Nhà văn Đoàn Lê: Văn trẻ hứa hẹn một mùa quả ngọt

Chủ nhật - 31/01/2010 22:20 2.422 0

Nhà văn Đoàn Lê: Văn trẻ hứa hẹn một mùa quả ngọt

Nhà văn Đoàn Lê đã in các tác phẩm: Cuốn gia phả để lại, Lão già tâm thần, Người đẹp và đức vua, Thành hoàng làng xổ số, Oan hồn ngõ đá dốc, Nghĩa địa xóm Chùa... Trong đó cuốn tiểu thuyết Gia phả để lại (1990) được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải A.
Tập truyện Trinh tiết xóm Chùa được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải nhì và được dịch sang tiếng Anh để đến với đông đảo bạn đọc trên thế giới. Mới đây tiểu thuyết Tiền định của chị đã vào chung khảo giải thưởng Bách Việt lần thứ nhất.

* Nhà văn là người  rất đa tài khi vừa làm thơ, cầm cọ vẽ, viết kịch bản, đạo diễn phim và viết tiểu thuyết, ở lĩnh vực nào cũng đạt được những thành quả nhất định.Vậy xin nhà văn cho biết các nghề nghiệp khác giúp ích gì cho công việc viết văn, cũng như văn chương có ảnh hưởng đến các nghề nghiệp khác?

Nhà văn Đoàn Lê: - Cả cuộc đời tôi làm điện ảnh, trong lúc làm điện ảnh tôi đã học hội họa. Tất cả những bộ môn ấy đã bổ sung cho văn chương rất nhiều. Hội họa giúp tôi có một cái nhìn cân đối, hài hòa màu sắc, bố cục trong công việc viết văn. Hiện nay tôi vẫn song song giữ việc viết và vẽ tranh. Còn văn chương giúp cho tâm hồn khơi mở. Nhìn vào tranh của tôi, người ta biết đó là tranh do nhà văn vẽ bởi các ý tứ, tư tưởng, chủ đề lấn át những đường nét, bố cục của bức tranh.

* Qua các tác phẩm như: Đất xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa, nhà văn từng nói là có một xóm Chùa  không chỉ ám ảnh, mà còn ấn tượng suốt cả một phần đời. Vậy không biết ngoài xóm Chùa ra, nhà văn còn có một nơi nào đó thật ấn tượng và ám ảnh nữa hay không?

- “Xóm Chùa” chỉ là một địa danh do chính tôi đặt ra chứ không có một xóm Chùa thật sự nào cả. Xóm Chùa ở đây là hình ảnh đại diện cho đất nước Việt Nam đầy rẫy những khó khăn, vướng mắc khi đang tìm cách hội nhập với thế giới. Trong đó miêu tả những mẫu người tôi từng gặp ở quê quán, ở ngoài đời. Bây giờ với các truyện như: Oan hồn xóm đá dốc, Quai xăm, Rồi bụt hiện lên, Chốn sơn khê... Đề tài xóm núi, xóm chài đang là chủ đề tôi quan tâm, miêu tả.

* Thường những cái ám ảnh mình rất dễ bị lặp lại, điều này thường thấy ở những cây bút trẻ. Vậy nhà văn có suy nghĩ gì về vấn đề này và bản thân nhà văn đã vượt qua nó như thế nào?

- Người viết bị lặp lại cũng là một lẽ đương nhiên vì những ám ảnh trong tâm trí luôn trực trào ra ngọn bút. Đôi khi một câu văn, một ý tưởng cũng bị lặp lại chính mình. Tuy nhiên đã là người viết thì phải luôn ý thức được điều đó để dè chừng, để tránh, để tự mình vượt qua được. Bản thân tôi cũng luôn phải dè chừng, đôi khi đang viết phải xem mình có lặp lại mình không. Mà nghề gì cũng thế thôi, lặp lại mình đã chán mà lặp lại người khác càng chán hơn.

* Đứng trước sự thay đổi đột ngột của thời mở cửa, thời mà mọi giá trị ngỡ là truyền thống, là vĩnh cửu, đột nhiên bị đảo lộn, nhà văn có những trăn trở gì?

- Tất cả những điều chúng ta thấy trong thời mở cửa vừa có những thuận lợi lại vừa mất đi nhiều. Tôi nghĩ là các nhà văn chuyên nghiệp thì luôn phải phân biệt được điều gì đáng ca ngợi, giữ gìn, trân trọng, điều gì  là phù hợp và cần cho mình, đừng để những hấp dẫn lôi cuốn đi. Phải hết sức tỉnh táo trong ngòi bút. Văn học phương Tây cũng như phương Đông, các nhà văn nữ viết cực kỳ bạo, cực kỳ ghê gớm nhưng nếu hỏi nó có phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt Nam không, xin thưa rằng không hề phù hợp vì độc giả chưa quen. Cho nên phải hết sức dè dặt.

* Vấn đề bình đẳng giới luôn được xã hội quan tâm, nhà văn đã thể hiện mối quan tâm cũng như quan điểm của mình như thế nào về vấn đề này?

- Thật ra 60 năm nay cách mạng giải phóng phụ nữ đã vươn lên rồi. Nhưng với một đất nước còn bị ảnh hưởng rất nhiều văn hóa, tư tưởng phong kiến, người phụ nữ chưa thật sự được giải phóng như ta mong muốn. Trong tất cả các tác phẩm của mình, tôi đều nói về những nhân vật nữ để bênh vực, thông cảm, chia sẻ và luôn mong muốn họ sẽ tìm được vị trí xứng đáng trong con mắt, tình cảm của nam giới.

Có như vậy họ mới thật sự được giải phóng, thật sự được bình đẳng. Bởi hiện nay trong từng ngóc ngách xã hội, trong từng chi tiết đời sống vẫn còn nhiều phụ nữ bị mất bình đẳng. Không hẳn tất cả phụ nữ đều có tài, họ có thể sống một cuộc đời rất bình dị. Chỉ hi vọng rằng dần dần phụ nữ sẽ tìm thấy đúng vị trí của mình, tất nhiên phải chấp nhận chờ đợi điều đó trong một thời gian nữa.

* Xin nhà văn cho biết tiểu thuyết Tiền định vào vòng chung khảo của Bách Việt, được ra đời như thế nào? Có phải tất cả là câu chuyện thật của nhà văn không?

- Đây là cuốn tiểu thuyết thứ tư của tôi. Mỗi cuốn tiểu thuyết đều có mục đích của nó. Cuốn tiểu thuyết này tôi đề tặng linh hồn mẹ tôi, một người đàn bà vất vả và đã để lại trong tôi ấn tượng về người phụ nữ trong gia đình. Do đó ba năm trước tôi đã bắt đầu viết cuốn Tiền định. Tôi viết nó một cách rất thong thả, xen kẽ vào thời gian tôi viết truyện ngắn và vẽ tranh. Những lúc thật thư thái để nghĩ về mình, tôi mới cầm bút viết tiểu thuyết này.

* Nhà văn có quan tâm đến văn học trẻ hay không? Theo nhà văn thì so với những người đi trước,  các cây bút trẻ đã làm được gì và chưa làm được điều gì?

- Tôi rất quan tâm đến văn học trẻ. Tôi thấy họ đầy màu sắc và tài năng. Người đọc hi vọng vào lớp văn trẻ trên văn đàn rồi sẽ rất rực rỡ. Vì với thời đại mở cửa này người viết trẻ được hội nhập, được giao lưu văn hóa với thế giới. Những hiểu biết, những kinh nghiệm sống của họ cũng dồi dào hơn cái thuở chúng tôi còn trẻ như họ. Đấy chính là một may mắn, một ưu điểm của họ.

* Nhà văn nghĩ gì khi rất nhiều cây bút trẻ còn thiếu những cảm xúc chân thật từ trải nghiệm của bản thân và thiếu vốn sống? Liệu điều đó có là một rào cản khiến tác phẩm của họ khó ở lại trong lòng người đọc?

- Họ đầy năng lực nhưng rõ ràng cái họ thiếu là trải nghiệm đời sống. Đấy cũng chính là điều tôi mong muốn ở những cây viết trẻ. Sự trải nghiệm phải là một quá trình tích lũy lâu dài chứ không thể vội vàng ngày một ngày hai được. Họ cần phải “chín” nữa, cần phải năng động hơn nữa trong ngòi bút của mình. Dù thế nào thì văn trẻ cũng hứa hẹn một mùa quả ngọt hơn những thế hệ trước. Bởi vì trong những trang văn đầu đời của họ đã thấy hé lộ một năng lực sáng tạo, đã chinh phục được nhiều người đọc.

* Xin cảm ơn nhà văn Đoàn Lê. Chúc nhà văn luôn dồi dào sức sáng tạo. 

Tác giả: Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây