Nobel văn học 2010 Mario vargas Llosa: Nhà văn không thể thoát khỏi chính trị

Chủ nhật - 17/10/2010 04:52 2.075 0

Mario Vargas Llosa (phải) tại một hội thảo trí thức Mỹ Latin và châu Âu ở Rosario, Argentina năm 2008

Mario Vargas Llosa (phải) tại một hội thảo trí thức Mỹ Latin và châu Âu ở Rosario, Argentina năm 2008
Bình luận về Nobel văn học 2010, báo giới Nga tỏ vẻ hài lòng với việc trao giải cho tác giả Mario Vargas Llosa và đồng thanh: “Không có thắc mắc”. Trong khi The New York Times nhận định: “Với Llosa, Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển lại lần nữa đưa ra sự chọn lựa nhuốm màu chính trị, lần này là hữu thay vì tả”.

Nhìn chung ở Mỹ Latin, Mario Llosa được hâm mộ bởi văn tài nhưng lại là một nhân vật gây tranh cãi. Tại thủ đô Lima của Peru, quốc hội chào đón tin vui, còn tại Arequipa nơi nhà văn sinh ra, truyền hình phát cảnh người dân tụ tập hát quốc ca trên đường phố.

Nhưng nếu Tổng thống Mexico Felipe Calderón viết trên Twitter rằng giải thưởng là “niềm tự hào Mỹ Latin” thì nhà văn Mexico Paco Ignacio Taibo II bình luận “giải thưởng hoàn toàn xứng đáng, nhưng bản thân Llosa là một công dân và một con người đáng trách”.

Chống chuyên quyền

Mario Llosa có vẻ không bất ngờ trước những đánh giá trái chiều này, bởi con người văn chương của ông dường như chưa bao giờ tách rời khỏi con người chính trị, như chính ông nhận định ngày 7-10 tại New York, nơi ông đang giảng dạy văn học Mỹ Latin ở Đại học Princeton: “Rất khó cho một nhà văn Mỹ Latin tránh khỏi chính trị. Văn học là một biểu hiện của đời sống và bạn không thể loại bỏ chính trị khỏi cuộc sống”.

Dù không sống toàn thời gian ở Peru nhưng Llosa không bỏ qua những diễn biến chính trị của đất nước. Năm 2009, trước kêu gọi của Mario Llosa, Tổng thống Peru Alan Garcia đã thu hồi một chỉ thị mình từng đưa ra về việc ngưng điều tra những vi phạm nhân quyền diễn ra trước năm 2003 - giai đoạn chính quyền Peru chống lại những cuộc đấu tranh của phe nổi dậy. Khi chỉ thị được ban hành, Mario Llosa đã gọi hành động này là ”sự ân xá được ngụy trang” cho các binh sĩ và mật vụ từng bắt cóc, tra tấn, giết chết các du kích quân suốt giai đoạn nội chiến từ năm 1980-2003 ở Peru.

BBC

Llosa xuất thân từ một gia đình trung lưu Peru, thuở nhỏ sống cùng mẹ và ông ngoại ở Bolivia sau khi cha mẹ ly dị. Ông của Llosa là lãnh sự danh dự của Peru ở thành phố Cochabama (Bolivia), sở hữu đồn điền bông nên đảm bảo cho con gái và cháu cuộc sống sung túc. Năm 1946, cha mẹ Llosa tái hợp và đưa cậu trở lại Lima, nơi Llosa lúc đầu theo học trường đạo, nhưng rồi theo yêu cầu của cha, Llosa vào Học viện quân sự Leoncio Prado mà sau này được nhà văn tái hiện trong Thời của anh hùng.

Cuộc sống ở học viện quân sự làm Llosa chán ghét đến nỗi cậu bỏ học một năm trước khi khóa học kết thúc, vào làm cho tờ báo La Industria của tỉnh Piure. Năm 1953, Mario Llosa thi vào khoa ngôn ngữ Đại học San Marcos ở Lima, nhưng chẳng bao lâu ông nhận được học bổng của Đại học Madrid và chuyển sang Tây Ban Nha học năm 1958, nơi ông làm luận án tiến sĩ về Ruben Dario (nhà thơ Nicaragua, khởi xướng dòng văn học hiện đại Mỹ - Tây Ban Nha).

Năm 1960, được hứa một khoản trợ cấp cho việc nghiên cứu văn học, Llosa chuyển sang Paris. Khi đó ông đã cưới người họ hàng bên ngoại là Julia Urquidi, lớn hơn ông 19 tuổi, làm vợ (mối quan hệ này từng được nhà văn tái hiện trong Dì Julia và nhà văn quèn). Do khoản trợ cấp về sau bị từ chối, Llosa vào làm cho đài phát thanh và truyền hình địa phương. Năm 1964, Llosa chia tay vợ đầu, lấy một người chị họ khác là Patricia Llosa.

Từ năm 1969-1970, Llosa sống và giảng dạy ở Anh rồi Tây Ban Nha, trước khi chính thức bắt tay vào hoạt động văn học chuyên nghiệp. Từ những năm 1990 đến nay ông sống ở Anh, dù năm nào cũng dành ba tháng về Peru.

Theo các nhà bình luận, nổi bật trong toàn bộ sáng tác của Mario Llosa là sự căm ghét các hình thức độc tài và chuyên quyền. Tiểu thuyết tự truyện đầu tiên Thời của anh hùng (1963) dựa vào những cảm xúc của tác giả khi còn học ở Học viện quân sự Leoncio Prado đã đặt nền tảng cho sự nổi tiếng của ông ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Được giới trẻ Liên Xô khi đó nhiệt tình ủng hộ, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim ở Liên Xô rồi ở Mỹ, trong khi lại bị đốt tại Học viện Leoncio Prado, nơi các viên tướng cho rằng Llosa đã “viết theo đơn đặt hàng của kẻ thù”.

Bốn năm sau đó, tiểu thuyết Nhà xanh (1967) theo chân Bonifacia - cô gái lẽ ra thề nguyện trở thành nữ tu cuối cùng lại thành một cô gái điếm nổi tiếng nhất nhà thổ ở Piura - mới mang giải thưởng tiểu thuyết quốc tế Rómulo Gallegos tới cho Llosa. Quyển sách này về sau đã thu thập số giải thưởng nhiều đến nỗi đưa Llosa trở thành một trong những tác giả hàng đầu của làn sóng “cơn bùng phát Mỹ Latin” (là phong trào văn học thập niên 1960-1970, khi tác phẩm của nhiều tác giả trẻ Mỹ Latin được in rộng rãi ở châu Âu và toàn thế giới.

Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hiện đại Bắc Mỹ và châu Âu cộng với phong trào Tiên phong của Mỹ Latin, các tác giả trẻ này thách thức những quy ước đã được thiết lập trong văn học Mỹ Latin. Các tác phẩm của họ mang tính thực nghiệm và thấm đẫm chất chính trị, do không khí cách mạng của Mỹ Latin thập niên này).

Hai quyển sách này và những tác phẩm về sau (gần 30 đầu sách) đã đưa Llosa vào vị thế một trong những nhà văn có kỹ thuật viết điêu luyện bậc nhất Mỹ Latin.

Dẫu vậy, bản thân kỹ thuật sẽ không đủ cho sự nổi tiếng này. Đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của Llosa, dù ông ở nơi đâu trên thế giới, vẫn là những huyền thoại, con người, lịch sử của Peru nói riêng và toàn Mỹ Latin nói chung. Đúng như nhà văn G. Marquez từng nói: “Nhà độc tài - đó là hình tượng điển hình hoàn chỉnh duy nhất mà Mỹ Latin đưa ra”, Llosa đã soi rọi đề tài này hầu như toàn diện.

Bi kịch của những con người phải khuất phục chuyên quyền được ông đưa từ đời sống vào tác phẩm như Cuộc trò chuyện trong nhà thờ hay Chiến tranh ở tận cùng thế giới. Chiến tranh ở tận cùng thế giới viết về sự kiện diễn ra cuối thế kỷ 19 ở Brazil, được coi là chỉ dấu chuyển biến trong thế giới quan của Llosa, khi nhà văn chuyển từ những quan điểm trung tả sang tự do. Đây cũng là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Llosa, thể loại rất thành công của ông.

Nhà chính trị... Don Quixote

Từ năm 1987, Vargas Llosa tích cực hơn trong hoạt động chính trị. Năm 1990, ông được đề cử là ứng viên tổng thống Peru của Đảng Mặt trận dân chủ. Đó là những năm Peru chìm đắm trong lạm phát cao và những cuộc tấn công bạo động của phong trào Con đường sáng.

Cuộc tranh cử của Llosa được tờ New York Times gọi là “cuộc vận động của Don Quixote”, bởi Llosa đưa ra một kế hoạch cải cách triệt để: chuyển kinh tế Peru sang kinh tế thị trường tự do, giảm đáng kể thâm thủng ngân sách và nhanh chóng tư hữu hóa cổ phần nhà nước. Thua ở vòng hai trước ứng viên kỹ sư - nhà nông học Alberto Fujimori, người sau này trở thành nhà lãnh đạo độc tài nổi tiếng ở Peru, Llosa cay đắng bỏ sang London và trở thành công dân Tây Ban Nha năm 1993.

Trở lại sự nghiệp văn chương, cuộc nghiên cứu của Llosa về “những huyền thoại độc tài” trong xã hội Mỹ Latin vẫn tiếp tục với Bữa tiệc của dê (2001), bộ tiểu thuyết chính trị ba tập về nhà độc tài Dominican Rafael Trujillo. Hiện Llosa vẫn tiếp tục sáng tác. Tháng 11 này quyển sách mới của ông Giấc mộng của người Kelt viết về nhà cách mạng Ireland Roger Caseman dự kiến ra mắt.

Đánh giá chung về sự nghiệp của Llosa, Ruben Gallo, giáo sư văn học Mỹ - Tây Ban Nha tại Đại học Princeton, nói: “Ông là một trong những tác giả của thế kỷ 20 viết một cách hùng hồn nhất mà cũng cay đắng nhất về sự giao cắt giữa văn hóa và chính trị ở Mỹ Latin”.


Garcia Marquez (trái) và Mario Llosa - Ảnh: Guardian

Llosa và Marquez

Mối quan hệ giữa hai chân dung lớn này của Mỹ Latin, cùng đoạt Nobel văn học (Garcia Marquez đoạt giải trước Llosa 28 năm), có những nét thú vị mà hầu như không nhà viết tiểu sử nào có thể bỏ qua.

Llosa và Marquez quen biết nhau từ năm 1967 và trở thành bạn thân bởi có rất nhiều điểm chung: yêu thích văn chương, từng là những nhân vật chính của “cơn bùng phát Mỹ Latin”, trước khi nổi tiếng cả hai đã sống ở Paris và khi đã nổi tiếng đều có thời gian sống ở Barcelona. Năm 1971, Llosa đã bỏ hẳn hai năm để nghiên cứu Trăm năm cô đơn của Marquez.

Tiểu luận Garcia Marquez: chuyện của người giết Chúa là kết quả công trình nghiên cứu này của Llosa tại Đại học Madrid. Garcia Marquez là cha đỡ đầu cho đứa con thứ hai của Llosa. Thế nhưng tình bạn của hai người kết thúc năm 1976, khi trước mặt đông đảo nhà báo tại một rạp hát Mexico, Llosa đấm một cú trời giáng vào mặt Marquez sau khi quát: “Làm sao mà ông có thể dám tới gần tôi sau những gì đã làm với Patricia?”.

Sau sự kiện đó, cả hai không bao giờ nói chuyện với nhau và sự im lặng này kéo dài 34 năm. Nguyên nhân của vụ việc không ai trong hai người nói đến, chỉ biết là do “vấn đề cá nhân” và Patricia là vợ của Llosa! Vụ việc này được đề cập trong không ít bộ phim tài liệu về hai nhà văn lớn.

Chỉ đến năm 2007, quan hệ hai bên mới phần nào bớt “đóng băng”, khi Mario Llosa đồng ý cho trích dẫn một số nhận định từ tiểu luận của ông vào ấn bản kỷ niệm 40 năm của Trăm năm cô đơn.

NG.THANH (Theo Tuổi Trẻ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây