Giải nhì Văn học tuổi 20- Võ Diệu Thanh: Không viết văn, tôi như một người thừa

Chủ nhật - 06/03/2011 05:00 3.337 0

Giải nhì Văn học tuổi 20- Võ Diệu Thanh: Không viết văn, tôi như một người thừa

Sinh năm 1975, Võ Diệu Thanh viết văn từ năm 18 tuổi. Nhưng phải tới năm 35 tuổi, chị mới được bạn đọc cả nước biết đến với tập "Đứa con gái ngỗ ngược", đoạt giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20. Sống chất phác và hồn hậu, nhưng văn chương lại dữ dội và sâu sắc, Võ Diệu Thanh cho thấy một nội lực mạnh. Và chị là một gương mặt ấn tượng trong văn chương 2010.

Năm qua, chị có một thành công quan trọng, đó là giải nhì Văn học tuổi 20. Chị có nghĩ đây là một niềm tự hào cần có, đối với một người viết?

+ Đúng là không phải vì được giải mình sẽ viết hay hơn. Mình chỉ có thể viết hay hơn khi thấu suốt được một cái gì đó. Đối với tôi giải là một nguồn động viên lớn để tôi tự tin hơn khi cầm bút. Giải cũng là một nguồn hỗ trợ để mọi người quanh tôi ủng hộ cái nghề tôi yêu thích. Tự hào thì khó nói lắm. Tôi chỉ thật sự ngẩng cao đầu khi mình có tiến bộ, chớ được giải rồi mà không làm gì được nữa, nhất là không viết được cái gì khác đáp ứng sự chờ đợi của độc giả, thì đáng bị chê trách hơn.

Chị từng nói, chị phải chịu xung đột gia đình đến mức… đã đi tự tử. Xin chị chia sẻ về khoảng thời gian này? Vì sao vậy?

+ Đó là quãng thời gian tâm trí tôi rối mù mịt. Xung đột không phải bằng những cuộc cãi vã mà bằng những bất bình không nói ra được, vì sợ làm người khác tổn thương. Vậy là tự mình làm tổn thương hệ thần kinh của mình. Chuyện rất dài nên không thể kể ra hết trong vài dòng. Mọi chuyện đã qua rồi, nhắc lại chỉ làm buồn lòng mọi người. Tôi tập quên nó đi.

Đọc truyện của chị thấy rõ sự dữ dội của một giọng viết, dù cuối cùng cái thiện tâm vẫn hiện lên đâu đó, nhẹ nhàng. Phải chăng vì cuộc sống của chị đã từng quá khắc nghiệt, nên khó viết hiền hòa?

+ Cuộc sống của mỗi người đều có những trắc trở nên chưa chắc cuộc sống tôi khắc nghiệt hơn của người khác. Giọng văn dữ dội là vì tôi thích tính cách người miền Tây Nam Bộ. Trong lòng không ác ý nhưng miệng vẫn nói những từ ngữ bặm trợn, dữ tợn. Người miền Tây cá tính mạnh, thương ghét nói rõ. Nhưng có khi biểu hiện quý mến nhau chỉ toàn "chưỡi" (chửi) nhau. Người được "chưỡi" nghe thấy thích vì kiểu chưỡi đó hiểu đúng mình, quan tâm mình.

Chị cũng từng nói, quan trọng nhất là mình nhận ra được sai lầm và rút ra được kinh nghiệm sống từ nó. Với chị, đâu là sai lầm lớn nhất và đâu là kinh nghiệm lớn nhất?

+ Tôi có nhiều sai lầm lắm. Hồi bắt đầu yêu nghĩ trong bụng hễ rung động với người nào, nhận lời yêu ai rồi thì yêu người đó tới già, tới  chết dẫu người đó tốt xấu hay dở. Nhưng rồi tôi đã không làm được điều này, chịu trận với sự lựa chọn gần mười năm, gần như hủy diệt mọi mơ ước của mình và của đối phương. Từ thất bại này tôi thấy mình đừng bao giờ tự trói mình. Hãy mở đường cho mình, cho người mới có dịp đưa nhau thoát ra khỏi vũng lầy. Phải biết nhìn thấy lỗi mình để chỉnh sửa chớ chỉ chú tâm vào lỗi người thì mình đang tự đi vào ngõ cụt của mình.

Trong truyện "Hạnh phúc của người đàn bà", chị có một ẩn ý rằng, sự yêu thương đủ sức giữ lại tất cả, kể cả cảm hóa quỷ dữ. Đó là điều chị thực sự tin?

+ Tôi tin điều đó vì tôi đang sống với những người dưng. Những người từng ghét tôi vì tôi luôn có những ý nghĩ ác cảm với họ. Khi tôi chịu nhìn lại, hầu như họ đều có những người họ yêu quý và yêu quý họ. Họ đối với nhau rất chân tình. Tìm hiểu kỹ nhiều  khi tôi thấy mỗi người đều có những nỗi khổ cần người khác san sẻ, cần được yêu thương.

Khi tôi thật sự cảm thông với họ thì những người dưng đã trở thành những người quý mến tôi như ruột thịt. Đối với quỷ dữ thì mình ghét nó càng làm cho nó hung ác thêm thôi. Còn muốn cảm hóa nó bằng yêu thương thì hãy đợi khi nào mình đủ sức yêu thương quỷ dữ thì mới nói được, điều này không mấy ai làm được. Đó là một xu hướng dành cho những người có đủ tình thương.

Trong truyện "Bức thêu Quan Âm", chị đã dành cái kết ngọt ngào cho kẻ hàng xóm đã giết Lim, em trai của Lựa. Nhưng dường như với Lựa thì vẫn còn bất công nhiều lắm. Phải chăng chị vẫn nghĩ rằng, làm phụ nữ thì nên nín nhịn, chịu đựng và chấp nhận thua thiệt một chút?

+ Đã bước vào đường tu thì luôn luôn phải đối mặt với bất công. Nó rèn đức nhẫn nhịn mà. Lựa đòi hỏi gì trong đời? Có phải là sự an lạc để tu hành hay là muốn mạng đổi mạng, hay muốn anh ta phải sa mười tám tầng địa ngục? Nếu muốn mạng đổi mạng thì chỉ cần một người chết thôi sẽ kéo theo nhiều cái chết khác nữa. Lựa không cần phải nín nhịn mà hãy làm tốt những gì mình thấy thích và cần. Chỉ có thành công của mình mới tạo đủ nội lực để gạt bỏ những quấy rối từ bên ngoài luôn luôn có.

Những gì trong "Cô con gái ngỗ ngược" có giống những trang viết năm 18 tuổi của chị? Chị có thực sự nghĩ rằng, văn chương là một cái nghiệp mà mình không được phép từ bỏ?

+ Năm mười tám tôi viết về những ẩn ức làm tôi tức tối phiền muộn và cả viết về những ước mơ, nên không giống trong "Cô con gái ngỗ ngược". "Cô con gái ngỗ ngược" đúng là có những ý nghĩ khá trẻ con nhưng nó vì người khác hơn là vì mình. Khi bắt đầu viết văn tôi đã đoạt một cái giải mà tôi hằng ao ước. Nhưng sau đó tôi bỏ cuộc vì nhiều thứ trong đó có cả ý nghĩ mình không năng khiếu.

Bảy năm sau đó của tôi chẳng còn ý nghĩa gì. Mọi mơ ước tự nhiên tan biến, tôi thấy mình như một người thừa dù không hề tơ tưởng văn chương. Tình cờ tôi viết trở lại và thấy có một sức sống khác nảy nở trong tôi. Biết là viết không bằng ai nhưng ngừng lại càng tụt hậu nên tôi quyết định mình phải kiên trì. Bị chê viết dở càng viết dữ dội hơn. 

Chị có nghĩ rằng, vào những tháng năm này, văn chương cần ngắn gọn, nhanh, mạnh và chiếm lĩnh tâm trí độc giả ngay tức khắc, bởi nếu không độc giả sẽ từ bỏ chúng ta đến với những điều khác? Và đó là một thách thức lớn với nhà văn?

+ Thời nào nhà văn muốn được độc giả nhớ tới cũng phải có những cái đi sâu vào tâm trí độc giả. Chưa chắc vào thời không có những loại hình giải trí hiện nay thì nhà văn có thể viết dễ dãi là được đón nhận. Quan trọng là mình có khai thác được cái gì mới khác hơn tiền nhân không.

Đó mới là thử thách dành cho nhà văn thời nay. Nhanh hay chậm, dài hay ngắn cũng không phải là vấn đề. Tuy nhiên ngắn thì dễ được những độc giả "bận rộn" tiếp cận hơn, có nhiều độc giả hơn. Tôi rất trân trọng những tác phẩm dài có chất lượng.

Chị có dự định gì mới cho văn chương? Và cuộc sống hiện tại của chị?

+ Dự định thì nhiều lắm nhưng tôi viết chậm do bận việc trường lớp, con cái  nên phải đợi khá lâu mới thực hiện được những dự định. Có điều tôi đang ao ước được viết cho thiếu nhi. Học trò tôi lứa tuổi tiểu học, rất gần gũi, rất yêu thương cô giáo, kể cho cô giáo nghe bất cứ chuyện gì xảy ra trong đời chúng. Không viết về chúng, tôi thấy mình rất bất tài.

Giải thưởng vừa qua giúp tôi thấy những miệt mài của mình không phải là thừa. Tôi làm việc yên tâm hơn, tự tin hơn. Hiện tại tôi đang dạy vẽ cho học sinh tiểu học. Rất vui vì được tiếp xúc các em. Lĩnh lương dạy học để nuôi hai mẹ con và nuôi văn chương. Lĩnh nhuận bút để "xóa đói giảm nghèo". Hiện đang ở nhà tập thể của một trường trung học. Tích cóp nhuận bút và giải thưởng để mua đất cất nhà. Liệu có thể lạc nghiệp rồi mới an cư được không ta?

Cảm ơn chị!

Hoài Phố (thực hiện)
Nguồn: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây