Di Li: Nữ quyền không phải là khỏa thân hay giải phóng tình dục!

Thứ tư - 01/08/2012 04:25 4.920 0

Nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li
“Tôi có một sự nghiệp riêng, tự làm ra tiền và tôi biết người đàn ông của mình tự hào về điều đó”, nữ nhà văn chia sẻ.

Không thích đàn ông đẹp

* Vừa qua tôi xem một phim tài liệu của Anh nói về nhạc sĩ Edward Elgar. Ông có sáng tác một bài hát tặng vợ, bắt đầu bằng câu: “Nàng sắp đi qua đây có đẹp không?”. Đàn ông là thế sao, đến cả chưa gặp, chưa biết nàng là ai, mà điều đầu tiên quan tâm cũng phải là “nàng đẹp không?”.

- Chắc chắn rồi. Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai mà. Nhưng cái đẹp trong mắt đàn ông cũng đa dạng lắm. Có khi không phải đẹp tuyệt trần mà chỉ là một mái tóc, một ánh mắt, một góc con người. Chúng ta không phải là đàn ông, không hiểu hết họ được đâu. Còn với phụ nữ, có khi nhiều anh xấu trai, chẳng có tài cán hay tài sản gì mà cũng nhiều cô mê vì có khả năng ăn nói ngọt ngào. 

* Ngày nay nhiều cô gái cũng yêu bằng mắt chứ. Các nam ca sĩ đẹp trai có bạt ngàn fan nữ đấy thôi.

- (Cười). Ai chứ tôi thì không thích đàn ông đẹp. Tôi có cảm giác, phải nói là ác cảm thì đúng hơn, rằng đàn ông đẹp có vẻ bất tài, đần độn. Nghĩ thế thì hơi kỳ thị nhưng chẳng phải đàn ông thường nghĩ phụ nữ đẹp là ngu ngốc sao? Chị em cũng có quyền nghĩ lại về họ như thế.

Phụ nữ nhiều khi không cần một người đàn ông quá nổi trội về vẻ đẹp, họ cần sự chia sẻ, trí tuệ, tài năng, hài hước và nhiều thứ khác nữa. Đã thế, theo kinh nghiệm quan sát của tôi, phụ nữ đẹp thường không lấy đàn ông đẹp và ngược lại. Nhấn mạnh phần “và ngược lại” nhé.

* Tại sao?

- Rất đơn giản. Một phụ nữ đẹp thường tìm kiếm những thứ gì họ thiếu. Có câu chuyện vui về một minh tinh màn bạc rất xinh đẹp trò chuyện với một nhà khoa học trong một bữa tiệc thượng lưu. Cô ấy bày tỏ muốn có một đứa con với nhà khoa học vì “Đứa trẻ mang dung nhan của tôi và trí tuệ của ông thì sẽ rất tuyệt vời”. Nhà khoa học đáp: “Chỉ sợ đứa trẻ mang dung nhan của tôi và trí tuệ của cô thì nguy”.

Ngược lại, đàn ông đẹp nhiều khi lại chẳng đủ khả năng cưới được người phụ nữ đẹp khi không sở hữu những tài năng mà nàng kiếm tìm. 

Sex đâu phải là nữ quyền

 

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nội, là nhà văn nữ nổi tiếng với dòng tiểu thuyết trinh thám, kinh dị. Các tác phẩm đáng chú ý của chị là tiểu thuyết Trại hoa đỏ, Điệu Valse địa ngục, Bảy ngày trên sa mạc, Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, ký Đảo thiên đường, tản văn Cocktail thị thành… Ngoài văn chương, Di Li còn có chuyên môn PR, chị là giảng viên thỉnh giảng PR tại Đại học Hòa Bình (Hà Nội) và giảng viên biên chế tại Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, môn văn hóa Anh - Mỹ.

* Nữ quyền là thế nào nhỉ?

- Theo tôi, muốn hiểu rõ thì phải đặt trong tương quan so sánh.

Trong cùng một nước thì so sánh giữa các thời kỳ. Hàn Quốc chẳng hạn, từ thế hệ 7x trở về trước, phụ nữ thường có suy nghĩ lấy chồng rồi ở nhà chăm sóc con cái, sự nghiệp bị đặt xuống hàng thứ yếu. Nhưng ngày nay, tư tưởng này đã thay đổi, nhiều phụ nữ Hàn muốn xây dựng sự nghiệp của mình.

Còn giữa các nước khác nhau thì phải so lên, so xuống. Nữ quyền ở Việt Nam, nếu so với các nước đạo Hồi thì vẫn còn khá, nhưng so với phương Tây thì lại không bằng. Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình. Cái gì cũng có tính hai mặt.

* Dạo này người ta nói nhiều đến nữ quyền, nhưng không hiểu sao càng nói càng rối. Đến nỗi những người hô hào “nữ quyền” nhiều quá cũng bị người ta chế giễu.

- Tôi thấy có một trường hợp nổi bật là trong nghệ thuật (triển lãm tranh, ảnh, biểu diễn nghệ thuật đương đại…) người ta cứ đưa việc cởi quần áo, giải phóng tình dục ra để rêu rao về nữ quyền. Làm thế tôi cho là rất ngờ nghệch. Bộ phận sinh dục của phụ nữ đâu phải tượng trưng cho nữ quyền. Còn ham muốn tình dục của phụ nữ thì đàn ông có cấm đâu mà phải giải phóng.

Sex trong nghệ thuật, nếu muốn thì cứ đưa vào, nhưng nó liên quan đến sáng tạo nghệ thuật chứ đừng vơ vào là thể hiện nữ quyền. Một ví dụ xa hơn một chút, bộ ảnh của người mẫu Ngọc Quyên một hồi râm ran trong dư luận. Tôi thấy vài bức cũng đẹp chứ không phải là dung tục hết đâu, nhưng đừng có gắn với “bảo vệ môi trường”, gượng ép lắm. Nói là chủ đề “con người với thiên nhiên” thì có làm sao đâu.

* Vậy theo chị nữ quyền là gì?

- Tôi nghĩ quan trọng nhất là quyền tự quyết. 

* Sự độc lập của phụ nữ có vai trò như thế nào trong bình đẳng giới?

- Độc lập liên quan mật thiết đến bình đẳng. Có độc lập thì mới bình đẳng được. Nếu mọi cái mình đều không bằng người ta, tiền do người ta kiếm, học vấn của người ta hơn mình, vị thế xã hội cũng hơn… thì mong bình đẳng thế nào được. Phụ nữ cũng cần có tri thức. Muốn đòi một quyền gì đó thì cũng phải có hiểu biết mới đòi được chứ.

* Chị có nhiều bài viết hay về bình đẳng nam nữ trên trang web riêng, trên báo và trong các cuốn sách. Tại sao chị quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới thế?

- Điều đó là do cái tôi cá nhân. Trong gia đình tôi, mẹ là người nội trợ, bố đi làm nuôi cả gia đình, là chủ gia đình và rất gia trưởng. Lời của bố là ý Chúa. Vợ con không có quyền can thiệp gì cả.

Đến khi đi lấy chồng, ngày đầu tiên tôi về nhà chồng, bố chồng hỏi vui tôi: “Con có hầu chồng con được như mẹ hầu bố không?”. Nhiều người xung quanh tôi đều sống như thế, bè bạn, họ hàng, đồng nghiệp… Nhưng tôi thấy thế là không ổn và tôi muốn viết để chia sẻ quan điểm đó của bản thân.

Nhưng nhiều khi để thay đổi chỉ một quan niệm, người ta cần đến cả thế kỷ chứ không chỉ đơn giản là bằng một vài bài báo nho nhỏ.

* Chị nghĩ nhiều phụ nữ quan tâm đến bình đẳng giới như chị không?

- Tôi nghĩ là không.

* Nhà chị có mấy anh chị em?

- Tôi có một em gái.

* Quan điểm của em gái chị thế nào?

- Không đến nỗi bảo gì nghe nấy nhưng cũng không quyết liệt như tôi. Có vẻ… dễ thỏa thuận hơn.

* “Bảo gì nghe nấy” có đồng nghĩa với ngoan không?

- Phải (cười).

Nói đùa chứ “ngoan” thì từ dành cho trẻ con chứ có phải dành cho người lớn đâu.

* Ồ, chẳng phải người ta vẫn hay nói “cô gái ngoan”, “người vợ ngo- an”?

- Chắc chỉ riêng Việt Nam “bịa” ra. Tiếng Anh người ta có từ “ngoan” cho phụ nữ đâu. Còn “good” chỉ là một từ chung chung. 

Chồng không bao giờ muốn tôi là một phụ nữ nội trợ

* Trên bàn tiệc, phụ nữ Việt Nam (hoặc được yêu cầu hoặc tự nguyện) rót rượu, gắp thức ăn, bóc vỏ tôm cho người đàn ông… Nhìn qua thì thấy bình thường, nhưng hình như không phải thế.

- Đó là văn hóa, tổng thể của những quan điểm, thói quen và truyền thống… Tôi không nói là từ việc phụ nữ phục vụ bàn ăn thì đi đến ngay kết luận xã hội bất bình đẳng; nhưng khoảng 1.000 trường hợp nhỏ lẻ như thế cộng lại thì có thể đi đến nhận xét đó.

* Có cần thay đổi không?

- Có chứ. Tôi đi ăn chẳng bao giờ phục vụ như thế. Ngược lại đàn ông phải phục vụ tôi ấy chứ. Đó là cơ hội thể hiện sự ga-lăng của anh ta mà. Tại sao tôi phải lăng xăng chạy việc còn anh đàn ông to khỏe hơn lại không làm?

Tuy nhiên, tôi cũng thường không để nam giới trả tiền thay cho mình mỗi khi đi cà phê hay đi ăn. Đó chính là sự bình đẳng.

* Trong gia đình chị thì sao?

- Tất tần tật vợ chồng tôi chia đôi hết. Công bằng trong thu nhập. Phụ nữ muốn bình đẳng thì phải bình đẳng từ trong tư duy. Phụ nữ chia sẻ thu nhập với đàn ông, đàn ông chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Chứ ngồi nhà làm bà hoàng, không đóng góp gì hết mà cũng đòi quyền bình đẳng thì không hợp lý.

* Người ta thường ái ngại những phụ nữ quá độc lập, cho rằng họ không khéo léo trong đời sống gia đình.

- Tôi không hiểu sao lại đồng nhất độc lập với tan vỡ hạnh phúc gia đình. Tất nhiên được cái này thì cái kia cũng phải bớt đi một chút, phải chấp nhận, nhưng chỉ những ai kém cỏi mới đánh mất hoàn toàn. Còn người giỏi giang thì sẽ giữ được.

Tôi nghĩ cũng có những người đàn ông rất khuyến khích phụ nữ độc lập. Cá tính làm nên sự hấp dẫn riêng của một mối quan hệ.

* Chồng chị nghĩ sao khi vợ có quan điểm rõ ràng về bình đẳng giới như vậy?

- Từ trước đến nay, tôi vẫn giữ quan điểm đó. Trước khi yêu nhau, anh ấy đã biết con người tôi là như vậy. Chồng tôi không bao giờ muốn tôi là một phụ nữ nội trợ. Tôi có thu nhập tốt, đóng góp một phần đáng kể cho gia đình, tại sao lại phải bỏ chứ? Khi gây dựng cho mình một sự nghiệp riêng, tôi biết chồng tôi tự hào. Không chỉ cho anh ấy mà cho cả gia đình. 

Nổi tiếng nghĩa là mất quyền thích nói gì thì nói

Vừa rồi có một tờ báo phỏng vấn tôi, mà nội dung chủ yếu xoay quanh trong đó có hỏi về phát ngôn của người mẫu Ngọc Trinh, “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”.

* Hình như trong thời gian qua, rất nhiều nghệ sĩ nữ, tất nhiên trong đó có các nhà văn, đều được/ bị hỏi về chủ đề đó thì phải. Chị trả lời sao?

- Tôi nói rõ ràng là: Nói gì không quan trọng bằng ai nóinói ở đâu. Cùng là một câu nói, nhưng phải là người như thế nào mới được quyền phát ngôn.

Khi đã là người của công chúng, có danh tiếng, có tiền bạc, người ta phải chịu mất đi một số quyền lợi, trong đó có quyền thích nói gì thì nói. Đó là quy luật được mất ở đời. Đến ngôi sao lớn như diễn viên Sharon Stone của Mỹ mà cũng từng gặp vạ miệng khi phát ngôn về một trận động đất ở Trung Quốc, phải xin lỗi đấy thôi. Không thể phát ngôn lung tung rồi bao biện là tôi thật thà, chất phác được.

* Biết đâu đó là mánh PR của các ông bầu?

- Một nguyên tắc cơ bản của PR là làm cho công chúng thích mình chứ không phải ghét mình. Tôi nói ngắn gọn thế thôi.

* Dạo này chị đọc sách gì?

- Cuốn gần đây nhất tôi vừa đọc là Tuổi xuân tan thành hai mươi mảnh của Quách Tiểu Lộ.

* Tại sao lại chọn sách đó?

- À, cuốn này là của một ai đó tặng tôi. Thấy bìa sách có vẻ sến, tưởng sách sến của Trung Quốc tôi đã xếp ra đống sách thải cách đây vài tháng. Đang chuẩn bị bê đi thì tình cờ lật vài trang, rồi không thể dứt nổi cho đến trang cuối.

* Chị thấy cuốn đó thế nào?

- Một trong những cuốn sách rất tuyệt. Giọng văn hài hước và cuốn hút để miêu tả một sự khốc liệt và mòn mỏi trong quá trình chờ đợi khoảnh khắc “vươn tới một ngôi sao” của những người trẻ. Tôi ngưỡng mộ lối hành văn của Quách Tiểu Lộ.

* Chị còn có sở thích gì ngoài viết văn?

- Tôi xếp theo thứ tự từ thích nhất nhé: Du lịch, khiêu vũ, ca hát, điện ảnh, nữ công gia chánh và cuối cùng là shopping. Tôi thích các hoạt động. Còn đọc sách đương nhiên không phải tính vào đây.

* Ca hát? Là..?

- À, không phải karaoke đâu. Thỉnh thoảng tôi vẫn bị cử đi thi văn nghệ thành phố. Cũng có vài cái giải vui đấy.

* Thế còn việc viết lách của chị đến đâu rồi?

- Tôi vừa ra mắt cuốn The Black Diamond gồm 18 truyện ngắn của tôi được dịch ra tiếng Anh và cuốn Xác chết dưới nước của tác giả Patricia Cornwell tôi dịch ra tiếng Việt. Khoảng tháng 8 thì tôi cũng sẽ phát hành tập truyện ngắn San hô đỏ với 11 truyện ngắn hoàn toàn mới.

Tác giả: Mi Ly

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây