả xã hội. Bản thân nước Nga cổ ban đầu là sự kết hợp các nhân tố Á – Âu. Cái mâu thuẫn nội tại không giải quyết nổi, không hiểu nổi này đối với thế giới còn lại đã biến chúng ta thành một nền văn minh riêng biệt, không giống châu Âu lẫn châu Á. Sự phân cực tất yếu nổi lên bề mặt - xuất hiện phái Slavơ và phái thân phương Tây, phái nông thôn và phái theo chủ nghĩa thế giới. Sự đối đầu, cuộc chiến đấu của họ phát triển các năng lực,  nó vô cùng căng thẳng và làm xuất hiện thiên tài Nga.

 @ Xin ông cho biết phương pháp phê bình văn học của mình?
Vladimir Grigoryevich: Thứ nhất, khi phân tích một cuốn sách, bạn nhất định phải đặt nó vào hàng những cuốn sách khác và ngay lập tức xác định vị trí của nhà văn này, tìm kiếm những tác giả tương tự với anh ta. Ví dụ, đây là truyền thống của Tolstoy hay Dostoyevsky, Pushkin hay Derzhavin? Tôi hiểu Brodsky dễ dàng hơn, khi tôi nhận ra rằng ông xuất phát không phải từ Pushkin mà là Derzhavin. Nhưng ở Yury Kuznetsov thì Derzhavin lại bộc lộ hoàn toàn khác. Các nhà văn thường vờ vĩnh khi nói rằng họ không đọc gì cả và không chịu ảnh hưởng của ai. Tôi không tin điều đó. Mỗi người trong họ đều đọc rất nhiều và đều dựa vào ai đó một cách vô thức. Và nếu bạn phát hiện ra những định hướng vô thức này thì tiếp theo sẽ hiểu nhà văn một cách dễ dàng hơn. 
Ngoài ra, khác với nhiều nhà phê bình khác, tôi muốn biết tiểu sử của nhà văn. Ví dụ, việc Makanin hồi trẻ bị gãy cột sống  và gần một năm nằm liệt giường có ảnh hưởng tới việc tôi tiếp thu tác phẩm của ông. Hiển nhiên là nếu Nikolay Rubtsov hay Oleg Grigoryev không xuất thân từ những đứa trẻ lang thang thì họ có thể trở thành những thi sĩ hoàn toàn khác. Đây gọi là phương pháp tiểu sử.
Và cuối cùng là cảm giác ngôn ngữ. Có thể tốt nghiệp 10 trường đại học, theo học 100 nhà văn, nhưng anh vẫn không có được cảm giác ngôn ngữ. Nếu không có năng khiếu này, sẽ không có nhà phê bình văn học. Nhưng cảm giác ngôn ngữ cũng rất  khác nhau, nó rất khó xác định. Đây là một khái niệm rất rộng. 

Có một tiêu chí ngoài nghệ thuật: hệ tư tưởng, nó đóng vai trò như thế nào? 
Vladimir Grigoryevich: Hệ tư tưởng có thể mang tính chính trị, và trong số các thiên tài đích thực có những nhà văn thể hiện hệ tư tưởng chính trị thuần tuý trong sáng tác của mình. Vladimir Mayakovsky, Victor Hugo, Ernst Junger, Yukio Misima. Thiếu hệ tư tưởng, chúng ta không thể hình dung được họ. Thiếu hệ tư tưởng thì tài năng của Limonov sẽ suy yếu. Nhưng hệ tư tưởng có thể không mang tính  chính trị, mà mang tính thẩm mỹ, như trường hợp Olyesha, Vaginov, hay Timur Zulfikarov. Hệ tư tưởng là thái độ đối với thế giới và con người. Nếu như bạn không tạo ra được thái độ riêng của mình đối với thế giới và con người, bạn không thể trở thành nhà văn.

 @ Ông nghĩ gì về việc nhiều nhà văn, trừ một số trường hợp ngoại lệ, không viết được văn xuôi nghệ thuật?
Vladimir Grigoryevich:  Rất hiếm khi một con người được trời phú cho cả tài năng viết văn, làm thơ lẫn phê bình. Đọc thơ của một số nhà văn, bạn sẽ thấy nó giống như một mớ giấy lộn. Tôi có thể liệt kê vô tư những nhà văn chủ chốt đánh mất tài năng phê bình, họ trở nên cực kỳ tẻ nhạt khi viết phê bình! Đòi hỏi nhà phê bình viết văn hay, khác nào chúng ta đòi hỏi sự kết hợp trong một con người hai thuộc tính cực kỳ hiếm hoi và thường trái ngược nhau.

@ Liệu nhà phê bình có nên giữ một khoảng cách đối với nhà văn không? Không ai nghi ngờ trình độ của anh, nhưng bao giờ người ta cũng nhận ra sự thiên vị. 
Vladimir Grigoryevich: Sự gần gũi cũng có mặt trái của nó. Tôi đã có những trường hợp tình bạn bị tan vỡ. Tôi có một người bạn thân, nhà thơ Volodya Ustinov. Tôi viết một bài báo về anh ta và sau đó tình bạn của chúng tôi chấm dứt. Những trường hợp như vậy không phải là ít. Tôi cũng chia tay như vậy với Edik Uspensky. Và không thể nói rằng tất cả họ đều bị tôi phê phán.

 @ Thái độ của ông đối với các tạp chí dày (nguyệt san) hiện nay?  
Vladimir Grigoryevich: Trong hình thức hiện nay đang tồn tại, tôi không tin các tạp chí dày, bất kể chúng thuộc khuynh hướng nào. Chúng có thể là sự cứu rỗi đối với các nhà văn “có tuổi”. Chúng có thể có ích đối với các nhà xuất bản có thể tìm thấy cái gì đấy trong đó. Nhưng dòng văn học chính hiện nay bỏ qua các tạp chí dày.  
Nhưng dù sao tôi vẫn cho rằng các tạp chí dày có tương lai. Thứ nhất, cần quan tâm tới yếu tố con người. Những Stanislav Kunyaev, Leonid Borodin đã làm xong công việc của mình, họ không đủ sức bám sát đời sống văn học đương đại. Thứ hai, kích cỡ của tạp chí phải khác. Và cuối cùng, tạp chí dày phải có mặt không chỉ ở Nga và châu Âu mà cả ở Mỹ.

Xin cho biết ông thường xuyên đọc ai trong số các đồng nghiệp? 
Vladimir Grigoryevich: Tôi đọc Viktor Toporov, Valya Kurbatov, Lev Anninsky, đương nhiên tôi đọc cả các phản biện của mình: Andrey Nemzer, Natalya Ivanova, Alla Latynina. Tôi còn đọc cả Pavel Basinsky, Yury Pavlov. Và tất nhiên là cả các nhà phê bình trẻ. 
Nói chung ở một nhà văn tài năng, nhà phê bình tài năng không tồn tại sự cạnh tranh. Tôi không tin vào sự cạnh tranh văn học. Tôi sẵn sàng viết bài báo thứ  một trăm về cuốn tiểu thuyết mới của Makarin hay Krusanov, nhưng quan điểm của tôi sẽ khác so với những bài viết trước đó. Vì vậy, tôi bám sát đời sống phê bình văn học để nhận ra những tên tuổi khác. Và tôi cho rằng tất các  nhà phê bình cần phải đọc sách của các đồng nghiệp.

TRẦN HẬU (Theo “Ngày văn học”)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây