Cuộc thi thơ và truyện ngắn trên Văn nghệ quân đội: Hy vọng những tên tuổi mới

Chủ nhật - 31/01/2010 21:52 2.775 0
Cuộc thi truyện ngắn và thơ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã đi hết chặng đường hai năm 2008 - 2009, một mùa giải đã kết thúc với nhiều thành công và mở ra những triển vọng mới. Để giúp bạn đọc có được hình dung rõ nét hơn về các tác giả, tác phẩm và chất lượng của cuộc thi này, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Đình Tú - Trưởng ban sơ khảo truyện ngắn và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - trưởng ban sơ khảo thơ.

PV: Qua dư luận bạn đọc, có thể vui mừng nhận thấy truyện ngắn của ta trong cuộc thi này có dung mạo khá chững chạc, bề thế với những dấu hiệu khởi sắc. Thưa nhà văn Nguyễn Đình Tú, nếu phải nói lời đầu tiên về hơn hai ngàn truyện ngắn dự thi, anh sẽ nói gì?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Ngay sau khi cuộc thi được phát động bộ phận thường trực chúng tôi đã nhận được rất nhiều truyện ngắn dự thi gửi về. Nếu tính trung bình mỗi tháng có 100 truyện ngắn gửi về dự thi thì sau 2 năm tròn đã có hơn 2000 truyện ngắn dự thi. Do số trang của tạp chí có hạn nên cuộc thi chỉ giới thiệu được 115 tác phẩm của 69 tác giả. Điều nổi lên qua cuộc thi này mà chúng tôi nhận thấy là:

Thứ nhất, thu hút được rất nhiều lứa tuổi tham gia, tác giả nhiều tuổi nhất đã bước qua tuổi 80 là Quan Nam Trường Định và tác giả trẻ tuổi nhất là Lưu Quang Minh vừa bước vào tuổi 20. Đề tài các tác phẩm đề cập đến rất phong phú, đối tượng phản ánh đa dạng, cách viết cũng có nhiều thể nghiệm, tìm tòi.

Thứ hai, rất nhiều tác giả mới lần đầu tiên xuất hiện, chứng tỏ cuộc thi đã khai thác được tiềm năng văn học rất lớn trong các đối tượng bạn viết khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Trong số 69 tác giả có tác phẩm được in thì có tới 35 tác giả lần đầu tiên xuất hiện trên Văn nghệ Quân đội như Mai Tiến Nghị, Đỗ Nhật Minh, MC Amond Nguyen Thi Tu, Lưu Quang Minh, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Phú, Nguyễn Duy Liễm, Nguyễn Quốc Hùng, Ngô Phan Lưu, Phùng Phương Quý, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Anh Vũ, Hoàng Điệp, Trần Nguyễn Anh, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Trung, Đỗ Doãn Phương, Hoàng Chiến Thắng, Uông Triều, Thiên Phạm, Nguyễn Văn Trang, Vương Trí Văn, Tiến Dũng, Lương Minh Vũ, Trần Văn Đẳng, Đặng Thiều Quang, Võ Thị Hạnh Thủy, Nguyễn Xuân Hòa, Văn Thành Lê, Lê Mạnh Thường, Lê Minh Nhựt, Phạm Thị Ngọc Điệp, Phạm Thị Điệp Giang….

Thứ ba, các tác giả là bộ đội tham dự khá đông đảo và đều có tác phẩm đoạt giải cao như trung úy Nguyễn Phú, thiếu úy Nguyễn Xuân Thủy, đại úy Nguyễn Mạnh Hùng…

PV: Đề tài là phương diện số một của nội dung, nhưng bản thân đề tài không quyết định được chất lượng tác phẩm. Người đọc luôn chờ đón những tác phẩm có khả năng làm mới truyện ngắn Việt Nam với những tìm tòi về thi pháp. Điều đó có xuất hiện ở cuộc thi này?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Nói đến đề tài thì trước hết xin phải nhắc lại thể lệ cuộc thi một chút. Cuộc thi truyện ngắn của chúng ta chấp nhận mọi đề tài nhưng ưu tiên đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay. Và điều thật đáng mừng là những tác phẩm về đề tài này vẫn chiếm số lượng nổi trội trong số những tác phẩm được in. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là Ban tổ chức coi nhẹ “yếu tố nghệ thuật” mà nặng về “yếu tố đề tài”. Nhìn vào các hạng mục giải bạn đọc sẽ thấy sự đa dạng của các tác phẩm dự thi và sự trân trọng các đề tài khác nhau của các thành viên sơ khảo và chung khảo. Những tìm tòi về thi pháp xét cho cùng là tìm cách kể hấp dẫn để chuyển tải một nội dung truyện độc đáo và giàu tính nhân văn, không phụ thuộc vào đề tài. Các vấn đề của chiến tranh, hậu chiến, xã hội hay người lính hôm nay đều là chất liệu tốt cho những người viết có tay nghề, có tâm huyết và tài năng. Ban tổ chức chờ đợi sản phẩm cuối cùng của quá trình sáng tạo là những tác phẩm đã thành hình và nếu nhìn dưới góc độ đó thì cuộc thi đã xuất hiện nhiều tìm tòi, nhiều giọng điệu, nhiều truyện ngắn đáng đọc.

PV: Nhân nói về thứ hạng của giải truyện ngắn lần này, thực tế cho thấy là cuộc thi đã không có giải nhất, liệu đây có phải là một thất bại của cuộc thi hay còn có những điều gì đó mà ban tổ chức không thể trao giải nhất?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Cái mừng của Ban tổ chức là phát hiện ra nhiều tác giả mới, trẻ, có tìm tòi về thể loại nhưng cái mừng đó cũng không thay thế được một sự thật là chưa tìm thấy một sự bứt phá thực sự, một ngọn cờ đúng nghĩa trên cái chân đế khá rộng và cao của cuộc thi này. Hội đồng chung khảo rất muốn trao ngôi vị quán quân cho một trong ba tác giả đứng ở giải nhì nhưng cân đong đo đếm cho kỹ càng thì họ đều có những hạn chế nhất định mà trao giải nhất cho họ thì e khó thuyết phục với đại bộ phận số đông bạn đọc đã kỳ vọng vào cuộc thi này. Ban tổ chức đã để khuyết giải nhất là biểu thị sự nghiêm túc của các thành viên chấm giải, sự đồng thuận trong đánh giá cuộc thi đã phản ánh đúng hiện trạng truyện ngắn hôm nay và sự tôn trọng đúng mực đối với độc giả vốn yêu quý phần văn xuôi của Tạp chí VNQĐ.

PV: Truyện ngắn của ta đã và đang hay, những năm qua đã cho thấy điều đó, trong khi thơ dường như vẫn mê mải trong hành trình xa lắc đi tìm gương mặt của mình. Thưa nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, cuộc thi này có thể giúp ta định hình rõ nét hơn về hướng đi của thơ hôm nay?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Theo tôi, thơ vẫn đang có mặt đàng hoàng trong cuộc sống như sự tồn tại đương nhiên của ngôn ngữ. Hiện nay, có người nói đến sự xuống cấp hay mất mùa của thơ trong khi họ đọc rất ít và khả năng cảm nhận về thể loại văn học tinh tế này cũng thật nông cạn. Thời gian qua không phải không có những tập thơ, bài thơ, câu thơ khá và hay xuất hiện ở nước ta. Và cũng phải nói thêm rằng, thơ là thể loại văn học kén bạn đọc. Thơ là phần hồn của cuộc sống bởi nó được thoát ra từ chiều sâu suy cảm của con người; tuy vậy cũng đừng xem thơ là cái gì đó thần bí, vời xa khó nắm bắt được. Thơ, suy cho cùng chỉ là cách giải mã những xúc cảm, tâm thức của con người một cách cô đọng, với những hình ảnh và nhạc điệu mang dấu ấn riêng biệt của người sáng tác. Mỗi người làm thơ có một con đường riêng của mình và đương nhiên độc giả của họ hiếm khi là tất cả. Trong tổng thể, diện mạo thơ của một dân tộc chính là sự tiếp nối, bổ sung, góp mặt của nhiều thế hệ, nhiều tác giả, nhiều giọng điệu…trên cái mẫu số chung là lòng yêu nước, thương dân và hướng tới những cao đẹp của nhân loại. Cuộc thi thơ trên tạp chí Văn nghệ quân đội lần này cũng không nằm ngoài mục đích chung đó. Những tác phẩm đã được giới thiệu và được trao thưởng phản ánh trung thực những xu hướng thơ hiện nay ở nước ta; đó là sự đổi mới trên nền truyền thống và cách tân theo hướng hiện đại. Cuộc sống là một dòng chảy không bao giờ ngưng, luôn thay đổi và thơ cũng vậy, theo tôi không có sự định hình nào cả, nó phải luôn luôn mới, mới trong những cái tưởng rằng đã vô cùng quen thuộc, vô cùng truyền thống…

PV: Một sự đột phá, một sự bừng sáng liệu có không thưa nhà thơ? Truyền thống và cách tân, xu hướng nào chiếm ưu thế trong cuộc thi?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Cuộc thi lần này tập hợp được nhiều thế hệ tác giả làm thơ trong và ngoài nước. Không hiếm người dự thi là nhà thơ hoặc nhà văn đã có tên tuổi ở Việt Nam như Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Thanh Mừng, Ngô Minh, Hoàng Vũ Thuật, Irasara, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thúy Quỳnh, Hồng Thanh Quang, Võ Sa Hà, Nguyễn Ngọc Phú, Lâm Huy Nhuận, Văn Công Hùng, Nguyễn Chí Hoan, Đoàn Mạnh Phương, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Văn Chinh, Hồ Thanh Điền, Vi Thùy Linh, ..Những tác giả trẻ và mới xuất hiện cũng rất đông đảo như Hoàng Chiến Thắng, Phạm Việt Đức, Võ Ánh Hồng, Đoàn Văn Mật, Yên Khương, Lam Hạnh, Trần Thu Hương, Lương Hữu Quang, Trần Minh Tạo, Hoàng Công Danh, Phạm Thùy Linh, Hoàng Gia Minh, Nguyễn Đức Lợi, Hoàng Thuấn, Nguyễn Quang Việt, Huỳnh Thúy Kiều...Dư luận cho rằng cuộc thi thơ VNQĐ lần này có cái nền khá vững. Theo tôi, cuộc thi đã có những gặt hái đáng khích lệ; không phải không có những bài thơ ấn tượng như Hoa mộc miên biên giới, Mưa rơi dọc Cam Ranh của Nguyễn Linh Khiếu, Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Bà tôi của Hoàng Chiến Thắng, Đôi mắt người mù của Phạm Việt Đức, Thời đất nước gian lao của Nguyễn Việt Chiến…Nếu chọn lọc tập hợp lại những bài thơ dự thi thành một ấn phẩm tôi tin rằng nó không làm cho đông đảo bạn đọc thất vọng. Cái mới cũng đã xuất hiện trong cuộc thi: mới trên nền truyền thống và mới nhờ sự tiếp nhận một số trào lưu thơ nước ngoài.Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng cuộc thi chưa xuất hiện sự đột phá, sự bừng sáng của một vài tác giả nào đó. Nếu cuộc thi có cái hay cũng mới chỉ là cái hay quen thuộc. Xu hướng đổi mới truyền thống (chứ không phải truyền thống) có vẻ như chiếm ưu thế trong cuộc thi thơ.

PV: Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh người lính không mờ khuất trong tâm thức dân tộc. Xin các anh cho biết nhân vật người lính có vị trí như thế nào trong cuộc thi này?

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Như đã nói, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay tiếp tục có những thành công mới trong cuộc thi này. Điều mừng hơn nữa là bên cạnh những tác giả có bề dày về truyện ngắn tiếp tục có tìm tòi về đề tài chiến tranh và hậu chiến như Lê Nguyên Ngữ với chùm truyện Lăn theo với cát và Loay xoay thuyền thúng, Xuân Đức với Chim tapar đang ở đâu, Nguyễn Minh Ngọc với Chuyện của người chép sử, Nguyễn Đức Thiện với Cho một ngày mai khác, Phạm Duy Tương với Sinh trong tù, Phùng Phương Quý với Hai bờ rạch Tráng… thì đã xuất hiện một lớp tác giả mới, rất trẻ, thuộc thế hệ 7x và 8x, viết khá hay về đề tài này và gây được ấn tượng tốt cho ban tổ chức cuộc thi như Nguyễn Anh Vũ với Ngủ giữa hoa sen, Phong Hân với Lá che phận người, Uông Triều với Đôi mắt Đông Hoàng, Thụy Anh với Nắng chiều, Thiên Di với Những đứa con của mẹ…Điều muốn nói thêm nữa là đề tài người lính hôm nay, một đề tài mà các cuộc thi truyện ngắn của VNQĐ luôn đặc biệt quan tâm, đã thực sự có những tác phẩm gây dấu ấn ở cuộc thi này. Các thành viên của ban chung khảo đều đã đánh giá cao Chuyện không có trong báo cáo của Nam Ninh và Đồi lau sau hoa tím của Nguyễn Phú, chính những truyện ngắn này đã góp phần đưa hai tác giả trên đến với giải cao nhất của cuộc thi.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Tôi rất đồng ý với nhận định của anh về hình ảnh của người lính trong tâm thức dân tộc hôm nay. Theo tôi, thực sự còn nỗi ám ảnh về những cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mà dân tộc ta đã gồng mình đối mặt trong nửa cuối thế kỷ XX vừa qua. Cái giá của chiến thắng vô cùng lớn, lớn đến mức chúng ta không dám nói hết, lớn đến mức nhân dân còn nguyên nỗi đau đớn xót xa. Bao nhiêu xương máu đã đổ xuống trên dải đất này. Bao nhiêu bi kịch gia đình, dòng tộc đã xuất hiện trong các cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt đó. Và người lính cùng với thân nhân của họ tất yếu sẽ được nhắc nhiều đến trong câu chuyện về hôm qua; từ dĩ vãng bi tráng họ bước sang cuộc sống hôm nay, họ sống tiếp trong văn học nghệ thuật với từng kỷ niệm, từng dấu tích của một thời đầm đìa máu và mồ hôi, với từng khát vọng ước mơ chưa thành hiện thực. Trong tâm tưởng, trong tâm linh của chúng ta chưa bao giờ vắng bóng người lính. Điều đó cắt nghĩa vì sao cuộc thi thơ trên VNQĐ lần này có gần 40% bài viết về chiến tranh và người lính. Người lính hôm qua và người lính hôm nay cần được tạc vào thi ca như một nét đẹp bi hùng của dân tộc, như là sự tri ân với quá khứ oanh liệt.

PV: Một cuộc thi bao giờ cũng được đánh dấu bằng những cái tên tác giả, giúp cho việc phát hiện tài năng. Những gương mặt nào của thơ và truyện ngắn có thể khiến ta hi vọng?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Với tôi, thì đó là Hoàng Chiến Thắng và Phạm Việt Đức.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Chúng tôi, những người làm công tác bản thảo ngay từ khâu đầu tiên có thể nói là không chỉ hy vọng mà còn rất vui mừng phát hiện ra nhiều tác giả mới, nhiều tài năng văn học đầy hứa hẹn. Có những tác giả bắt đầu xuất hiện và đã trưởng thành thực sự sau khoảng thời gian hai năm của cuộc thi. Điều này cho thấy công tác tổ chức cuộc thi rất quan trọng, một loạt trại viết được mở ra chính là để thu hút, tập hợp lực lượng viết chuyên và không chuyên, đồng thời đây cũng chính là môi trường tốt để các tác giả tự học hỏi, tự vươn lên và khẳng định mình. Những tác giả đoạt giải lần này bên cạnh một vài gương mặt đã là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam thì đa số là những cái tên còn mới tinh, và chúng tôi tin rằng, chỉ vài năm nữa thôi, chính những cái tên này sẽ trở thành những hội viên mới của Hội nhà văn Việt Nam, tức là sẽ có thêm những cây bút chuyên nghiệp bước ra từ cuộc thi này.

PV: Xin cảm ơn hai anh!

Tác giả: P.V

Nguồn tin: Văn nghệ quân đội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây