Nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thủy: Văn chương vốn nghiệt ngã

Chủ nhật - 06/03/2011 05:08 3.259 0

Nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thủy: Văn chương vốn nghiệt ngã

"Sát thủ online" - cuốn tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Xuân Thủy đã giành được giải cao nhất tại cuộc thi tiểu thuyết về đề tài an ninh trật tự do NXB CAND và Hội Nhà văn tổ chức. Có thể coi đây là bước trưởng thành của cây bút quân đội này. Nguyễn Xuân Thủy đến với văn chương chậm rãi, nhưng bền bỉ và chắc chắn…

"Sát thủ online" có cái dữ dội của đời sống hiện tại. Bạo lực và sex khá đậm. Vì sao anh lại chọn hướng đi này?

+ Chính vì nó mang hơi thở của đời sống hiện tại với mảng tối về tội phạm vị thành niên gắn với môi trường Internet nên không thể thiếu bạo lực và sex. Có thể nói chính bạo lực và sex là hai trong những yếu tố cấu thành tội phạm. Đó là sự phát triển tự nhiên chứ không phải là sự lựa chọn có chủ đích của tôi.

Đằng sau bạo lực, đằng sau những cảnh sex là dòng chảy câu chuyện, và đó là một câu chuyện xót xa. Internet đang và sẽ còn là vấn đề nóng hổi, không chỉ Việt Nam chúng ta mà cả thế giới đang phải đối mặt với những hệ lụy từ nó. Đó mới là lựa chọn tôi hướng tới khi viết "Sát thủ online".

Vâng. Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về tội phạm mạng tại Việt Nam. Bối cảnh và cốt truyện rất ly kỳ. Anh bắt đầu với nó như thế nào?

+ Khi các báo đưa tin kỷ niệm 10 năm Internet vào Việt Nam cũng là lúc tôi bắt tay viết cuốn tiểu thuyết thứ hai với đề tài "Vì an ninh cuộc sống" trong cuộc thi mà Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Tôi đã chọn viết về tội phạm mạng. Mười năm kết nối với thế giới, chúng ta đã nếm đủ vị ngọt, vị đắng do Internet mang lại.

Nếu theo dõi thời gian diễn ra câu chuyện mà "Sát thủ online" đề cập thì ai cũng có thể nhận thấy rằng nó sẽ bị vênh so với thời gian thực tế. Mười năm chưa đủ cho một nạn nhân từ cuộc lừa tình qua mạng trưởng thành để tiếp tục trở thành tội phạm mạng thế hệ thứ hai. Lúc đầu tôi rất băn khoăn về điều này, nhưng sau đó tôi vẫn quyết định bỏ qua mốc thời gian thực tế để viết như một sự "đón đầu", bởi cái gì chưa đến rồi sẽ đến.

Lúc đầu tôi cũng định đi thực tế để tìm hiểu kỹ hơn về công việc của những cảnh sát phòng chống tội phạm Internet, tìm hiểu hậu trường những câu chuyện phạm tội của trẻ vị thành niên xuất hiện nhan nhản trên các báo dưới góc nhìn của những người làm công tác phòng chống loại tội phạm này, nhưng sau khi đi dự trại viết do Nhà xuất bản Công an tổ chức, được đi thực tế tại một số trại giam, tiếp xúc với trẻ vị thành niên phạm tội trong trại, tôi đã quyết định không tìm hiểu thêm nữa mà sẽ kể một câu chuyện theo cách của mình. "Sát thủ online" đã được bắt đầu như thế.

Viết về công nghệ cao, người viết rất dễ hở sườn và bạn đọc sẽ khó chấp nhận. Anh có cảm thấy sợ hãi vì điều này?

+ Không đến mức sợ hãi nhưng lo lắng thì có. Tôi cũng đã phải tìm hiểu rất nhiều, và giữ quan điểm cái gì chưa chắc thì tôi không đưa vào tác phẩm. Nhưng tôi cũng không quá chú trọng tìm hiểu, đi sâu vào những chiêu thức, những kỹ nghệ lừa đảo qua mạng, bởi tôi muốn độc giả khi đọc "Sát thủ online" dù có hiểu biết cặn kẽ về thế giới mạng hay không đều có thể tiếp cận nó.

Ở "Sát thủ online", thế giới game và những phi vụ lừa đảo chỉ là cái nền của câu chuyện chứ không đóng vai trò là những chiêu hút khách. Với "Sát thủ online", không chỉ những gì thuộc về lĩnh vực "công nghệ cao", ngay cả những cụm từ tiếng Anh tôi cũng phải nhờ một người bạn có chuyên môn đọc và hiệu đính giúp.

Mr. Mouse là thủ phạm nhưng cũng là nạn nhân, anh dành cho nhân vật này khá nhiều thương xót. Phải chăng, anh nghĩ rằng cần phải cảm thông nhiều hơn là phê phán những nhân vật như vậy?

+ Trước một cậu bé có thân phận đặc biệt với nhiều bi kịch, bất hạnh như vậy thử hỏi làm sao có thể cầm lòng. Bỏ qua cách nhìn với một tên tội phạm thì còn lại là số phận một con người. Thông qua Mr. Mouse, tôi muốn mổ xẻ cái ác, giải mã hành trình của cái ác. Tôi không đặt vấn đề cảm thông hay phê phán nhưng rõ ràng cuộc đời của cậu ấy thật đáng thương.

Dù cậu ấy là cái mầm ác được gieo vào mảnh đất thuận cho cái ác phát lộ, thì cậu ấy vẫn có cái tên khai sinh Lưu Ngọc Thiện. Chúng ta nên hi vọng vào bản tính thiện trong mỗi con người, dù họ là tội phạm thì tôi tin trong họ vẫn tiềm ẩn những nhân tính.

Nói một cách sòng phẳng, anh không phải là một tài năng thiên bẩm, những trang viết của anh không đặc biệt tài hoa. Nhưng rõ ràng, cuốn sách sau của anh trưởng thành và chững chạc hơn cuốn trước. Phải chăng, với văn chương, anh chọn cách đi của một thợ cày cần cù?

+ Tôi đồng ý với nhận xét này, bản thân tôi cũng nhận thấy như vậy. Tôi không chọn để trở thành nhà văn, nhưng rồi vẫn dính vào nó như một thứ duyên nợ. Tôi không chủ đích chọn cách đi của một thợ cày cần cù mà thực sự đã là một thợ cày cần cù. (cười).

- Với tư cách là một bạn đọc, anh muốn đọc những cuốn sách như thế nào? Anh có nghĩ rằng, thế hệ anh và thế hệ sau nữa, cần lựa chọn một cách viết nhanh, mạnh và nhắm đến một mục đích cụ thể hơn để "hạ gục" bạn đọc ngay từ trang đầu tiên?

+ Nếu như có tạng viết thì cũng có tạng đọc. Văn của tôi thường chậm và tôi cũng thích đọc những cuốn sách có tiết tấu chậm, không quá chơi thi pháp, mặc dù tiểu thuyết hiện đại rất chú trọng đến thi pháp. Tuy nhiên, cái đọc của một người viết khác cái đọc của một độc giả thông thường, tôi cũng vẫn đọc những gì mình không thích, để biết rằng có những kiểu viết như thế.

Nhịp điệu của thời đại cũng phần nào định hướng nhịp điệu của văn chương. Với thời nay thì đúng là cái nhanh - mạnh đang ngày càng lấn lướt sự trầm lắng nhưng tôi tin rằng thời nào cũng thế, bên cạnh những người viết và những người đọc thích nhanh - mạnh thì cũng có những người viết, người đọc thích chậm - nhẹ, ngay một con người cũng có những lúc chảy cuồn cuộn và có những khúc quanh dịu dàng. Tôi cũng nghĩ, dù nhanh - mạnh hay chậm - nhẹ cũng cần phải "hạ gục" bạn đọc ngay từ những trang đầu tiên, làm sao để bạn đọc thấy cuốn hút hoặc tìm được lý do để đi tiếp.

Anh bắt đầu từ những trang viết về người lính. Nhưng tôi đánh giá, nó chưa thành công lắm, cụ thể là so với "Sát thủ online". Anh nghĩ sao?

+ Tôi thì thấy rằng không nên so sánh giữa những trang viết về người lính với những trang viết về tội phạm. Đó là 2 mảng đề tài khác nhau với hai cách thể hiện khác nhau. Với văn chương nói chung, quan niệm của tôi làm sao để viết cuốn sau đừng bị chê là dở hơn cuốn trước, với tôi thế đã là thành công. Còn nếu như điều đó vẫn xảy ra thì cũng phải chấp nhận, vì văn chương vốn nghiệt ngã.

-  Xin cảm ơn anh!

Hoài Phố (thực hiện)
Nguồn: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây