Lấp lánh ánh thơ Mai Văn Phấn

Chủ nhật - 06/03/2011 04:25 3.771 0

Nhà thơ Mai Văn Phấn

Nhà thơ Mai Văn Phấn
Với thơ, đến được với chính mình trong quan niệm, trong ý thức chọn lựa, trong cuộc cách mạng “cách tân thơ” để đến được bến bờ “Nó là Nó” quả thật quý và hiếm. Những năm qua, trong dòng trôi của lịch sử thi ca có một thi sĩ ham mê, khát vọng bước dưới ngọn cờ đổi mới, đó là nhà thơ Mai Văn Phấn.

Nhà thơ tuyên ngôn: “Thơ tôi là ngôi nhà của riêng tôi, ai muốn vào xin hãy gõ cửa và tuân theo những nghi thức nhất định”. Là thế, đây là cái riêng, một tự thức và ý thức! Bởi, tôi muốn: “Tôi là Tôi”! Còn là tôi, có là anh, là ai, trong cái “gu”, cái hoà đồng hay không, lại khác. Biết rõ cái gan ruột trong sở thích của số đông bạn đọc, nhưng lại “không chủ ý làm thơ để ve vuốt sở thích”(*), Mai Văn Phấn hiểu mình, hiểu cả “cái ngoài vạn dặm” khác mình, lộ trình của nhà thơ với chân trời hướng tới của riêng mình, với niềm tin dường vậy.

Cách đây gần hai chục năm, khi đang sống và viết ở Thái Bình, tôi đã đem lòng yêu “thơ và con - người chàng thi sĩ” này. Dẫu ngày ấy kiến ảnh, ít kiến hình. Nhưng, Mai Văn Phấn với dáng thư sinh, điển trai, lại mịn màng, ấm áp rồi điệu đàng, thông minh, lịch lãm đã làm tôi yêu, nể vì bởi cái trong xanh, mê đắm của một điệu tâm hồn. Yêu Phấn. Đọc thơ Mai Văn Phấn, tôi từng ám ảnh:

Ta ngồi nhập định cùng hoa
Thành chuông ai thỉnh ngân nga cỏ mềm

Hoặc:

Gọi thầm Đà Lạt thơm trong miệng
Đôi gót chân mình đôi bến mê

Quả tình, chạm vào những câu thơ bỏ bùa mang vệt loang làm nhòa đi ranh giới, đâu là hồn người, đâu là vũ trụ cảm rung cứ vời vợi loang xa. Người đọc gặp Mai Văn Phấn cái phút giây thi sĩ ôm trùm vũ trụ. Và, vũ trụ đã nằm trong trái tim thi sĩ ấy. Trên nền vững, Mai Văn Phấn và thơ đang vận động đằm, say như vậy, bỗng đến “Vách nước”, thi sĩ này đã “vong thân”(*) với bước chuyển thật “mới và lạ”. Anh quyết liệt dấn thân trên hành trình: “mình luôn tự phủ định mình”(*)

Tôi đọc, lặng lẽ tin thi sĩ họ Mai ở cái sâu, cái vững, ở hệ thống thiết lập, khai mở một chân trời trong cái khát, “cái có” của thơ anh. Không “ve vuốt”, quyến rũ, không chiều theo số đông sở thích người đọc. Vâng. Mỗi tác giả đều có riêng một vùng công chúng. Người quý nhà thơ này. Người yêu thi sĩ nọ. Và, người tìm đến cái mới lạ trong thơ Mai Văn Phấn không ít. Tôi đọc Mai Văn Phấn vì “người của muôn xưa” và còn vì cái nghiệp văn tôi đã và đang lẽo đẽo gồng gánh, đa mang gần như suốt đời mình.

Đi giữa càn khôn, giữa ba dòng Thiên-Địa-Nhân vô cùng lớn lao, bí ẩn, ngắm nghía ai, nhận diện ai? Với văn chương, tôi thường xem nghệ sĩ sáng tạo ấy “Tìm gì”, “Thấy gì” và “Biết gì” trong ánh sáng của ý thức được đem về giữa khoảng tối, nơi mịt mùng vô thức. Trước mắt ta, cái Càn-Khôn, cái vũ trụ thiên thể lớn lao luôn diệu huyền kia, luôn mới. Nhưng cũng thật cũ mèm. Còn giữa hai dòng thiên-địa, giữa đại vũ trụ là “tiểu vũ trụ”. Là cõi người. Là những “kiếp người”. Nó cũng luôn mới. Nhưng nó cũng thật cũ mèm. Và, có-gì-mới-mẻ? Giản đơn sao. Hai dòng thiên-địa ấy vẫn thiên niên vạn đại là hai mảnh âm dương, sáng tối. Vẫn dài dặc của dòng trôi tháng ngày, của nắng-mưa vô định. Còn mọi kiếp người là “ái ố dục.” Là khát khao, hạnh phúc, khổ đau... Từ thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Rồi, từ trước nữa, đến ta và sau ta muôn kiếp, con người vẫn nhọc nhằn bằng mồ hôi, công sức, thậm chí máu xương nước mắt mà “kê” lại cái thế giới loài người luôn nổi chìm trên hai bờ thiện-ác. Rồi cái tà-cái chính. Cái giá trị và cái không giá trị mà thôi. Vậy, khác chăng, cái khác ấy, “là Thời”. Còn Cái “Đời”, cái “muôn đời”, vẫn thế. Khi Nguyễn Trãi viết:

Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi

Thì thơ “Hai ku”, người Nhật có câu:

Người ta bảo trời cao
Sao lưng tôi không thẳng đứng
Người ta bảo đất vững
Sao tôi phải cầm chiếc gậy trên tay

Còn thi sĩ Nga, Evgheni Vinokurov, luận về thế kỷ hai mươi? Hay ông đã tổng kết mọi thế kỷ, mọi kiếp người, rằng:

Thế kỷ hai mươi ai lang bạt trên đường
Giữa lửa cháy có khi nào sực nghĩ
Là thú vật, là thánh thần thật dễ
Nhưng chỉ là Người khó biết bao nhiêu…

Vậy thì, trên mọi xứ sở đất đai, châu lục, cũ gì, mới là thế nào kia chứ? Rồi nhìn suốt chiều dài, chiều sâu kim cổ, với văn chương, suốt tiến trình va đập và đãi lọc từ các trường phái, các dòng vận động, chuyển tiếp, đụng vào khoảng trời này, trước mắt ta còn đây, bao tuổi tên, bao quả núi vọi cao? “Đạo lớn vô thuật”. Nhà hiền triết, bậc thánh nhân nói: “Người vĩ đại nhất là người đứng bên cạnh thằng ngu ngốc nhất”. Bởi họ đã biến được cái lớn lao, cái cao siêu, kỳ diệu nhất hoà nhuần vào tận cùng những góc khất nhỏ nho, bình dị của hơi thở vạn vật. Họ đưa được tất cả những ai đó thật bình thường, đặt chân lên sao Hoả, sao Kim mà ở ăn, mà nhìn ngắm... Nhưng với văn chương, với công cuộc lao động và sáng tạo nghệ thuật thì luôn phát hiện, sáng tạo, luôn mới. Đấy là sự nghiệt ngã mang ý nghĩa hoặc tử, hoặc sinh!

Tôi bái vọng những thi sĩ đứng giữa thiên địa vời cao mà đối diện, thách thức, mà hành trình độc đạo tới chân trời văn chương mà “vong thân”, lột xác tìm lấy cái “mới lạ” mà hay. Tôi đọc Mai Văn Phấn. Thơ của nhà thơ này không thể đọc nhanh. Vừa đi, vừa đồng thời mở “cánh cửa người đọc”, mở “cánh cửa nhà thơ” để bước vào “ngôi đền thiêng” ấy. Kể từ “Vách nước”, với hàng chục tập thơ trình làng, “Bầu trời không mái che” là ấn phẩm mới nhất. Thơ Mai Văn Phấn vẫn là anh ở cái lõi kết tinh. Song, cái mới-lạ ở từng dòng, từng chữ là “nhãn tự”. Là lối tiếp cận, biểu hiện đối tượng khám phá và sáng tạo. Thơ “mở” hơn ở nhiều kẽ, ở sự “quyến”, với sự “bắt nhập” rộng, sáng hơn nơi câu thơ hiện diện.

Thi hào Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều đã mười bảy lần đẩy Thuý Kiều văng đi thật xa, tách Kiều khỏi thế giới quanh mình, để chỉ còn riêng Kiều với tiếng lòng độc thoại. Thơ Mai Văn Phấn ngỡ như không trực giác. Nhà thơ luôn văng mình về một phía xa khuất để cô nén và ôm trùm nơi hồn mình một ngoại giới mông lung. Một vũ trụ thiên nhiên tự nhà thơ đẻ ra cái dồi dào trực giác, nhưng trực giác lại có từ quá trình tích luỹ nào đó.

Ta về đổ bóng xuống vườn
Cho xanh tươi lại từng cơn úa vàng

“Mảnh vườn” với “cơn úa vàng” kia là hiện thực của ngoại giới, nhưng ngoại giới của khả năng liên tưởng, sáng tạo. Nó dội lên, có từ tầng chìm, nơi cõi sâu của tâm hồn nhà thơ đó chứ. Mai Văn Phấn, một thi sĩ hào hoa, phóng túng. Một người giàu có, luôn chứa trong mình “vũ trụ động” như vậy. Khoảnh khắc “Tản mạn về cỏ”, là lối hẹp mà người viết phải tựa nhiều vào hiện thực nơi tâm linh trong nét ảo ở lối khai thác đã đành. Với nhiều đối diện khác, khi đi từ cái rộng, cái tầng nổi như “Hát giữa hai mùa”, thì ở đây, hiện thực trong thơ Mai Văn Phấn vẫn là “hiện thực tưởng tượng”:

Tôi ra đi nghe chiêm mùa gọi nhau trên mặt giần sàng
Tiếng than hồng bén trong đống rấm
Con thú bị thương khản giọng
Con cá lơ ngơ bỗng chốc nhảy lên bờ.

Rồi:

Mỗi góc tối trong tôi đang ngậm lấy âm thanh như ngậm vào vú mẹ, từ miệng mình he hé ánh sáng bồng bế nhau thong thả tràn vào ...

(Viết cho cây sáo)

Rồi:

Những ngón tay que diêm vừa rút ra khỏi vỏ
Quẹt lên da trời ở rất xa
Ta cúi xuống cuống cuồng thổi lửa
Nhận ra mình là hòn than cháy dở đêm qua

(Nhóm lửa, trường ca Người cùng thời)

Trút bỏ thật xa lối mòn của âm điệu vần vè, hoặc đảo, hoặc làm mất đi những trật tự ngôn thi, thơ Mai Văn Phấn nhằm tới cái đích làm “động” lên những dòng chảy của hình thi, tâm thi giữa khoảng tối mà kéo về chớp sáng. Nhà thơ ngụp lặn và quẫy bơi trong khoảng sâu mờ. Ở đấy là mối giao cảm thật phong lưu, âm hưởng của sức vóc nhà thơ với thiên nhiên trên dặm dài vừa đi vừa tụ kết. Không thể tách bạch trong cái đa chiều của cảm rung, suy tưởng. Nhưng, cái nghĩ là sự trội vượt lấn trùm. Cái gập ghềnh, mờ dầy trong cái dồn xô, va đập của vận động, chuyển động. Cái khoảnh khắc cùng một lúc gọi về trong cái mở của thơ... Mai Văn Phấn, chàng thi sĩ đa tình luôn thảng thốt mà thông tuệ, luôn sóng sánh mà tinh sâu trong những câu thơ hay, trong niềm yêu, trong mát tươi một thiên thể thế này:  

Đất miên man tìm đến chân trời
Hơi thở đằm của bờ xôi ruộng mật
Những nỗi buồn phà sương sớm lên môi

Rồi:

Con chó đá đầu làng vẫn sủa những con trăng
Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt

(Tiếng gọi từ những cánh đồng)

Rồi:

Cá tính hoà đồng với quy luật thiên nhiên, cho ta nhịp nhàng,
cho ta nguôi ngoai, cho ta thổn thức...
Tuân theo luật mà dồi dào cá tính. Cái Tôi tận cùng dẫn tới cái Ta.

Rồi:

Khi làn hương thanh cao bí ẩn ra đi, nặng trĩu đài sen cõng trên lưng mùa hạ. Những chiếc lá nằm mơ được hái về gói cốm, lũ ve sầu còn ngân lên lời xưng tụng cuối cùng...

(Cộng hưởng II, Trường ca Người cùng thời)

Rồi, trích dẫn từ ba bài thơ làm ba điểm cho một tam giác dưới đây, minh chứng cho cái nhìn này, không gì khác, đấy là “tình”, cái tình! Những thi ảnh thật “cá thể” trong nghệ thuật điển hình hoá, nguồn chìm sâu nơi hồn thơ nhà thơ phát lộ.

Con sâu đo em đu lên người anh
Thì thầm gặm hết những non xanh

(Gió thổi)

Rồi:

Mắt em lóng lánh khắp nơi khép lại
Anh bước lên vạt nắng
Một con thuyền ban mai
Em bảo hãy chờ để khoá chặt cổng

(Vườn em)

Và:

Thân dâng
Hương thơm ngon ngọt
Con chào mào em
Khoét rỗng môi anh
Và vỗ cánh
Ngậm anh đi gieo hạt

(Hình đám cỏ - Nhịp III)

Rõ ràng, trước khoảng xanh bao la, thơ của anh là khả năng thức dậy tiếng lòng được dệt thêu, kết dính những sợi tơ ràng rịt trong mối giao cảm giữa cái nhất niệm với thiên thu trong cái độ, cái vô cùng biên độ ngoài ta. Lạc vào thơ Mai Văn Phấn trong “khoảng xanh” này, tôi bỗng chạm vào “Bát nhã”, chạm vào Thánh Kinh của Starha, Đức Phật, khi đứng trước cái xác lập trong cái dường như không xác lập của cảm quan:

Nhật nhật đối cảnh thì
Cảnh cảnh tòng tâm xuất
Tâm cảnh bản lai vô
Xứ xứ ba la mật ...”

Nghĩa là: Ngày ngày đối diện với cái Ngoài ta, cảnh từ Tâm ta, cảnh từ cái ngoài ta cứ dạt dào giao hoà trong cái Độ. Cái vô biên, vô độ...

Trong biển lớn huy hoàng của thi ca nhân loại, cái vĩ đại là sự đồ sộ của những tư tưởng, những ý thức quan tâm của những người sáng tạo. Họ đã làm nên những trường phái, những chủ nghĩa khác biệt. Người quan tâm đến tính triết học, đến chiều sâu trí tuệ. Người quan tâm đến thân phận mỏng manh, bi kịch muôn thuở của kiếp người. Rồi, cái hữu hạn trước cái vô cùng. Hay một chủ nghĩa của duy mỹ, khái niệm...

Trên con đường tìm tòi, đổi mới, thơ Mai Văn Phấn quan tâm những gì ở dọc đường Tìm, Gặp và Biết ấy? Rồi với thơ, là biển ư? Biển gầm gì gào thét. Là mặt ao thu, con sóng lặng tờ. Hoa huệ trắng thơm. Hoa nhài dịu nhẹ. Hạt muối mặn mà, còn phù sa có riêng cái mỡ màu, mát tươi của nó... Trong cái hay ở nhiều phía, nhiều lát cắt, có thơ hay ở giọng điệu người viết, có thơ hay ở tình, ở ý, ở cách nhìn, ở ý nghĩa sâu sắc của suy tư, chiêm nghiệm, có cái hay của tổng thể với rất nhiều yếu tố mà tất thảy cùng lúc, cùng vang lên cái dung chứa, cái hiệu quả kết tinh...

Là người cầm bút có tri thức, có quan niệm, chọn lựa, quyết liệt trong cách mạng đổi mới thi ca. Người dám “lột xác”, “phủ định mình”, mở lối độc đạo, khai sáng mình trong gương mặt tìm kiếm. “Mai Văn Phấn và thơ” đã và đang hiện diện trong dáng vẻ “Nó là Nó”. Thơ anh là “ngôi nhà riêng”. Ai tìm đến, ai gõ cửa? Ai hoà đồng, ai quý yêu?... Đấy, thuộc phạm trù khác.

Vượt qua những vọng mây mờ khuất, còn khó len ở khoảng tối ngôn từ, thi ảnh không dễ gọi về ý thức “cầm nắm” ở những câu, những đoạn thơ đâu đó, Mai Văn Phấn có được nhiều bài thơ hay, câu thơ hay, ám ảnh. Dễ nhìn thấy, nơi dài xa dòng chảy, Mai Văn Phấn không hụt hơi, đuối sức. Anh đang tựa vào sở trường, mở về đường rộng. Cái dạt dào và vệt loang đang sáng lên gương mặt “một ngôi nhà thơ”, một giọng điệu thơ riêng. Thơ Mai Văn Phấn mới lạ, và không ít những bến bờ của cái hay, nơi thơ anh đã vươn về neo đậu.

Trong công cuộc đãi cát tìm vàng, trong khả năng khơi dậy những mảnh sáng trước vô thức sâu khuất và bí ẩn, tôi trọng thơ Mai Văn Phấn. Và, tôi đặc biệt ngưỡng vọng sự khác biệt trước cái hay, cái đẹp của thơ - những chân trời thơ riêng trên bầu trời cao rộng.

Vĩnh Bảo, những ngày Xuân - 2011
Nhà thơ Kim Chuông 
Nguồn: Văn học quê nhà

Nhà thơ Mai Văn Phấn

Sinh năm 1955 tại Kim Sơn, Ninh Bình

Đi bộ đội. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, du học Liên Xô (cũ). Hiện sống và sáng tác tại thành phố Hải Phòng.

* Các tập thơ đã xuất bản: Giọt nắng, 1972; Gọi xanh,1995; Cầu nguyện ban mai, 1997; Nghi lễ nhận tên, 1999; Người cùng thời (Trường ca, 1999); Vách nước, 2003; Hôm sau, 2009; Đột nhiên gió thổi, 2009; Bầu trời không mái che, 2010…

* Giải thưởng cuộc thi thơ Báo Người Hà Nội, 1994; Giải thưởng thơ Tuần báo Văn nghệ, 1995; Giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) các năm 1991, 1993, 1994, 1995. 

_____________________
(*) Chữ của Mai Văn Phấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây