Trong số 108 khách mời quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia, chỉ có 8 đại diện của các nhà xuất bản; một số đơn vị xuất bản lớn trong nước không có cơ hội tham dự chính thức, các hãng phát hành hầu như bị bỏ quên... Nhìn từ thành phần khách mời, hội nghị được đánh giá là giống với cuộc gặp gỡ các dịch giả hơn là một sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu, tiếp thị văn học VN ra thế giới.
Dịch giả rất quan trọng, nhưng...
Lý giải cho sự chênh lệch giữa số lượng dịch giả và đại diện các nhà xuất bản, ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn - cho biết: "Một trong những mục tiêu của Hội nghị là cung cấp cho dịch giả quốc tế một cách có hệ thống bề dày cũng như các giá trị của văn học VN; tập hợp, đoàn kết lại đội ngũ dịch giả văn học trong và ngoài nước, làm cơ sở cho việc tiếp cận, lựa chọn, xây dựng kế hoạch dịch và giới thiệu văn học VN...".
Ông Phạm Sỹ Sáu, NXB Trẻ. Ảnh: L.T. |
Với thành phần chính là các dịch giả, tại hội nghị này, văn học VN sẽ được giới thiệu chủ yếu đến những người làm công việc chuyển ngữ. Nhưng chuyển ngữ, trong quá trình xuất bản, được coi là khâu trung gian, ở giữa chứ không phải là sự khởi đầu. Ngay cả khi được tiếp thị tốt, cũng hiếm có những dịch giả chủ động bỏ công dịch một tác phẩm nào đó nếu bản thân họ không được đảm bảo rằng bản thảo sẽ được một nhà xuất bản nào đó nhận in. Vì vậy, ông Phạm Sỹ Sáu - Trưởng Ban khai thác đề tài - giao dịch tác quyền NXB Trẻ - cho rằng: "Các dịch giả có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển ngữ tác phẩm. Nhưng tôi nghĩ, Hội nghị nên đặt vấn đề với nhiều nhà xuất bản hơn. Bởi NXB là người quyết định khai thác cái gì, đầu tư vào đâu. Khi đã có sự lựa chọn, họ sẽ chủ động tìm kiếm người dịch".
Ít ỏi nhà xuất bản nước ngoài tham gia, hội nghị hầu như vắng bóng các đơn vị phát hành, phân phối. Ông Phạm Minh Thuận - Giám đốc Fahasa - đánh giá: "Tôi thấy hội nghị vẫn được tổ chức theo cách bao cấp, chưa quan tâm đến vấn đề thị trường, thị hiếu của người đọc. Không phải cái gì chúng ta đánh giá cao thì đều được độc giả nước ngoài cho là hay, là tốt. Người dịch rất quan trọng, nhưng có gặp gỡ, trao đổi với các nhà xuất bản, các đại diện văn học, chúng ta mới biết, người nước ngoài cần tìm hiểu gì về Việt Nam, cái gì của chúng ta là hay với họ".
... Nhà xuất bản, người phát hành cũng mong muốn bày tỏ
Trước những phản ứng về danh sách khách mời, chiều 28/12, Hội Nhà văn đã tổ chức gặp gỡ đại diện 11 nhà xuất bản trong nước, gồm: NXB Hội Nhà văn, Văn Học, Thanh Niên, Phụ Nữ, Thế Giới, Văn hóa Thông tin... Trao đổi với VnExpress.net, nhà văn Hoàng Minh Tường - thành viên Ban tổ chức - cho biết thêm: "Đây là hội nghị giới thiệu văn học VN ra nước ngoài, nên chúng tôi chủ yếu hướng tới các đơn vị, tổ chức nước ngoài chứ không phải trong nước. Nhưng nếu các nhà xuất bản có nhu cầu gặp gỡ đối tác tại Hội nghị, họ có thể đến đăng ký với Ban tổ chức, chúng tôi sẽ đứng ra môi giới".
Trao đổi lại với ông Phạm Minh Thuận về gợi ý này, ông nói: "Fahasa có giao dịch với hàng trăm nhà xuất bản, hãng phát hành trên thế giới. Chúng tôi không đợi hội nghị này mới tạo lập được quan hệ. Nhưng thiết nghĩ, quảng bá văn học VN là trách nhiệm chung của những người làm xuất bản. Hội nghị nên là nơi tập hợp những người có tâm huyết để bàn bạc với nhau những giải pháp để đưa văn học VN ra nước ngoài hiệu quả nhất".
Ông Phạm Minh Thuận - Giám đốc Fahasa. Ảnh: st. |
Tuy không được mời đến hội nghị, nhưng ông Thuận cho biết, Fahasa vẫn rất quan tâm đến hội nghị và mong muốn chia sẻ những khó khăn của mình trong quá trình quảng bá, tiếp thị sách Việt. Theo ông, với mối quan hệ làm ăn lâu dài, Fahasa có thể đề nghị đối tác dịch và xuất bản một số đầu sách của VN. Nhưng ông nói: "Nhiều khi chúng tôi không có gì để chào hàng. Một số đầu sách của NXB Thế Giới được dịch và in ấn công phu. Nhưng khi giới thiệu ra nước ngoài lại gặp phải những vấn đề như sách không có mã số quốc tế ISBN, chất lượng giấy không đảm bảo... Giá như những vấn đề này được đem ra trao đổi giữa các nhà xuất bản, những đơn vị làm sách thì ít nhất, chúng ta cũng sẽ giải quyết được một số vấn đề về mặt kỹ thuật".
Còn ông Phạm Sỹ Sáu chia sẻ: "Trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài, không phải chúng tôi không có ý thức quảng bá văn học VN mà là điều kiện kinh tế chưa cho phép". Theo ông, để chào hàng với các nhà xuất bản nước ngoài, 2 năm nay, NXB Trẻ đã chủ động tóm lược hoặc trích dịch ra tiếng Anh một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần, Sơn Nam, Toan Ánh... Nhưng để có được hiệu quả thiết thực, khâu dịch thuật phải được đầu tư rất kỹ lưỡng. Dịch giả phải là các chuyên gia giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài. Dịch xong phải mời người nước ngoài hiệu đính. Quy trình này rất tốn kém, bởi giá thuê dịch giả và người hiệu đính nước ngoài thường cao hơn nhiều so với mức trung bình nhuận bút dành cho các dịch giả trong nước. Bên cạnh đó là rất nhiều chi phí khác. Vì vậy, theo ông, muốn quảng bá văn học VN ra nước ngoài, nhà nước và các đơn vị xuất bản phải biết chấp nhận lỗ ban đầu, "có khi phải chấp nhận lỗ trong vòng 10 - 20 năm".
Tuy nhiên, mong muốn được chia sẻ những vấn đề này tại Hội nghị của ông Thuận và ông Sáu khó có cơ hội thành hiện thực. Không chỉ bởi họ là những người không được mời mà còn bởi, hội nghị chỉ dành một buổi sáng cho nội dung trao đổi, thảo luận giữa các nhà xuất bản. Với thời gian ngắn ngủi này, các nhà xuất bản chỉ có thể ký kết hợp đồng chứ không thể bàn bạc, thảo luận gì về những khó khăn của công cuộc đưa văn học Việt Nam xuất ngoại.
Tác giả: Lưu Hà
Ý kiến bạn đọc